Bản tin thời sự sáng 18/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội yêu cầu xác định nguyên nhân ngập mặt cầu Vĩnh Tuy 2; Điện lực miền Bắc đạt sản lượng 8,149 tỷ kWh; ba tuyến buýt ở TP.HCM áp dụng thanh toán tự động; cần 1,5 triệu m3 cát đắp nền nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau…

Hà Nội yêu cầu xác định nguyên nhân ngập mặt cầu Vĩnh Tuy 2

Cầu Vĩnh Tuy 2 sau một thời gian đưa vào khai thác đã bị ngập mặt đường trong cơn mưa lớn vừa qua và TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân để khắc phục sự cố này.

Mặt đường cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước sau cơn mưa

Mặt đường cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước sau cơn mưa

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra, xác định nguyên nhân, xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau cơn mưa lớn chiều ngày 15/5, xuất hiện tình trạng mặt cầu Vĩnh Tuy 2 (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư, đang triển khai các thủ tục bàn giao tài sản công sau khi thi công hoàn thành) bị ứ đọng, ngập nước trên mặt cầu.

Để xử lý kịp thời tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay.

“Việc kiểm tra, xử lý phải hoàn thành trước ngày 20/5,” ông Bảo yêu cầu.

Điện lực miền Bắc đạt sản lượng 8,149 tỷ kWh

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), điện thương phẩm tháng 4 tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo sản lượng phục vụ 27 tỉnh, thành miền Bắc.

Công nhân điện lực PC Quảng Ninh sửa chữa, đấu nối đường dây

Công nhân điện lực PC Quảng Ninh sửa chữa, đấu nối đường dây

Trong báo cáo mới nhất ngày 15/5, EVNNPC cho biết, tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 8,149 tỷ kWh, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp xây dựng chiếm 64,82% (tăng 15,85%), quản lý tiêu dùng chiếm 27,6% (tăng 15,06%) và thương nghiệp chiếm 3,08% (tăng 28,81%).

Sản lượng trên được Tổng công ty ghi nhận trong tháng 4, thời điểm miền Bắc bước vào hè với một số đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Theo báo cáo, tổn thất điện năng trong tháng 4 của toàn Tổng công ty là 4,86%, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2023; lũy kế 4 tháng là 3,77%, giảm 0,25% so với cùng kỳ 2023 và thấp hơn 0,33% so với kế hoạch EVN giao. Trong tháng 4, EVNNPC cấp điện cho 198 khách hàng trung áp, thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành điện là 3,3 ngày, giảm 0,33 ngày so với cùng kỳ 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty tiếp nhận giải quyết cấp điện cho 712 khách hàng trung áp, thời gian giải quyết trung bình là 3,34 ngày, giảm 0,18 ngày so với cùng kỳ 2023 và giảm 0,66 ngày so với quy định của EVN.

Ba tuyến buýt ở TP.HCM áp dụng thanh toán tự động

Hành khách có thể "chạm" thẻ ngân hàng, ví điện tử để trả tiền vé khi đi ba tuyến buýt số 01, 43 và 64 ở TP.HCM, giúp tăng tính tiện lợi.

Khách thử nghiệm "chạm" thẻ để thanh toán trên xe buýt số 43

Khách thử nghiệm "chạm" thẻ để thanh toán trên xe buýt số 43

Đây là mô hình lần đầu được áp dụng trên hệ thống xe buýt ở TP.HCM, sử dụng công nghệ EMV Contactless (không cần quẹt hay gài thẻ vào thiết bị đọc). Ba tuyến buýt được thí điểm đầu tiên là 01 (Bến Thành - bến xe Chợ Lớn), 43 (bến xe Miền Đông - Cát Lái) và 64 (Đầm Sen - bến xe Miền Đông).

Khách có thể dùng thẻ ngân hàng, hoặc thẻ Mastercard trên ví điện tử, sau đó "chạm" vào thiết bị thanh toán tự động bố trí trên xe để bắt đầu chuyến đi. Hệ thống sẽ trừ tiền theo chi phí đã cài đặt từ trước. Song song hình thức này, khách vẫn có thể dùng thẻ, vé dành riêng cho xe buýt như trước để thanh toán.

Trong tháng 6 tới, hệ thống dự kiến mở rộng thêm ở 2 tuyến khác là 65 (Bến Thành - bến xe An Sương) và 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất).

