Bản tin thời sự sáng 19/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sai phạm trong hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng; TP.HCM đề xuất mở lại tàu cao tốc, phà biển từ 20/10; Hà Nội cho phép tổ chức sát hạch lái xe trở lại từ 20/10; cán bộ Cục Hải quan An Giang bị bắt liên quan đến vụ buôn lậu 100 tấn đường cát…

Sai phạm trong hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng

Bộ Công an xác định các bị can có hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Các bị can liên quan sai phạm trong hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng

Các bị can liên quan sai phạm trong hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng

Liên quan những sai phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các công ty liên quan, qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ 2 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư tại cơ sở y tế này gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cáo buộc nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội là ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định đấu thầu đã cùng doanh nghiệp có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh.

Hiện, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 9 bị can. Trong đó, 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư).

Các bị can còn lại gồm: Trần Phú Hưng (Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC Việt Nam); Nguyễn Hồng Dũng (Phó tổng giám đốc); Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định công ty này); Phạm Huy Lập (Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Nga) và Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán trưởng).

Ngoài các bị can trên, Bộ Công an cho rằng, ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) đã ký một số văn bản có liên quan nhưng trách nhiệm đến đâu còn phải chờ kết quả điều tra cụ thể.

TP.HCM đề xuất mở lại tàu cao tốc, phà biển từ 20/10

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất mở lại tàu cao tốc, phà biển từ Thành phố đi Vũng Tàu và bến khách ngang sông qua Bình Dương, Tiền Giang, từ ngày 20/10.

TP.HCM đề xuất mở lại tàu cao tốc, phà biển từ 20/10

TP.HCM đề xuất mở lại tàu cao tốc, phà biển từ 20/10

Chiều 18/10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi đề xuất tới các địa phương liên quan, nhằm phục vụ nhu cầu người dân, công nhân, chuyên gia... trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Tàu cao tốc và phà biển kết nối TP.HCM qua TP. Vũng Tàu hoạt động theo tuyến cố định. Trong đó, tuyến tàu cao tốc khai thác từ năm 2018, điểm đầu từ bến Bạch Đằng (Quận 1), đi theo các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ), sau đó chạy qua mũi Gành Rái tới TP. Vũng Tàu. Riêng tuyến phà biển mới khai thác hồi tháng 1/2021, từ bến Tắc Suất (Cần Giờ) chạy thẳng qua Vũng Tàu và ngược lại.

Với các bến khách ngang sông, hiện TP.HCM kết nối Bình Dương qua 9 bến, đặt tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, đa phần phục vụ người chạy xe máy. Với Tiền Giang, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất khôi phục bến thủy nội địa kết nối từ huyện Cần Giờ qua Gò Công Đông, để chở khách giữa hai địa phương.

Trước đó, từ ngày 20/6, TP.HCM dừng hoạt động các tuyến phà biển, tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách, trừ một số trường hợp đặc biệt. Hiện, Thành phố đã cho khôi phục buýt sông cùng các bến đường thuỷ hoạt động trong phạm vi địa bàn.

Hà Nội cho phép tổ chức sát hạch lái xe trở lại từ 20/10

Các trung tâm sát hạch lái xe tại Hà Nội sẽ bắt đầu được phép tổ chức thi, cấp giấy phép lái xe từ ngày 20/10 tới sau hơn 5 tháng phải "đóng băng" do dịch Covid-19.

Hà Nội cho phép tổ chức sát hạch lái xe trở lại từ 20/10

Hà Nội cho phép tổ chức sát hạch lái xe trở lại từ 20/10

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sở này vừa có văn bản về việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) thuộc thẩm quyền quản lý của Sở. Theo đó, chấp thuận cho phép thực hiện các kỳ sát hạch, cấp GPLX bắt đầu từ 20/10.

Sở GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư y tế, nhân lực để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, các trung tâm phải xây dựng phương án phòng, chống dịch cho từng kỳ sát hạch, báo cáo chính quyền địa phương, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch; đồng thời, phân công nhiệm vụ bảo đảm rõ người, rõ việc, có kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện.

Cử nhân viên, cán bộ y tế yêu cầu 100% thí sinh, nhân viên phục vụ kỳ sát hạch, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch xếp hàng bảo đảm khoảng cách quy định để thực hiện quét mã QR Code, đo thân nhiệt, khai báo y tế; chia khung giờ thí sinh đến sát hạch để đảm bảo giãn cách,...

Như vậy, sau hơn 5 tháng phải "đóng băng" bởi dịch Covid-19, các trung tâm sát hạch lái xe sẽ được mở cửa trở lại theo trạng thái "bình thường mới". Trước đó, từ ngày 12/5, TP. Hà Nội buộc phải tạm dừng tổ chức các kỳ sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ để phòng dịch bệnh Covid-19.

Hơn 1.000 lính quân y đã được rút khỏi TP.HCM

Lực lượng quân y tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM đã rút về, trong khi các tổ quân y lưu động tại phường, xã, vẫn bám trụ, chữa trị cho các ca F0.

Lực lượng quân y của Học viện Quân y tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Lực lượng quân y của Học viện Quân y tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Đại tá Trần Công Trường, Phó Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng ở phía Nam cho biết, lực lượng quân y tăng cường cho TP.HCM còn khoảng 4.300 người đang làm việc tại các bệnh viện dã chiến và trạm y tế lưu động của Thành phố.

