Bản tin thời sự sáng 20/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ có 4 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam tuần này; vận chuyển 800 máy thở từ Hà Nội vào TP.HCM; trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam dừng thu phí từ 0h ngày 20/7; chậm nhất đến 30/6/2025, sáp nhập sàn chứng khoán HNX vào HOSE; 5 tàu cao tốc chở hàng từ miền Tây đến TP.HCM từ ngày 19/7; cáp quang AAG gặp sự cố, Internet đi quốc tế bị ảnh hưởng…

Sẽ có 4 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam tuần này

Trong tuần này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 3 triệu liều vaccine Moderna do chính phủ Hoa Kỳ trao tặng thông qua COVAX Facility và 1 triệu liều đặt mua của AstraZeneca.

Hoa Kỳ từng trao tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX

Hoa Kỳ từng trao tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xác nhận thông tin trên. Tính từ cuối tháng 2 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 10,2 triệu liều vaccine của nhiều hãng khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Sputnik V và Sinopharm.

Trước đó, ngày 10/7, cũng qua cơ chế COVAX, Hoa Kỳ đã trao tặng Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna. Ngoài 105 triệu liều vaccine đã cam kết và ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán, dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có khoảng 175 triệu liều vaccine Covid-19.

Riêng trong quý III/2021, Pfizer cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam 3,5 triệu liều vaccine, tăng 500.000 liều so với lộ trình dự kiến trước đó. Ngoài ra, 20 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi cũng sẽ chuyển cho Việt Nam trong năm 2021. Như vậy, riêng với vaccine Pfizer, trong năm 2021, Việt Nam sẽ mua 51 triệu liều.

Từ nay đến tháng 4/2022, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với khoảng 150 triệu liều vaccine được tiêm cho 70% dân số (khoảng 75 triệu người).

Vận chuyển 800 máy thở từ Hà Nội vào TP.HCM

Sáng 19/7, 800 chiếc máy thở được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM trên hai chuyến bay.

Vận chuyển 800 máy thở từ Hà Nội vào TP.HCM

Vận chuyển 800 máy thở từ Hà Nội vào TP.HCM

Đây là số máy thở được đưa vào TP.HCM phục vụ chống dịch, giúp các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cũng trong ngày 19/7, hơn 6,2 tấn gồm máy thở và trang bị y tế của Bộ Y tế cũng được chuyển tới TP.HCM.

Theo đại diện Vietnam Airlines, đơn vị vận tải số hàng, tổng trọng lượng số máy thở này là gần 10 tấn. Hãng đã bố trí máy bay Boeing 787, dòng tàu bay lớn để chở hàng.

Trước đó, Bộ Y tế đã thành lập kho thiết bị y tế dã chiến tại TP.HCM. Kho này dự kiến tiếp nhận 2.000 máy thở và các loại đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang để đáp ứng nhu cầu của TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện nay, nhu cầu vật tư y tế, đặc biệt là các thiết bị hồi sức cấp cứu, tại các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM là rất lớn. Nhiều bệnh viện có nguy cơ thiếu thiết bị do số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh. Các bệnh viện đang huy động các nguồn thiết bị tại chỗ và kêu gọi sự giúp đỡ từ Bộ Y tế và các nguồn xã hội hóa.

Trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam dừng thu phí từ 0h ngày 20/7

Các trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ tạm dừng thu phí BOT từ 0h ngày 20/7.

Trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam dừng thu phí từ 0h ngày 20/7

Trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam dừng thu phí từ 0h ngày 20/7

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết tạm dừng thu phí BOT đến khi địa phương công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các doanh nghiệp dự án BOT sẽ được tính toán lại phương án tài chính, kéo dài thêm thời gian thu phí để bù đắp. Việc tạm dừng thu phí phải được lập biên bản và lưu trữ đầy đủ. Tổng cục sẽ giám sát chặt chẽ.

Đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16, các nhà đầu tư BOT được yêu cầu miễn phí cho phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa; đồng thời, miễn phí cho các xe chở cán bộ, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch, các phương tiện chở người từ vùng dịch về các địa phương.

19 tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Chậm nhất đến 30/6/2025, sáp nhập sàn chứng khoán HNX vào HOSE

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ từng bước được sáp nhập vào Sở Giáo dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), chậm nhất đến 30/6/2025, tất cả các cổ phiếu chỉ giao dịch trên HOSE. Từ 1/7/2023, HNX không tiếp nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu mới.

Chậm nhất đến 30/6/2025, sáp nhập sàn chứng khoán HNX vào HOSE

Chậm nhất đến 30/6/2025, sáp nhập sàn chứng khoán HNX vào HOSE

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác, có hiệu lực từ ngày 20/7. Theo đó, muộn nhất đến 30/6/2025, tất cả các cổ phiếu sẽ giao dịch trên HOSE.

Cụ thể, HOSE tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm đã niêm yết trên sàn này trước ngày thông tư này có hiệu lực và nhận niêm yết mới.

Trước ngày 1/7/2023, HOSE tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới khi đáp ứng điều kiện theo Nghị định 155/2020, và có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên.

Từ ngày 1/7 - 31/12/2023, HOSE tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ HNX chuyển sang.

Từ ngày 1/1 - 30/6/2025, bên cạnh tiếp nhận cổ phiếu từ sàn HNX chuyển sang, HOSE sẽ tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức sau khi đã hoàn thành tiếp nhận cổ phiếu từ HNX chuyển sang.

Từ 1/7/2023, HNX không tiếp nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu mới.

Từ ngày 1/7 - 31/12/2023, HNX thực hiện chuyển cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ HNX sang HOSE.

Trong thời gian chuyển đổi trên, HNX tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch với cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch tại HNX cho tới khi chuyển đổi hoàn tất.

Từ ngày 1/1 - 30/6/2025, thực hiện chuyển cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ HNX sang HOSE, khi hoàn thành HNX không tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch mới.

5 tàu cao tốc chở hàng từ miền Tây đến TP.HCM từ ngày 19/7

5 tàu thuỷ chở thực phẩm, thiết bị y tế... từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM và ngược lại chạy từ ngày 19/7, phục vụ nhu cầu thiết yếu khi giãn cách xã hội.

5 tàu cao tốc chở hàng từ miền Tây đến TP.HCM từ ngày 19/7

5 tàu cao tốc chở hàng từ miền Tây đến TP.HCM từ ngày 19/7

Phương án vận chuyển này được Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp doanh nghiệp và các cơ quan liên quan triển khai, nhằm kịp thời đưa hàng hóa thiết yếu khi TP.HCM và 18 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Các tàu thuỷ chỉ chở hàng hoá như gạo, mì gói, bún khô, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản; trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch... 5 tàu hoạt động từ 6h-19h hàng ngày, trong đó mỗi chuyến chở được khoảng 20 tấn hàng. Giá vận chuyển do Công ty TNHH Công nghệ xanh DP - doanh nghiệp khai thác tự thoả thuận với các bên có nhu cầu.

Tàu đi từ các cảng, bến thủy nội địa thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng tại TP.HCM và ngược lại, gồm: bến tàu cao tốc của Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Quận 1, TP.HCM), bến phà Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), bến phà tạm Rạch Miễu huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) và khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ (tỉnh Vĩnh Long).

Các tàu sẽ theo lộ trình: sông Tiền - kênh Chợ Gạo - sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn - sông Cần Giuộc) - sông Soài Rạp - sông Nhà Bè - sông Sài Gòn - bến Bạch Đằng và ngược lại.

Việc đưa hàng bằng đường thuỷ được cho đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Các tàu sẽ chạy thẳng từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM mà không phải qua các trạm kiểm soát do các địa phương tổ chức.

Thành phố Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 22h

UBND TP. Hải Phòng quy định người dân không ra khỏi nhà sau 22h; người về từ 19 tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 phải cách ly tập trung 14 ngày và tự trả phí.

Lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 22h nếu không có việc cần thiết. Ảnh: minh họa

Lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 22h nếu không có việc cần thiết. Ảnh: minh họa

Nhằm triển khai một số biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19, ngày 19/7, UBND TP. Hải Phòng quy định người dân không được tụ tập quá 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện; không được ra khỏi nhà sau 22h, trừ trường hợp đặc biệt hoặc thực hiện nhiệm vụ.

Người từ Hà Nội đến Hải Phòng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR trong 48 giờ kể từ thời điểm có kết quả.

Các tuyến vận tải hành khách cố định Hải Phòng - Hà Nội tạm thời dừng hoạt động. Vườn hoa, công viên và các cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố cũng đóng cửa để phòng dịch, trách tụ tập đông người.

Các cơ quan, doanh nghiệp có cán bộ, nhân viên thường trú tại Hà Nội, đang làm việc tại Hải Phòng, thì yêu cầu nhân viên không về Hà Nội; không cử nhân viên đi công tác tại Hà Nội và các địa phương đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Các phương tiện vận tải hàng hóa từ Hà Nội về Hải Phòng và ngược lại thay logo màu vàng (Nhóm nguy cơ) sang dán logo màu đỏ (Nhóm nguy cơ cao). Lái xe và phụ xe trên tuyến vận tải này buộc phải khai báo y tế và có phiếu kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính trong 48 giờ mới được ra vào Thành phố.

Các phương tiện xe khách, xe du lịch, xe taxi, xe hợp đồng (trừ xe hợp đồng chuyên chở công nhân) giảm 50% số lượng khách được chở theo quy định.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng đề nghị Tổng cục Đường sắt dừng các chuyến tàu khách đến các ga tại Hải Phòng trong thời gian chống dịch.

Cáp quang AAG gặp sự cố, Internet đi quốc tế bị ảnh hưởng

Sự cố trên tuyến cáp quang AAG khiến tốc độ Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.

Việc sửa chữa cáp quang thường kéo dài nhiều tuần, do vị trí gặp lỗi cách xa bờ biển hàng trăm km. Ảnh minh họa.

Việc sửa chữa cáp quang thường kéo dài nhiều tuần, do vị trí gặp lỗi cách xa bờ biển hàng trăm km. Ảnh minh họa.

Theo một nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển Asia America Gateway (AAG) gặp sự cố vào sáng 19/7 trên nhánh S1H, vị trí lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 108 km.

Sự cố này làm mất 1040/2940 GB kết nối Việt Nam đi quốc tế theo hướng Singapore và Hong Kong (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của sự cố, một bộ phận người dùng Internet tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc truy cập các website nước ngoài như Facebook, Google.

Đây là lần thứ 2 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố trong một tháng qua. Trước đó vào 22/6, tuyến AAG cũng bị lỗi trên nhánh S1H, cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km.

Việc sửa chữa tuyến cáp đã bắt đầu từ 2/7. Trong quá trình này, đơn vị quản lý tuyến cáp phát hiện thêm lỗi khiến thời gian sửa chữa kéo dài.

Ngày 17/7, các nhà mạng cho biết tuyến cáp AAG đã sửa xong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phản ánh tình trạng kết nối Internet đến website nước ngoài bị chập chờn. Đến sáng 19/7, một ISP xác nhận lỗi mới trên tuyến cáp AAG.

Asia America Gateway (AAG) là tuyến cáp quang biển chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009.

Tuyến cáp quang biển này đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ.

Ngành đường sắt lập tàu riêng đưa hành khách từ TP.HCM về quê

Ngành đường sắt tổ chức các đoàn tàu chuyên biệt đón và trả khách tại ga đầu cuối, để đưa người dân từ TP.HCM về các tỉnh.

Ngành đường sắt lập tàu riêng đưa hành khách từ TP.HCM về quê

Ngành đường sắt lập tàu riêng đưa hành khách từ TP.HCM về quê

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mấy ngày qua, một số tỉnh, thành như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận... và nhiều tổ chức xã hội đã đề nghị phối hợp đưa người dân đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, nhằm giảm tải áp lực cách ly trong lúc dịch Covid-19 bùng phát.

VNR sẽ tổ chức chạy các đoàn tàu chuyên biệt chỉ đón khách lên tại một ga đi và trả khách tại một ga đến, hoặc có các toa xe riêng trên đoàn tàu chỉ đón khách và trả khách tại ga đầu cuối; bố trí nguyên toa xe cho gia đình.

Hành khách lên tàu sẽ áp dụng biện pháp phòng dịch, thực hiện khuyến cáo 5K. Nhân viên đoàn tàu khử khuẩn 3 giờ mỗi lần tại các vị trí tay nắm cửa, sàn toa xe, nhà vệ sinh...

Hiện ngành đường sắt chỉ duy trì một đôi tàu SE7/8 chạy Bắc Nam hàng ngày, song tàu này không đón trả khách tại những địa phương giãn cách xã hội.

Thành phố Vinh nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 19/7

Từ 0h ngày 19/7, TP. Vinh (Nghệ An) với nửa triệu dân được khôi phục hoạt động quán ăn, cơ sở cắt tóc gội đầu, quán cà phê, quán ăn vỉa hè.

Thành phố Vinh nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 19/7

Thành phố Vinh nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 19/7

Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với TP. Vinh, chuyển sang thực hiện biện pháp phòng chống Covid-19 theo Chỉ thị 19, sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

TP. Vinh với diện tích 104 km2, dân số hơn 500.000 sẽ tiếp tục dừng các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage, phòng tập thể thao (phòng tập gym, yoga, bia), trò chơi điện tử, Internet công cộng.

Các quán ăn, nhà hàng, chợ dân sinh, cơ sở cắt tóc gội đầu, quán cà phê, quán ăn vỉa hè... được phép hoạt động, song người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Tròn một tháng trước, 0h ngày 19/6, Nghệ An quyết định cách ly xã hội TP. Vinh sau khi ghi nhận 11 ca Covid-19. 14 ngày sau, TP. Vinh được chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 sau khi Covid-19 trên địa bàn cơ bản được khống chế.

Tin cùng chuyên mục