Bản tin thời sự sáng 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bốn cựu lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội bị khai trừ Đảng; Hà Nội mở lại chợ đầu mối phía Nam từ ngày 20/8; Bộ Công an quản lý chung về khai báo y tế; TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo; Quảng Tây dừng thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh…

Bốn cựu lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội bị khai trừ Đảng

Hai cựu Phó chủ tịch TP.HCM và Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM là Trần Vĩnh Tuyến, Nguyễn Thành Tài, Trần Trọng Tuấn và cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ vừa bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng.

Hai cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM là các ông Trần Vĩnh Tuyến và Nguyễn Thành Tài bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng

Hai cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM là các ông Trần Vĩnh Tuyến và Nguyễn Thành Tài bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng

Ngày 17/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội.

Với ông Nguyễn Thành Tài, trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, ông Tài chịu trách nhiệm trực tiếp việc chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư, chuyển nhượng quyền đầu tư dự án. Ông Tài cũng phải chịu trách nhiệm trong việc quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình xây dựng trên đất, giá thuê đất và chấp thuận giao đất, cho thuê đất trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Còn ông Trần Vĩnh Tuyến, trong thời gian giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phải chịu trách nhiệm trực tiếp ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trái pháp luật; tạo điều kiện để một số cá nhân chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với ông Trần Trọng Tuấn, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, phải chịu trách nhiệm trực tiếp thẩm định, ký tờ trình và tham mưu cho ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tứ, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Sở KH&ĐT TP.Hà Nội được xác định đã làm trái quy định về đấu thầu; nhận tiền biếu của nhà thầu; thiếu kiểm tra, giám sát, để các nhà thầu liên quan vi phạm Luật Đấu thầu…

Vi phạm của các cá nhân trên, theo Ban Bí thư, là rất nghiêm trọng, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tài sản Nhà nước và đã bị xử lý hình sự… Trên cơ sở đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng với các ông Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn và Nguyễn Văn Tứ.

Hà Nội mở lại chợ đầu mối phía Nam từ ngày 20/8

Sau 25 ngày bị phong tỏa, chợ đầu mối phía Nam (chợ đầu mối Đền Lừ), phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại từ ngày 20/8.

Hà Nội mở lại chợ đầu mối phía Nam từ ngày 20/8

Hà Nội mở lại chợ đầu mối phía Nam từ ngày 20/8

Theo đại diện UBND quận Hoàng Mai, chợ đầu mối phía Nam sẽ mở lại từng phần, khu tập kết xe, hạ tải hàng hóa từ ngày 16/8. Khu vực kinh doanh rau củ quả và hàng hóa thiết yếu bắt đầu mở 0h ngày 20/8. Người dân các phường khác trên địa bàn quận có "thẻ đi chợ" cũng sẽ được đến mua sắm.

Theo phương án của Ban Quản lý chợ, để được kinh doanh, tiểu thương phải có hai điều kiện bắt buộc, gồm đã được tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 và xét nghiệm PCR âm tính.

Đối với khách vào chợ, Ban Quản lý sẽ chia làm hai nhóm, người mua sỉ để bán ở chợ khác thì phải có xác nhận là tiểu thương (của chợ nơi đang kinh doanh), được cấp thẻ vào chợ từ 0h đến 5h30 hằng ngày.

Các hộ dân vào chợ mua thực phẩm phải có các thẻ đi chợ của chính quyền địa phương phát, thời gian vào chợ từ 5h30 đến 11h.

Chợ đầu mối phía Nam bị phong tỏa tối 27/7, sau khi ngành y tế phát hiện một người bán trứng mắc Covid-19.

Ngoài chợ đầu mối phía Nam, các chợ đầu mối Long Biên, chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm) cũng đang bị phong tỏa.

Bộ Công an quản lý chung về khai báo y tế

Các phần mềm khai báo y tế chạy liên thông trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân dùng một mẫu tờ khai y tế do Bộ Công an quản lý.

Công an kiểm tra mã QR Code của người dân đi đường ở TP.HCM

Công an kiểm tra mã QR Code của người dân đi đường ở TP.HCM

Thượng tá Tô Anh Dũng, Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết thông tin trên sau khi Bộ Công an cùng Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp bàn.

Hiện có nhiều phần mềm khai báo y tế như Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declarations và của Bộ Công an. Với việc đạt được thống nhất của ba bộ, các ứng dụng này sẽ chạy trên một phần mềm, qua nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công dân có thể khai báo bằng phần mềm nào cũng được để lấy mã QR dùng khi qua chốt kiểm dịch. Các mã QR có giá trị như nhau vì phần mềm là liên thông.

Ba bộ cũng thống nhất sử dụng chung một mẫu tờ khai y tế để thuận tiện cho người dân khi khai báo, di chuyển. Mẫu này do Bộ Công an xây dựng và đã đưa vào sử dụng.

