Bản tin thời sự sáng 18/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc molnupiravir; Nhật bắt nghi phạm dọa bắn máy bay Vietnam Airlines; giá thép tăng 250.000 đến 300.000 đồng so với trước Tết; đề xuất hơn 3.200 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo; Trung Quốc ngừng nhập hàng qua cửa khẩu Kim Thành…

Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc molnupiravir

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cấp phép khẩn cấp 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Thuốc molnupiravir cấp cho F0 điều trị tại nhà

Thuốc molnupiravir cấp cho F0 điều trị tại nhà

Đại diện Cục Quản lý Dược chiều 17/2 xác nhận thông tin trên và cho biết đã ban hành danh mục thuốc đi kèm. Theo đó, ba loại thuốc được cấp phép gồm Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.

Molnupiravir là hoạt chất có tác dụng kháng virus, được xem là "vũ khí" quan trọng trong điều trị F0 tại nhà. Thuốc có tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Thuốc dạng viên, dùng theo đường uống, thuận tiện cho F0 tại nhà.

Như vậy, đây là thuốc kháng virus đầu tiên điều trị Covid-19 được cấp phép tại Việt Nam. Quyết định cấp phép khẩn cấp thuốc molnupiravir của Cục Quản lý Dược căn cứ đề xuất hôm 5/1 của Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Ba điều kiện đi kèm với đề xuất cấp phép khẩn cấp là doanh nghiệp phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo yêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.

Molnupiravir cùng với favipiravir, remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam. Remdesivir là thuốc tiêm truyền tĩnh mạch, dùng cho bệnh nhân nặng, chỉ sử dụng trong bệnh viện.

Nhật bắt nghi phạm dọa bắn máy bay Vietnam Airlines

Cảnh sát tỉnh Chiba bắt thiếu niên 17 tuổi vì tình nghi cản trở hoạt động kinh doanh sau khi dọa bắn máy bay Vietnam Airlines tháng trước.

Máy bay của Vietnam Airlines kiểm tra kỹ thuật sau khi hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Fukuoka, Nhật Bản ngày 5/1

Máy bay của Vietnam Airlines kiểm tra kỹ thuật sau khi hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Fukuoka, Nhật Bản ngày 5/1

Cảnh sát Chiba cho biết, thiếu niên bị bắt thừa nhận đã gọi điện từ nhà riêng ở tỉnh Yamagata và dọa bắn hạ máy bay chở khách của Vietnam Airlines hôm 5/1, theo Japan Today.

Cảnh sát xác định được nghi phạm sau khi lần ra số điện thoại của thiếu niên này. Các nhà điều tra không công bố danh tính của thiếu niên, nhưng cho rằng nghi phạm bị thiểu năng trí tuệ.

Đại diện Vietnam Airlines xác nhận đã được cảnh sát Nhật Bản thông báo về việc bắt nghi phạm. Cảnh sát Nhật chưa cho biết động cơ của nghi phạm, khẳng định sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và thông báo lại cho các cơ quan chức năng Việt Nam và Vietnam Airlines.

Ngày 5/1, chuyến bay VN5311 từ sân bay Narita, Tokyo về Hà Nội khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương) gồm 12 tiếp viên, 3 phi công và 47 hành khách. Khoảng 11h10, chi nhánh hãng Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được điện thoại từ một người xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi qua vịnh Tokyo".

Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi lại "Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không" thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".

Sau khi nhận được thông báo về cuộc điện thoại đe dọa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố, đồng thời báo cáo với cơ quan chức năng Việt Nam và Nhật Bản. Vietnam Airlines sau đó xin phép giới chức hàng không Nhật Bản chuyển hướng tàu bay, hạ cánh xuống sân bay thành phố Fukuoka.

Khoảng 14h30, sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội.

TP.HCM xin tăng vốn đầu tư để làm Vành đai 3

TP.HCM cùng các tỉnh Vành đai 3 đi qua xin rà soát lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và kiến nghị tăng tổng vốn trung hạn thời gian này để bố trí cho Dự án.

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Sơ đồ Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung đề cập trong văn bản vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gửi Thủ tướng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan vốn ngân sách Thành phố thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 3.

Đầu năm nay, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 3 được UBND TP.HCM trình Chính phủ, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn một dự kiến 75.777 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương.

Ngân sách Trung ương dự kiến bố trí gần 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ 50% vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 100% đoạn qua tỉnh Long An. Phần ngân sách địa phương bố trí cho các đoạn đi qua địa bàn, TP.HCM sẽ chi hơn 24.380 tỷ đồng, Đồng Nai khoảng 1.624 tỷ đồng và Bình Dương hơn 9.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện, nhu cầu vốn bố trí cho dự án theo từng năm đã được dự tính.

