Bản tin thời sự sáng 2/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khẩn trương xác định nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn nước Nhà máy Thủy điện A Lưới; Chính phủ đồng ý xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bằng đầu tư công; tạm giam nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); tỉnh Quảng Ngãi hủy quyết định thu hồi 3,5 tỷ đồng tiền thưởng học sinh giỏi….
Bản tin thời sự sáng 2/1

Khẩn trương xác định nguyên nhân rò rỉ đường ống dẫn nước Nhà máy Thủy điện A Lưới

Chiều ngày 1/1, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết các cơ quan chức năng đang khẩn trương xác định nguyên nhân dẫn tới sự cố rò rỉ đường ống dẫn nước Nhà máy Thủy điện A Lưới.

Mái taluy ở thủy điện A Lưới bị nước từ đường ống vỡ cuốn trôi

Mái taluy ở thủy điện A Lưới bị nước từ đường ống vỡ cuốn trôi

Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Miền Trung, vào lúc 8 giờ 40 phút ngày 1/1, Nhà máy Thủy điện A Lưới đang vận hành phát điện với công suất 20MW, bất ngờ xuất hiện sự cố xuất lộ nước từ đường hầm tại cơ 177 trên mái chính diện Nhà máy, nước chảy tràn xuống Nhà máy. Nước ngập sân Nhà máy cao khoảng 30 cm kéo theo bùn đất và đá. Lưu lượng nước xuất lộ ra tại cơ 177 khoảng 9 m3/giây.

Ngay khi phát hiện sự cố, Nhà máy đã thông báo đến bọ phận điều độ, thực hiện dừng máy và cắt điện khẩn cấp. Dự kiến thời gian khắc phục khoảng 1 tháng.

Trước sự cố rò rỉ đường ống dẫn nước phát điện, khoảng 9 giờ ngày 1/1, Nhà máy Thủy điện A Lưới đã ngừng phát điện, đóng cửa nhận nước.

Công trình thủy điện A Lưới nằm trên sông A Sáp thuộc địa phận xã Hồng Thái và xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) gồm: 2 tổ máy, với công suất lắp máy 170 MW, dung tích ứng với cao trình mực nước dâng bình thường là 60,2 triệu m3. Nhà máy Thủy điện A Lưới được khởi công từ năm 2007, vận hành phát điện từ năm 2012 do Công ty CP Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư.

Chính phủ đồng ý xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ bằng vốn đầu tư công

Sau khi xem xét đề nghị của UBND tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai từ hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) sang hình thức đầu tư công.

Chính phủ đồng ý xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ bằng đầu tư công. Ảnh minh họa

Chính phủ đồng ý xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ bằng đầu tư công. Ảnh minh họa

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 3.112,970 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án: giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2023; giai đoạn 2 sau năm 2025. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,970 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Địa điểm thực hiện Dự án tại thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang; các huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh và thị xã Phú Thọ của tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT và tổ chức đấu thầu, song không lựa chọn được nhà thầu. UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ hình thức đầu tư PPP (đầu tư theo phương thức đối tác công tư), loại hợp đồng BOT sang đầu tư công và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án.

TP.HCM: Hơn 900 tỷ đồng lắp đường ống cấp nước cho dân ngoại thành

TP.HCM đầu tư 925 tỷ đồng lắp tuyến đường ống dài gần 12 km đưa nước sạch tới người dân huyện Bình Chánh, tương lai đấu nối, cấp nước cho một số tỉnh miền Tây.

Công nhân lắp đặt ống đường kính 1,5 m tại tỉnh lộ 10, quận Bình Tân

Công nhân lắp đặt ống đường kính 1,5 m tại tỉnh lộ 10, quận Bình Tân

Dự án vừa được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco, chủ đầu tư) khởi công, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuyến đường ống mới đường kính 1 - 1,5 m điểm đầu từ ngã tư Võ Văn Vân – Trần Văn Giàu (quận Bình Tân) và điểm cuối ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Công trình đi qua các đường: Trần Văn Giàu, Tỉnh lộ 10, Nguyễn Cửu Phú, Dương Đình Cúc, cầu chợ Đệm, Nguyễn Hữu Trí, Tân Túc, nút giao Bình Thuận...

Theo Sở Xây dựng TPHCM, Thành phố hiện có 8.800 km đường ống mỗi ngày cung cấp 2,4 triệu m3 nước sạch. Bình quân mỗi người dân Thành phố dùng hơn 140 lít nước mỗi ngày. Hiện, hệ thống nước sạch phủ kín các quận, huyện nhưng mạng lưới chưa đồng bộ, hệ thống đường ống xây từ lâu đã xuống cấp nên nguồn nước chưa ổn định. Một số khu vực ngoại thành hay xảy ra tình trạng nước yếu.

Trong Đề án Cung cấp nước sạch cho dân TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố đặt ra mục tiêu cung cấp 100% nước sạch cho người dân, tăng lượng nước bình quân người dân sử dụng lên 165 lít mỗi ngày, giảm tỷ lệ thất thoát dưới 18%. Đến năm 2025, Thành phố lắp mới và cải tạo hơn 5.000 km đường ống...

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ hòa lưới điện quốc gia

Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) vừa đóng điện thành công và hòa lưới điện quốc gia sau bảy tháng khởi công.

Nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn tại Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng

Nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn tại Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng

Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch, thành viên trực thuộc BCG Energy khởi công xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào cuối tháng 5. Đây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn tại Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 380 ha. Nhà máy có tổng công suất thiết kế 330 MW, chia thành hai giai đoạn gồm ba nhà máy với công suất lần lượt là 120 MW, 110 MW và 100 MW.

Chỉ trong 7 tháng thi công (kể từ 29/5 đến 31/12/2020), Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW. Với việc đóng điện thành công và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) vào 31/12, 216 MW đầu tiên nối lưới của Nhà máy sẽ được hưởng mức giá mua điện là 7,09 cent một kWh. Khi đi vào hoạt động toàn bộ, Nhà máy ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

BCG Energy cũng cho biết thêm, 114 MW của giai đoạn hai dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện trước ngày 28/2/2021.

Tỉnh Quảng Ngãi hủy quyết định thu hồi 3,5 tỷ đồng tiền thưởng học sinh giỏi

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã hủy quyết định thu hồi 3,5 tỷ đồng tiền khen thưởng học sinh đạt thành tích cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020.

Tỉnh Quảng Ngãi hủy quyết định thu hồi 3,5 tỷ đồng tiền thưởng học sinh giỏi. Ảnh minh họa

Tỉnh Quảng Ngãi hủy quyết định thu hồi 3,5 tỷ đồng tiền thưởng học sinh giỏi. Ảnh minh họa

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vừa gửi công văn hỏa tốc kiến nghị Thường trực HĐND Tỉnh bổ sung 3,5 tỷ đồng để khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020.

Theo ông Minh, sau khi nhận phản ánh của dư luận, Quảng Ngãi hủy quyết định thu hồi, tiếp tục khen thưởng 3,5 tỷ đồng cho học sinh giỏi.

Từ năm học 2015 - 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành chính sách khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, đạt thành tích cao tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế và thi THPT quốc gia.

Theo chính sách này, học sinh thủ khoa trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thưởng gấp 20 lần mức lương cơ bản; đạt từ 27 điểm trở lên sẽ được thưởng gấp 10 lần mức lương cơ bản; riêng tổ hợp khối C (Văn, Lịch sử, Địa lý) học sinh đạt 25 điểm được thưởng gấp 10 lần mức lương cơ bản.

Tạm giam nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên

Ngày 1/1, Công an Hải Phòng cho biết, lực lượng chức năng vừa bắt tạm giam nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên.

Lâu đài trăm tỷ đồng trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, thành phố Hải Phòng của đại gia Phát "dầu"

Lâu đài trăm tỷ đồng trên đường Lê Hồng Phong, quận Hải An, thành phố Hải Phòng của đại gia Phát "dầu"

Cụ thể, ngày 30/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tô Hữu Tề, sinh năm 1959, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, vi liên quan đến nhóm đối tượng mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát tổ chức, cầm đầu.

Trước đó, ngày 8/9/2020, Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Văn Phát, quê ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), hiện ở tại một biệt thự trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải An, thành phố Hải Phòng) về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”.

Ông Ngô Văn Phát là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại Xăng Dầu Phát - Petraco, được cho là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực xăng dầu tại Việt Nam. Ông cũng được nhắc đến là chủ nhân của những tòa lâu đài có giá trị hàng trăm tỷ đông ở Hải Phòng và Thái Bình.

Khởi tố 5 bị can liên quan đến vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”

Ngày 1/1, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố 5 bị can liên quan đến đường dây“Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” theo Khoản 2 Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Phan Phi Hùng và Phạm Thanh Hập

Phan Phi Hùng và Phạm Thanh Hập

Trước đó, ngày 30/12/2020, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định số 242 về việc khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” xảy ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang vào ngày 24/12/2020.

Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục ra quyết định khởi tố 5 bị can, gồm”. Phan Phi Hùng, cư trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Bị can Hùng được xác định là người móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đưa nhóm vượt biên trái phép bệnh nhân 1.440 vượt biên trái phép vào Việt Nam; Trương Chí Tài, cư trú tại ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang; Lê Văn Dinh (Hiền), cư trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Phạm Thanh Hập (Hạp), cư trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang.; Trang Văn Út, cư trú tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Các đối tượng Tài, Dinh, Hập, Út được xác định là do bị can Phan Phi Hùng câu móc để chở người nhập cảnh trái phép qua đường biên thuộc huyện An Phú đi thành phố Châu Đốc hoặc chở đến các địa điểm mà người vượt biên yêu cầu.

Ngoài việc khởi tố 5 bị can nêu trên, Công an An Giang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và bắt các đối tượng có liên quan để sớm đưa ra pháp luật xử lý thật nghiêm minh./.

Tin cùng chuyên mục