Bản tin thời sự sáng 18/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Ngãi cấm biển từ 17h ngày 17/12, sẵn sàng sơ tán gần 8.000 dân đảo Lý Sơn; 4 doanh nghiệp trúng đấu giá ký hợp đồng mua các lô đất Thủ Thiêm; Cà Mau đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp chi viện chống dịch; Tổng cục Đường bộ đề xuất hai phương án xử lý BOT Cai Lậy; TP.HCM bố trí vốn giải phóng mặt bằng 2 km Vành đai 3…

Quảng Ngãi cấm biển từ 17h ngày 17/12, sẵn sàng sơ tán gần 8.000 dân đảo Lý Sơn

Tất cả tàu thuyền tại Quảng Ngãi không được ra khơi kể từ 17h ngày 17/12. Đây là một trong những biện pháp ứng phó với bão Rai của Tỉnh.

406 tàu cá với 2.962 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển đã được thông báo về bão Rai

406 tàu cá với 2.962 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển đã được thông báo về bão Rai

Trước diễn biến phức tạp của bão Rai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có chỉ đạo khẩn về việc triển khai hoạt động ứng phó bão, mưa lớn có thể xảy ra.

Theo đó, kể từ 17h ngày 17/12, tỉnh Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động. Các phương tiện vận tải tuyến đường biển Sa Kỳ - đảo Lý Sơn và ngược lại cũng phải dừng hoạt động cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định.

Các đơn vị liên quan phải sử dụng tất cả các hệ thống thông tin liên lạc hiện có thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đặc biệt, lưu ý tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, khu vực phía Nam, vùng biển Quảng Ngãi phải khẩn trương di chuyển tránh trú ngay để đảm bảo an toàn trước khi bão ảnh hưởng nguy hiểm.

Các địa phương ven biển phải hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn. Riêng huyện Lý Sơn chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng cung ứng cho nhân dân trên đảo trong trường hợp biển động kéo dài.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 406 tàu với 2.962 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả tàu thuyền đã nhận được thông tin về bão Rai.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến di dời, sơ tán 2.650 hộ dân với 7.851 nhân khẩu tại 22 xã ven biển và huyện Lý Sơn.

4 doanh nghiệp trúng đấu giá ký hợp đồng mua các lô đất Thủ Thiêm

4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất "vàng" Thủ Thiêm đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP.HCM trong ngày 17/12.

Bán đảo Thủ Thiêm

Bán đảo Thủ Thiêm

Một đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh); Công ty CP Dream Republic; Công ty CP Sheen Mega; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã hoàn tất hợp đồng mua bán các lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.

Việc ký hợp đồng diễn ra với 3 bên: doanh nghiệp trúng đấu giá; Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM.

Như vậy, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày trúng đấu giá, các doanh nghiệp trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua bán tài sản theo đúng quy chế.

Bước tiếp theo là trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày kế tiếp, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế.

Trường hợp quá 180 ngày kể từ thời điểm ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Các cơ quan chức năng sẽ báo cáo và trình UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Theo tổng giám đốc một công ty bất động sản đang phát triển dự án quy mô lớn tại khu Đông TP.HCM, đây chỉ là thủ tục ban đầu, mang tính hình thức hơn là thực chất. Phải đến khi ngân sách TP.HCM nhận được tiền mua bán tài sản đấu giá, lúc đó Thành phố mới có thể xác thực sự quyết tâm cao của các doanh nghiệp trúng đấu giá. Vì vậy, cần hướng tới một mốc quan trọng nhất là 30 ngày kể từ thời điểm cơ quan thuế ký thông báo, các doanh nghiệp chuyển 50% số tiền đấu giá thành công cho ngân sách thành phố thì sự việc mới chắc chắn.

Cà Mau đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp chi viện chống dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số F0 mới tăng cao nhất nước, Cà Mau đề nghị Bộ Y tế chi viện thuốc điều trị, vaccine cùng 50 y, bác sĩ phòng chống dịch.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại Cà Mau

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt vừa gửi văn bản đến Bộ Y tế, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp: 50.000 liệu trình (ca) điều trị thuốc Molnupiravir và 20.000 liệu trình thuốc Favipiravir.

