Ngân hàng Nhà nước bán USD can thiệp tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm với giá 25.450 đồng, thấp hơn mức trần 23 đồng.
Giao dịch ngoại tệ tại quầy một ngân hàng thương mại tại TP.HCM |
Thông tin này được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngày 19/4. Động thái bán ngoại tệ để can thiệp thị trường được nhà điều hành đưa ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, trên 5% từ đầu năm đến nay.
Theo ông Quang, đối tượng được mua là các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu. Mức bán tối đa cho mỗi ngân hàng tương đương ngưỡng để họ đưa trạng thái ngoại tệ về mức cân bằng.
"Đây là biện pháp can thiệp rất mạnh, giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt", ông Quang khẳng định.
Trạng thái ngoại tệ được xác định trên cơ sở số dư tài khoản mua, bán (giao ngay, kỳ hạn, quyền chọn), phát sinh trong giao dịch có liên quan đến tiền nước ngoài.
Giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước ngày 19/4 là 25.450 đồng đổi 1 USD, bằng tỷ giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. So với mức trần cùng ngày 25.473 đồng, giá này thấp hơn 23 đồng.
Lùi thời hạn trả nợ của doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng
Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới hết năm nay.
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023 |
Thông tin này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại họp báo quý I, ngày 19/4.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2023, cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn, đến 30/6/2024.
Thực tế, vừa qua, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất kéo dài chính sách này, trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó và cần thêm thời gian có nguồn lực trả nợ vay. Trước đề xuất này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài thời gian áp dụng Thông tư số 02 đến hết năm 2024.
Ông Tú cho hay, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng.
"Tùy theo tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc dừng hay gia hạn thêm", ông Tú nói thêm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm trước.
TP.HCM cưỡng chế thu hồi khu "đất vàng" 152 Trần Phú
UBND Quận 5 vừa được lãnh đạo TP.HCM giao nhiệm vụ thực hiện thủ tục cưỡng chế đối với địa chỉ nhà đất 152 Trần Phú (Quận 5).
Khu "đất vàng" 152 Trần Phú, Quận 5, TP.HCM |
Theo đó, Quận 5 đang rà soát hồ sơ, quy trình thủ tục cưỡng chế theo quy định đối với khu đất trên và sẽ tiến hành các công việc trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 25/10/2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã ký ban hành quyết định thu hồi đất tại số 152 Trần Phú. Ngày 10/1/2024, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM có công văn gửi Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Công ty TNHH Vina Alliance về việc giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 152 Trần Phú.
Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện việc giao nộp giấy chứng nhận nên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ra công văn thông báo việc thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên. Sở TN&MT nêu rõ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đăng ký biến động do nhận góp vốn của Công ty TNHH Vina Allinace đối với khu đất tại số 152 Trần Phú không còn giá trị pháp lý.
Sau gần 6 tháng, phía DN vẫn chưa hợp tác, bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 152 Trần Phú. Mới đây, Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan đã có cuộc họp với UBND Quận 5. Quyết định đưa ra sau cuộc họp là UBND Quận 5 thực hiện thủ tục cưỡng chế để thu hồi đất theo thẩm quyền.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có sai phạm trong việc góp vốn dự án tại 152 Trần Phú; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi chuyển nhượng gần 31.000 m2 đất tại 152 Trần Phú không xin phép Thủ tướng…
Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất tại 152 Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi.
Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi 43 ha rừng để làm đường ven biển
Hơn 43 ha rừng sẽ được chuyển mục đích sử dụng để mở rộng đường ven biển nối Vũng Tàu với Bình Thuận và tuyến Long Sơn - Cái Mép.
Đường ven biển đoạn giáp ranh hai huyện Long Điền và Đất Đỏ, giúp kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Bình Thuận |
Ngày 19/4, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 19, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để làm dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ven biển 994 đoạn từ ngã ba Long Phù đến cầu sông Ray (huyện Đất Đỏ) và đoạn nhánh kết nối Tỉnh lộ 44B dự kiến chuyển đổi 16,4 ha đất rừng phòng hộ; đoạn từ cầu sông Ray đến Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy (huyện Xuyên Mộc) chuyển đổi hơn 18 ha rừng đặc dụng và phòng hộ.
