Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông
Việt Nam nộp hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Liên Hợp Quốc theo quy định của UNCLOS.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (trái) nộp hồ sơ đệ trình lên CLCS |
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng đoàn công tác của Bộ Ngoại giao nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS).
Động thái này nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, được quy định tại Điều 76 của UNCLOS, theo Bộ Ngoại giao.
Theo đó, khi có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở, quốc gia ven biển cần nộp đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để CLCS xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.
Bộ Ngoại giao cùng ngày ra tuyên bố về việc nộp đệ trình, trong đó khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Việt Nam cũng tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền đối với những vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Việt Nam cam kết sẵn sàng giải quyết và kiểm soát tranh chấp, bất đồng về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những tranh chấp về phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia ven biển liên quan ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, đồng thời cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông là đệ trình thứ ba của Việt Nam. Hồi tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình riêng về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông và nộp Đệ trình chung với Malaysia về Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với khu vực Nam Biển Đông.
Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Giữa Biển Đông, Việt Nam một lần nữa khẳng định việc nộp đệ trình này sẽ không ảnh hưởng tới phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.
5,2 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong nửa đầu năm 2024
Kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20% so với cùng kỳ, lên xấp xỉ 5,2 tỷ USD.
5,2 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong nửa đầu năm 2024 |
Tính riêng trong quý II, lượng kiều hối chuyển về Thành phố tăng 4% so với cùng kỳ và đạt 2,3 tỷ USD, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, khu vực châu Á vẫn đóng góp tỷ trọng cao nhất, chiếm 56% kiều hối chảy về Thành phố. So với cùng kỳ năm trước, lượng kiều hối chảy từ khu vực này tăng trưởng mạnh gần 50%, nhờ nguồn nhân lực và thị trường lao động tích cực.
Bên cạnh các yếu tố khách quan như kinh tế chính trị xã hội, lao động việc làm và thu nhập, ông Lệnh đánh giá, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối có vai trò quan trọng để tăng nguồn lực "vàng" này.
Theo đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nhận định, cần tiếp tục có chính sách về ngoại hối, thu hút kiều hối, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, nguồn lực kiều hối cần được sử dụng hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa. Đây là giải pháp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư...
Hằng năm, TP.HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về Thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Hội An được bình chọn thành phố đẹp thứ 4 thế giới
Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam được Travel & Leisure vinh danh ở hai hạng mục Thành phố đẹp nhất thế giới và nhất châu Á năm 2024.
Phố Cổ Hội An nhìn từ trên cao |
Theo công bố giải World's Best thường niên vào tháng 7 của tạp chí du lịch Mỹ Travel & Leisure, Hội An đứng thứ 4 tại hạng mục 25 thành phố đẹp nhất thế giới 2024 với 90,67 điểm trên 100, sau San Miguel de Allende của Mexico, Udaipur của Ấn Độ và Kyoto của Nhật Bản.
Trong top 25 thành phố đẹp nhất châu Á, Hội An đứng thứ 3 sau hai đại diện từ Ấn Độ và Nhật Bản.
Trong mắt du khách quốc tế và các chuyên gia du lịch, "không có gì ngạc nhiên khi Hội An xuất hiện trong danh sách". Ngoài danh hiệu Di sản Thế giới UNESCO trao cho Phố cổ Hội An, điểm đến còn là nơi lý tưởng cho người sành ăn cùng các món ngon như cao lầu, bánh mì và những người đam mê lịch sử. Hội An cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 30 km, thuận tiện cho việc di chuyển, ghé thăm.
World's Best nhằm tôn vinh các điểm đến, khách sạn, hãng hàng không cùng các dịch vụ xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Năm nay, giải thưởng thu hút hơn 700.000 phiếu bầu.
Các thành phố được chấm điểm dựa trên các tiêu chí về danh lam thắng cảnh, văn hóa, đồ ăn, sự thân thiện của người dân và điểm đến, mua sắm cũng như giá trị mà nơi đó mang lại cho chuyến đi của du khách. Mỗi tiêu chí có 4 bậc để độc giả xếp hạng: xuất sắc, trên trung bình, trung bình và kém. Tổng điểm của một thành phố đạt được là điểm trung bình mà các du khách chấm cho 4 tiêu chí này.
Trước đó, đảo Phú Quốc cũng xuất hiện trong danh sách 25 đảo và quần đảo đẹp nhất thế giới của Travel & Leisure. Ở hạng mục 10 khách sạn tốt nhất thế giới, Việt Nam có đại diện là Alma Resort (thứ 9).
Hà Nội đồng ý tiếp tục các dự án Thanh Hà A, Thanh Hà B, Khu đô thị Mỹ Hưng
UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về chủ trương việc tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư Khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B; Khu đô thị Mỹ Hưng để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và hoàn thành các nội dung xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại Khu đô thị Thanh Hà làm cơ sở xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án theo quy định.
Hàng chục căn biệt thự trong khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 được xây dựng trở lại |
Đây là dự án đối ứng của Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hình thức BT.
UBND thành phố Hà Nội đề nghị Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để được hướng dẫn thực hiện lập, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu đô thị nêu trên theo quy định.
UBND Thành phố giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát về việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố…
Thời gian qua, do một số vi phạm trong quy hoạch, trật tự xây dựng nên nhiều năm qua dự án bị đình trệ, nhiều hộ có nhu cầu xây dựng biệt thự nhưng không thể vì vướng thủ tục pháp lý.
Lý do bị tạm dừng thi công, theo UBND thành phố Hà Nội, là do nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư và các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công nên chưa đủ điều kiện để tiếp tục triển khai xây dựng công trình.
Về Dự án Khu đô thị Thanh Hà, năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) - gọi là bên B.
Theo Hợp đồng BT, bên B tự thu xếp nguồn vốn tổ chức xây dựng và hoàn thành tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5 km.
Để hoàn vốn của Dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho bên B thực hiện dự án khác, gồm 3 dự án bất động sản là Dự án khu đô thị Thanh Hà A - Cienco5, Dự án khu đô thị Thanh Hà B - Cienco5 và Dự án khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco5.
Phương thức giao nhận hàng hóa qua cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan từ 1/8
Các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần chủ động nắm bắt chủ trương, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định để thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Phương tiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. |
Ngày 18/7, theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, bắt đầu từ ngày 1/8/2024, phương tiện vận tải hàng hóa thông quan qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) bao gồm: đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan), đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (Tân Thanh - Pò Chài), lối thông quan khu vực mốc 1104-1105 (Cốc Nam - Lũng Nghịu) sẽ thực hiện theo các quy định trong điều ước quốc tế, bao gồm: Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, các thông lệ quốc tế và quy định của nội luật Việt Nam.
Đầu năm 2020, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất với phía Quảng Tây, Trung Quốc thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa hai chiều để nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Đến nay, đã hết thời gian thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và tại Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa quy định nội dung trên, nên hai bên đã thống nhất không tiếp tục thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa này.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân, chủ hàng, đơn vị kinh doanh vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải xuất khẩu, đơn vị có nhu cầu giao thương qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ động nắm bắt chủ trương trên; đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định để thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.
Đồng thời, chấp hành sự kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, tuân thủ quy trình thực hiện giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua các lối thông quan, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc)…
Khánh Hòa đầu tư hơn 166 tỷ đồng trùng tu di tích thành cổ Diên Khánh
Ông Nguyễn Thanh Hiến, Giám đốc Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh cho biết, dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ khởi công trùng tu thành cổ Diên Khánh thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.
Cửa Tiền của thành cổ Diên Khánh, nằm trên trục đường phía Nam thị trấn Diên Khánh |
Dự kiến, Chủ đầu tư sẽ giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng Dự án trong 2 năm 2024 - 2025.
Theo quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, dự án này có 12 hạng mục được trùng tu, phục hồi, bảo tồn, trong đó, có các hạng mục trùng tu theo nguyên gốc như tuyến thành đất dài 2.500 m, đỉnh thành rộng hơn 4 m, lối đi lát gạch rộng 2,6 m...
Những hạng mục xây mới là đường dài 2.000 m, rộng 6 m, chạy sát chân thành; cầu vòm bắc qua hào nước, các tiểu công viên, chỉnh trang cầu tại các cổng thành; nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào và chống thấm thành hào, đáy hào; hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh...
Kinh phí thực hiện dự án là hơn 166 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng...
Cùng với kinh thành Huế, thành cổ Diên Khánh là tòa thành cổ ở Việt Nam vẫn giữ được sự nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Thành Diên Khánh từng giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung Bộ, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử và ngày nay mang đến một vẻ đẹp độc đáo ít người biết đến.
Thành cổ Diên Khánh cũng là di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, biểu tượng văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống và lịch sử quý báu của vùng đất này. Công tác trùng tu tập trung khôi phục các phần bị hư hại, sử dụng vật liệu và phương pháp truyền thống để giữ nguyên bản sắc kiến trúc cổ xưa.
Năm 1988, thành cổ Diên Khánh được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Đồng Nai công khai hàng trăm trường hợp nợ gần 700 tỷ tiền thuế
Cục Thuế Đồng Nai vừa có thông báo về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Chủ đầu tư Khu đô thị Phú Hội liên tục trong danh sách nợ thuế ở Đồng Nai |
Theo danh sách, đơn vị nợ thuế với số tiền nhiều nhất hơn 110 tỷ đồng là Công ty TNHH Một thành viên Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc).
Xếp thứ 2 trong số các doanh nghiệp nợ thuế là Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) với số tiền hơn 81,4 tỷ đồng.
Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai (phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) xếp vị trí thứ 3 với số tiền nợ thuế hơn 54,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân khác còn nợ tiền thuế từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nợ thuế kéo dài nhiều năm liên tục.
Theo Cục Thuế Đồng Nai, đơn vị này sẽ tiếp tục các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; chống thất thu thuế, quản lý nợ thuế; tăng công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế…
Năm 2024, tỉnh Đồng Nai được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 56.100 tỷ đồng. Trong đó, Cục thuế Đồng Nai được Bộ Tài chính giao thu hơn 37.300 tỷ đồng tiền thuế nội địa. Trong 6 tháng đầu năm, thu thuế nội địa ước đạt 19.000 tỷ đồng, đạt 58% so với dự toán và bằng 112% so với cùng kỳ năm 2023.
Cắt nước Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ 22.7
Do chủ đầu tư nợ hàng chục tỷ đồng tiền nước chưa thanh toán, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 có thể bị cắt nước hoàn toàn vào ngày 22/7.
Trụ sở của FIDC - Chủ đầu tư Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 sắp bị cắt nước |
Ngày 18/7, Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ (Phumy Wasuco) có văn bản báo cáo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ngừng cấp nước hoàn toàn cho Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân A2 - chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển quốc tế Formosa (FIDC).
Theo Phumy Wasuco, do FIDC nợ hàng chục tỷ đồng tiền nước chưa thanh toán, đơn vị này đã nộp hồ sơ khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Trong thời gian chờ giải quyết vụ kiện, nếu vẫn phải tiếp tục cấp nước nhưng không được thanh toán tiền nước sẽ gây khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động của của doanh nghiệp
Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn lực cấp nước cho dân cư và các khu công nghiệp khác, Phumy Wasuco buộc phải cắt nước vào KCN Mỹ Xuân A2, dự kiến thực hiện từ 16h ngày 22/7.
Được biết, ngày 1/7, Phumy Wasuco đã nộp đơn khởi kiện FIDC đến Tòa án Nhân dân thị xã Phú Mỹ. Trong đơn khởi kiện, ngoài việc yêu cầu FIDC trả khoản tiền nước còn nợ, Phumy Wasuco cũng đã yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp là tạm thời bàn giao hệ thống cấp nước trong KCN Mỹ Xuân A2 cho Phumy Wasuco vận hành quản lý và ký hợp đồng thu tiền trực tiếp từ các nhà đầu tư để đảm bảo việc cấp nước ổn định.
Tuy nhiên, nội dung này không được chấp thuận, mà chỉ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của FIDC.