Bản tin thời sự sáng 19/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam được quyền sản xuất thuốc viên trị Covid-19 của Pfizer; đã giữ lại được 16 container vụ lừa xuất khẩu điều sang Ý; Tân Sơn Nhất tạm đóng một đường băng đến ngày 30/4; không sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld cho F0; Lâm Đồng đề xuất mở rộng sân bay Liên Khương…

Việt Nam được quyền sản xuất thuốc viên trị Covid-19 của Pfizer

Công ty Stellapharm vừa được Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) nhượng quyền sản xuất thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất nirmatrelvir của Pfizer.

Thuốc Paxlovid điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters

Thuốc Paxlovid điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters

Stellapharm là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam, một trong 35 công ty tại 12 nước được MPP nhượng quyền sản xuất và cung cấp thuốc này. 12 quốc gia được MPP thỏa thuận nhượng quyền thuốc đợt này gồm: Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Jordan, Ấn Độ, Israel, Mexico, Pakistan, Serbia, Hàn Quốc và Việt Nam. Riêng Ukraine do điều kiện đặc biệt sẽ được xem xét cấp bổ sung sau.

Đây là thuốc đầu tiên trên thế giới chứa hoạt chất kháng virus nirmatrelvir dùng kết hợp thuốc kháng HIV ritonavir. Trong đó, nirmatrelvir có tác dụng điều trị Covid-19, còn ritonavir giúp thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn, theo nhà sản xuất. Thuốc của Pfizer có tên thương mại Paxlovid, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12/2021, sau đó cả Canada, Anh và Ủy ban Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) cũng cho phép điều trị tại nhà với bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, người dễ chuyển nặng do yếu tố tuổi tác hoặc bệnh nền như béo phì, tiểu đường.

Như vậy, hiện thế giới có 4 loại hoạt chất kháng virus điều trị Covid-19, là remdesivir (tiêm tĩnh mạch dùng cho bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện), 3 loại thuốc viên là molnupiravir, favipiravir, nirmatrelvir (dùng cho bệnh nhân nhẹ điều trị tại nhà).

Việt Nam hiện dùng 3 loại thuốc kháng virus, riêng nirmatrelvir vừa được chuyển nhượng sản xuất.

Đã giữ lại được 16 container vụ lừa xuất khẩu điều sang Ý

Sau 3 lần can thiệp kịp thời, đến nay đã giữ được 16 container (cont) hạt điều tại Ý (lần một giữ 3 cont, lần hai giữ 2 cont và lần ba giữ 11 cont).

Các bộ ngành liên quan đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ lừa xuất khẩu 36 container hạt điều sang Ý và đã giữ lại được 16/36 container tại cảng. Số còn lại sẽ lần lượt đến Ý trong tháng 3/2022. Ảnh minh họa

Các bộ ngành liên quan đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ lừa xuất khẩu 36 container hạt điều sang Ý và đã giữ lại được 16/36 container tại cảng. Số còn lại sẽ lần lượt đến Ý trong tháng 3/2022. Ảnh minh họa

Theo thông tin mới nhất từ Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý, sau 3 lần can thiệp kịp thời, đến nay đã giữ được 16 container (cont) hạt điều tại Ý (lần một giữ 3 cont, lần hai giữ 2 cont và lần ba giữ 11 cont).

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các hãng tàu để tiếp tục hỗ trợ giữ và thu hồi các cont hạt điều còn lại. Theo Vinacas, vai trò của Bộ Giao thông Vận tải trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý về chứng từ, hồ sơ để thu hồi các container điều trong vụ việc này hết sức quan trọng và cấp bách.

Hiện Vinacas đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ các giải pháp tiếp theo cho doanh nghiệp, đặc biệt là tìm cách giải quyết các cont đã thu hồi được theo hướng: tìm khách mới tại Ý để bán hoặc vận chuyển sớm về Việt Nam nhằm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất.

Vinacas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong vụ việc này chuẩn bị kỹ các bộ hồ sơ chứng từ liên quan (từ khi ký kết, xuất hàng, giao nhận...) để Vinacas tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan hỗ trợ thu hồi các container điều cho doanh nghiệp.

Tân Sơn Nhất tạm đóng một đường băng đến 30/4

Sân bay Tân Sơn Nhất tạm dừng khai thác đường băng 25L đến 30/4 để thi công các hạng mục tiếp theo của dự án cải tạo.

Tân Sơn Nhất tạm đóng một đường băng

Tân Sơn Nhất tạm đóng một đường băng

Ngày 18/3, các hãng hàng không đồng loạt khuyến nghị hành khách theo dõi lịch bay thường xuyên do một đường cất - hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất vừa được tạm dừng khai thác.

Việc này có thể ảnh hưởng đến giờ khởi hành, giờ đáp của các chuyến bay, đặc biệt trong khung giờ cao điểm có nhiều chuyến bay cất - hạ cánh.

Các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air khuyến nghị hành khách thường xuyên theo dõi điện thoại hoặc email để cập nhật lịch bay trong trường hợp có thông báo thay đổi.

Theo đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam, từ 21/2 đến nay, sân bay luân phiên đóng - mở đối với 2 đường băng để thi công, kết nối đường lăn mới.

Hoạt động bay vẫn được duy trì bình thường. Hiện các đơn vị cũng có kế hoạch chuẩn bị, tăng cường nhân sự, xếp lịch bay giãn cách đều, kể cả tăng tần suất bay đêm.

Đại diện cảng vụ cho hay dự kiến công tác thi công hoàn tất vào 30/4.

Đề xuất vé Metro Số 1 mức 9.000 - 23.000 đồng mỗi lượt

Giá vé Metro Số 1 được đề xuất 9.000 - 23.000 đồng mỗi lượt; 46.000 đồng khi khách đi một ngày, 104.000 đồng cho ba ngày, tăng so với mức trước đây.

Đoàn tàu Metro cập cảng Khánh Hội

Đoàn tàu Metro cập cảng Khánh Hội

Đây là phương án giá vé cho giai đoạn đầu khai thác thương mại Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), vừa được Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) gửi Sở Giao thông Vận tải. Mức này cao hơn đề xuất trước đây là 7.000 - 12.000 đồng mỗi lượt.

MAUR cho biết khung giá trên được xây dựng dựa trên yếu tố như giá vé xe buýt, thu nhập của khách, tránh gây biến động và khuyến khích người dân sử dụng. Các bên liên quan tiếp tục rà soát để tham mưu chính quyền Thành phố xem xét.

Giá vé 9.000 - 23.000 đồng mỗi lượt tùy theo cự ly chuyến đi. Giá vé một và ba ngày không giới hạn lượt sử dụng. Riêng vé tháng được đề xuất mức 320.000 đồng cho khách bình thường và 160.000 đồng cho học sinh, sinh viên.

Ngoài các loại vé trên, Metro Số 1 còn vé tích tiền (nạp tiền để trừ dần khi đi), được đề xuất mức giá thấp hơn vé lượt, từ gần 6.500 đồng đến hơn 17.000 đồng mỗi lượt. Dự kiến trẻ em dưới 6 tuổi, người già, khuyết tật... được miễn phí.

Theo Chủ đầu tư, giá vé lượt của Metro Số 1 tính theo quãng đường di chuyển tương đồng với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội. Khung giá vé được đề xuất cho tuyến metro cao hơn khoảng 78% vé các tuyến xe buýt phổ thông, nhưng chi phí vận hành cao hơn rất nhiều.

Thời gian đầu vận hành, Metro Số 1 được dự kiến có gần 68.000 lượt khách mỗi ngày, nếu có các tuyến xe buýt gom kết nối metro, khách sẽ tăng lên khoảng 110.000. Năm đầu vận hành, ngân sách Thành phố dự kiến trợ giá cho tuyến gần 1.000 tỷ đồng.

Không sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld cho F0

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld cho F0 đang điều trị; không dự phòng mắc Covid-19, sau phơi nhiễm SARS-Cov-2 ở người có thể tiêm vaccine.

Một công nhân đóng gói thuốc Evusheld. Ảnh: AstraZeneca

Một công nhân đóng gói thuốc Evusheld. Ảnh: AstraZeneca

Theo Cục Quản lý Dược, Evusheld đã được cấp phép khẩn cấp tại một số quốc gia, ví dụ Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain. Đây là liệu pháp có công dụng dự phòng mắc Covid-19 trong ít nhất 6 tháng, gồm một liều kháng thể đơn dòng Cilgavimab.

