Bản tin thời sự sáng 19/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Vĩnh Phúc thu hồi quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc sở 31 tuổi; giải phóng mặt bằng Metro số 2 TP.HCM sẽ xong trong năm 2021; nhóm tấn công báo điện tử VOV bị phát hiện; Vietnam Airlines được cấp phép bay đến Canada; Bộ Công an triệt phá đường dây làm giả 3 triệu sách giáo khoa tại Hà Nội…

Vĩnh Phúc thu hồi quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc sở 31 tuổi

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với bà Trần Huyền Trang.

Em

Bà Trần Huyền Trang (phải) tại cuộc làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Sở KHĐTVP

Theo ông Nguyễn Tư Long, Vụ Phó Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản rút lại các quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Trong số các trường hợp bị rút quyết định bổ nhiệm có bà Trần Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc.

Sau khi bị rút quyết định bổ nhiệm, Bà Trang hiện đảm nhiệm chức vụ Phó phòng thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà Trần Huyền Trang năm nay 31 tuổi, là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan.

Vào cuối tháng 2/2021, tỉnh Vĩnh Phúc công bố quyết định về việc điều động, bổ nhiệm một số cán bộ cấp sở; trong đó có bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc.

Một tháng sau, xem xét báo cáo kết quả kiểm tra về công tác cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định về trách nhiệm nêu gương và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bổ nhiệm một số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Do đó, cơ quan kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ; đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Giải phóng mặt bằng Metro số 2 TP.HCM sẽ xong trong năm 2021

Việc giải phóng mặt bằng cho tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm 2021 để khởi công di dời, tái lập hạ tầng kỹ thuật.

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1) tháo dỡ, lùi sâu để giao mặt bằng xây ga Tao Đàn thuộc tuyến Metro số 2

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch triển khai Dự án Metro số 2 trong 6 tháng cuối năm 2021. Tuyến metro đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp. Các quận hiện cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường, trong đó 474 trường hợp đã giao đất (chiếm hơn 78%).

Liên quan việc di dời hạ tầng kỹ thuật, MAUR cho biết, đến nay đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng 5 trong tổng số 7 gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, di dời... Hai gói còn lại sẽ hoàn thành việc chọn nhà thầu trong năm nay. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Dự án sẽ bắt đầu được thi công di dời, tái lập hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông...

Toàn tuyến Metro số 2 dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot tại Tham Lương, Quận 12. Hiện 4 trong 10 ga của Dự án đã có mặt bằng gồm: S9 - Bà Quẹo (Tân Bình); S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình (Tân Bình và Tân Phú); S5 - Lê Thị Riêng (Quận 10).

Metro số 2 có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, trong đó hơn 4.350 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, Dự án được đưa vào khai thác năm 2026.

Nhóm tấn công báo điện tử VOV bị phát hiện

Cục An ninh mạng (A05, Bộ Công an) đã tìm ra nhóm hacker tấn công báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Giao diện Báo điện tử VOV. Ảnh: Chụp màn hình.

Giao diện Báo điện tử VOV. Ảnh: Chụp màn hình.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết, A05 đã tìm ra nhóm hacker tấn công báo điện tử VOV. Sự việc đã có những xử lý bước đầu, tuy nhiên đang trong quá trình làm rõ thêm nên kết quả chưa được công bố.

Vụ tấn công bắt đầu từ ngày 12/6, khi toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của báo điện tử VOV trên Google, Facebook bị comment tiêu cực, spam đe dọa...; còn trên Google Maps, ứng dụng VOV bị đánh giá 1* (1 sao). Một ngày sau đó, việc truy cập vào địa chỉ vov.vn rất khó khăn, chập chờn. Báo điện tử VOV bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến bạn đọc không thể truy cập trong nhiều giờ sau đó.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, đây là cuộc tấn công ảnh hưởng nặng nề đến báo điện tử VOV. Điều này cho thấy nguy cơ rủi ro, mất an toàn an ninh, bị tấn công là rất lớn trên môi trường mạng, đặc biệt là với những trang báo điện tử có lượng người dùng lớn. Đây là cuộc tấn công nhắm vào cơ quan báo chí của Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Vietnam Airlines được cấp phép bay đến Canada

Sau hơn nửa năm đàm phán, Vietnam Airlines vừa nhận giấy phép và đang lên kế hoạch bay đến hai thành phố lớn Toronto và Vancouver của Canada.

Vietnam Airlines được cấp phép bay không giới hạn đến Canada

Vietnam Airlines được cấp phép bay không giới hạn đến Canada

Bộ Giao thông vận tải Canada đã cấp cho Vietnam Airlines chứng chỉ "Nhà khai thác hàng không nước ngoài" (Foreign Air Operator Certificate - FAOC) để thực hiện các chuyến bay đến nước này.

Chứng chỉ này có hiệu lực từ 11/6 và không giới hạn thời gian, cũng như số lượng chuyến bay. Trước đó, Hãng từng được cấp chứng chỉ này lần đầu tiên 3 tháng (13/7 đến 13/10/2020) và được gia hạn đến ngày 15/11/2020. Từ đó đến nay, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được bay đến Canada.

Với chứng chỉ vừa nhận, Vietnam Airlines có thể thực hiện các chuyến bay chở hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và tất cả sân bay tại Canada. Trước mắt, Hãng sẽ khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Canada về nước. Đồng thời, Hãng hoàn thành các thủ tục cần thiết để vận chuyển hành khách là người Canada, thường trú nhân vĩnh viễn tại Canada và du học sinh từ Việt Nam đến Canada.