Tuyến đường ven biển nói trên dài 77 km, nối Vũng Tàu và Bình Thuận, được mở rộng 6 - 8 làn xe, vận tốc 80 km/h. Dự án được chia làm 8 đoạn thành phần, với tổng vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Trên tuyến hiện có hàng chục dự án du lịch xây dựng và đi vào hoạt động. Do vậy khi hoàn thành, đường sẽ là trợ lực để khu vực Hồ Tràm trở thành khu du lịch quốc gia.
Ngoài ra, việc chuyển đổi 9,4 ha đất rừng phòng hộ giúp Tỉnh làm đường Long Sơn - Cái Mép đi qua TP. Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ, dài hơn 3,7 km, 6 làn xe. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 1.189 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực Vũng Tàu - Long Sơn - Cái Mép - Thị Vải - Phú Mỹ và các vùng lân cận.
Vượt Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore
Lần đầu tiên Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, chiếm hơn 32% thị phần và được ưa chuộng.
Gạo ST25 bày bán tại một đại lý trên Đường 3/2, Quận 10 (TP.HCM) |
Thông tin trên được Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore công bố mới đây.
Theo đó, quý I, tổng giá trị nhập khẩu gạo của Singapore đạt gần 112,9 triệu SGD, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Singapore nhập từ Việt Nam 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ 2023, đưa Việt Nam lần đầu thành nhà cung ứng gạo lớn nhất vào thị trường này với 32,03% thị phần.
Theo sau là Ấn Độ và Thái Lan lần lượt đạt kim ngạch 33,63 triệu SGD và 33,16 triệu SGD.
Gạo Việt thắng thế ở thị trường "đảo quốc sư tử" chủ yếu nhờ đa dạng sản phẩm. Ngoài gạo tẻ trắng có chất lượng vượt trội, gạo nếp và gạo thơm xay xát được ưa chuộng, vươn lên chiếm lĩnh 80% thị phần tại Singapore.
Từ năm 2023 đến nay, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo ngoài basmati đã giúp Việt Nam gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Singapore.
Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo của "đảo quốc sư tử".
Hiện, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có tiêu chuẩn cao này đang thuận lợi nhờ năng lực cung ứng, đáp ứng được sản lượng và chất lượng.
Đà Lạt được khách Việt chọn nhiều nhất dịp 30/4
Đà Lạt là địa điểm ghi nhận lượt tìm kiếm đột biến cho kỳ nghỉ lễ 30/4 bởi không khí mát mẻ, cảnh quan đẹp, theo khảo sát của Booking.
Mai anh đào nở rộ ở Đà Lạt |
Ứng dụng đặt phòng có trụ sở tại Hà Lan Booking vừa công bố 10 điểm đến trong nước được khách Việt yêu thích nhất dịp nghỉ lễ 30/4. Đà Lạt tiếp tục là điểm đến được nhiều du khách đặt phòng nhiều nhất, sau đó là Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM, Hội An, Huế, Hà Nội, Phan Thiết, Mũi Né.
Danh sách các điểm đến được yêu thích dịp 30/4 năm nay không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, Phan Thiết và Mũi Né là hai điểm đến mới nằm trong top 10, thay thế cho Phú Quốc và Hạ Long năm ngoái.
Theo kết quả được công bố qua theo dõi các lượt tìm kiếm với ngày nhận phòng từ 26/4 đến 1/5, điểm đến ven biển hoặc khí hậu mát mẻ dẫn đầu xu hướng tìm kiếm năm nay, chiếm 75%.
Booking cũng công bố 10 điểm đến quốc tế được khách Việt đặt phòng nhiều nhất dịp nghỉ lễ, với Bangkok (Thái Lan) đứng đầu danh sách. Những cái tên tiếp theo gồm Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Tokyo (Nhật Bản), Ubud (Indonesia), Hong Kong (Trung Quốc), Phuket và Chiang Mai (Thái Lan). Với các điểm quốc tế, khách Việt có xu hướng đi gần hoặc chọn các điểm đến không cần visa. Thái Lan vẫn là điểm đến yêu thích nhất khi có 3 địa điểm nằm trong top 10. Năm 2023, Bangkok cũng là thành phố quốc tế được khách Việt lựa chọn đến thăm nhiều nhất dịp 30/4.
Bà Rịa - Vũng Tàu dừng đầu tư khu đô thị chậm tiến độ 15 năm
Khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên gần 180 ha ở thị xã Phú Mỹ vừa bị thu hồi chủ trương đầu tư vì không triển khai suốt 15 năm.
Một góc thị xã Phú Mỹ |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản thu hồi chủ trương đầu tư và dừng hoạt động Dự án Khu đô thị dịch vụ Tóc Tiên của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bạch Ngân. Dự án có tổng diện tích gần 180 ha, nằm ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
Dự án được UBND Tỉnh chấp thuận lập thủ tục đầu tư vào tháng 1/2008. Sau hơn 15 năm, Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục và không liên hệ cơ quan quản lý để tiếp tục triển khai. UBND Tỉnh kết luận, Dự án đến nay không đủ điều kiện để đầu tư xây dựng.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập Dự án Khu nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng Nam Bình tại Phường 12, TP. Vũng Tàu. Dự án có quy mô 5 ha, được Tỉnh giao cho Công ty TNHH Bảo Nhi và Công ty CP Công trình Giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu đầu tư vào tháng 6/2010.
Sau khi được duyệt nhiệm vụ quy hoạch, sau gần 15 năm, hai doanh nghiệp vẫn không thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư cũng như báo cáo lý do chậm triển khai. Do đó, UBND Tỉnh kết luận, dự án này cũng không đủ điều kiện để chuyển tiếp thực hiện.
Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các thủ tục liên quan đến đất đai đã giải quyết cho nhà đầu tư. UBND TP. Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ phải công bố định hướng quy hoạch khu đất sau khi thu hồi dự án. Các nhà đầu tư tự chịu mọi chi phí liên quan đến việc thực hiện dự án.
Hai dự án trên nằm trong danh mục 14 dự án nhà ở chậm triển khai được tỉnh Vũng Tàu lên kế hoạch dứt điểm thu hồi hoặc gia hạn trong quý II. 12 dự án còn lại nếu đang được kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra sẽ xử lý khi có kết quả giải quyết.
Hơn chục nghìn tấn hàng ách tắc ở ga đường sắt do sạt hầm Bãi Gió
Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió khiến việc vận chuyển hàng ở ga Sóng Thần, TP. Dĩ An, Bình Dương đứt gãy suốt tuần qua. Nhiều toa tàu 30 tấn nằm bất động trên các đường ray tại ga hàng hóa lớn nhất nước. Một số công ty tốn không ít chi phí thuê xe đầu kéo chở bằng đường bộ nhằm giao hàng đúng hạn, tránh hư hại.
Tàu hàng nằm chờ ở ga Sóng Thần, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương |
Ông Trần Đức Lợi, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Vận tải đường sắt phía Nam (một trong ba đơn vị khai thác vận chuyển hàng hóa tại ga Sóng Thần) cho biết, từ khi xảy ra sự cố sạt lở, 4 đoàn tàu hàng của đơn vị ở ga không thể khởi hành. Ngoài ra, còn 5 đoàn tàu tới Nha Trang buộc phải quay lại ga. Việc này khiến gần 5.000 tấn hàng tồn đọng.
