Bản tin thời sự sáng 19/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề nghị lùi tiến độ Metro số 1 đến cuối năm 2023; giá USD ngân hàng tăng vọt, tiến sát 24.500 đồng; Cần Giờ sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng vào năm 2030; các đơn vị chậm thủ tục mở rộng sân bay Côn Đảo bị phê bình; đề xuất đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng vốn ngân sách…

TP.HCM đề nghị lùi tiến độ Metro số 1 đến cuối năm 2023

UBND TP.HCM đề nghị lùi thời gian hoàn thành Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến cuối quý IV/2023, kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết 2028.

Ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa báo cáo Quốc hội tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM.

Về tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ trưởng Thể cho biết, căn cứ theo tiến độ thực tế của Dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công Dự án là cuối quý IV/2023.

Lý giải việc lùi thời gian hoàn thành, Bộ trưởng Thể cho rằng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn, cộng với một số thay đổi về trình tự, quy định, pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh.

Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài kéo dài. Dự án liên quan nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam nên cần rà soát thận trọng, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Theo báo cáo, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn Dự án đạt 92,19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt 93%. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn vay ODA từ đầu Dự án đến tháng 9 là hơn 20.600 tỷ đồng, đạt 53,95%.

Metro Bến Thành - Suối Tiên khởi công tháng 8/2012, có tuyến chính dài 19,7 km, 14 ga và 1 depot. Dự án được điều chỉnh nhiều lần vào các năm 2008, 2011, 2019, 2021. Ban đầu, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2021.

Giá USD ngân hàng tăng vọt, tiến sát 24.500 đồng

Ngay sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh, từ 150 - 250 đồng ở cả 2 chiều.

USD trong ngân hàng tăng mạnh

USD trong ngân hàng tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm sáng 18/10 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.637 đồng, tăng 51 đồng so với hôm 17/10 và là phiên tăng thứ 8 liên tiếp. Sau 2 phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm tăng 97 đồng. Các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn là 22.455 đồng và giá trần là 24.818 đồng.

Tính đến 6h30 ngày 18/10, chỉ số USD-Index ở mức 111,9 điểm, giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn tăng 20,2% so với năm ngoái và vẫn ở vùng giá cao nhất 20 năm.

Các ngân hàng tư nhân sáng 18/10 chưa có điều chỉnh nhiều. Tuy nhiên, ngày 17/10, sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, giá USD trong ngân hàng tăng khoảng 100 - 200 đồng mỗi chiều so với phiên cuối tuần trước.

Sáng 18/10, Vietcombank niêm yết giá mua và bán USD ở mức 24.150 - 24.460 đồng/USD, tăng 20 đồng mỗi chiều so với kết phiên 17/10.

Giá USD "chợ đen" đang giao dịch ở mức 24.420 - 24.520 đồng (mua - bán), tăng tới 170 đồng ở chiều mua và 190 đồng ở chiều bán.

Cần Giờ sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng vào năm 2030

Vào năm 2030, Cần Giờ (TP.HCM) sẽ là thành phố biển nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái với thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng mỗi năm.

Một góc Cần Giờ nhìn từ trên cao

Một góc Cần Giờ nhìn từ trên cao

Mục tiêu trên được nêu trong Nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ do Thành uỷ TP.HCM vừa ban hành. Theo đó, Thành phố đặt kế hoạch tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của Huyện tăng 20,7% mỗi năm. Đến 2030, ngành dịch vụ chiếm gần 75% tổng giá trị sản xuất của địa phương; toàn bộ đường đô thị được chiếu sáng; tất cả phương tiện giao thông công cộng dùng năng lượng sạch, 100% rác thải được xử lý.

Cần Giờ sẽ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Địa phương này được định hướng thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với tổng lượng khách giai đoạn 2021 - 2030 là 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5% mỗi năm.

Các tuyến du lịch quốc tế sẽ được kết nối với nơi đây qua cảng hành khách trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Thành phố cũng sẽ triển khai Dự án Đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; phát triển hệ thống giao thông kết nối các tuyến nhánh với đường Rừng Sác; xây nút giao nối đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Hạ tầng logistics ở huyện đảo cũng được thành phố đầu tư gồm các cảng: tổng hợp, hành khách quốc tế, container trung chuyển quốc tế tại nơi tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải...

Cách trung tâm Thành phố khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM giáp biển, có rừng phòng hộ, và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Huyện đảo này có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích TP.HCM, với gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Các đơn vị chậm thủ tục mở rộng sân bay Côn Đảo bị phê bình

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê bình Cục Hàng không Việt Nam, Ban Quản lý dự án Thăng Long và liên danh tư vấn chậm thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sân bay Côn Đảo.

Sân bay Côn Đảo đang khai thác các máy bay nhỏ như ATR, Embraer.

Sân bay Côn Đảo đang khai thác các máy bay nhỏ như ATR, Embraer.

Theo GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và Ban Quản lý dự án Thăng Long đã không quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Liên danh tư vấn ADCC - TEDI không tập trung lực lượng, không chủ động lập Dự án và không tham mưu cho chủ đầu tư các nội dung theo trách nhiệm.

Đến nay, tư vấn vẫn chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, chậm khoảng một tháng so với kế hoạch, nguy cơ Dự án không thể khởi công vào tháng 6/2023.

Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo khả thi và trình Bộ xem xét trong tháng 10.

Theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Côn Đảo được phê duyệt là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự, công suất 2 triệu hành khách và 4.400 tấn hàng hóa mỗi năm, 8 vị trí đỗ máy bay.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Côn Đảo được Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Thăng Long quản lý dự án. Các công trình như nhà ga, sân đỗ... được giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Ước tính, chi phí đầu tư toàn bộ sân bay Côn Đảo theo quy hoạch 4.402 tỷ đồng.

Các dự án đang được chuẩn bị đầu tư, để phấn đấu khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Sân bay Côn Đảo hiện khai thác các chặng đi đến từ TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất 20 - 22 chuyến một ngày; công suất phục vụ 400.000 khách mỗi năm.

Đề xuất hai vị trí xây cầu nối TP.HCM - Đồng Nai

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất nghiên cứu hai vị trí xây cầu vượt sông qua Đồng Nai, gồm từ TP. Thủ Đức và Quận 7, để tăng kết nối hai tỉnh, thành.

Hiện, người dân từ TP. Thủ Đức qua huyện Long Thành phải đi phà Cát Lái.

Hiện, người dân từ TP. Thủ Đức qua huyện Long Thành phải đi phà Cát Lái.

Nội dung vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi làm việc với các đơn vị liên quan. Hai tỉnh thành Đông Nam Bộ hiện kết nối nhau qua ba trục chính là Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K (qua địa phận Bình Dương) và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nhiều khu vực khác đang bị cách trở bởi sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải.

Với tính toán bổ sung cầu kết nối từ TP. Thủ Đức qua huyện Long Thành, Đồng Nai, ngành giao thông TP.HCM đề xuất ưu tiên hai phương án. Phương án đầu tiên, hướng tuyến cầu bắt đầu từ Vành đai 3 tại nút giao Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức), sau đó vượt sông Tắc đến cù lao Long Phước, nối đường ĐT 777B ở xã Tam An. Theo cách này, chiều dài tuyến ở TP.HCM khoảng 5,4 km.

Phương án thứ hai, hướng tuyến của cầu bắt đầu từ nút giao D1 và nhánh nối xa lộ Hà Nội (phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức), sau đó đi về hướng Đông, vượt sông Tắc, nối vào đường ĐT 777B, xã Tam An. Chiều dài tuyến qua địa bàn TP.HCM khoảng 6 km.

Hai phương án nói trên được TP.HCM nghiên cứu sau khi tỉnh Đồng Nai đề nghị xây cầu nằm trong phạm vi đoạn sông dài 15 km, từ cầu Đồng Nai trên Quốc lộ 1 đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái nối từ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai qua Quận 7, thay vì địa điểm đã được quy hoạch và tư vấn đề xuất. Điểm đầu cầu nằm trên đường trục Bắc Nam TP.HCM đi về phía Đông, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Tổng chiều dài tuyến hơn 13,7 km.

Đề xuất đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng vốn ngân sách

Tỉnh Tiền Giang kiến nghị đầu tư mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng ngân sách Trung ương, dù giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức BOT.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn khẩn cấp trong giai đoạn 1

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn khẩn cấp trong giai đoạn 1

Trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương sẽ phù hợp với tình hình thực tế.

Hình thức đầu tư mà UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất đã thay đổi so với phương án hai tháng trước. Hồi tháng 7, lãnh đạo tỉnh này đã làm việc với doanh nghiệp dự án, thống nhất đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 9.500 tỷ đồng gồm lãi vay, trong đó, vốn ngân sách khoảng 4.700 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Hiện cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được quy hoạch, giải phóng mặt bằng chiều rộng hơn 32 m, đáp ứng xây 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp trong giai đoạn 2.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, với 4 làn xe rộng 3,5m và dải phân cách giữa. Tuyến đường không bố trí làn dừng khẩn cấp mà có điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng, song giải pháp này không hiệu quả vì xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng và gây khó khăn cho việc cứu hộ trên đường.

TP.HCM tính thí điểm bãi xe cao tầng ở khu trung tâm

Ngành giao thông TP.HCM dự tính thí điểm bãi đậu xe cao tầng sức chứa 48 ô tô, 80 xe máy ở đường Lê Lai, Quận 1, nhằm đánh giá trước khi xây công trình lớn.

Ô tô đậu ở bãi xe cao tầng sân bay Tân Sơn Nhất

Ô tô đậu ở bãi xe cao tầng sân bay Tân Sơn Nhất

Phương án thí điểm được Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu. Nơi xây bãi xe cao tầng trên đường Lê Lai dự tính ở đoạn đang tổ chức cho ôtô đậu có thu phí, giáp công viên 23/9. Việc xây dựng sẽ theo hướng lắp 4 mô-đun dạng xoay tròn cho ô tô đậu và một mô-đun đỗ xe máy.

Ngoài khu vực trên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng lên phương án thí điểm hai bãi đậu cao tầng khác ở bến xe Quận 8 và chợ Lớn (Quận 5). Những nơi này có vị trí thuận lợi, đủ điều kiện làm công trình dạng này.

Việc nghiên cứu thí điểm bãi xe cao tầng nằm trong định hướng ngành giao thông Thành phố về triển khai các công trình giữ xe ở trung tâm và những nơi thiếu chỗ đậu xe. Các bãi xe cao tầng lắp ghép được cho chiếm ít diện tích, chi phí thấp so với bãi xe ngầm; dễ lắp đặt, thi công nhanh; khi cần có thể tháo dỡ, di dời...

Hiện, TP.HCM đã có một số bãi đậu cao tầng như công trình số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (chứa 2.800 ô tô, xe máy); bãi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ô tô, xe máy, xe đạp)...

Hải Phòng xây ký túc xá cho 10.000 công nhân

Hải Phòng dự kiến dành quỹ đất rộng 5,4 ha để thực hiện dự án trị giá 1.560 tỷ đồng xây dựng ký túc xá cho khoảng 10.000 công nhân đang làm việc tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thu hút dự kiến khoảng 38.000 công nhân, người lao động đến làm việc

Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thu hút dự kiến khoảng 38.000 công nhân, người lao động đến làm việc

Vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế TP. Hải Phòng có buổi làm việc với UBND quận Hải An và các ngành chức năng của TP. Hải Phòng về việc giải phóng mặt bằng xây dựng khu nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Theo đó, Ban phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân viên Công ty TNHH Pegatron Việt Nam dạng ký túc xá cao 10 tầng và nhà tiện ích công cộng cao 5 tầng. Tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng, thời hạn thực hiện 50 năm, chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một thi công từ quý IV/2022 đến quý IV/2024, giai đoạn hai từ quý IV/2025 đến quý IV/2027.

Khi Dự án hoàn thành kỳ vọng giải quyết nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân đang làm việc tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, khu nhà ở xã hội được xây dựng nằm trên lô đất rộng hơn 5,4 ha, có một phần do phường Đông Hải 2 thuộc quận Hải An quản lý, một phần chưa giải phóng mặt bằng do Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng quản lý.

Ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch quận Hải An (Hải Phòng) cho biết, Quận sẽ bàn giao đất cho chủ đầu tư sớm thực hiện Dự án sau khi hoàn thiện các thủ tục thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư xây dựng, khẩn trương đưa công trình vào sử dụng.

Kiến nghị mở thêm hai tuyến buýt qua Tân Sơn Nhất

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đề xuất mở hai tuyến xe buýt chạy qua Tân Sơn Nhất, giúp sân bay giảm ùn tắc và khách thêm lựa chọn đi lại.

Buýt 109 chờ đón khách ở sân bay

Buýt 109 chờ đón khách ở sân bay

Trong công văn vừa gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đơn vị trên cho biết, tuyến buýt thứ nhất cự ly gần 9 km. Lộ trình từ bến xe buýt ở công viên Gia Định, quận Gò Vấp, rẽ qua các đường quanh sân bay như Hồng Hà, Bạch Đằng, Trường Sơn... để vào ga quốc tế, quốc nội và ngược lại.

Tuyến thứ hai cự ly 12,6 km, từ bến xe buýt Tân Phú theo các đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Trường Sơn để vào ga quốc tế, quốc nội, sau đó quay ngược lại bến xe buýt Tân Phú.

Hai tuyến buýt này không trợ giá, dùng ô tô 17 - 40 chỗ (đứng, ngồi) với 91 chuyến mỗi ngày, xe chạy từ 5h đến 20h.

Trước đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã đề xuất được giao lại khu đất 1.500 m2 ở công viên Gia Định, giáp đường Hồng Hà đang do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) quản lý để làm bãi đậu xe buýt. Riêng khu vực bến Tân Phú, xe buýt có thể ra, vào ngay.