Đồng thời, địa phương cần hỗ trợ gấp 65.000 liều vaccine Pfizer trong tháng 12/2021 để tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư, bệnh nền nặng...

Về nhân lực, Cà Mau cần Bộ Y tế chi viện 6 đội với 50 y, bác sĩ để hỗ trợ địa phương điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời gian 3 tuần đến một tháng, bắt đầu từ 20/12. Trong đó, 10 bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trung bình, nặng và nguy kịch. Đội này hỗ trợ điều trị F0 ở tầng 2 và tầng 3 trong thời gian 3 tuần. 5 đội còn lại (mỗi đội 8 người, gồm 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng) hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

Tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép xác định F0 bằng test nhanh và xác định khỏi bệnh Covid-19 cũng bằng test nhanh trong một số trường hợp có tình trạng dịch tễ rõ ràng.

Tổng cục Đường bộ đề xuất hai phương án xử lý BOT Cai Lậy

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị hai phương án xử lý Dự án BOT Cai Lậy trong bối cảnh nhiều đoạn trên tuyến đường tránh đang hư hỏng, xuống cấp.

Mặt đường lồi lõm, đọng nước ở gần trạm thu phí trên tuyến tránh

Mặt đường lồi lõm, đọng nước ở gần trạm thu phí trên tuyến tránh

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, đơn vị đề xuất phương án một là tạm thu hồi Dự án để sửa chữa, bảo trì tuyến đường.

Phương án hai, thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư và thu hồi toàn bộ Dự án để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác. Các đề xuất này nhằm sửa chữa tuyến tránh Cai Lậy trước khi được thu phí trở lại và quản lý tuyến đường đảm bảo chất lượng, an toàn giao thông.

Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã 4 năm qua không được thu phí. Nhà đầu tư Dự án gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện tốt công tác duy tu, sửa chữa đường. Gần đây, nhiều đoạn trên tuyến tránh Cai Lậy đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nhiều chỗ bị sụt lún, một số đoạn ngập nước, hai bên lề đường, vỉa hè chưa được san phẳng...

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, đã nhiều lần yêu cầu Nhà đầu tư nghiêm túc quản lý, bảo trì đường, nhưng đến nay chưa thực hiện... Tuyến đường được khai thác từ tháng 6/2017, đến nay cần phải bố trí lượng kinh phí lớn để sửa chữa. Do đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất bảo trì tuyến đường bằng ngân sách nhà nước trước khi thu phí vào đầu năm sau.

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện xây dựng trạm thu phí mới, xong trước ngày 31/12; chuẩn bị điều kiện, nhân lực để thu phí ngay khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải), Bộ đã quyết định bổ sung thêm trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy để thu phí phương tiện, tách riêng hợp phần cải tạo Quốc lộ 1. Do vậy, nhiều khả năng Dự án sẽ tiếp tục được Nhà đầu tư thực hiện theo phương án tài chính đã có, không bị Nhà nước thu hồi.

Tuy nhiên, trước khi Dự án thu phí trở lại, việc sửa chữa mặt đường tuyến tránh Cai Lậy là cần thiết, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

TP.HCM bố trí vốn giải phóng mặt bằng 2 km Vành đai 3

Thành phố sẽ bố trí 1.600 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của Vành đai 3 đi qua địa bàn, để chuẩn bị khởi công vào năm sau.

Sơ đồ đoạn 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ đoạn 1A thuộc Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung này vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan kế hoạch triển khai dự án nêu trên trong giai đoạn 1. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án ở phần đi qua địa bàn sẽ được TP.HCM cân đối và bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách địa phương.

Dự án 1A dài 8,75 km, kết nối từ Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP. Thủ Đức). Phần lớn tuyến đường này đi qua Đồng Nai, với chiều dài 6,3 km, còn lại 2,45 km thuộc địa phận TP.HCM.

Năm 2016, Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 5.330 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do hai địa phương thực hiện. Khi đó, đoạn qua TP.HCM chỉ gần 149 tỷ đồng và Đồng Nai gần 476 tỷ đồng. Đến nay, sau khi cập nhật, phía TP.HCM tăng lên gần 1.600 tỷ đồng và Đồng Nai khoảng 651 tỷ đồng.