Nhóm sử dụng là người lớn và trẻ em từ 12 tuổi nặng trên 40 kg, không nhiễm SARS-Cov-2, không tiếp xúc nguồn lây song bị suy giảm miễn dịch ở mức độ vừa và nặng, đang sử dụng thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch, không đáp ứng miễn dịch khi tiêm vaccine Covid-19. Cục Quản lý Dược hướng dẫn các trường hợp này bao gồm: người đang điều trị khối u, bệnh huyết học ác tính, ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu, bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, mắc HIV chưa được điều trị hoặc bệnh đang tiến triển, điều trị tích cực bằng thuốc kháng viêm Corticosteroid liều cao. Những người không thể tiêm vaccine Covid-19 vì dị ứng với thành phần Vaccine cũng có thể dùng Evusheld.

Tại Việt Nam, Evusheld được cấp phép nhập khẩu ngày 2/3, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám, chữa bệnh. Cục Quản lý Dược yêu cầu bệnh viện, cơ sở điều trị phải thông tin và tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc tới người bệnh, chỉ sử dụng khi được bệnh nhân hoặc người nhà đồng ý.

Evusheld còn có tên AZD7442, do Công ty AstraZeneca sản xuất, là thuốc tiêm bắp sâu. Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thuốc này ngoài công bố của nhà sản xuất. Dự kiến lô Evusheld đầu tiên về Việt Nam cuối tháng 3, sau đó sử dụng tại hai bệnh viện Tâm Anh Hà Nội và TP HCM...

Lâm Đồng đề xuất mở rộng sân bay Liên Khương

Tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng để mở rộng sân bay Liên Khương đạt công suất 5 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Nhà ga hành khách sân bay Liên Khương
Nhà ga hành khách sân bay Liên Khương

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E, có hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đón được các máy bay lớn như Airbus A380, Boeing 787 và thêm một nhà ga quốc tế trên diện tích đất 340 ha.

Sân bay này sau khi được nâng cấp sẽ có công suất 5 triệu lượt hành khách đến năm 2030. Tổng mức đầu tư khoảng 4.320 tỷ đồng theo hình thức PPP, từ năm 2023 đến 2026.

Cảng hàng không Liên Khương thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km. Sân bay hiện đạt cấp 4D, đón được tàu bay A320/A321, công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm.

Sân bay có một đường hạ cất cánh dài 3.250 m, rộng 45 m, nhà ga hành khách rộng 1.000 m2. Năm 2019, thời điểm trước dịch, sân bay có 15 đường bay nội địa và quốc tế, đạt sản lượng là 2,1 triệu hành khách mỗi năm.

Triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến hơn 10.000 tỷ đồng

Nhóm nghi phạm trong đường dây đánh bạc trực tuyến quy mô lớn hoạt động tinh vi khiến các trinh sát nhiều ngày giấu mình ở trên đồi, dưới ruộng để phá án.

Cơ quan công an đọc lệnh khám xét tại một điểm ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Cơ quan công an đọc lệnh khám xét tại một điểm ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Ngày 18/3, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan điều tra đã ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 19 nghi phạm về hành vi Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

Theo cơ quan điều tra, ngày 29/12/2021, gần 200 trinh sát của Công an tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an đồng loạt khám xét nhiều địa điểm tại các huyện Sóc Sơn, Mê Linh (Hà Nội) và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Mở rộng chuyên án, ngày 2/1, Công an tỉnh Quảng Ninh huy động gần 50 cảnh sát, khám xét nhiều địa điểm tại thị xã Quảng Yên và huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Bước đầu, cảnh sát xác định đường dây tổ chức đánh bạc do Nguyễn Văn Tú và Vũ Ngọc Thành cùng trú huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cầm đầu. Trong đó, Nguyễn Văn Tú (Tú "Trố") thành lập Công ty nước sạch Ngọc Anh và giữ vai trò giám đốc nhưng kinh doanh nước chỉ là bình phong, thực chất doanh nghiệp này hoạt động nhiều lĩnh vực, trong đó có cờ bạc và cầm đồ, cho vay nặng lãi.

Trụ sở Công ty nước sạch Ngọc Anh là địa điểm để Tú và đàn em tập trung, điều hành hoạt động đánh bạc trực tuyến. Nhà cái hoạt động theo phương thức tín chấp. Con bạc phải liên hệ với đại lý cấp trên để được cấp tài khoản và được ứng trước một số điểm (tiền ảo) để tham gia đánh bạc. Số tiền giao dịch có thể từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu trong một lần chơi.

Các nghi phạm khai, đã tổ chức đánh bạc trên nhiều trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài, giao diện thể hiện nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Nhà chức trách ước tính từ đầu năm 2021 đến nay, số tiền giao dịch lên đến trên 10.000 tỷ đồng.