Ông Dũng cho biết, phần mềm của Bộ Công an sẽ buộc người dân phải khai đúng về nơi lưu trú, tạm trú, thường trú, nơi đến, nơi đi bởi sẽ phải đối chiếu với căn cước công dân và liên kết với công an địa phương.

Theo thông báo của Bộ Y tế, các bộ đã thống nhất sử dụng chung một mã QR, một tờ khai y tế để thuận tiện cho công dân trong quá trình khai báo, di chuyển. Sau khi triển khai, công an các địa phương đã lập gần 1.900 chốt kiểm soát, tạo hơn 4.000 tài khoản cán bộ các cấp để sử dụng tại chốt.

Công an tại chốt kiểm dịch sẽ được cấp tài khoản để kiểm tra thông tin công dân khai báo y tế bằng QR Code tại địa chỉ kiemdich.dancuquocgia.gov.vn. Công an có nhiệm vụ đối chiếu thông tin công dân đã khai báo với giấy tờ tuỳ thân và "ấn" xác nhận khi họ đi qua chốt.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo

Chính quyền TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp hơn 4,7 triệu người khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo

Kiến nghị được đề cập trong văn bản về hỗ trợ khẩn cấp người nghèo gặp khó khăn do đại dịch được UBND TP.HCM gửi Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Số tiền và lương thực này dùng để hỗ trợ tiền ăn, thuê phòng và lương thực cho người dân trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Việc hỗ trợ này theo chính quyền TP.HCM sẽ giúp người dân, lao động nghèo yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời Thành phố sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch.

Cũng theo UBND Thành phố, kiến nghị này được đưa ra trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống Covid-19. Trong đó, có nội dung "nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm, tuân thủ các quy định phòng chống dịch".

Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ hơn 1,5 triệu hộ với hơn 4,7 triệu người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/người/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, 15 kg gạo/người.

Theo UBND thành phố TP.HCM, đợt bùng dịch lần thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. TP.HCM là tâm điểm của lần bùng phát dịch này với số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.

Hai tháng qua, ngoài gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ chung cả nước, TP.HCM có thêm hai gói hỗ trợ với tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác, nhằm giúp đỡ người dân khó khăn.

Quảng Tây dừng thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh

Không thông báo chính thức nhưng cơ quan chức năng cửa khẩu Quảng Tây đang tạm dừng thông quan với cửa khẩu Tân Thanh để rà soát, tăng biện pháp phòng dịch.

Quảng Tây dừng thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh

Quảng Tây dừng thông quan hàng qua cửa khẩu Tân Thanh

Theo Bộ Công Thương, cơ quan chức năng cửa khẩu phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạm thời dừng hoạt động thông quan qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chải (Lạng Sơn) để rà soát lại công tác phòng dịch, sau khi xuất hiện một số ca nhiễm Covid-19 liên quan tới lái xe đường dài chở hàng xuất khẩu cửa khẩu này.

Hiện chính quyền tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tích cực trao đổi với phía Quảng Tây để sớm thống nhất lưu thông hàng hoá, đảm bảo phòng dịch bệnh, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại song phương trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cửa khẩu Tân Thanh đang tạm dừng thông quan, nhưng theo Bộ Công Thương, hoạt động thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu chính ngạch tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị quan (Lạng Sơn) vẫn diễn ra bình thường.

Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân nhanh chóng chuyển xuất khẩu hàng từ tiểu ngạch sang chính ngạch, để giảm thiểu rủi ro; và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.

Cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn cùng xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.

98% doanh nghiệp ở Cần Thơ ngưng hoạt động do ảnh hưởng Covid-19

Trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tại Cần Thơ với khoảng 150.000 lao động, đến nay có 9.800 đơn vị ngưng hoạt động, do ảnh hưởng Covid-19.

98% doanh nghiệp ở Cần Thơ ngưng hoạt động do ảnh hưởng Covid-19

98% doanh nghiệp ở Cần Thơ ngưng hoạt động do ảnh hưởng Covid-19

Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, Thành phố có 1.090 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì 1.018 đơn vị tạm đóng cửa, chiếm 93,39%; gần 70.000 lao động phải tạm nghỉ.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, Thành phố hiện còn 20/170 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, hơn 38.000 lao động tạm nghỉ việc.

Trước đó, ngày 13/7, UBND TP. Cần Thơ có văn bản yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải xây dựng phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất".

Kể từ ngày 16/7, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không đăng ký phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" thì tạm dừng hoạt động...

Tại Cần Thơ, từ ngày 8/7 đến nay đã ghi nhận 3.313 ca nhiễm Covid-19, trong đó 1.070 ca cộng đồng. Toàn Thành phố có hơn 170 khu phong toả. Trong đó, có 3 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" bị phong toả do nhiều công nhân mắc Covid-19.

Tin cùng chuyên mục