Có tài khoản định danh điện tử sẽ không cần mang thẻ căn cước công dân
Người dân khi đăng ký tài khoản định danh điện tử sẽ được tích hợp thông tin của Thẻ căn cước công dân vào đây để không cần mang theo bản cứng.
Thẻ căn cước công dân gắn chíp |
Ngày 18/7, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho ra mắt ứng dụng định danh điện tử - VNeID. Hiện các đơn vị của Bộ Công an thu thập được gần 6 triệu hồ sơ đăng ký định danh điện tử và đã phê duyệt, kích hoạt cho 10 công dân đầu tiên để sử dụng tài khoản này.
Tài khoản định danh điện tử là "tập hợp gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân), mật khẩu (gửi qua tin nhắn điện thoại khi đăng ký)". Tài khoản được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Việc sử dụng tài khoản này có hai cấp độ. Mức một, công dân có thể trải nghiệm một số tiện ích cơ bản như đọc báo, khai báo y tế... Để đăng ký online, người dùng tải ứng dụng VNeID từ CH Play hoặc App Store. Khi tài khoản được phê duyệt, người dùng sẽ nhận được mật khẩu qua tin nhắn điện thoại sau đó chỉ cần đăng nhập và sử dụng.
Với mức hai, người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, liên kết. Ở mức này, người dùng phải đến trực tiếp công an địa phương để cung cấp số điện thoại, email, để đăng ký.
Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, người dùng được kích hoạt tài khoản định danh có thể tích hợp mọi thông tin trên Căn cước công dân gắn chíp vào đây. Từ đó sẽ "cho ra đời" một "căn cước công dân điện tử" thay thế căn cước bản cứng. Khi tích hợp thành công, người dân sẽ không cần cầm theo bản cứng căn cước công dân mà tất cả thao tác đều trên điện thoại.
TP.HCM đề xuất làm quảng trường trước chợ Bến Thành
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đề xuất làm quảng trường trước chợ Bến Thành, Quận 1, nhằm giữ văn hoá đặc trưng của TP.HCM.
Vòng xoay trước chợ Bến Thành lúc chưa bị phá dỡ. |
Cụ thể, trước chợ Bến Thành sẽ được thiết kế cảnh quan và điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông để tạo quảng trường. Kế hoạch này chỉ thực hiện trên mặt đất, đến lúc làm công trình ngầm sẽ phải tháo dỡ. Tuy nhiên, cách này được cho phù hợp vì từng bước theo quy hoạch cũng như giữ được không gian văn hoá đặc trưng của Thành phố.
Phương án này có thể làm theo hai giai đoạn. Đầu tiên sẽ hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành bằng việc bố trí mảng xanh, nơi đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Giao thông từ đường Trần Hưng Đạo qua Lê Lợi giữ một phần hướng tuyến như cũ để kết nối vào trung tâm. Sau đó, khu vực sẽ hoàn thiện theo quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ và các dự án khác xung quanh như công viên 23/9, đường Lê Lợi...
Ngoài ra, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố cũng đưa ra hai phương án khác. Phương án đầu, vòng xoay trước chợ Bến Thành sẽ được tái lập như trước. Cách này thi công nhanh, không gây xáo trộn giao thông, giữ được các nét văn hoá, lịch sử, nhưng không đúng quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm.
Phương án tiếp theo, khu vực trên thiết kế theo quy hoạch, giúp kết nối giao thông, hệ thống ngầm đồng bộ và giữ được các nét văn hoá đặc trưng... Tuy nhiên, việc này cần nhiều thời gian và kinh phí lớn. Ngoài ra, Thành phố phải tính toán tổ chức giao thông phù hợp; có kế hoạch xây ngầm và thiết kế cảnh quan trên mặt đất cụ thể.
Vòng xoay trước chợ Bến Thành có từ năm 1914, gắn bó nhiều thế hệ người dân Thành phố. Năm 1964, nơi này được sinh viên Sài Gòn đặt tượng bán thân Quách Thị Trang, để tưởng nhớ nữ sinh đã hy sinh trong cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Một năm sau, tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên bệ cao cũng đặt tại vòng xoay.
Thanh tra việc phát hành sách giáo khoa
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua, sử dụng sách giáo khoa.
Một số sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục |
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá kỹ tác động của việc tăng học phí, nhất là đến chỉ số giá tiêu dùng; kịp thời đề xuất phương án sát thực tiễn.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cảnh cáo ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, vì vi phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới.
Giữa tháng 6, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV nêu rõ, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trước mắt, Chính phủ cần có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có NXB Giáo dục Việt Nam). Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Đề xuất đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức BOT
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành (Đăk Nông - Bình Phước) dài 140 km, được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT.
Ba dự án cao tốc ở Tây Nguyên đang được nghiên cứu |
Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước có thẩm quyền thực hiện Dự án theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT).
Theo Bộ Giao thông vận tải, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, thu phí hoàn vốn.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã cho phép Liên danh Vingroup - Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, dự kiến trình cơ quan có thẩm quyền trong tháng 8.
Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành gồm đoạn qua tỉnh Đăk Nông 38 km, tỉnh Bình Phước 102 km. Điểm đầu Dự án tại khu vực TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Tuyến đường được quy hoạch 6 làn xe, dự kiến đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 23.000 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương bị bắt
Ông Lê Minh Quốc Cường, cựu Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, bị bắt với cáo buộc có sai phạm trong vụ tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam.
Cựu Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Lê Minh Quốc Cường phát biểu tại một cuộc họp báo. Nguồn: Tuổi Trẻ |
Ngày 18/7, ông Cường bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Cùng vụ án, trước đó Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Hoàng Thanh, Trưởng phòng việc làm thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương; Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên Phòng Chính sách lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, 4 người khác bị khởi tố về tội Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và Đưa hối lộ.
Các quyết định đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.
Ngày 28/6, Tỉnh uỷ Bình Dương điều động ông Cường từ vị trí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến nhận công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ngày 15/7, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, ông Cường bị miễn nhiệm chức danh Uỷ viên UBND Tỉnh.
Nghiên cứu mở thêm 22 phố đi bộ ở trung tâm TP.HCM
22 đường ở trung tâm TP.HCM dự kiến được tổ chức thành phố đi bộ trong ba năm tới, giúp hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm.
Một sự kiện tổ chức ở phố đi bộ Bùi Viện |
Nội dung được đề cập trong Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở khu trung tâm, vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM.
Theo đó, từ nay đến năm 2023, phố đi bộ sẽ tổ chức ở vòng xoay Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Các tuyến này cấm xe chạy khi tổ chức phố đi bộ. Giai đoạn này, Thành phố sẽ hạn chế xe, để ưu tiên người đi bộ trên các đường Nguyễn An Ninh và Lưu Văn Lang.
Trong hai năm tiếp theo, phố đi bộ tiếp tục mở rộng qua đường Đồng Khởi (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), cùng các tuyến Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Mạc Thị Bười, Ngô Đức Kế (đoạn từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).
Thời gian này, Thành phố cũng hạn chế xe, ưu tiên người đi bộ trên các tuyến Đông Du, Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng); Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (từ Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh).
Đến năm 2025, trung tâm thành phố sẽ có thêm phố đi bộ ở đường Hàm Nghi (Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ hạn chế xe và ưu tiên người đi bộ.
Theo ngành giao thông Thành phố, việc mở rộng các phố đi bộ giúp giảm xe cá nhân vào nội đô, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ ở khu trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa... Để tổ chức 22 đường thành phố đi bộ, đề án nêu các giải pháp: cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông, tăng kết nối giao thông công cộng; tổ chức sự kiện thu hút người dân, du khách...