Bản tin thời sự sáng 20/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vía Thần Tài không 'nâng nổi' giá vàng miếng SJC; CSGT TP.HCM sẽ mở rộng thêm kho bãi nếu phương tiện vi phạm tăng cao; 91% công nhân ở Bình Dương đã trở vào nhà máy sau kỳ nghỉ Tết; Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế…

Vía Thần Tài không 'nâng nổi' giá vàng miếng SJC

Chốt phiên giao dịch ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), vàng miếng SJC neo tại mốc 78 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn neo tại 64,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước biến động lạ trong ngày vía Thần Tài

Giá vàng trong nước biến động lạ trong ngày vía Thần Tài

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/2 (ngày vía Thần Tài), các mặt hàng vàng trong nước đều giảm mạnh so với kết phiên ngày 18/2. Trong đó, vàng miếng SJC ghi nhận mức giảm giá cao nhất lên tới 800.000 đồng so với phiên giao dịch liền trước.

Cụ thể, đến cuối ngày 19/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại mức 75 - 78 triệu đồng/lượng (mua - bán), tương đương mức giảm 800.000 đồng ở chiều mua và 400.000 đồng ở chiều bán. Đây cũng là vùng giá cao nhất trên thị trường mà vàng miếng SJC có được.

Trước đó, mở cửa phiên giao dịch ngày vía Thần Tài, giá bán vàng miếng có xu hướng giảm nhẹ. Nhưng từ 9h - 13h, thương hiệu vàng quốc gia đã có 4 lần điều chỉnh khiến giá vàng miếng giảm nhanh.

Cụ thể 9h30 - 11h, SJC giảm 900.000 đồng/lượng vàng miếng, xuống 74,5 - 77,5 triệu đồng. So với cuối ngày trước đó, mức giảm lên tới 1,3 triệu đồng ở chiều mua và 900.000 đồng ở chiều bán.

Đến đầu giờ chiều, đà giảm được thu hẹp khi SJC có 2 lần tăng giá tổng cộng nửa triệu đồng/lượng. Lúc 14h, giá mua - bán vàng miếng tại SJC là 75 - 78 triệu đồng/lượng và giữ nguyên tới hết phiên.

Còn tại các doanh nghiệp khác, đóng cửa phiên giao dịch 19/2 ghi nhận Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) yết giá vàng miếng ở mức 75 - 77,95 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI niêm yết tại 74,9 - 77,9 triệu/lượng; Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá 74,05 - 76,4 triệu/lượng; Bảo Tín Minh Châu niêm yết tại 75,25 - 78 triệu đồng, đều giảm so với phiên ngày 18/2.

Biến động giảm cũng được ghi nhận với cả mặt hàng vàng nhẫn 19/2. Trong đó, SJC giảm giá vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ thêm 100.000 đồng chiều mua và giữ nguyên giá bán, đóng cửa giao dịch mặt hàng này ở mức 63,3 - 64,7 triệu đồng/lượng.

DOJI giảm 200.000 đồng khiến giá đóng cửa vàng nhẫn tròn trơn 9999 Hưng Thịnh Vượng còn 64 - 65,45 triệu đồng/lượng. Mặt hàng vàng nhẫn tròn trơn của Phú Quý cũng kết phiên giao dịch với mức giảm 100.000 đồng, neo tại 63 - 64,4 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, PNJ và Phú Quý đều giữ nguyên giá bán vàng nhẫn vào cuối ngày, lần lượt ở mức 63,35 - 64,5 triệu/lượng và 64,6 - 65,8 triệu/lượng.

CSGT TP.HCM sẽ mở rộng thêm kho bãi nếu phương tiện vi phạm tăng cao

Mặc dù phương tiện vi phạm giao thông ngày càng tăng cao, gây nên quá tải ở các kho, bãi, nhưng hiện vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát và quản lý của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM.

Nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm ở TPHCM đang quá tải

Nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm ở TPHCM đang quá tải

Trước thực trạng nhiều bãi xe vi phạm giao thông ngày càng quá tải, chiều 19/2, lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, lượng phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ hiện nay, nhất là lượng phương tiện vi phạm liên quan đến nồng độ cồn tăng cao nhưng vẫn trong tầm quản lý và kiểm soát của Phòng PC08.

Theo lãnh đạo Phòng PC08, nguồn lực của Phòng PC08 vẫn đủ khả năng để kiểm soát và quản lý các phương tiện vi phạm đang tạm giữ tại các kho, bãi hiện nay. Thời gian tới, khi lượng phương tiện vi phạm giao thông tăng cao hơn, Phòng PC08 sẽ phối hợp với các đơn vị để mở rộng và xây dựng thêm các bãi giữ xe vi phạm…

Được biết, trong gian qua, lực lượng CSGT TP.HCM đã ra quân thực hiện nhiều chuyên đề xử lý các lỗi vi phạm chính, đặc biệt là xử lý chuyên đề liên quan nồng độ cồn, nên dẫn đến số phương tiện bị tạm giữ ngày càng tăng cao, gây quá tải tại các kho, bãi tạm giữ.

