Bản tin thời sự sáng 20/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự kiến sáng 20/6, 500.000 liều vaccine Sinopharm về Việt Nam; TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; chủ đầu tư Thủy điện Đăk Di 1 và 2 tự ý mở đường dù chưa được cấp phép; Đà Nẵng cấm tắm biển và bán ăn uống tại chỗ từ 12h ngày 20/6; TP.HCM dừng hoạt động xe buýt, taxi từ ngày 20/6…

Dự kiến sáng 20/6, 500.000 liều vaccine Sinopharm về Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dự kiến sáng 20/6, 500.000 liều vaccine Covid-19 Vero Cell của hãng Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ có mặt tại Việt Nam. Đây là vaccine Covid-19 thứ 3 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Vaccine Vero Cell do hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Yicai Global

Vaccine Vero Cell do hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Yicai Global

Bộ Y tế cho biết, lô vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm đối tượng: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới.

Trước đó, ngày 3/6, Việt Nam đã chính thức cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19.

Vaccine Vero Cell, Inactivate (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine, Inactivate) do hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất, được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5 ml. Vaccine sử dụng công nghệ virus bất hoạt, một công nghệ sản xuất vaccine truyền thống giống như sản xuất vaccine sởi, quai bị, rubella, đậu mùa…

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 3 loại vaccine Covid-19, bao gồm gần 4 triệu liều AstraZeneca từ nguồn mua của VNVC, Chương trình COVAX Facility và 1 triệu liều do Nhật Bản tặng; 2.000 liều vaccine Sputnik V do Nga tặng và 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ.

TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

650 điểm tiêm vaccine Covid-19 được lập ở nhiều nơi tại TP.HCM, ngày 19/6 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. 500 nhân viên Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm đầu tiên.

Hơn 30 nhân viên y tế của các bệnh viện ở TP.HCM có mặt từ sớm để thực hiện công việc

Hơn 30 nhân viên y tế của các bệnh viện ở TP.HCM có mặt từ sớm để thực hiện công việc

500 nhân viên ngồi xếp hàng tại những dãy ghế được chuẩn bị sẵn ở Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao TP.HCM để tiêm vaccine phòng Covid-19; khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM, cũng là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất Việt Nam. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP.HCM triển khai 836.000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất tại Italy với liều lượng 0,5 ml một lần tiêm. Đây là phần vaccine trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được phân bổ phần lớn cho TP.HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh số ca Covid-19 cộng đồng ở Thành phố tăng nhanh liên tục kể từ ngày 18/5.

Trong đó, 786.000 liều vaccine tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, khoảng 50.000 liều cho bộ đội, công an trên địa bàn TP.HCM.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Thành phố triển khai 650 điểm tiêm mỗi ngày, mục tiêu thần tốc tiến hành trong vòng 7 ngày. Dự kiến tổ chức tiêm 200.000 liều một ngày, hoàn thành trước ngày 27/6.

Chủ đầu tư Thủy điện Đăk Di 1 và 2 tự ý mở đường dù chưa được cấp phép

Chủ đầu tư Thủy điện Đăk Di 1 và 2, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), mở 8 đường nhánh từ Quốc lộ 40B đến công trường, dù chưa được cấp phép.

Một tuyến đường từ Quốc lộ 40B được mở để thi công trụ điện

Một tuyến đường từ Quốc lộ 40B được mở để thi công trụ điện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu Công ty CP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long, chủ đầu tư Thủy điện Đăk Di 1 và 2, chấp hành đầy đủ các quy định về thi công, khai thác vận hành công trình.

Trước đó, trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng cục Đường bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn kiến nghị tạm đình chỉ thi công Thủy điện Đắk Di 1 và 2. Lý do là hai dự án này chưa được cấp phép nhưng thi công nhiều đường nhánh từ Quốc lộ 40B đến các nơi thi công trụ điện, đường công vụ, trạm biến áp... Thời gian tạm đình chỉ ba tháng hoặc đến khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý.

Doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo quy định để triển khai Dự án sẽ bị xem xét chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép. Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vi phạm liên quan Quốc lộ 40B.

Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho biết, từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long không đấu nối vào Km85+150 như quy hoạch mà đấu nối trái phép vào Km85+030.

Với việc mở 8 đường nhánh trái phép để tập kết máy móc, nguyên vật liệu thi công thủy điện, trạm biến áp..., công ty đã khiến kết cấu đường Quốc lộ 40B bị thiệt hại hơn một tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã lập nhiều biên bản, xử phạt vi phạm hành chính Công ty và các nhà thầu thi công, tổng cộng 157 triệu đồng. Sau đó, Công ty vẫn không hợp tác khắc phục và có dấu hiệu chây ỳ, vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần.

Đà Nẵng cấm tắm biển và bán ăn uống tại chỗ từ 12h ngày 20/6

TP. Đà Nẵng yêu cầu dừng hoạt động tắm biển và cửa hàng ăn uống tại chỗ từ 12h ngày 20/6 vì phát hiện chuỗi lây nhiễm Covid-19 cộng đồng.

Đà Nẵng lần thứ hai phải cấm tắm biển trong đợt dịch từ ngày 3/5 đến nay

Đà Nẵng lần thứ hai phải cấm tắm biển trong đợt dịch từ ngày 3/5 đến nay

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, quyết định này được đưa ra sau khi địa phương phát hiện 24 người dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, sau một tháng dịch tạm lắng xuống.

Lãnh đạo Thành phố nhận định, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, việc dừng tắm biển và các hoạt động nhà hàng, quán ăn bán tại chỗ là cần thiết để chống dịch hiệu quả hơn.

Thành phố cho phép các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán cho khách mang đi và bán qua mạng, giao hàng tận nơi. Việc cấm tắm biển và bán ăn uống tại chỗ được thực hiện đến khi có thông báo mới.

Đà Nẵng bùng phát dịch từ ngày 3/5, với 158 ca mắc Covid-19. Dịch bệnh sau đó được kiểm soát và đến ngày 2/6 không phát hiện ca nhiễm mới. Thành phố cho phép tắm biển, bán ăn uống trở lại vào ngày 9/6.

Ngày 18/6, một công ty nhựa ở Đà Nẵng cho nhân viên đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã phát hiện nam bảo vệ dương tính với SARS-CoV-2, chấm dứt chuỗi 31 ngày không có ca nhiễm cộng đồng.

Tổng cộng từ ngày 3/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 182 ca dương tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM dừng hoạt động xe buýt, taxi từ ngày 20/6

TP.HCM sẽ dừng hoạt động taxi truyền thống và công nghệ, xe buýt và xe liên tỉnh từ ngày 20/6 để phòng chống Covid-19.

Xe buýt tuyến Thới An (Quận 12) - Bến Thành (Quận 1)

Xe buýt tuyến Thới An (Quận 12) - Bến Thành (Quận 1)

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Từ Lương cho biết, đây là lần thứ hai các phương tiện vận tải này phải dừng hoạt động từ khi Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.

Theo ông Từ Lương, dịch tại Thành phố còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới những ngày gần đây luôn vượt qua 3 con số. Dự báo trong tuần tới còn nhiều ca nhiễm cộng đồng, đòi hỏi Thành phố phải tập trung xử lý.

TP.HCM không áp dụng Chỉ thị 16 một cách cứng nhắc mà sử dụng các giải pháp trong Chỉ thị 15, 16 để ban hành chỉ thị riêng của Thành phố trong phòng chống dịch trên địa bàn.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố quyết định tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết, trong đó có chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống sẽ giao Sở Công Thương hướng dẫn quận, huyện áp dụng các biện pháp giãn cách đảm bảo an toàn.

Các cơ sở, đơn vị cũng dừng hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp phải tổ chức không được quá 10 người trong phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền cho phép, tuân thủ quy định 5K...

Bộ GTVT yêu cầu làm rõ sự cần thiết lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nêu quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hoá.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên vận tải hàng hoá

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên vận tải hàng hoá

Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký nêu rõ: Bộ đã nhận được công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về chủ trương đầu tư Dự án Thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo.

Để có cơ sở xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và tham gia ý kiến để xác định Dự án Thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về hàng không hay không.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà chức trách hàng không Việt Nam có quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay.

Dự án này do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.

Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội hoạt động trở lại từ 0h ngày 20/6

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) gỡ phong tỏa từ 0h ngày 20/6 sau 5 ngày khử khuẩn.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gỡ phong toả từ 0h ngày 20/6

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gỡ phong toả từ 0h ngày 20/6

Sau 5 ngày tạm dừng hoạt động để tiến hành khử khuẩn, 0h ngày 20/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang gỡ phong tỏa, hoạt động khám chữa bệnh trở lại.

Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm 1.558 trường hợp. Trong đó, xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ nhân viên y tế, bảo vệ, vệ sĩ, tạp vụ, lái xe, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiện có mặt tại Bệnh viện; xét nghiệm lần 3 cho khoảng 70 trường hợp F1, F2, những người liên quan đến 2 ca dương tính. Kết quả, tất cả đều âm tính.

Trước đó, sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 là bệnh nhân 10672 - đội trưởng đội vệ sĩ và bệnh nhân 10959 - nhân viên kế toán, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dừng tiếp nhận bệnh nhân khám, chữa bệnh thông thường từ 0h ngày 15/6.

Bệnh viện cũng đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 80% cán bộ nhân viên bệnh viện, nhân viên phục vụ (nhà ăn, vệ sĩ, đội vệ sinh...). Trong đó, 100% y bác sĩ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trực tiếp người bệnh F0 đều đã được tiêm phòng 2 mũi.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho 130 bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Y dược TP.HCM hoạt động lại từ 0h ngày 21/6

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hoạt động lại từ 0h ngày 21/6 sau 4 ngày khử khuẩn.

Bệnh viện Y dược TP.HCM ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 16/6 để khử khuẩn

Bệnh viện Y dược TP.HCM ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 16/6 để khử khuẩn

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ngưng tiếp nhận bệnh nhân từ hôm 16/6, sau khi phát hiện 2 ca Covid-19 gồm một nhân viên y tế và một bệnh nhân ngoại trú. Bệnh viện đã truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR toàn bộ nhân viên y tế, nhân viên dịch vụ, học viên, người bệnh, người chăm sóc, tất cả kết quả đều âm tính sau 2 lần xét nghiệm.

Bệnh viện đã tiến hành khử khuẩn, siết chặt các biện pháp phòng dịch. 3.080 nhân viên bệnh viện được tiêm vaccine Covid-19 trong hai ngày 19/6 và 20/6.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tuyến cuối ở miền Nam, cũng là bệnh viện tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 5.000 - 6.000 người đến khám, chữa bệnh, là một trong những cơ sở y tế có số bệnh nhân khám đông nhất cả nước.