Bản tin thời sự sáng 19/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95%; lập tổ chỉ đạo triển khai dự án đường sắt tốc độ cao; hai trạm dừng trên cao tốc qua Bình Thuận hoạt động từ 20/1…

TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 95%

Năm 2025, thành phố đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95% tổng vốn hơn 84.100 tỷ đồng được Thủ tướng giao.

Công nhân thi công dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng

Công nhân thi công dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng

Nội dung nêu trong kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025 vừa được lãnh đạo TP.HCM và sở ngành thống nhất. Năm nay, Thủ tướng giao thành phố giải ngân 84.149 tỷ đồng. TP.HCM đặt mục tiêu đến hết niên độ kế hoạch (tức ngày 31/1/2026) sẽ giải ngân ít nhất 95%. Trong đó, quý 1 giải ngân 15%, quý 2 từ 35%, quý 3 từ 70% và quý 4 đạt 95%.

Mục tiêu được thành phố đặt ra trong bối cảnh nhiều năm liền tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở TP.HCM không được như kỳ vọng. Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu giải ngân được 95% tổng vốn phân bổ khoảng 79.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới giải ngân hơn 56.000 tỷ đồng, khoảng 70% kế hoạch. Dự kiến đến hết tháng 1, con số này tăng lên 60.000 tỷ đồng, đạt khoảng 76%. Tuy nhiên, thành phố cũng kỳ vọng tỷ lệ đạt được sẽ là 81,4%, bám sát mục tiêu giải ngân đã đề ra.

Là cơ quan tham mưu, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị với 259 dự án có tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư và dự kiến khởi công trong năm nay, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với sở, ngành để hoàn tất công tác quyết định đầu tư, chậm nhất trong tháng 2.

Với các dự án có bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường với vai trò là tổ trưởng Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Hơn 600 dự án đã khởi công với số vốn hơn 43.500 tỷ đồng, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công theo phương châm thi công "3 ca, 4 kíp"...

Tại hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nói mấy năm gần đây chưa năm nào thành phố giải ngân đạt 95%. Do đó, năm nay, các địa phương, đơn vị phải cố gắng chủ động mỗi tuần, mỗi tháng để đạt được chỉ tiêu đặt ra.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các dự án năm 2024 chuyển sang 2025, UBND TP.HCM yêu cầu phải bàn giao trước ngày 30/5. Các mặt bằng dự án mới phát sinh trong năm nay thì chậm nhất tháng 9 phải bàn giao. Riêng dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm phải khởi công vào ngày 30/4.

Lập tổ chỉ đạo triển khai dự án đường sắt tốc độ cao

Bộ Giao thông Vận tải vừa lập Tổ chỉ đạo triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản

Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy là tổ phó...

Tổ chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nghị quyết của Quốc hội và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án; đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết vấn đề quan trọng liên quan đến việc triển khai dự án.

Tổ chỉ đạo còn có nhiệm vụ kịp thời báo cáo những vướng mắc, bất cập, phát sinh trong thực tiễn liên quan đến quá trình triển khai dự án và đề xuất cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Ngoài tổ chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải còn thành lập 4 nhóm công tác giúp việc cho Tổ chỉ đạo gồm: Nhóm triển khai dự án; nhóm đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nhóm phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ; nhóm phát triển khoa học, công nghệ và quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án.

Đầu tháng 1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Thủ tướng. Trong đó, Phó thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết các thủ tục, công việc chính phải thực hiện và dự kiến kế hoạch tổng thể để khai thác, vận hành dự án bảo đảm khoa học, toàn diện, đồng bộ, khả thi.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh thành.

Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được áp dụng hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD) từ nguồn ngân sách trong các kỳ đầu tư công trung hạn và vốn hợp pháp khác.

Hai trạm dừng trên cao tốc qua Bình Thuận hoạt động từ 20/1

Hai trạm dừng chân trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được đưa vào khai thác tạm phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1.

Công trường xây dựng trạm dừng chân trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Công trường xây dựng trạm dừng chân trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Thông tin được ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết. Nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục cơ bản để kịp đưa vào sử dụng tạm theo đúng kế hoạch.

Theo ông Huy, hai bên tuyến tại khu vực trạm dừng chân ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ có bãi đỗ xe (sức chứa hơn 300 ôtô), khu ăn uống nhanh, khu vệ sinh, phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân và du khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Trạm dừng chân này do Liên danh Thành Thành Nam - Châu Thành - Việt Hàn - Sài Gòn Investment - Thành Thành Công Lâm Đồng thi công với tổng giá trị xây dựng hơn 310 tỷ đồng. Trạm có diện tích gần 10 ha (mỗi bên 5 ha).

Ở phía nam, công trường trạm dừng chân trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (giáp ranh tỉnh Đồng Nai) những ngày qua cũng trở nên tất bật. Nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn như thảm nhựa, lắp hệ thống chiếu sáng, dọn dẹp khu nhà vệ sinh và bố trí quầy dịch vụ ăn uống để sẵn sàng phục vụ người đi đường từ 20/1.

Trạm dừng nghỉ này có diện tích 12 ha (mỗi bên khoảng 6 ha), được đầu tư với kinh phí hơn 290 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các trạm dừng chân này chưa có cây xăng, do đó các tài xế cần nạp nhiên liệu đầy đủ trước khi vào cao tốc, hoặc có thể rẽ ra khu vực gần các nút giao cao tốc đều có cây xăng.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km đi qua 4 huyện (Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong) của Bình Thuận, kinh phí đầu tư 11.500 tỷ đồng. Còn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dài 99 km. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận; điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Bộ Tài chính chưa muốn bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc

Bộ Tài chính cho biết xe máy vẫn là nguồn gây tai nạn chính, do đó, bảo hiểm bắt buộc sẽ giúp bảo vệ quyền lợi, giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao thông.

Bộ Tài chính chưa muốn bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc

Bộ Tài chính chưa muốn bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc

Vừa qua, cử tri tỉnh An Giang, Đồng Nai đề nghị chuyển bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện khi người dân có nhu cầu thay cho bắt buộc hiện nay. Bởi, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gồm ôtô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988. Nhưng đến nay, theo Bộ Tài chính, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% các vụ tai nạn giao thông.

Do đó, theo cơ quan này, đây vẫn là một trong những công cụ để bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông. Thông thường, mức phí bảo hiểm xe máy từ 55.000-60.000 đồng nhưng quyền lợi bảo hiểm được chi trả tối đa 150 triệu đồng một người cho thiệt hại về tính mạng và 50 triệu đồng cho thiệt hại tài sản.

Bộ Tài chính cũng khẳng định hầu hết các nước đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ôtô, môtô, xe máy, thậm chí cả xe đạp điện. Chẳng hạn, ở các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia ASEAN.

Khác với các loại bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia từng cho rằng người dân không được hưởng lợi ích tương xứng từ việc bắt buộc mua bảo hiểm này.

Nửa đầu năm 2024, khoảng 6,5 triệu xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc, chiếm khoảng 9% tổng số xe lưu hành trên cả nước (ước tính 72 triệu chiếc). Doanh thu từ loại hình bảo hiểm này trong 6 tháng đạt hơn 430 tỷ đồng, chi bồi thường 41,9 tỷ đồng và dự phòng bồi thường 35,86 tỷ đồng. Số liệu này chưa bao gồm các chi phí quản lý, hoa hồng.

Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chở khách xuyên đêm giao thừa

Tàu điện Bến Thành - Suối Tiên sẽ tăng thời gian hoạt động, chạy xuyên đêm phục vụ khách vui chơi, đón giao thừa tối 29/1 (Mùng 1 Tết), thay đổi so với kế hoạch cũ.

Người dân chụp ảnh kỷ niệm khi trải nghiệm metro Bến Thành - Suối Tiên

Người dân chụp ảnh kỷ niệm khi trải nghiệm metro Bến Thành - Suối Tiên

Theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dịp Tết Nguyên đán sắp tới tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ tăng thời gian hoạt động mỗi ngày, thay vì giảm như phương án mới đưa ra gần đây. Trong đó, từ hôm 24 đến 28/1 (25-29 Tết), tàu điện sẽ chạy từ 5h đến 23h, dài hơn một tiếng so bình quân ngày thường.

Ngày 29/1 (Mùng 1 Tết), ngoài lịch trình từ 5h đến 23h, metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thêm trong thời gian từ 0h30 đến 2h, nhằm phục vụ khách vui chơi, xem pháo hoa, đón giao thừa Tết cổ truyền. Sau đó, từ ngày 30/1 đến 2/2 (Mùng 2-5 Tết), tàu sẽ chạy từ 5h đến 22h.

Trước đó, thời gian hoạt động cùng tần suất giãn cách các chuyến metro cũng được TP.HCM tăng cường trong dịp Tết Dương lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, trải nghiệm loại hình vận tải mới.

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, thành phố bắn pháo hoa 15 điểm đêm giao thừa, nhiều hơn 7 điểm so với những năm trước.

Đưa vào khai thác từ ngày 22/12/2024, metro Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn miễn vé. Hiện tuyến metro mỗi ngày vận hành trung bình 9 đoàn tàu, giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút. Gần một tháng qua, lượng khách đi metro rất lớn, trong đó cao điểm nhất hôm 1/1 với hơn 275.000 lượt người đi. Tuyến tàu điện bắt đầu thu tiền vé từ 21/1.

Ngoài điều chỉnh lịch hoạt động của tuyến metro, hệ thống xe buýt ở thành phố cũng điều chỉnh tăng, giảm số chuyến phù hợp với nhu cầu đi lại dịp Tết. Trong đó, tuyến buýt 109 (Bến Xe Buýt Sài Gòn - sân Bay Tân Sơn Nhất) sẽ chạy 24/24 trong dịp Tết. Nhiều tuyến buýt khác kết nối đến các bến xe liên tỉnh sẽ duy trì hoạt động phục vụ khách ra vào bến...

Giám đốc Đại học Huế cùng đồng phạm chiếm đoạt của sinh viên hơn 2,6 tỷ đồng

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020-2021, Nguyễn Văn Vinh cùng với ông Lê Anh Phương thực hiện vượt quá chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của sinh viên số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Công an bắt tạm giam bị can Lê Anh Phương.

Công an bắt tạm giam bị can Lê Anh Phương.

Chiều 18/1, Công an thành phố Huế thông tin rõ hơn về việc ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế ra quyết định khởi tố bị can, khám xét và bắt bị can để tạm giam diễn ra cùng ngày.

Theo Công an thành phố Huế, trước đó, ngày 26/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là Công an thành phố Huế) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, khám xét và bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Vinh (nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo sau đại học, thuộc Đại học Sư phạm Huế) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 3, Điều 355, Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2020-2021, Nguyễn Văn Vinh cùng với ông Lê Anh Phương (thời điểm này đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế) đã thực hiện vượt quá chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của sinh viên số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.

Ngày 18/1, lực lượng Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Huế đã có mặt tại nhà riêng và trụ sở Đại học Huế để khám xét nơi ở, làm việc của ông Phương.

Khởi tố Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức Chu Thị Thành

Chu Thị Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức cùng 6 đồng phạm, bị cáo buộc chiếm đoạt quỹ bình ổn xăng dầu với số lượng lớn.

Bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức

Bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức

Ngày 18/1, Bộ Công an cho biết đã khởi tố bà Chu Thị Thành (65 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, trụ sở tại TP Vinh), Mai Anh Tuyên, Lê Thanh An (Phó tổng giám đốc), Nguyễn Thị Bích Liên (Kế toán trưởng), Chu Đức Mạnh (Trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Văn Công (Giám đốc Công ty TNHH Hợp Mạnh), Cao Bảo Ngọc (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp xăng dầu Việt Trung).

Các bị can đang bị điều tra để làm rõ hành vi chiếm đoạt quỹ bình ổn xăng dầu với số lượng lớn. Họ bị cáo buộc phạm tội Tham ô tài sản; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tập đoàn Thiên Minh Đức và một số đơn vị liên quan.

Thiên Minh Đức thành lập năm 2001, có hệ sinh thái với nhiều công ty con và nhiều chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, bất động sản, sản xuất giấy và bao bì, logistics, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, vận tải biển...

Hôm 3/1, cảnh sát đã khám xét nhà riêng bà Chu Thị Thành và trụ sở Công ty Thiên Minh Đức cùng một số địa điểm ở TP Vinh trong nhiều tiếng, thu giữ nhiều tài liệu, lấy lời khai cá nhân tại doanh nghiệp này và những đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện sai phạm cụ thể của bà Thành cùng các bị can chưa được công bố.

Cơ cấu cổ đông sáng lập của Thiên Minh Đức gồm bà Thành nắm hơn 68,25% cổ phần; ông Chu Đăng Khoa, được biết đến với tên gọi "đại gia kim cương" là con trai bà Thành, nắm hơn 31,65% cổ phần. Còn lại 0,1% là ông Vương Đình Quán.

Doanh nghiệp này vừa thay đổi đăng ký kinh doanh cuối tháng 9/2023, có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bà Thành nắm 77,15%; ông Khoa nắm 22,77% và ông Quán nắm 0,08%.

Hồi cuối năm 2023, Thiên Minh Đức bị Thanh tra Chính phủ kết luận có vi phạm trong sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, kê khai sai thuế bảo vệ môi trường. Từ 2018-2021, tổng tiền thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này phải nộp tăng gần 3.300 tỷ đồng.

Xử phạt Công ty Risesun New Material Việt Nam do vi phạm quy định về môi trường

390 triệu đồngChủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam có địa chỉ tại Lô CN-09, Khu công nghiệp Hòa Phú ( xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà) với tổng số tiền phạt 390 triệu đồng do các vi phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về môi trường.

Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam của Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 15/01/2021.

Dự án đi vào hoạt động từ tháng 01/2022. Ngày 24/11/2022, Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang chứng nhận đăng ký thay đổi lần thứ 2 với diện tích thực hiện dự án 174.344m2 (tăng 3.180m2) so với trước đây. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.740 tỷ đồng, có tiêu chí như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công và không thuộc loại hình dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định, nên dự án thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam không có giấy phép môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó, Công ty thực hiện không đúng một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Cụ thể: Công ty TNHH Risesun New Material Việt Nam đã xây dựng bổ sung 1 nhà xưởng số 06 có diện tích 9.089m2 để thực hiện hoạt động ép nhiệt, đóng gói; bổ sung hệ thống bể nước làm mát phía sau nhà xưởng số 06; lắp đặt bổ sung và đưa vào vận hành 11 hệ thống xử lý bụi, khí thải (đã nghiệm thu ngày 30/10/2023) không có trong báo cáo đánh giá tác động được phê duyệt.

Căn cứ tại Biên bản vi phạm hành chính do Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lập, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt tiền với số tiền phạt 320 triệu đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường theo quy định. Đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, phạt tiền 70 triệu đồng. Tổng số tiền phạt của các hành vi nêu trên là 390 triệu đồng…

Tin cùng chuyên mục