TP.HCM chỉ còn Quận 12 và huyện Hóc Môn là dịch còn phức tạp. Lực lượng quân y đang cùng với Sở Y tế TP.HCM rà soát lại để có phương án điều chỉnh. Lực lượng chi viện sẽ từng bước rút về, vẫn giữ lại lực lượng quân y của Quân khu 7, Quân khu 9.

Lãnh đạo Cục Quân y cho biết, hơn 1.000 lính quân y đã được rút khỏi Thành phố thời gian qua. Họ là lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại TP.HCM.

Theo thống kê của Tổng cục Hậu cần, khoảng 500 lính quân y bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình hỗ trợ TP.HCM chống dịch.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Khải Tín bị khởi tố về hành vi lừa đảo

Công ty này đã nhiều lần lấy dự án ma bán cho người dân. Có người đã đặt cọc, thậm chí thanh toán 100% lô đất mới phát hiện bị lừa.

Dự án Eco Lake đã bán 71 lô đất cho khách hàng, nhưng chính quyền, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện không có dự án nào mang tên Eco Lake.

Dự án Eco Lake đã bán 71 lô đất cho khách hàng, nhưng chính quyền, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện không có dự án nào mang tên Eco Lake.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can, tạm giữ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Khải Tín Tống Phước Hoàng Hưng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công ty CP Tập đoàn Khải Tín tiền thân là Công ty CP Đất Xanh Bắc miền Trung.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố ông Tống Phước Hoàng Hưng sau khi xác minh, điều tra trong thời gian dài và qua giải quyết đơn tố cáo của người dân.

Ngày 13/7/2018, tại Khách sạn Mường Thanh Huế, chủ đầu tư là Công ty CP Đất Xanh Bắc miền Trung do ông Hưng làm Tổng Giám đốc tổ chức ra mắt Dự án Eco Lake và bán 71 lô đất cho khách hàng. Nhiều khách đặt tiền, nhiều người đã thanh toán tiền 100% lô đất. Khi chính quyền, ngành chức năng kiểm tra, phát hiện không có dự án nào mang tên Eco Lake.

Tháng 8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Khải Tín Group 100 triệu đồng về hành vi quảng cáo sai sự thật dự án bất động sản khi biến dãy nhà ở riêng lẻ tại 67 Vạn Xuân, phường Kim Long, thành phố Huế, thành dự án bất động sản cao cấp mang tên “Vạn Xuân Compound” khiến nhiều khách hàng hiểu nhầm, đặt cọc mua nhà thông qua môi giới.

Cán bộ Cục Hải quan An Giang bị bắt liên quan đến vụ buôn lậu 100 tấn đường cát

Ông Bùi Quốc Việt, cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang bị bắt giam do liên quan vụ buôn lậu 100 tấn đường cát.

Công an thi hành lệnh bắt bị can Bùi Quốc Việt

Công an thi hành lệnh bắt bị can Bùi Quốc Việt

Ngày 18/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh An Giang bắt giam ông Bùi Quốc Việt (ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), cán bộ Cục Hải quan An Giang để điều tra hành vi “Buôn lậu”.

Theo điều tra, ngày 12/10/2020, lực lượng công an An Giang bắt quả tang vợ chồng Lê Toàn Trung, Nguyễn Thúy Oanh (cùng ngụ huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) chạy ghe vận chuyển 100 tấn đường cát trên đoạn sông ở xã Quốc Thái, huyện An Phú.

Đây là số đường cát nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt giam Trung và Oanh về hành vi “Buôn lậu”.

Quá trình mở rộng điều tra vụ án, tháng 6/2021, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Sỉ (ngụ huyện An Phú) và Nguyễn Hồng Cường (ngụ quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).

Đến nay, Công an tiếp tục khởi tố, bắt giam Bùi Quốc Việt, cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang.

Phấn đấu hoàn thành 6 nhánh lên xuống cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào cuối tháng 10

6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội), có tổng đầu tư 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối tháng 10.

Phấn đấu hoàn thành 6 nhánh lên xuống cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào cuối tháng 10

Phấn đấu hoàn thành 6 nhánh lên xuống cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào cuối tháng 10

6 nhánh lên xuống cầu cạn gồm 2 nhánh ở Hoàng Quốc Việt, 2 nhánh Cổ Nhuế và 2 nhánh Nguyễn Hoàng Tôn. Tất cả đã thi công xong phần thảm mặt đường, đang chờ thời tiết tốt lên để lắp biển báo, sơn kẻ đường.

Theo Giám đốc điều hành Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long Phạm Anh Tú cho biết, Ban Quản lý dự án cũng đã cho mời Tổ tư vấn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước tới kiểm tra hiện trường, hồ sơ, chuẩn bị cho công tác nghiệm thu và khai thác vào cuối tháng 10.

6 nhánh lên xuống cầu cạn khởi công từ tháng 10/2020, dự kiến khánh thành tháng 7/2021, song bị chậm do dịch Covid-19. Các nhánh được làm bằng bê tông cốt thép, với một làn ôtô và một làn khẩn cấp.

Thời điểm chưa có các nhánh lên xuống, xe cộ trên cầu cạn muốn quay đầu sẽ phải đi hết cầu Thăng Long, sang phía huyện Đông Anh. Do quãng đường xa, nhiều ôtô bất chấp nguy hiểm quay xe ngay phía đầu cầu Thăng Long.

Cầu cạn Vành đai 3 dài 5,36 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.343 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Dự án được khởi công tháng 5/2018 và thông xe vào tháng 10/2020.

Tin cùng chuyên mục