Bản tin thời sự sáng 1/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày thứ 3 Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng; dự án đường trên cao đẹp nhất Hà Nội thông xe trước ngày 10/10; đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường; đề xuất 8 chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi tuần…

Sáng 1/9, ngày thứ 3 Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng

Sáng ngày 1/9, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận. Như vậy, Việt Nam bước vào ngày thứ 3 không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng, Hải Dương cơ bản được kiểm soát.

Ngày thứ 3 Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng

Ngày thứ 3 Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng

Tính đến 6h ngày 1/9, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. Tính từ 18h ngày 31/8 đến 6h ngày 1/9 không có ca mắc mới.

Như vậy, đã bước vào ngày thứ 3, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong công đồng. Các ổ dịch Đà Nẵng và Hải Dương cũng được kiểm soát cơ bản.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 55.370 người. Trong đó, 908 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 16.117 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 38.345 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 707 bệnh nhân Covid-19/1.044 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 29 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 72 ca, số ca âm tính lần 3 là 36 ca. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 34 ca.

Dự án đường trên cao đẹp nhất Hà Nội thông xe trước ngày 10/10

Dự án đường trên cao vành đai 3 Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ hoàn thành thi công vào ngày 15/9, hoàn thành mọi hạng mục phụ trợ vào ngày 30/9 và sẵn sàng thông xe trước ngày 10/10.

Dự án đường trên sẽ hoàn thành thi công vào ngày 15/9

Dự án đường trên sẽ hoàn thành thi công vào ngày 15/9

Dự án Xây dựng đường trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 TP. Hà Nội dài hơn 5km, chạy dọc theo đường Phạm Văn Đồng quy mô đường cao tốc 4 làn xe, với tốc độ thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 5.343 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Dự án khởi công tháng 5/2018, dự kiến hoàn thành tháng 9/2020.

Đến nay, Gói thầu số 1 của Dự án đã hoàn thành hơn 96,6% khối lượng thi công, Gói thầu số 2 hoàn thành hơn 98,4% khối lượng. Dự án sẽ thi công xong vào ngày 15/9, hoàn thành mọi hạng mục vào ngày 30/9 và sẵn sàng thông xe trước ngày 10/10. Riêng 6 nút giao lên - xuống sẽ tiếp tục được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/4/2021.

Sau khi được thông xe, Dự án sẽ liên thông với đoạn cầu cạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm đã triển khai trước đó, tạo thành tuyến đường trên cao đẹp nhất Hà Nội với chiều dài hơn 10km. Tuyến đường sẽ kết nối với cầu Thanh Trì và cầu Thăng Long trên một trục giao thông xuyên suốt.

Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường

Ngày 31/8, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị đề nghị truy tố

Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị đề nghị truy tố

Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố bị can Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1957, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cùng 5 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Liên quan tới vụ án, bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") cùng 12 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo kết luận điều tra, với vai trò Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ Giao thông vận tải.

Ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh chỉ đạo công ty của Út "trọc" là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Đồng thời, ông Đinh La Thăng biết việc Công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, phải bị chấm dứt trước thời hạn. Khi biết sự việc trên, ông Đinh La Thăng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn yêu cầu cấp dưới để doanh nghiệp trả từ từ….

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định hành vi của ông Đinh La Thăng là trái với quy định của Nhà nước và đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát với vai trò chủ mưa, cầm đầu.

Đề xuất 8 chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi tuần

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thực hiện mỗi tuần 4 chuyến bay khứ hồi đến Hàn Quốc và 4 chuyến đến Nhật Bản, dự kiến từ 15/9.

Máy bay đậu tại Tân Sơn Nhất khi nhiều đường bay dừng hoạt động vào tháng 4 do Covid-19

Máy bay đậu tại Tân Sơn Nhất khi nhiều đường bay dừng hoạt động vào tháng 4 do Covid-19

Tối 31/8, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải mở đường bay quốc tế thường lệ đến Nhật Bản và Hàn Quốc với tần suất như trên.

Theo thống nhất với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, trong 4 chuyến khứ hồi mỗi chặng bay, hãng bay phía Việt Nam sẽ thực hiện 2 chuyến và mỗi đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc vận chuyển 2 chuyến.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, việc mở đường bay quốc tế còn chờ ý kiến của các cơ quan chức năng khác như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng vì liên quan năng lực cách ly trong nước, giá cả với hành khách cách ly và quy định kiểm soát dịch với hành nhập cảnh. Sau khi có thống nhất của các cơ quan này, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định cho phép các hãng mở bán vé.

Ngày 1/9, Bộ Giao thông vận tải dự kiến họp bàn với các bộ ngành khác để thống nhất phương án mở đường bay quốc tế.

Từ ngày 1/4, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Gần đây, một số hãng hàng không nước ngoài đã được khai thác lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam, song chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay chở khách vào Việt Nam vẫn được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao, hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và đều được cách ly phòng dịch.

18 container bị giữ của Asanzo sắp được thông quan

Hải quan sẽ cho thông quan 11 container tại Cát Lái, 7 container ở Hải Phòng của Asanzo bị tạm giữ từ cuối năm ngoái.

18 container bị giữ của Asanzo sắp được thông quan. Ảnh minh họa

18 container bị giữ của Asanzo sắp được thông quan. Ảnh minh họa

Mới đây, Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã có văn bản gửi Cục Hải quan TP.HCM, Hải Phòng về việc dừng xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến Công ty Asanzo. Cơ quan này đề nghị Cục Hải quan TP.HCM và Hải Phòng phối hợp làm thủ tục thông quan cho 18 container hàng hoá mãng nhãn hiệu Asanzo.

Theo ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty Asanzo cho biết, doanh nghiệp này đang làm thủ tục để nhập 18 container hàng hoá trên về kho của mình.

Trước đó, 11 container của Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phương Nguyên Asanzo và 7 container của Công ty TNHH Việt Tài bị Cục Điều tra Chống buôn lậu lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và tạm giữ tại Cát Lái và Hải Phòng về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Động thái này liên quan đến việc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương - đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asanno gửi yêu cầu xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ đối với Công ty Asanzo.

Cục Điều tra Chống buôn lậu giải thích, ngày 15/9/2019, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương đã chuyển nhượng nhãn hiệu Asanno cho Công ty TNHH Pensonich Việt Nam và đã đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ. Đến 1/6, phía Pensonich Việt Nam đã gửi Cục đề nghị rút yêu cầu xử lý vi phạm và dừng xử lý vi phạm về hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu Asanno. Đồng thời, Pensonich Việt Nam cũng đề nghị cho các công ty nhận lại hàng hoá bị tạm giữ.

Cùng với đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thông báo kết quả điều tra và xác định không có yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với Asanzo. C03 cũng cho rằng, việc gắn mác "sản xuất tại Việt Nam" đối với hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo là phù hợp quy định và chưa có căn cứ xác định doanh nghiệp này lừa dối khách hàng.