TP.HCM trước đó kiến nghị Trung ương bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho phần tăng thêm, song Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thành phố tự cân đối. Hiện, kinh phí đền bù giải toả cho Dự án 1A tăng thêm nên Bộ Giao thông vận tải tập trung làm các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, từ 5.330 tỷ đồng lên 6.955 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 11/2021, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ Giao thông vận tải quản lý Dự án) cho biết, hồ sơ thiết kế Dự án đã được phê duyệt và đang chờ nhà tài trợ xem xét, duyệt hồ sơ mời thầu. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào quý I/2022.

Sở Y tế Ninh Bình thay thế văn bản xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, cách ly cho người về từ Hà Nội

Sau khi Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Y tế thu hồi văn bản yêu cầu người từ Hà Nội khi đến địa phương này phải cách ly. Chiều tối ngày 17/12, BS. Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình đã ký Văn bản số 3557 thay thế Văn bản số 3529 về xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người về từ Hà Nội.

Sở Y tế Ninh Bình thay thế văn bản cách ly người đến từ Hà Nội

Sở Y tế Ninh Bình thay thế văn bản cách ly người đến từ Hà Nội

Theo đó, đối với người về Ninh Bình từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao cần khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT- PCR phù hợp với các vùng dịch tễ.

Không thực hiện xét nghiệm đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48h, những trường hợp có hộ khẩu tại Ninh Bình đi và trở về trong ngày.

Chiều 17/12, Bộ Y tế gửi văn bản đến UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị thực hiện nội dung nêu trên. Các đơn vị tại Ninh Bình nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Trước đó, Sở Y tế Ninh Bình ban hành hướng dẫn, trong đó yêu cầu người dân từ Hà Nội đến địa bàn phải cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Những người chưa tiêm đủ hai mũi vaccine và đang ở vùng dịch cấp độ 2 (màu vàng) của Hà Nội, người ở vùng dịch cấp độ 3, 4 khi đến Ninh Binh sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly.

Khi hết thời gian cách ly tập trung, người nào xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được về nhà và tiếp tục cách ly thêm 14 ngày.

Đối với người đã tiêm đủ hai liều vaccine và đang ở vùng dịch cấp độ 1, 2 của Hà Nội, khi đến Ninh Bình phải khai báo y tế với xã, phường, thị trấn, đồng thời cách ly y tế tạm thời tại nhà và lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, những người này được sinh hoạt và làm việc bình thường.

Trường hợp người dân đến hoặc về Ninh Bình trong thời gian ngắn (dưới 2 ngày) sẽ không phải cách ly tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm, nhưng phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính theo phương pháp PCR còn hiệu lực trong vòng 48 giờ.

Thừa Thiên Huế phá đường dây làm giả hàng chục nghìn con dấu, tài liệu

Đối tượng Phạm Tấn Huy cầm đầu tổ chức đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước, cung cấp cho hơn 10.000 người, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Khuôn dấu giả, bằng giả bị thu giữ

Khuôn dấu giả, bằng giả bị thu giữ

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã bắt Huy cùng 5 đồng phạm Võ Thành Long, Nguyễn Công Chức, Nguyễn Văn Tuân, Lê Văn Chung và Trần Văn Minh.

Công an Thừa Thiên Huế xác định, đường dây làm giả con dấu có quy mô toàn quốc này do Phạm Tấn Huy cầm đầu, quy tụ hơn 30 người trực tiếp làm giả hơn 20.000 các loại giấy tờ, tài liệu. Tổng tiền đường dây này thu lợi bất chính ước tính hơn 30 tỷ đồng.

Khám xét nơi ở và làm việc của nhóm người, công an thu hơn 100 mẫu con dấu cùng hàng ngàn loại giấy tờ, chứng từ giả như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, ô tô; giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định; sổ đỏ và nhiều loại văn bằng...

Cơ quan điều tra bước đầu xác định khoảng 10.000 cá nhân trên toàn quốc đã đặt mua các loại tài liệu, giấy tờ giả của nhóm này.

Công an Thừa Thiên Huế tiếp tục truy bắt các đồng phạm còn lại và mở rộng điều tra vụ án.