Bản tin thời sự sáng 20/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM cần 50.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ; hơn 1.500 tàu cao tốc trên cả nước sẽ được gắn bảng tốc độ; hành khách có thể làm thủ tục trực tuyến tại sân bay Điện Biên; Bình Dương xây thêm 20.000 căn hộ cho công nhân…

TP.HCM cần 50.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần nguồn vốn gần 38.000 tỷ đồng để phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội và hơn 13.000 tỷ đồng xây mới gần 11.300 căn hộ chung cư.

TP.HCM cần hơn 50.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội và xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025.

TP.HCM cần hơn 50.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội và xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025.

Sở Xây dựng vừa báo cáo UBND TP.HCM tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong lĩnh vực nhà ở.

Theo Sở Xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến triển khai 47 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, 10 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% tại dự án nhà ở thương mại.

Trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tự thực hiện nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% thì giao chủ đầu tư đó thực hiện.

Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện nhà ở xã hội thì sẽ thu hồi và đấu thầu chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội theo quy định. 37 dự án còn lại do đất doanh nghiệp tự đền bù, thực hiện, công nhận chủ đầu tư theo quy định Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến Thành phố phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tương đương 35.000 căn), vốn đầu tư 37.693 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn tất cải tạo, sửa chữa 246 chung cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng. Ngoài ra, TP.HCM sẽ thúc đẩy đầu tư thực hiện 20 dự án xây lại chung cư cũ với quy mô 11.272 căn, tổng mức đầu tư 13.795 tỷ đồng.

Hơn 1.500 tàu cao tốc trên cả nước sẽ được gắn bảng tốc độ

Hơn 1.500 tàu cao tốc chở khách trên cả nước sẽ được gắn bảng đồ thị dải tốc độ nhằm khuyến cáo người lái tuân thủ theo thiết kế của tàu.

Tàu cao tốc Phương Đông 05 bị lật khi chở du khách

Tàu cao tốc Phương Đông 05 bị lật khi chở du khách

Theo Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải, bảng đồ thị thông tin tốc độ sẽ được gắn tại cabin người lái, trên đó khuyến cáo vận tốc tại mức sóng 2 m hoặc 2,5 m, theo thiết kế của từng tàu để phòng ngừa tai nạn. Bảng này sẽ được thiết kế đơn giản, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ tàu hay phát sinh chi phí cho chủ phương tiện.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong hồ sơ thiết kế, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu cao tốc có thông số về tốc độ tối đa, dải tốc độ tương ứng với điều kiện chiều cao sóng. Tuy nhiên, do các tuyến vận tải thủy chưa có quy định về tốc độ tối đa nên dễ khiến người điều khiển thiếu tuân thủ, vi phạm tốc độ.

Cả nước hiện có hơn 1.500 tàu cao tốc chở khách được cấp chứng nhận đăng kiểm, tuổi tàu trung bình 7,45 năm, tổng sức chở hơn 52.700 người.

Ngoài ra, các đơn vị đăng kiểm thủy trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đang kiểm tra, rà soát an toàn kỹ thuật phương tiện tàu thủy chở khách cao tốc mang cấp VR-SB, tàu biển cao tốc chở khách từ bờ ra đảo.

Ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu lật làm 17 người chết.

Tai nạn này đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý hoạt động tàu cao tốc như cấp phép, thiết kế, tốc độ tàu. Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan tham mưu rà soát, đề xuất các giải pháp để quản lý chặt hoạt động vận tải trên các tuyến từ bờ ra đảo.

Hành khách có thể làm thủ tục trực tuyến tại sân bay Điện Biên

Vietnam Airlines không ngừng mở rộng mạng lưới sân bay áp dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến giúp hành khách giảm thời gian chờ đợi tại các cảng hàng không.

Máy bay ATR72 của hãng hàng không VASCO (thành viên của Vietnam Airlines) tại sân bay Điện Biên

Máy bay ATR72 của hãng hàng không VASCO (thành viên của Vietnam Airlines) tại sân bay Điện Biên

Từ ngày 22/3 tới, Vietnam Airlines triển khai dịch vụ làm thủ tục trực tuyến (check-in online) cho hành khách khởi hành từ sân bay Điện Biên.

Điện Biên chính là sân bay nội địa thứ 12 Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ tiện lợi này sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh, Chu Lai, Côn Đảo, Phú Quốc và Đà Lạt.

