Bản tin thời sự sáng 19/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu thay thế cán bộ làm chậm giải ngân đầu tư công; TP.HCM lên kế hoạch khởi công 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn; chứng khoán mất hơn 55 điểm; sẽ giám sát quản lý bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và 10 địa phương…

Thủ tướng yêu cầu thay thế cán bộ làm chậm giải ngân đầu tư công

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thay thế cán bộ sách nhiễu, cản trở giải ngân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh giải ngân 7 tháng mới đạt hơn 37,8% kế hoạch, nhiều nơi giải ngân vẫn rất thấp.

Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm nay là trên 95% kế hoạch, tương đương hơn 711.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp cán bộ, công chức trì trệ, năng lực yếu kém, hay gây nhũng nhiễu sẽ bị xử lý, thay thế.

"Cần đẩy nhanh phân bổ vốn công, vốn của chương trình phục hồi kinh tế, các dự án trọng điểm, cao tốc gắn với trách nhiệm người đứng đầu", Thủ tướng chỉ đạo.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao các đơn vị phải lập kế hoạch chi tiết từng dự án, tháo gỡ khó khăn và coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm, có 12 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 35% (mức trung bình cả nước). Các địa phương giải ngân cao như Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30%), Long An (54,29%), Ngân hàng nhà nước (63,38%).

Ngược lại, 40 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân dưới 35%, trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn.

TP.HCM lên kế hoạch khởi công 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn

Cầu đi bộ Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm được TP.HCM lên kế hoạch khởi công dịp 30/4/2025 để chào mừng kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phối cảnh cầu đi bộ Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn

Phối cảnh cầu đi bộ Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn

Cầu đi bộ Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn dự kiến nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Phía Quận 1 nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng và gần với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía TP. Thủ Đức, chân cầu nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía Nam quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, vào tháng 9/2020, UBND TP.HCM cơ bản thống nhất phương án kiến trúc cầu đi bộ Thủ Thiêm. Theo phương án thiết kế, cầu có hình lá dừa nước và màu trắng chủ đạo để nhấn mạnh tính biểu tượng của cây cầu, tạo sức hút thị giác dưới ánh nắng mặt trời. Khi chiếu sáng vào ban đêm, màu trắng của cầu đi bộ sẽ là nền cho việc chiếu sáng nghệ thuật chuẩn nhất.

Đầu năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh nội dung tờ trình phương án thiết kế, kiến trúc cầu đi bộ Thủ Thiêm để xem xét, quyết định. Thành phố đặt mục tiêu khởi công Dự án dịp 30/4/2025.

Cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Công trình theo thiết kế có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục để trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư cầu Thủ Thiêm 4. Nếu được thông qua, Dự án dự kiến khởi công dịp 30/4/2025 theo phương thức đối tác công tư (PPP), hoàn thành đưa vào khai thác năm 2028.

Chứng khoán mất hơn 55 điểm

Toàn thị trường có 158 cổ phiếu nằm sàn khiến VN-Index mất hơn 55 điểm, giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua.

Thị trường ngập trong sắc đỏ chiều 18/8

Thị trường ngập trong sắc đỏ chiều 18/8

Sau 5 phiên tăng liên tiếp, chỉ số đại diện sàn TP.HCM đi dưới tham chiếu ngay đầu giờ khi mã chứng khoán của Vingroup và nhiều cổ phiếu bất động sản cùng giảm mạnh. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, VN-Index về dưới 1.220 điểm và giằng co quanh mốc này đến hết buổi sáng.

Sang phiên chiều, chỉ số của sàn HoSE tiếp tục chịu áp lực lớn khi mã VIC nằm sàn kéo theo bảng điện nhóm bất động sản khoác sắc đỏ. 45 phút sau khi mở cửa trở lại, VN-Index thủng mốc quan trọng 1.200 điểm. Chỉ số này giằng co quanh vùng 1.190 - 1.180 điểm trong nửa cuối buổi chiều.

Cuối phiên, VN-Index lùi về gần 1.178 điểm, giảm gần 55,5 điểm so với ngày 17/8. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 13/6. Thị trường điều chỉnh mạnh sau giai đoạn VN-Index có nhịp tăng khá dài suốt thời gian qua. Toàn sàn có 486 cổ phiếu giảm trong khi chỉ có 25 cổ phiếu tăng. Thị trường ghi nhận 158 mã nằm sàn, chiếm 30% tổng cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE.

Bảng điện nhóm bất động sản có 50 mã giảm kịch khung với các cổ phiếu NVL, DIG, DXG, KBC, PDR, CII, TCH, HDC, NLG...

Tương tự, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều giảm thị giá, trừ mã VCB. Trong đó, VPB, EIB và SHB giảm mạnh nhất và về mức sàn. Các mã có giao dịch sôi động như TCB, CTG, LPB, MSB, VIB và BID đều mất trên 4% so với tham chiếu. Ngân hàng và bất động sản trở thành hai nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất.

Sẽ giám sát quản lý bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và 10 địa phương

Tám bộ, ngành và 12 địa phương trong đó có Hà Nội, TP.HCM sẽ được giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, theo kế hoạch giám sát của Quốc hội.

Bất động sản tại phía Đông TP.HCM

Bất động sản tại phía Đông TP.HCM

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương giám sát quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội 2015 - 2023. Đây là một trong những chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đoàn này sẽ thực hiện giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại 8 bộ, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Cùng với đó, 12 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trong diện giám sát lần này.

"Đoàn giám sát có thể điều chỉnh kế hoạch và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung nội dung ngoài đề cương để làm rõ các nội dung trong quá trình giám sát", ông Mẫn thông tin.

Thị trường bất động sản, nhất là một số dự án lớn gần đây đã "nhúc nhích" khởi động sau sự vào cuộc gỡ khó của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Tuy vậy, thị trường này vẫn chưa thực sự "tan băng".

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý II chỉ có 7 dự án bất động sản, nhà ở hoàn thành với hơn 2.420 căn, giảm một nửa so với quý I và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc triển khai các dự án bị chậm hoặc dừng do gặp khó khăn về pháp lý, vốn.

Đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt từ Vũng Áng đến Lào

Dự án đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ dài 103 km, tổng mức đầu tư 27.485 tỷ đồng, được một liên danh đề xuất nghiên cứu đầu tư.

Tuyến đường sắt từ Vũng Áng đến Lào dự kiến được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh minh họa

Tuyến đường sắt từ Vũng Áng đến Lào dự kiến được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh minh họa

Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Petroleum Trading Lao Public (PetroTrade) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đi qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, giáp biên giới với Lào.

Dự án gồm 8 nhà ga (một ga chính, 7 ga trung gian), đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Quy mô đường sắt một ray, tốc độ thiết kế 150 km/h, vận tải hành khách và hàng hóa. Công nghệ tàu điện khí hóa tốc độ cao hoặc chạy bằng động cơ diesel.

Liên danh cam kết bố trí đủ kinh phí để nghiên cứu dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định, đồng thời chịu mọi chi phí nếu hồ sơ dự án không được chấp thuận.

Dự án đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng có chiều dài 554 km trải dài trên hai nước Lào và Việt Nam, quy mô đường sắt khổ 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng.

Đường sắt kết nối Lào và Việt Nam sẽ giúp tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng. Qua đó, giao thương giữa Việt Nam với các nước láng giềng được tạo điều kiện phát triển, tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, Dự án cũng tạo lợi thế rộng mở cho các doanh nghiệp Việt - Lào hợp tác phát triển các lĩnh vực nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ.

Chốt thời gian cưỡng chế biệt thự vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, chính quyền đã ấn định thời điểm cưỡng chế công trình sai phép trên đất rừng phòng hộ ở hai điểm nóng là xã Minh Phú và Minh Trí trong tháng 8.2023.

Loạt công trình vi phạm xây dựng trên đồi Dõng Chum (xã Minh Phú)

Loạt công trình vi phạm xây dựng trên đồi Dõng Chum (xã Minh Phú)

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thông tin, đối với 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thôn Minh Tân (xã Minh Trí) như gia đình ông Nguyễn Nhật Toàn, Nguyễn Trường Giang, Dương Văn Học, Vũ Mạnh Cường, Dương Đoàn Thịnh, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định sẽ xử lý dứt điểm trước ngày 30/8/2023.

Còn loạt công trình xây sai phép trên đất rừng gần khu vực sạt lở (thuộc xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn nói, sẽ thực hiện cưỡng chế 5 công trình xây dựng trái phép vào ngày 27 - 28/8/2023.

Theo báo cáo về công tác xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Minh Phú và Minh Trí tháng 8/2023, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, vi phạm đất rừng tại hai xã Minh Phú, Minh Trí đã được kiểm soát, cơ bản đã ngăn chặn được vi phạm. Tuy nhiên, đối với các vi phạm cũ (từ các năm 2021, 2022) vẫn phát sinh khối lượng.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu Chủ tịch UBND xã Minh Phú tổ chức lực lượng xử lý dứt điểm 5 trường hợp phát sinh trong năm 2023 và 1 trường hợp hộ bà T.T.B.H (vi phạm cũ chưa xử lý) trong tháng 8/2023. Kiểm tra hồ sơ vi phạm và tổ chức xử lý dứt điểm 4 trường hợp tại khu vực sạt lở (vi phạm từ năm 2021) trong tháng 9/2023.

UBND Huyện cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND xã Minh Trí tổ chức xử lý giải tỏa các lều, lán tái vi phạm trên đất hồ, đất rừng hai bên hồ Đồng Đò, thời gian thực hiện trong tháng 8/2023.

Cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Tính đến ngày 17/8/2023, cả nước có tổng cộng 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó TP.HCM có số lượng lớn nhất với 47 thương nhân, Cần Thơ 42, Long An 25 thương nhân.

7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD

7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên cả nước.

Theo đó, tính đến 17/8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó dẫn đầu là TP.HCM với 47 thương nhân, tiếp đến là Cần Thơ 42 thương nhân, Long An 25 thương nhân, Đồng Tháp 19 thương nhân, An Giang 18 thương nhân, Hà Nội 10 thương nhân, Tiền Giang 8 thương nhân..

Đáng chú ý, một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Tĩnh.

Gạo là điểm sáng xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nóng lên từng ngày từ nửa cuối tháng 7, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, và vượt 610 USD/tấn 1 tuần sau đó, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Tin cùng chuyên mục