Vietnam Airlines đang xây dựng kế hoạch khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và Canada, trong đó hai thành phố lớn Toronto và Vancouver sẽ là những điểm đến chính. Chuyến bay sớm nhất dự kiến khởi hành ngày 30/6 để đưa người Việt từ Toronto hồi hương.

Với tổng chiều dài quãng đường bay hơn 20.000 km và thời gian bay khứ hồi hơn 30 tiếng, Vietnam Airlines sẽ bố trí sử dụng các tàu bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350.

TP. Vinh cách ly xã hội từ 0h ngày 19/6

Sau khi ghi nhận 11 ca nhiễm SARS-CoV-2, TP. Vinh áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 19/6.

TP. Vinh với 25 xã, phường cách ly xã hội từ 0h ngày 19/6

TP. Vinh với 25 xã, phường cách ly xã hội từ 0h ngày 19/6

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, những ngày qua, Tỉnh liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, dự báo tình hình dịch bệnh trong những ngày tới rất phức tạp, nhất là tại TP. Vinh. Mặc dù việc áp dụng Chỉ thị 16 sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân, song ngăn chặn và dập dịch lúc này là quan trọng nhất so với việc khác.

TP. Vinh với 25 xã, phường, diện tích rộng 104 km2, hơn 500.000 người sẽ thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất...

Tới nay, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 20 ca nhiễm và nghi nhiễm, trong đó TP. Vinh có 11 ca, huyện Diễn Châu 7, Tân Kỳ và Quỳ Hợp mỗi huyện 1 trường hợp.

Hai bệnh viện quận tại TP.HCM ngưng tiếp nhận bệnh nhân

Hai bệnh viện Quận 4 và Quận 10 (TP.HCM) ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 18/6, sau khi ghi nhận ca Covid-19 đến khám.

Hai bệnh viện Quận 4 và Quận 10 (TP.HCM) ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 18/6
Hai bệnh viện Quận 4 và Quận 10 (TP.HCM) ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 18/6

Theo đại diện Bệnh viện Quận 4, ca nhiễm mắc nhiều bệnh mạn tính, đến Bệnh viện khám, sàng lọc ngày 17/6, kết quả test nhanh âm tính SARS-CoV-2. Bệnh viện lấy thêm mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để xét nghiệm PCR, dặn bệnh nhân tự cách ly tại nhà.

Sáng 18/6, bệnh nhân tới khám bệnh, nhận được thông tin dương tính SARS-CoV-2. Bệnh viện đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi.

Người này từng đến Bệnh viện khám vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, do đó Bệnh viện chủ động tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới để tiến hành khử khuẩn, phòng chống dịch. Nơi này cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tất cả khoảng 300 nhân viên, bệnh nhân nội trú.

Đại diện Bệnh viện Quận 10 ngày 18/6 cũng cho biết ngưng tiếp nhận bệnh nhân, xét nghiệm khoảng 80 nhân viên y tế, sau khi một bệnh nhân đến khám xét nghiệm sàng lọc dương tính SARS-CoV-2.

Bộ Công an triệt phá đường dây làm giả 3 triệu sách giáo khoa tại Hà Nội

Đường dây sản xuất hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa, tham khảo giả, thu lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng, đã bị triệt phá.

Cảnh sát kiểm tra kho sách

Cảnh sát kiểm tra kho sách

Khoảng 10h15 ngày 18/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát.

Tại 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng, cảnh sát niêm phong nhiều tài liệu liên quan và 3 dây chuyền máy in offset 4 màu cùng các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... phục vụ sản xuất sách giả.

Nhà chức trách còn thu giữ hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo giả từ lớp 1 đến 12, cùng nhiều sổ sách kế toán liên quan. C03 đang phân loại sách giáo khoa giả, tài liệu thu giữ và triệu tập một số nghi phạm để làm rõ hành vi phạm tội.

Theo lãnh đạo C03, đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Thủ đoạn của chúng là chia nhỏ các khâu để qua mặt cảnh sát. Khách hàng là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh... Theo điều tra ban đầu, cảnh sát xác định lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng.

Nghiên cứu cấm xe giường nằm vào nội đô TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM lên phương án lập vành đai cấm ô tô giường nằm vào nội đô Thành phố nhằm giảm ùn tắc, tai nạn và hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.

Ô tô trả khách trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh ở nơi cấm

Ô tô trả khách trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh ở nơi cấm

Vành đai giới hạn xe vào khu nội đô dự kiến theo các tuyến: Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội. Thời gian cấm được đề xuất hai khung giờ, gồm: cả ngày hoặc 6h - 22h. Trên các đường vành đai, xe được chạy bình thường.

Trong khu vực vành đai, ô tô giường nằm khi vào Bến xe Miền Đông tại quận Bình Thạnh theo lộ trình: Quốc lộ 1 - Quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh. Hướng ngược lại từ bến xe này đi ra theo trục Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1. Còn tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), xe ra vào bến theo lộ trình Quốc lộ 1 - đường Kinh Dương Vương và ngược lại.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, góp ý phương án tổ chức giao thông nói trên để đánh giá cụ thể và thống nhất triển khai.

TP.HCM quản lý hơn 1.600 ô tô khách giường nằm, gồm các loại 22 - 44 giường mỗi xe. Trong đó, ô tô khách hoạt động ở 5 bến liên tỉnh tại Thành phố, lộ trình cố định không qua trung tâm TP.HCM, chỉ những xe chạy hợp đồng, du lịch ra vào. Trụ sở nhiều nhà xe nằm ở các quận 5, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh...

Tin cùng chuyên mục