Bản tin thời sự sáng 19/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dừng cách ly người về từ TP.HCM; Hà Tĩnh tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác; MobiFone được phép thí điểm Mobile Money; TP.HCM dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar; Đà Nẵng tiêm vắc xin cho học sinh lớp 8, 9 trong 3 ngày…

Hà Nội dừng cách ly người về từ TP.HCM

Chính quyền thủ đô dừng cách ly tại nhà người về từ TP.HCM và một số tỉnh có số ca Covid-19 cao, sau hai ngày ban hành quy định.

Người dân về từ TP.HCM qua sân bay Nội Bài

Người dân về từ TP.HCM qua sân bay Nội Bài

Tối 18/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành Công điện số 24 về việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ địa bàn có dịch trở về Thành phố.

Theo đó, Hà Nội dừng cách ly tại nhà 7 ngày với những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ vùng đỏ, cam và các tỉnh, thành có số ca mắc cao (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai...).

Các quy định liên quan đến tăng cường kiểm soát người từ tỉnh, thành khác về Hà Nội trong Công điện 23 ban hành hôm 16/11 cũng dừng thực hiện.

Công điện mới nêu người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, khi về Hà Nội sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, nghiêm túc thực hiện 5K; xét nghiệm PCR vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí.

Trường hợp tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa tiêm vaccine sẽ cách ly 14 ngày kể từ khi về địa phương; tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy và ngày thứ 14.

Trường hợp đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Hà Tĩnh tháo dỡ trạm thu phí Cầu Rác

Trạm thu phí Cầu Rác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, được tháo dỡ sau hơn 2 năm bỏ hoang, gây cản trở phương tiện giao thông trên Quốc lộ 1A.

Công nhân tháo dỡ mái che trạm thu phí Cầu Rác

Công nhân tháo dỡ mái che trạm thu phí Cầu Rác

Việc tháo dỡ do Công ty CP 465, trụ sở ở TP. Vinh (Nghệ An) thực hiện, kinh phí hơn 400 triệu đồng; bắt đầu từ ngày 18/11, dự kiến kết thúc sau 6 ngày.

Từ sáng nay, nhà thầu điều máy xúc, xe cẩu cùng hàng chục công nhân đến tháo dỡ, di dời các trụ phân cách cứng và mái che của trạm thu phí. Xe tải chở vật liệu đi chỗ khác.

Ở hai đầu Quốc lộ 1, ban ngày nhà chức trách dựng biển cảnh báo, giới hạn tốc độ, phân luồng cho xe qua lại; buổi tối bố trí thêm đèn chiếu sáng. Sau khi giải phóng xong mặt bằng, điểm đặt trạm thu phí trước kia sẽ được rải thảm nhựa.

Trạm thu phí Cầu Rác do Tổng công ty Sông Đà lập ra để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường BOT dài 16 km trên Quốc lộ 1 nối từ xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Hết thời hạn thu hoàn vốn từ tháng 2/2019, trạm bỏ hoang hơn 2 năm nay, chậm tháo dỡ do một số vướng mắc trong bàn giao tài sản giữa chủ đầu tư với cơ quan nhà nước.

MobiFone được phép thí điểm Mobile Money

Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho MobiFone thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

MobiFone được phép thí điểm Mobile Money

MobiFone được phép thí điểm Mobile Money

Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa ký quyết định này ngày 18/11. MobiFone được phép thí điểm trong 2 năm (đến ngày 18/11/2023). Đây cũng là nhà mạng đầu tiên tuyên bố được phép thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên toàn quốc.

Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của MobiFone... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.

Theo MobiFone, trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp này sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch trên toàn quốc. Sau đó, MobiFone sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý. Nhà mạng này cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng sớm nhất.

Khác với ví điện tử, Mobile Money không cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và cũng không phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Do đó, việc xác thực thông tin thuê bao, định danh khách hàng là yếu tố bắt buộc tiên quyết. Thời gian qua, MobiFone đã tích cực chuẩn hóa thông tin thuê bao, rà soát và chuẩn hóa thông tin người dùng.

TP.HCM dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar

Chính quyền TP.HCM yêu cầu ngưng hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage sau 2 ngày cho phép mở ở các "vùng xanh" (cấp 1).