Theo lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines, hãng không ngừng mở rộng mạng lưới sân bay áp dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến. Đây là một trong những nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm tiến tới mục tiêu hãng hàng không công nghệ số (Digital Airline).

Hành khách có thể tiết kiệm thời gian bằng cách tự làm thủ tục trực tuyến web hoặc ứng dụng di động Vietnam Airlines trong khoảng thời gian từ 24 tiếng đến 1 tiếng trước giờ khởi hành dự kiến.

Sau khi hoàn thành quá trình làm thủ tục trực tuyến, hành khách sẽ nhận được “Thẻ lên máy bay trực tuyến” qua thiết bị điện tử hoặc có thể tự in thẻ, sau đó đến thẳng cửa kiểm tra an ninh hành khách và cửa ra tàu bay mà không cần phải vào quầy làm thủ tục của hãng tại cảng hàng không để xác nhận…

Bình Dương xây thêm 20.000 căn hộ cho công nhân

Dự án nhà xã hội vốn đầu tư 9.500 tỷ đồng, dành cho công nhân ở Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Thủ Dầu Một và Bàu Bàng, được tỉnh Bình Dương khởi công trưa 19/3.

Từ nay đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm 2023, Becamex IDC tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại Khu VietSing thành phố Thuận An, khu Định Hòa thành Thủ Dầu Một, khu Mỹ Phước thị xã Bến Cát, khu Bàu Bàng huyện Bàu Bàng. Tổng mức đầu tư các khu nhà ở trên khoảng 9.500 tỉ đồng.

Dự án nằm trong giai đoạn 2 đề án nhà ở xã hội của Becamex IDC, quy mô 120.000 căn, phục vụ nhu cầu hơn 300.000 người. Phần lớn căn hộ rộng khoảng 30 m2, giá bán ưu đãi từ 100 đến 200 triệu đồng. Ngoài ra có căn cao cấp hơn giá từ 200 đến 500 triệu đồng, hoặc cho thuê 750.000 đồng một tháng. Giá bán và thuê hợp lý nên đề án thu hút hàng chục nghìn công nhân, người thu nhập thấp

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện địa phương có khoảng một triệu lao động ngoài tỉnh, trong đó hơn 480.000 người có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, nhà ở xã hội, ở cùng gia đình...). Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng khoảng gần 50.000 người. Số còn lại khoảng 470.000 người lao động đang phải thuê nhà.

Phú Quốc đón 235 khách từ Kazakhstan sau mở cửa du lịch

Chuyến bay quốc tế đầu tiên đã đáp xuống Phú Quốc sau 5 ngày Việt Nam mở cửa du lịch.

Chuyến bay chở 235 du khách quốc tế từ Kazakhstan đáp xuống Phú Quốc sáng 19/3

Chuyến bay chở 235 du khách quốc tế từ Kazakhstan đáp xuống Phú Quốc sáng 19/3

Sáng 19/3, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) đón chuyến bay quốc tế đến từ Almaty, Kazakhstan. Có 235 du khách đến đảo ngọc trong chuyến bay này.

Đại diện Scat Airlines tại Phú Quốc cho biết đoàn khách Kazakhstan chia nhau ở tại 4 khách sạn, resort tại đảo ngọc. Đoàn khách này sẽ rời Phú Quốc vào chiều 27/3.

Như vậy, sau 5 ngày Việt Nam mở cửa du lịch, sân bay Phú Quốc đã có chuyến bay quốc tế đầu tiên. Cùng ngày, sân bay Phú Quốc có lịch của 48 chuyến bay quốc nội đến và đi với khoảng 14.000 hành khách. Từ đầu tháng 2, sân bay Phú Quốc có trung bình 45 chuyến đi và đến với khoảng 13.500 khách/ngày.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, trong 2 tháng đầu năm nay, Kiên Giang đã đón trên một triệu lượt khách, tăng 27,1% so với cùng kỳ, đạt 18,8% kế hoạch năm. Trong đó, TP. Phú Quốc đón 740.000 lượt khách, tăng 30,1% so với cùng kỳ, đạt 19,5% kế hoạch năm.

Riêng chương trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc bằng hộ chiếu vaccine đã có 10 chuyến bay với 1.282 khách đến từ các thị trường Hàn Quốc, Lào, Kazakhstan, Uzaberkistan, Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục