Bản tin thời sự sáng 19/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Bí thư tỉnh Ninh Bình không còn trong Ban Chỉ đạo chống tham nhũng; sẽ rào đường Trần Hưng Đạo thi công nhà ga Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện; khu liên hợp thể thao Mỹ Đình lại bị đòi nợ thuế hơn 855 tỷ đồng…

Phó Bí thư tỉnh Ninh Bình không còn trong Ban Chỉ đạo chống tham nhũng

Chiều 18/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình đã kiện toàn lại nhân sự. Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy không còn trong Ban Chỉ đạo.

Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình

Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình

Theo Quyết định số 688-QĐ/TU do bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình ký, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình có 14 thành viên.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.

Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: ông Lưu Danh Tuyên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (Phó Trưởng Ban Thường trực); ông Mai Văn Tuất, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Tô Văn Từ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Giám đốc Công an Tỉnh.

Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong danh sách Ban Chỉ đạo và cũng không còn là Phó Ban Chỉ đạo như nội dung Quyết định số 655-QĐ/TU ký ngày 30/6.

Trước đó, sau khi Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Tỉnh, trong danh sách Ban Chỉ đạo có ông Trần Hồng Quảng khiến dư luận băn khoăn.

Bởi trước đó, vào tháng 3/2022, ông Trần Hồng Quảng từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì có liên quan đến tiêu cực.

Sẽ rào đường Trần Hưng Đạo thi công nhà ga Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sẽ triển khai công tác rào đường, phân luồng tổ chức giao thông trên phố Trần Hưng Đạo để thi công giai đoạn 2 ga ngầm S12, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Sơ đồ phân luồng giao thông

Sơ đồ phân luồng giao thông

MRB cho biết, để phục vụ thi công khu vực garage và đường chuyển làn sau ga S12, sáng 20/8, đơn vị sẽ tổ chức rào chắn tạm, vận hành thử phương án phân luồng, tổ chức giao thông trên phố Trần Hưng Đạo, đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Bình Trọng.

Sau khi rào thử, Dự án sẽ tiến hành quan trắc, theo dõi và điều chỉnh phương án (nếu có) dự kiến trong 7 ngày và dựng hàng rào cố định theo phương án đã được thống nhất ngày 27/8.

Trong thời gian rào chắn, các phương tiện có nhu cầu đi trên đường Trần Bình Trọng theo hướng từ Dã Tượng ra Lê Duẩn sẽ đi theo hướng: Trần Bình Trọng - Trần Hưng Đạo - Dã Tượng - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn hoặc Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo - Quán Sứ - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn.

Các phương tiện xe cấp cứu, xe chở bệnh nhân… có nhu cầu vào Bệnh viện tim Hà Nội được phép lưu thông 2 chiều trên tuyến đường Yết Kiêu - Trần Hưng Đạo đoạn từ Cổng viện Tim Hà Nội đến Quán Sứ.

MRB cũng lưu ý phương án sẽ tổ chức giao thông 1 chiều đối với các phương tiện ô tô lưu thông trên phố Quán Sứ (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Trần Hưng Đạo); phương tiện xe máy, xe đạp và người đi bộ trên hệ thống đường tạm trên đường Trần Hưng Đạo (theo chiều và đoạn từ Trần Bình Trọng đi Quán Sứ); các phương tiện ô tô lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Phan Bội Châu ra Lê Duẩn).

Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Sáng 18/8, đại diện Bệnh viện Bạch Mai xin dừng tự chủ toàn diện sau hai năm thí điểm, chỉ thực hiện tự chủ tài chính nhóm hai về chi thường xuyên.

Người bệnh điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Người bệnh điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 của chính phủ để chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên, như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của bệnh viện lúc này.

Bạch Mai là bệnh viện lớn, tuyến cuối tại miền Bắc và là một trong 4 bệnh viện cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn bệnh viện Bạch Mai và K tiếp tục tự chủ tài chính hoàn toàn.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, Bệnh viện đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3 năm nay, gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Bệnh viện bắt đầu thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020, song dịch Covid-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa từ cuối tháng 3 cùng năm. Trong suốt hai năm đại dịch vừa qua, Bệnh viện hỗ trợ toàn bộ sức người sức của chống dịch trên khắp cả nước. Số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 50%. Thêm vào đó, Bệnh viện thu giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế - đa số giá này đã lạc hậu, lỗi thời, thu không đủ bù chi. Còn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa có khung giá trần từ Bộ Y tế, do đó Bệnh viện rất khó quyết định giá hợp lý.

Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình lại bị đòi nợ thuế hơn 855 tỷ đồng

Ngày 18/8, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình lại được nhận được công văn của Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thông báo số tiền nợ thuế, lên đến hơn 855 tỷ đồng.

Sân vận động Mỹ Đình

Sân vận động Mỹ Đình

Công văn nêu rõ, căn cứ dữ liệu tại cơ quan thuế, Khu liên hợp thể thao quốc gia chưa nộp đủ số tiền thuế nợ, với tổng số tiền thuế nợ chưa nộp ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/7/2022 là hơn 855 tỷ đồng. Gồm số tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31/7/2022 là gần 480 tỷ đồng; số tiền chậm nộp là gần 376 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế nợ phát sinh trong tháng 7/2022 là gần 11,7 tỷ đồng. Số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là hơn 839 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia từ năm 2009 - 2018, Khu liên hợp thể thao quốc gia còn có nhiều sai phạm trong việc tự ý cho thuê đất hoặc cho thuê đất trong giai đoạn 2009 đến năm 2018 nhưng tiền lại để ngoài sổ sách dẫn đến thất thoát số tiền lên đến 777 tỷ đồng, trong đó có 658 tỷ đồng có khả năng không thu hồi được.

Thanh tra Chính phủ cũng đã có kiến nghị Khu liên hợp thể thao quốc gia phải nộp tiền thuê đất và tiền chậm nộp đối với việc cho thuê, liên doanh, liên kết trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018.

Đặc biệt, cơ quan thuế đã nhiều lần có thông báo về việc sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hoá đơn và báo cáo với cơ quan chủ quản của Khu liên hợp thể thao quốc gia để cùng đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế đối với đơn vị này. Lần gần nhất là vào tháng 6/2021, khi đó, số tiền nợ thuế của khu liên hợp là hơn 748 tỷ đồng. Mỗi tháng, số tiền nợ sẽ phát sinh thêm 8% của tổng số nợ, để đến tháng 7, tiền nợ thuế của khu liên hợp lên đến hơn 855 tỷ đồng. Và nếu khu liên hợp tiếp tục nợ, khoản tiền thuế sẽ đội lên, khoảng hơn 11 tỷ đồng/tháng.

Đất ở TP.HCM được bồi thường tối đa gấp 15 lần giá nhà nước

Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố để lập phương án bồi thường năm 2022 tối đa gấp 15 lần so với giá nhà nước, còn hệ số của giá đất nông nghiệp gấp 35 lần.

Một phần khu đô thị Tây Bắc TP.HCM (huyện Hóc Môn) bị "treo" hơn 20 năm nay do chưa thống nhất được gía bồi thường để triển khai dự án

Một phần khu đô thị Tây Bắc TP.HCM (huyện Hóc Môn) bị "treo" hơn 20 năm nay do chưa thống nhất được gía bồi thường để triển khai dự án

Theo quyết định vừa được UBND TP.HCM ban hành, áp dụng từ 25/8, đất ở tuỳ quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 2 - 15 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 15 lần, là huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, TP. Thủ Đức.

Với hệ số điều chỉnh này, đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận 1, hệ số 4-5) giá nhà nước (giai đoạn 2020-2024) là 66 triệu đồng mỗi m2 sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264 - 330 triệu đồng mỗi m2.

Tương tự, đất mặt tiền đường Phạm Hùng (huyện Nhà Bè, hệ số 8-15) giá nhà nước 3 triệu đồng mỗi m2 sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 24 - 45 triệu đồng mỗi m2.

Đất nông nghiệp tại TP.HCM có hệ số cao 5 - 35 lần giá nhà nước, nơi có hệ số cao nhất, tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11.

Hệ số điều chỉnh giá đất do Thành phố ban hành nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2021, hệ số năm nay được đánh giá cụ thể và sát thực tế hơn; hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cao hơn những năm trước.

Bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án luôn là vấn đề khó khăn của TP.HCM từ trước tới nay. Không ít dự án trọng điểm bị đình trệ nhiều năm do vướng mặt bằng chưa thể giải toả.

Hạ tầng đường sắt quốc gia ga Hà Nội sẽ được di dời

Cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát sẽ được di dời để có mặt bằng xây dựng tuyến tàu điện Yên Viên - Ngọc Hồi.

Khu A ga Hà Nội nằm trên đường Lê Duẩn, quận Đống Đa

Khu A ga Hà Nội nằm trên đường Lê Duẩn, quận Đống Đa

Bộ Giao thông vận tải vừa trả lời đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội về một số kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, với nội dung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi ở huyện Thanh Trì.

Theo Luật Đường sắt, Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi phải do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Ngày 22/3, Bộ và TP. Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi. Theo đó, Bộ sẽ đầu tư các hạng mục đường sắt quốc gia và Hà Nội đầu tư hạng mục khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị số 1.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu của Dự án Yên Viên - Ngọc cho TP. Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trong thời gian tới.

Với định hướng ga Hà Nội chỉ là ga đường sắt đô thị, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai Dự án.

Theo quyết định chủ trương đầu tư năm 2004, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi dài 28,7 km, là đường đôi khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm. Trên tuyến sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại. Tuyến đường sẽ đi qua các ga đô thị là Hà Nội và Giáp Bát.

Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam sẽ từ ga Ngọc Hồi thay vì ga Hà Nội như hiện nay.