Một quán karaoke tại TP.HCM đóng cửa từ ngày 9/2 để phòng dịch

Một quán karaoke tại TP.HCM đóng cửa từ ngày 9/2 để phòng dịch

Quyết định trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu trong công văn gửi sở ngành và quận huyện ngày 18/11. Động thái này được chính quyền Thành phố đưa ra theo đề xuất của Sở Y tế Thành phố trong bối cảnh Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Như vậy, tính đến nay, các dịch vụ karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage đã phải dừng hoạt động gần 7 tháng để phòng dịch.

Thành phố giao Sở Y tế sớm hoàn thiện, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với loại hình kinh doanh dịch vụ massage, quán bar.

Trước đó, hôm 16/11, UBND TP.HCM ban hành quy định tạm thời các biện pháp Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, một loạt dịch vụ như: massage, spa, làm đẹp, bar, vũ trường, khiêu vũ, karaoke, rạp chiếu phim, thư viện, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi điện tử... được mở tại phường, xã, thị trấn cấp độ 1 (vùng xanh).

Đà Nẵng tiêm vaccine cho học sinh lớp 8, 9 trong 3 ngày

Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa cho biết sẽ thực hiện tiêm vaccine cho trẻ đủ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi từ ngày 20/11. Theo đó có khoảng 35.000 em trong nhóm đủ tuổi tiêm.

Đà Nẵng sẽ tiêm vắc xin cho người từ 12 đến 15 tuổi vào ngày 20/11, sau khi đã hoàn thành tiêm cho người từ 15 đến 18 tuổi

Đà Nẵng sẽ tiêm vắc xin cho người từ 12 đến 15 tuổi vào ngày 20/11, sau khi đã hoàn thành tiêm cho người từ 15 đến 18 tuổi

Sở Y tế TP. Đà Nẵng vừa có công văn bổ sung đối tượng tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 và thay đổi thời gian tiêm cho đối tượng là trẻ từ 12 - 15 tuổi, trong đó chủ yếu là học sinh theo học khối lớp 8, 9 (đủ 12 tuổi).

Theo đó từ ngày 20 đến 22/11, Đà Nẵng sẽ tổ chức tiêm cho hơn 34.000 học sinh lớp 8, lớp 9 và 368 trẻ do UBND quận lập danh sách.

Sở Y tế Đà Nẵng đã phối hợp với các quận, huyện rà soát, hoàn chỉnh dữ liệu danh sách theo đúng thời gian để bảo đảm việc tiêm chủng đúng quy định, đồng thời gấp rút thực hiện danh sách đối tượng được tiêm chủng (học sinh khối lớp 8, 9) theo đúng biểu mẫu quy định cho đơn vị phụ trách tiêm chủng trước ngày tiêm.

Hiện nay TP. Đà Nẵng cũng đã hoàn thành việc tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho người trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi ở địa phương này đã đạt 60%.

TP.HCM xin đón khách quốc tế từ tháng 12

Đây là nội dung đề xuất đón khách quốc tế của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 18/11.

TP.HCM xin đón khách quốc tế từ tháng 12

TP.HCM xin đón khách quốc tế từ tháng 12

Thành phố dự kiến thí điểm từ tháng 12 và mở rộng phạm vi đón khách trong năm 2022, không yêu cầu cách ly tập trung sau khi nhập cảnh, áp dụng hộ chiếu vaccine.

Cụ thể, từ tháng 12 các doanh nghiệp lữ hành đủ điều kiện sẽ được đón khách quốc tế đến TP.HCM theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay charter và chuyến bay thường lệ.

Từ tháng 1/2022, việc đón khách sẽ thực hiện theo các chương trình trọn gói tại Thành phố hoặc kết hợp nhiều điểm đến giữa TP.HCM và các địa phương đã được chấp thuận đón khách quốc tế giai đoạn 1 gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh.

Từ tháng 4/2022, mở lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

Khách du lịch quốc tế khi đến TP.HCM sẽ phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (không áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ); có kết quả âm tính với nCoV bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD; tham gia chương trình trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu của Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch, xây dựng kế hoạch đón khách, đăng ký và đánh giá an toàn Covid-19 hàng ngày, đăng ký mã QR, bố trí khu vực cách ly, tuân thủ các quy định về an toàn...

Tin cùng chuyên mục