Theo thống kê của Phòng PC08, chỉ riêng trong 3 ngày Tết (mùng 1 - 3 Tết), lực lượng CSGT TPHCM phát hiện hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lập biên bản xử phạt hơn 1.500 trường hợp vi phạm giao thông với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Trong năm 2023, lực lượng CSGT TP.HCM đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm. Trong đó, tạm giữ 1.537 ôtô, 153.493 môtô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh. Trong số các trường hợp vi phạm, có 128.149 trường hợp điều khiển ôtô, môtô vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm 20% tổng số vi phạm về giao thông).

Do mức phạt các lỗi về nồng độ cồn tương đối cao, đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng, nhiều người vi phạm đã bỏ phương tiện, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.

91% công nhân ở Bình Dương đã trở vào nhà máy sau kỳ nghỉ Tết

Tính đến 19/2, (tức mùng 10 tháng Giêng), 94% số doanh nghiệp ở Bình Dương trở lại hoạt động với số lao động trở lại nhà máy đạt tỷ lệ 91%.

Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam trở lại nhà máy sau kỳ nghỉ Tết

Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam trở lại nhà máy sau kỳ nghỉ Tết

Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoạt động trở lại khoảng 95,8%, số lao động trở lại làm việc trên tổng số lao động đạt tỷ lệ 91,5%. Doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp hoạt động trở lại 92,5%, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 90%.

Một số doanh nghiệp có công nhân trở lại nhà máy chiếm tỷ lệ cao từ 96 - 99% như: Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, Công ty TNHH PungKook Sài Gòn III, Công ty CP Đầu tư Thái Bình, Công ty TNHH Samil Tongsang Vina...

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh cơ bản ổn định do doanh nghiệp có nhiều chính sách giữ chân người lao động. Song song đó, doanh nghiệp cũng có các chế độ khuyến khích công nhân quay trở lại nhà máy đúng ngày như có xe đưa đón, lì xì đầu năm, tổ chức tân niên... Một số doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại do chưa được ngày khởi công hoặc chờ đơn hàng.

Giá hạt tiêu tăng vọt

Giao dịch phiên đầu tuần 19/2, giá tiêu bất ngờ tăng vọt 2.500 - 3.000 đồng so với phiên trước đó và tăng 5.000 - 7.000 đồng so với trước Tết.

Vườn tiêu tại Tây Nguyên

Vườn tiêu tại Tây Nguyên

Giá tiêu tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước giao dịch tại ngưỡng 85.500 - 86.000 đồng một kg. Mức này tăng 2.500 - 3.000 đồng so với ngày trước đó.

Trên thế giới, thị trường hồ tiêu đang ở giai đoạn giá cao. Với tiêu Indonesia, một tấn hạt tiêu đen Lampung giữ ở mức 3.906 USD, hạt tiêu trắng Muntok là 6.159 USD. Với hồ tiêu Malaysia, giá một tấn hồ tiêu đen Kuching ASTA duy trì ổn định ở mức 4.900 USD còn hồ tiêu trắng ASTA là 7.300 USD. Giá này cũng đang cao hơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu tăng mạnh do nhu cầu cao, các đơn hàng tăng trong khi lượng tồn kho sụt giảm. Niên vụ mới đang vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam có thể sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn.

Các doanh nghiệp cho rằng, giá hồ tiêu có thể cán mốc 95.000 - 100.000 đồng một kg và quay lại thời kỳ hoàng kim như cà phê khi ảnh hưởng của El Nino làm giảm năng suất các loại nông sản.

VPSA đặt mục tiêu, tới 2025, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hạt tiêu và gia vị đạt khoảng trên dưới 2 tỷ USD, với tổng sản lượng 400.000 - 500.000 tấn.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, năm 2023, cả nước xuất khẩu hồ tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD một tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022.

Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế

Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan do nợ thuế. Số tiền bị cưỡng chế là 27,5 tỷ đồng.

Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế

Trung Nam Group bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế

Cục Hải quan TP.HCM vừa ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Lý do Trung Nam Group bị cưỡng chế là vì nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 27,5 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 31/1/2024 đến ngày 30/1/2025, quyết định sẽ được chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Trung Nam Group được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng.

Đến nay, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong các lĩnh vực gồm: năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

Từ năm 2018, Trung Nam Group bắt đầu tham gia vào dự án năng lượng tái tạo. Tập đoàn này đang sở hữu nhiều dự án điện gió, điện mặt trời lớn như: Nhà máy Điện gió Ea Nam Đắk Lắk (tổng công suất 400 MW, vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng), Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW kết hợp trạm biến áp 500kv (vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng)...

Ngoài ra, Trung Nam Group cũng là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản khi thông qua công ty con là Trung Nam Land góp mặt tại 2 dự án lớn nhất của Đà Nẵng là Khu đô thị sinh thái Golden Hills với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD; Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt - Golf Valley.

Trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group nổi bật nhất với việc làm dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM thời điểm giữa năm 2016; làm chủ đầu tư Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (Ninh Thuận) gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng...

Để tài trợ cho các dự án, Trung Nam Group và các công ty thành viên đã phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu. Cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Trung Nam Group là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ (68.110 tỷ đồng).

Xoài hạt lép lần đầu xuất sang Hàn Quốc

Container chở 13 tấn xoài hạt lép trồng ở Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) ngày 19/2 được xuất sang thị trường Hàn Quốc.

Xoài hạt lép, trái nhỏ, vị đậm đà hơn loại trái to, có hạt

Xoài hạt lép, trái nhỏ, vị đậm đà hơn loại trái to, có hạt

Đây là lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường này, mở ra triển vọng cho giống trái cây độc đáo của miền Tây. Ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) GAP Cù Lao Giêng, đơn vị cung ứng trái cây cho biết, xoài hạt lép thuộc giống xoài tượng da xanh, có trọng lượng trung bình khoảng 0,3 kg, bằng một nửa so với trái bình thường. Loại trái này còn được biết đến là xoài cóc (xoài đèo). "Xoài hạt lép vị đặc biệt thơm ngon hơn loại trái to, có hạt", ông Hiền cho biết.

Năm ngoái, HTX GAP Cù Lao Giêng cung cấp 200 tấn xoài xuất khẩu cho các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Bình quân mỗi tuần, đơn vị này xuất một container loại 6 - 13 tấn.

Huyện Chợ Mới có hơn 6.400 ha xoài, chiếm 50% diện tích tỉnh An Giang. Riêng diện tích xoài theo tiêu chuẩn của huyện Chợ Mới đạt trên 704 ha, với 41 mã vùng trồng xoài tượng da xanh. Xoài của địa phương này được xuất sang Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nông sản xuất khẩu phải đạt các yêu cầu khắt khe như không dùng chất cấm, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chiếu xạ hoặc hơi nước...

Nông dân tham gia hợp tác xã, như HTX GAP Cù Lao Giêng, được bao tiêu với giá 15.000 đồng mỗi kg suốt vụ (giá thành sản xuất từ 8.000-10.000 đồng mỗi kg).

Bắt giữ 2 tàu vận chuyển gần 200.000 lít dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam

Ngày 19/2, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 tàu vận chuyển gần 200.000 lít dầu D0 trái phép trên biển.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 vừa bắt giữ 2 tàu vận chuyển gần 200.000 lít dầu D0 trái phép trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 vừa bắt giữ 2 tàu vận chuyển gần 200.000 lít dầu D0 trái phép trên biển

Cụ thể, vào lúc 0h11 phút ngày 19/2/2024, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện tàu KG 91487 TS có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Phùng Văn Linh, trú tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 145.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Đến 02h50 phút cùng ngày (19/02/2024), lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tiếp tục phát hiện, kiểm tra tàu KG 91602 TS. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Trần Văn Thiện trú tại xã Dục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển hơn 25.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm. Đồng thời, dẫn giải các phương tiện về cảng Hải đội 422 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Xuyên Việt Oil chưa nộp lại hơn 200 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu

Xuyên Việt Oil vẫn chưa nộp lại hơn 200 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn xăng dầu dù bị tước giấy phép từ tháng 8/2023, theo Bộ Công Thương.

Xuyên Việt Oil chưa nộp lại hơn 200 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh minh họa

Xuyên Việt Oil chưa nộp lại hơn 200 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương mới đây đốc thúc Xuyên Việt Oil nộp hơn 212 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu mà doanh nghiệp này nợ vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phải chịu thêm khoản lãi phát sinh do chậm nộp.

Từ tháng 8/2023 - thời điểm doanh nghiệp này bị thu hồi giấy phép, Bộ Tài chính, Công Thương ít nhất ba lần có văn bản và gọi điện giục nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm từ doanh nghiệp này.

Xuyên Việt Oil từng là một trong gần 40 đầu mối kinh doanh xăng dầu, chiếm gần 10% thị phần cả nước. Doanh nghiệp bị thu giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu vào tháng 8 năm ngoái, do những sai phạm trong hoạt động kinh doanh và chiếm dụng Quỹ bình ổn giá.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Quỹ bình ổn xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1.

Theo một lãnh đạo thuộc Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cơ quan quản lý xăng dầu có các biện pháp để cưỡng chế, thu hồi tiền chiếm dụng Quỹ bình ổn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ việc của Xuyên Việt Oil đang trong giai đoạn điều tra, tài sản bị phong tỏa nên "cần cơ chế phối hợp với phía công an".

Tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Xuyên Việt Oil về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Một số lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng bị bắt do sai phạm liên quan tới vụ án tại doanh nghiệp này.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ngoài "om" Quỹ bình ổn giá, Xuyên Việt Oil còn khoản nợ thuế gần 1.530 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường, tính đến tháng 10/2023.