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, từ năm 2019, Thành phố đã thí điểm mô hình thanh toán tự động với gần 40 tuyến xe buýt thông qua thẻ Unipass, QR code trên ứng dụng Zalo...

Việc phát triển thêm mô hình này nằm trong kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ hệ thống xe buýt ở TP.HCM sẽ áp dụng hệ thống thẻ vé thông minh. Đây là cơ sở để Thành phố triển khai các chính sách giá vé liên thông, linh hoạt, giúp hành khách có thể dùng chung các hình thức thanh toán để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhau như xe buýt, metro...

TP.HCM đang có hơn 2.000 xe buýt thuộc 120 tuyến hoạt động, gồm 90 tuyến được trợ giá và 30 tuyến không trợ giá. Hiện mỗi ngày hệ thống này vận chuyển bình quân 250.000 lượt khách với gần 13.000 chuyến xe.

Cần 1,5 triệu m3 cát đắp nền nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau

Dự án Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau cần khoảng 1,5 triệu m3 cát đắp nền, 300.000 m3 cát hạt trung.

Nguồn cung các loại cát, đá đã và đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Nguồn cung các loại cát, đá đã và đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Ngày 17/5, UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi UBND tỉnh An Giang về việc hỗ trợ cung ứng nguồn cát, đá thực hiện các công trình trọng điểm.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nguồn cung cấp các loại cát, đá đã và đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Qua rà soát nhu cầu vật liệu xây dựng, để hoàn thành các dự án trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Cà Mau tiếp tục cần khoảng 1 triệu m3 cát đắp nền; 250.000 m3 cát vàng; 330.000 m3 đá 1x2; 100.000 m3 đá 4x6 và trên 410.000 m3 đá dăm.

Riêng Dự án Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau cần khoảng 1,5 triệu m3 cát đắp nền, 300.000 m3 cát hạt trung cho các hạng mục khác. Thời gian sử dụng tập trung vào những tháng đầu năm 2025.

Nhằm tạo điều kiện để hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn đúng theo kế hoạch, UBND tỉnh Cà Mau mong UBND tỉnh An Giang quan tâm ưu tiên cân đối, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nguồn cung cấp vật liệu, chủ yếu là cát và đá.

Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau sẽ có các hạng mục như đầu tư xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400x45 m về phía Bắc và cách đường cất hạ cánh hiện hữu 180 m; xây dựng mới đường lăn kết nối sân đỗ hiện hữu và đường cất hạ cánh mới ở phía Bắc. Đồng thời, mở rộng sân đỗ máy bay đáp ứng 4 vị trí đỗ tàu bay tầm trung, thân hẹp (A320/321...).

Cùng với đó, tiến hành nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu có thể khai thác tới 1 triệu hành khách/năm và giữ nguyên vị trí khu hàng không dân dụng theo quy hoạch được duyệt. Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.253 tỷ đồng…

Khu du lịch sinh thái vi phạm hành lang bảo vệ cầu đường sắt

Theo Cục Đường sắt, Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Đà Nẵng) xây kè, dựng cột điện cao thế, làm ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu trên cầu đường sắt.

Hiện trạng một số hạng mục được cho ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu trên cầu đường sắt Nam Ô

Hiện trạng một số hạng mục được cho ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu trên cầu đường sắt Nam Ô

Ngày 17/5, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết đang rà soát hồ sơ, giấy phép xây dựng và kiểm tra thực tế tại Khu du lịch sinh thái Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Trước đó, Cục Đường sắt đã có văn bản đề nghị Thành phố xử lý, ngăn chặn vi phạm, đảm bảo an toàn công trình cầu đường sắt Nam Ô sau khi phát hiện vi phạm.

Dự án khu du lịch trên đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo giấy phép xây dựng được cấp từ năm 2020. Dự án xây kè đá hộc, san lấp mặt bằng với chiều dài kè 50 m, cao 3 m, nằm cách mép ngoài cùng của kết cấu cầu đường sắt khoảng 25 m; cột điện cao thế cách mép ngoài cùng của kết cấu cầu 50 m và một dàn máy thi công cọc khoan nhồi cách kết cấu cầu 50 m.

Theo Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, cầu đường sắt Nam Ô là cầu trong đô thị có chiều dài 310 m. Với chiều dài cầu trên 300 m thì phạm vi bảo vệ theo chiều ngang là 100 m tính từ mép ngoài cùng của kết cấu cầu trở ra. Do đó, các công trình trên vi phạm phạm vi bảo vệ cầu Nam Ô.

Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc Dự án đào móng xây kè đá hộc, san lấp mặt bằng, chôn cột điện cao thế, tập kết máy thi công khoan nhồi vi phạm nghiêm trọng phạm vi bảo vệ công trình cầu đường sắt Nam Ô. Việc này ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình cũng như uy hiếp an toàn chạy tàu trên cầu đường sắt.

Cục Đường sắt đề nghị UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư tự giác tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm, hoàn trả trạng thái ban đầu của phạm vi bảo vệ công trình cầu đường sắt Nam Ô. Thành phố khi cấp đất cho doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định.

TP.HCM sẽ thu phí kẹt xe để hạn chế xe cá nhân vào nội đô

TP.HCM tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm Thành phố bằng các giải pháp như thu phí xe vào giờ cao điểm, số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.

Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại TP.HCM

Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại TP.HCM

Chính sách thu phí kẹt xe nhằm giảm giao thông cá nhân được UBND TP.HCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp cuối tuần này.

Theo Đồ án, TP.HCM sẽ tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm Thành phố bằng các giải pháp: thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lý thu phí đỗ xe theo giờ.

Về lâu dài, TP.HCM sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai Metro khi hệ thống Metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng (tuyến số 1, 4, 5, 2, 3, 6).

Khi đó, TP.HCM sẽ phát triển các nhà ga Metro chính thành các trung tâm giao thông xanh như bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường phục vụ cho các hành trình đầu/cuối; bố trí điểm đỗ xe cho các phương tiện chia sẻ...

Thống kê đến cuối năm 2023, TP.HCM quản lý hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó hơn 940.000 ô tô, gần 8,3 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2022, lượng phương tiện tại Thành phố tăng 4,64%.

Phối hợp bắt tàu vận chuyển dầu trái phép trên biển Côn Đảo

Chiều 17/5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, lực lượng chức năng đã dẫn giải tàu có số hiệu BT-99900-TS vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO trái phép không rõ nguồn gốc về cảng Hải đội 301 tại TP. Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu BT-99900-TS vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO trái phép không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng kiểm tra tàu BT-99900-TS vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO trái phép không rõ nguồn gốc

Trước đó, vào 17h30 phút ngày 15/5, tại vùng biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 120 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Hải đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra tàu BT-99900-TS.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Võ Văn Tiếng, sinh năm 1970, trú quán Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng.

Theo lời khai ban đầu của ông Tiếng, tàu BT- 99900-TS đang vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Hà Nội yêu cầu chấn chỉnh hoạt động xe buýt

Trước tình trạng xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, dừng đỗ đón khách không đúng nơi quy định, lấn làn, lạng lách..., Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đã có văn bản để chấn chỉnh việc này.

Xe buýt lưu thông trên đường phố Hà Nội

Xe buýt lưu thông trên đường phố Hà Nội

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội vừa có văn bản đề nghị các đơn vị vận hành, cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, dừng đón, trả khách đúng quy định. Lý do là thời gian qua, dư luận phản ánh tình trạng xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ; công nhân lái xe buýt thường dừng đỗ đón khách không đúng nơi quy định; lấn làn gây cản trở phương tiện khác; lạng lách khi vào điểm dừng đón trả hành khách.

Cụ thể, 7 trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản trong 2 ngày 14, 15/4 gồm: 3 trường hợp công nhân lái xe buýt của tuyến E10; tuyến số 28 (xe buýt biển kiểm soát 29B - 191.47); tuyến số 25 (xe buýt biển kiểm soát 29B - 404.59) vi phạm dừng đón trả khách sai quy định và 4 trường hợp công nhân lái xe buýt vi phạm, gồm xe tuyến số 19 (biển kiểm soát 29B - 623.08), xe tuyến số 27 (biển kiểm soát 29B - 416.01), xe tuyến số 142 (biển kiểm soát 29F - 034.51) và xe tuyến số 60B (biển kiểm soát 29B - 515.07).

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị vận hành, cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tăng cường quán triệt, chấn chỉnh kịp thời đến lái xe vận hành xe buýt nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đón trả khách đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho hành khách lên và xuống xe buýt; giao Phòng Kế hoạch vận hành, bộ phận giám sát trên tuyến chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội tăng cường kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và việc dừng đón trả khách đúng quy định; tăng cường kiểm tra giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục