Bản tin thời sự sáng 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là năm đại án được yêu cầu “xử lý dứt điểm”; nhập 28.000 ống thuốc đông máu giải nguy cơ ngưng mổ tim; thanh tra việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay; Quảng Ninh bác bỏ thông tin “phân lô bán nền” trên vịnh…

Năm đại án được yêu cầu “xử lý dứt điểm”

Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm 5 đại án xảy ra tại Cục Lãnh sự, FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á và Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC.

Tân Hoàng Minh là một trong 5 đại án, Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo xử lý dứt điểm

Tân Hoàng Minh là một trong 5 đại án, Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo xử lý dứt điểm

Nội dung trên được nêu trong cuộc họp sáng ngày 17/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

9 đại án được yêu cầu khẩn trương xét xử gồm: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương. Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS. Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước tại tỉnh Đồng Nai và một địa phương. Vi phạm các quy định về quản lý đất đai tại dự án Nha Trang Golden Gate, thành phố Nha Trang. Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Saigon Co.op. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Công ty Tân Thuận. Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Buôn lậu 51 kg vàng và vận chuyển trái phép qua biên giới 200.000 USD xảy ra tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Dự án Nha Trang Center 2, số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang.

Ban chỉ đạo nêu rõ, phấn đấu hết năm kết thúc điều tra 14 vụ án; ra cáo trạng 20 vụ; xét xử sơ thẩm 25 vụ; phúc thẩm 5 vụ. Trong thời gian này, 21 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch cần được kết thúc xác minh, giải quyết.

Để trình Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương rà soát, khắc phục bất cập trong cơ chế liên quan đấu thầu, đấu giá, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng...

Nhập 28.000 ống thuốc đông máu giải nguy cơ ngưng mổ tim

Chiều 17/8, lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat chuyên dùng trong mổ tim vừa về đến Việt Nam, sẽ được chuyển đến các bệnh viện.

28.000 ống thuốc Protamin sulfat chuyên dùng trong mổ tim vừa về đến Việt Nam và sẽ được chuyển đến các bệnh viện. Ảnh minh họa

28.000 ống thuốc Protamin sulfat chuyên dùng trong mổ tim vừa về đến Việt Nam và sẽ được chuyển đến các bệnh viện. Ảnh minh họa

Lượng thuốc này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat ở nhiều bệnh viện, không còn cảnh các viện phải hỗ trợ vay mượn thuốc lẫn nhau. Trước đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các bệnh viện rà soát kế hoạch mua sắm, sử dụng thuốc Protamin sulfat; cơ sở nhập khẩu chủ động cung ứng kịp thời cho thị trường, tránh thiếu thuốc do ký hợp đồng muộn.

Theo Cục Quản lý Dược, Protamin sulfat là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, là mặt hàng không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực, nên được ưu tiên trong việc xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành. Gần đây, Cục cấp phép cho một số cơ sở để nhập khẩu Protamin sulfat (chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo thông tin từ các cơ sở nhập khẩu, lượng thuốc Protamin sulfat đã được cấp phép nhập khẩu là đúng số lượng dự trù từ đơn vị khám chữa bệnh có nhu cầu, song sắp tới vẫn có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với dự trù. Lý do chính là thuốc Protamin sulfat chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều, các hãng dược thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng.

Protamin sulfat là thuốc có tác dụng trung hòa khả năng chống đông máu của Heparin. Thông thường, trong cuộc mổ tim, bác sĩ phải dùng thuốc Heparin để chống đông máu, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Khi kết thúc cuộc mổ, Protamin sulfate được dùng để trung hòa Heparin, đưa cơ thể trở về bình thường. Nếu không có cặp đôi thuốc này song hành nhau, bác sĩ sẽ không thể tiến hành ca mổ tim.

Thanh tra việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xử lý nghiêm nhà băng bắt khách mua bảo hiểm kèm khoản vay và sẽ đưa hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc ngân hàng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay

Trong văn bản mới đây phản hồi chất vấn của đại biểu quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách mua bảo hiểm.

Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa hãng bảo hiểm với ngân hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định.

Trước thông tin phản ánh một số nhân viên nhà băng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn (như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống.

Cơ quan này nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Thống đốc yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp ngân hàng bắt khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Thống đốc cho biết đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh tăng cường thanh, kiểm tra. Đồng thời, cơ quan này sẽ đưa hoạt động bán bảo hiểm của các ngân hàng vào kế hoạch thanh tra hàng năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành kiểm tra hoạt động của ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn của khách hàng.

Quảng Ninh bác bỏ thông tin “phân lô bán nền” trên vịnh

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh bác bỏ thông tin cho phép dự án lấn biển, phân lô bán nền làm ảnh hưởng đến vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới.

Khu đô thị mới Ao Tiên với hòn Dê ở giữa

Khu đô thị mới Ao Tiên với hòn Dê ở giữa

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh vừa khẳng định hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cùng nghi vấn vịnh Hạ Long bị san lấp, phân lô bán nền là "không đúng". Hình ảnh đó chụp ở Ao Tiên, thuộc huyện Vân Đồn, nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn, không thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Khu vực Ao Tiên được Tỉnh phê duyệt phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn do Thủ tướng phê duyệt ngày 19/8/2009 và điều chỉnh tại Quyết định số 266 ngày 17/2/2020. Năm 2004, Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên được UBND Tỉnh giao cho nhà đầu tư triển khai, đến nay Dự án đã cơ bản hoàn thành, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại khu đô thị mới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến, kêu gọi đầu tư được hai công trình tổ hợp khách sạn, du lịch thương mại đạt tiêu chuẩn 5 sao theo đúng quy hoạch được duyệt. Dự án còn có bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn được đầu tư từ năm 2020 với diện tích 29,21 ha, công suất khi vận hành tối đa khoảng 4,2 triệu lượt khách/năm, mục tiêu đón tàu chở khách du lịch 300 ghế.

Ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Ao Tiên cho biết, Dự án rộng hơn 86 ha trước đây là vùng bãi triều sình lầy, không cây cối. Trên đó có hòn núi Dê, chính là "hòn non bộ khổng lồ" đang gây xôn xao dư luận. Khi triển khai Dự án, Chủ đầu tư đã giữ lại hòn Dê, quy hoạch thành hồ nước sinh thái làm không gian sinh hoạt cộng đồng, không hề tác động vào nó. Hình ảnh lan truyền trên mạng cũng là ảnh chụp cách đây nhiều năm, khi đó cơ sở hạ tầng còn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

TP.HCM kỷ luật nhiều lãnh đạo bệnh viện liên quan Việt Á

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị khai trừ Đảng, cựu lãnh đạo Bệnh viện Quận Bình Tân bị khiển trách do liên quan sai phạm Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức (Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025) bị khai trừ Đảng

Ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức (Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020-2025) bị khai trừ Đảng

Theo quyết định của Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ vừa công bố, ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức (Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025) bị khai trừ Đảng. Ba cán bộ quản lý bệnh viện này là bà Nguyễn Lan Anh (Phó giám đốc) và bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (Trưởng phòng tổ chức cán bộ) đều bị cảnh cáo; bà Nguyễn Thị Ngọc (Phó giám đốc) bị khiển trách.

Đảng uỷ (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Bệnh viện TP. Thủ Đức bị cho thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để Bệnh viện vi phạm trong quản lý, mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

Lãnh đạo và nhân viên bệnh viện bị xác định tiêu cực trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Đầu năm nay, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án liên quan đấu thầu, đưa và nhận hối lộ tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP. Thủ Đức và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và dịch vụ Nam Phong.

Trước đó, tháng 11/2021, cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức Nguyễn Minh Quân bị bắt tạm giam do vi phạm đấu thầu trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Với Bệnh viện Quận Bình Tân, ông Võ Tuấn Trường (cựu Giám đốc, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025) bị khiển trách. Đảng uỷ Bệnh viện bị xác định vi phạm trong chỉ đạo, thiếu quản lý, để Bệnh viện xảy ra vi phạm trong mua sắm thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

Nhiều công trình xâm phạm khu bảo tồn biển Phú Quốc

Nhiều công trình du lịch xây trái phép, xâm phạm khu bảo tồn biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) rộng 40.000 ha, ảnh hưởng hệ sinh thái, động và thực vật quý hiếm ở đây.

Nhiều bungalow xây không phép trong khu bảo tồn

Nhiều bungalow xây không phép trong khu bảo tồn

Cụ thể, tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, cơ quan chức năng ghi nhận ba công trình xây dựng trong phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Phú Quốc, gồm: ba cây cầu dẫn; khu quán ăn, khu bè nuôi cá và một quầy bar; 18 bungalow trên diện tích hơn 2.000 m2.

Tại khu vực nam An Thới (Hòn Mây Rút Trong và Hòn Rỏi), có 4 công trình vi phạm xây kè lấn biển, cầu đi bộ, đổ cát cải tạo đáy biển... Các trường hợp vi phạm thuộc phân khu phục hồi sinh thái, dịch vụ hành chính của khu bảo tồn biển thuộc quản lý của Vườn quốc gia Phú Quốc.

Kiểm tra thực địa, Bí thư Thành uỷ TP. Phú Quốc Tống Phước Trường yêu cầu tháo dỡ các công trình trái phép, xâm phạm khu bảo tồn biển, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế. Chính quyền Thành phố dự kiến dừng toàn bộ hoạt động lặn ngắm san hô trên vùng biển nam An Thới.

Khu bảo tồn Phú Quốc là một trong số 11 khu bảo tồn biển của nước. Trong đó khu vực bảo vệ nghiêm ngặt 7.000 ha; phục hồi sinh thái 11.500 ha; dịch vụ - hành chính gần 10.000 ha và thiết lập vùng đệm 12.500 ha.