Vành đai 3 dài gần 92 km, chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức. Tuyến đường khi hoàn chỉnh sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100 km/h cùng đường song hành hai bên.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, giai đoạn một tuyến đường được đầu tư hơn 76 km do không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại sẽ làm trước 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên.

TP.HCM dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư Vành đai 3 thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023 - 2024, Dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026.

Giá thép tăng 250.000 đến 300.000 đồng so với trước Tết

Giá mỗi tấn thép xây dựng tăng 250.000 - 300.000 đồng so với trước Tết, vượt 17 triệu đồng.

Thép thanh vằn của Công ty Gang thép Thái Nguyên

Thép thanh vằn của Công ty Gang thép Thái Nguyên

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vừa thông báo tăng giá thép xây dựng. Theo đó, giá mỗi tấn thép cuộn CB240 áp dụng từ 12/2 là 17,3 triệu đồng nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh.

Giá thép chưa gồm VAT các loại cũng tăng lên 17,3 - 17,6 triệu đồng một tấn, tùy loại và tuỳ thuộc thanh toán nhanh hay chậm. Nhìn chung, giá mới tăng 250.000 - 350.000 đồng một tấn so với cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2.

Tương tự, Công ty Thép Hoà Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức hay Thép Vinausteel... cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2.

Báo giá ngày 17/2 của một số đại lý cho thấy, giá thép Hoà Phát loại D10 phổ biến ở mức 17,15 triệu đồng một tấn; loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng. Mức giá mới tăng 600.000 - 800.000 đồng mỗi tấn so với cách đây hai tuần.

Giá hiện tại cách mức đỉnh 18,3 triệu đồng một tấn hồi tháng 5 năm ngoái khoảng 700.000 - 800.000 đồng một tấn. Nhưng theo các đại lý kinh doanh, giá thép khả năng còn tăng nữa...

Giá thép bán ra trong nước tăng ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhất là Trung Quốc. Cách đây 2 ngày, giá thép tại quốc gia xuất, nhập khẩu lớn nhất này tăng gần 6%, lên sát 756 USD mỗi tấn, cao nhất 5 tháng qua.

Thực tế, giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi thép, than cốc...) trên thị trường thế giới tăng. Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70 - 80% giá thành thép sản xuất trong nước. Cùng đó, loạt công trình dân dụng khởi động lại sau thời gian tạm hoãn vì dịch, nhất là ở khu vực phía Nam... khiến khu cầu mặt hàng này tăng vọt.

Đề xuất hơn 3.200 tỷ đồng nâng cấp sân bay Côn Đảo

Cục Hàng không đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay Côn Đảo vào quý I/2023, hoàn thành trong 6 - 8 tháng, với tổng số vốn hơn 3.200 tỷ đồng.

Máy bay Hãng hàng không Bamboo Airways tại sân bay Côn Đảo

Máy bay Hãng hàng không Bamboo Airways tại sân bay Côn Đảo

Trong kế hoạch nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, đường cất hạ cánh sân bay này giữ nguyên chiều dài (1.830 m), nhưng mở rộng bề ngang từ 30 lên 45 m; xây mới một đường lăn song song và ba đường lăn nối rộng 15 m.

Sân bay còn được mở rộng bãi đỗ từ 4 lên 8 vị trí; nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ, kho xăng dầu, nhà ga và các công trình phụ trợ đảm bảo sân bay khai thác 24/24. Cảng hàng không sau khi nâng cấp dùng chung quân sự và dân dụng, công suất 2 triệu khách, 4.400 tấn hàng hóa mỗi năm, có thể khai thác máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương.

Cục Hàng không đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa, tái định cư; thiết lập bến cảng tạm thời, bãi tập kết để phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu ra đảo... thực hiện dự án.

Sân bay Côn Đảo hiện khai thác các chặng đi đến từ TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất 20 - 22 chuyến một ngày; công suất phục vụ 400.000 khách mỗi năm. Lượng khách những năm qua tăng cao, trung bình 15% mỗi năm, song hạ tầng chưa đáp ứng nên sân bay chỉ khai thác máy bay nhỏ, không thể bay đêm.

TP.HCM sắp có thêm phố đi bộ

Phố đi bộ và khu ẩm thực đường Hà Tôn Quyền, Quận 11, dài 300 m, dự kiến hoạt động quý III năm nay.

Đường Hà Tôn Quyền tập trung nhiều quán ăn với món sủi cảo nổi tiếng

Đường Hà Tôn Quyền tập trung nhiều quán ăn với món sủi cảo nổi tiếng

Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 11 Trần Thị Bích Trâm, phố đi bộ giới hạn từ ngã ba Hà Tôn Quyền - 3/2 đến Hà Tôn Quyền - Nguyễn Chí Thanh, thuộc Phường 4 và 6. Phố được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, hoạt động từ 16h đến 22h ngày thứ 6, 7, Chủ nhật, có khoảng 70 gian hàng bán thực phẩm, thời trang, đồ lưu niệm... Các không gian trống cạnh phố sẽ được dùng làm bãi giữ xe vào ban đêm, lắp nhà vệ sinh di động, làm cổng chào...

Về việc bố trí các gian hàng, chính quyền sẽ ưu tiên các cửa hàng hiện có trong khu vực phố đi bộ và các hộ gia đình chính sách, khó khăn có nhu cầu kinh doanh. Cùng 70 gian hàng, hơn 50 hộ kinh doanh trong nhà dân dọc phố sẽ hoạt động khi phố đi bộ khai trương. Khu vực không tổ chức buôn bán mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Theo bà Trâm, đề án phố đi bộ đã được địa phương trình UBND Thành phố. Sau khi được phê duyệt, quận sớm triển khai. Phố đi bộ hoạt động góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo ra sản phẩm văn hóa, ẩm thực của người Hoa đang sống tại đây. Đường Hà Tôn Quyền có nhiều người Hoa sinh sống, nổi tiếng với món sủi cảo.

Trung Quốc ngừng nhập hàng qua cửa khẩu Kim Thành

Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) ngừng thông quan do phía Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19 nội địa, dừng nhập hàng từ Việt Nam.

Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) ngừng thông quan do phía Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19 nội địa

Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) ngừng thông quan do phía Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19 nội địa

Bộ Công Thương cho biết, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo dừng hoạt động nhập khẩu hàng hoá do phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong nội địa. Phía Trung Quốc sẽ phong toả huyện Hà Khẩu và xét nghiệm toàn dân. Vì thế, hoạt động xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Kim Thành - Hà Khẩu sẽ dừng.

Tuy nhiên, trong ngày 17/2, các xe chở hàng của Việt Nam đã làm xong thủ tục thông quan, vẫn được tạo điều kiện xuất hàng sang Trung Quốc.

Hiện, tại cửa khẩu Kim Thành có khoảng 350 xe container chở hàng nằm chờ xuất khẩu. Phía Trung Quốc chưa thông báo thời gian cụ thể sẽ tiếp nhận trở lại hàng hoá Việt Nam. Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp và người dân cần có phương án xuất, nhập khẩu hàng hóa phù hợp, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hoá có thể xảy ra khi Trung Quốc dừng thông quan tại các cửa khẩu đường biên.

Bộ này cũng đề nghị các địa phương vùng trồng, vùng nuôi nông sản, thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu phía Bắc, để kịp thời cập nhật thông tin tới các hộ sản xuất. Việc này nhằm giúp bà con nông dân chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Năm ngoái, cửa khẩu Kim Thành cũng từng dừng thông qua hàng hóa, tới 12/1 mới khôi phục lại.

Xe công nghệ có làn riêng đón khách ở Tân Sơn Nhất

Làn D1 nhà xe TCP được sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp các bên thử nghiệm cho ôtô công nghệ hoạt động, giúp khách thuận tiện đón xe, sáng 17/2.

Khách đón xe ở làn D1 sáng 17/2

Khách đón xe ở làn D1 sáng 17/2

Đại diện hãng công nghệ Be cho biết, ôtô của đơn vị đón khách trên làn D1 từ sáng 17/2, sau khi hoàn tất thỏa thuận với sân bay. Vị trí đón của hãng được bố trí từ cột số 1 đến 5, với 5 xe vào cùng lúc. Ngoài khu vực trên, xe của Be vẫn đón khách tại làn B - ga đến quốc tế đã triển khai trước đó. Khách đón ôtô ở làn D1 phải trả thêm 25.000 đồng và 10.000 đồng phí giống như điểm đón ở ga quốc tế.

Xe của hãng Grab cũng được đón khách ở làn đường D1, từ cột số 6 đến 12. Ngoài ra, khách của Grab vẫn có thể đón ôtô trên các tầng 3, 4, 5 của nhà xe TCP.

Làn D1 nằm trong nhà xe TCP, song song với các làn xe khác trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Làn đường này trước đó đã được nhà xe xây dựng và chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng như hệ thống biển báo, ô đậu xe, cabin soát vé...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng vận hành nhà xe TCP, cho biết làn đường này trước đó chưa khai thác mà bổ trợ cho làn D - nơi taxi, ôtô ký hợp đồng với sân bay vào đón khách. Việc mở làn D1 cho ôtô công nghệ đón khách được triển khai nhằm thuận lợi cho khách đi lại, giảm tình trạng ùn ứ, lộn xộn.