Theo ông Lợi, trong kế hoạch một tuần qua, Chi nhánh còn có 22 đoàn tàu, mỗi tàu gồm 20 toa, vận chuyển tổng cộng gần 12.000 tấn hàng từ Nam ra Bắc và ngược lại. Tuy nhiên, do các tàu hàng ngưng hoạt động, số hàng này phải ngưng, gây thiệt hại cho Công ty gần 10 tỷ đồng cước vận chuyển. Để giải tỏa lượng hàng ách tắc, nhà ga hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, nên đơn vị đang cố gắng giúp doanh nghiệp giải tỏa hàng tồn cho đến khi khắc phục xong sự cố, dự kiến vào ngày 22/4.
Ông Chu Ngọc Huấn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần (thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho hay, sự cố sạt lở hầm Bãi Gió ảnh hưởng lớn đến tình hình vận chuyển hàng hoá, gián đoạn nguồn cung trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo ông Huấn, tại nhà ga hiện có 83 toa tàu được xếp hàng từ ngày 12/4, trong đó 63 toa đã lên đơn gửi nhưng phải nằm chờ. Bình quân mỗi toa chứa khoảng 25 tấn hàng. Nhiều công ty có thời gian giao hàng gấp rút, không thể chờ nên hiện có khoảng 30 toa đã được bốc dỡ qua phương tiện khác vận chuyển.
Ngoài số lượng hàng tồn đọng ở ga Sóng Thần, ông Huấn cho biết, theo chiều từ Bắc vào Nam, hiện có 4 đoàn tàu hàng với khoảng 80 toa bị gián đoạn lịch trình do ảnh hưởng sự cố. Những tàu này đang nằm tại các ga Huế, Chí Thạnh (Phú Yên), Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định). "Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang làm việc trực tiếp với từng đơn vị gửi hàng, hỗ trợ bốc dỡ qua phương tiện khác khi có nhu cầu", ông Huấn nói.
Tổng giám đốc Tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt
Nguyễn Thị Khuyên, Tổng giám đốc và Văn Đình Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt với cáo buộc huy động vốn từ hàng nghìn nhà đầu tư, hứa trả lãi theo ngày rồi chiếm đoạt tiền.
Ngày 19/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án, khám trụ sở làm việc của Tập đoàn Tâm Lộc Phát ở quận Hà Đông để điều tra cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự.
Tháng 6/2019, Khuyên và Toàn cùng một người lập Công ty TNHH Truyền thông Tâm Lộc Phát (sau đổi thành tập đoàn), kinh doanh siêu thị tiện ích, sản xuất quần áo thời trang, đầu tư bất động sản. Các bị can sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.
Theo kết quả điều tra, để thu hút các nhà đầu tư, nhóm của Khuyên trả tiền môi giới cao cho người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức khoảng 2,93%/tháng.
Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn. Ảnh: Công an Hà Nội |
Theo đó, khoảng 50 văn phòng đại diện Công ty cấp 1 được hưởng 15% giá trị ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng, nộp tiền tại văn phòng. Văn phòng nào giới thiệu mở thêm được văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ hợp đồng của văn phòng mới.
Văn phòng cấp 2, cấp 3, cấp 4 đều được chia lợi nhuận từ 15% giá trị hợp đồng từ văn phòng cấp 1. Riêng văn phòng cấp 1 tại miền Nam được hưởng 25% giá trị hợp đồng từ các khách hàng.
Tiền thu được từ hợp đồng, sau khi trích lại phần trăm cho các văn phòng sẽ được chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát, tài khoản cá nhân của Khuyên để thanh toán lãi cho các nhà đầu tư theo ngày. Số còn lại Khuyên dùng cá nhân, mua ôtô, bất động sản, trả lương.
Cơ quan chức năng cáo buộc, từ năm 2019 đến nay, Khuyên và Toàn đã huy động hơn 5.100 tỷ đồng. Từ tháng 9/2023 đến nay, Khuyên không trả được lãi như cam kết và mất khả năng chi trả trên 1.000 tỷ đồng.
Hiện, 18 nhà đầu tư đã trình báo bị chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng.