Khởi công cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng
Sáng 1/1, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức khởi công xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 93 km, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Phối cảnh một cây cầu trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh |
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Giai đoạn một, tuyến đường có vận tốc 80 km/h, hai làn xe, nền đường 17 m đối với đoạn thông thường và 13,5 m với đoạn địa hình phức tạp.
Tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 14.330 tỷ đồng, thực hiện 36 tháng. Đây là dự án PPP đầu tiên được áp dụng cơ chế đặc thù với tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư do địa hình vùng núi, lưu lượng phương tiện thấp. Vốn ngân sách tham gia dự kiến 9.800 tỷ đồng, chiếm 68% tổng mức đầu tư, vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.450 tỷ đồng (chiếm 31%).
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từng được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch với chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa hình hiểm trở, suất đầu tư lớn, trong khi lưu lượng thấp, bài toán hoàn vốn khó khăn.
Khánh thành cầu nối hai bờ vịnh Cửa Lục
Cầu Bình Minh dài 2,6 km nối hai bờ vịnh Cửa Lục, thiết kế 6 làn xe cơ giới, tốc độ 60 km/h, được khánh thành sáng 1/1.
Cầu Bình Minh nối hai bờ vịnh Cửa Lục |
Cầu Bình Minh có điểm đầu nối với tuyến đường trục chính khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với Quốc lộ 279, thuộc xã Thống Nhất, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Đây là cầu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh có 6 làn xe cơ giới, kết cấu một vòm thép, hai bên có vỉa hè cho người đi bộ, sàn vọng cảnh và bồn hoa.
Công trình được triển khai từ cuối năm 2020, tổng đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh. So với thiết kế ban đầu, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh, thay phần đường dẫn bằng cầu dẫn và dịch sang hướng khác bám theo lạch sông Diễn Vọng, qua đó hạn chế tác động khoảng 70% diện tích rừng ngập mặn.
Dự án phải thi công trong điều kiện khó khăn như dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bàn giao mặt bằng chậm, nguồn vật liệu khan hiếm, giá cả leo thang... Chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai nhiều biện pháp thi công phù hợp, huy động tối đa máy móc, thiết bị, đội ngũ kỹ sư để đảm bảo tiến độ.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trồng trọt trên 26 tỷ USD năm 2030
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD năm 2030, theo chiến lược mới ban hành.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trồng trọt trên 26 tỷ USD năm 2030 |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đến 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8 - 10%/năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.
Đến năm 2050, ngành trồng trọt của Việt Nam phải trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
Về định hướng phát triển một số cây trồng chủ lực, Chiến lược nêu rõ, cần giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu.
Đối với rau, cần xây dựng các cụm liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ rau tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau lớn; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc…
Bắt đầu triển khai kiểm thử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử từ 1/4
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, ngày 1/4/2024 là thời điểm bắt đầu triển khai kiểm thử Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử và Giấy hẹn khám lại điện tử.
Người dân chờ đợi giấy chuyển tuyến điện tử, nhằm giảm thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh, chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế. Ảnh minh hoạ |
Tối 1/1, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế thông tin, chiều ngày 29/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4750/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định 130/QĐ-BYT ngày 18/1/2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.
Đáng chú ý tại Quyết định, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung thêm 2 bảng dữ liệu mới gồm Bảng dữ liệu Giấy chuyển tuyến BHYT và Bảng dữ liệu Giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo lộ trình, từ ngày 1/4/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử Giấy chuyển tuyến BHYT và Giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1/7/2024.
Tiếp đến, theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, BHXH Việt Nam để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.
Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, đây là một nỗ lực của Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế) trong chuyển đổi số lĩnh vực BHYT, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Địa ốc Hoàng Quân lùi thời gian huy động 1.000 tỷ đồng sang năm 2024
Đại gia nhà ở xã hội Hoàng Quân vừa gia hạn thời gian chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, thời gian dự kiến giải ngân, sử dụng vốn trong năm 2024.
Địa ốc Hoàng Quân lùi thời gian huy động 1.000 tỷ đồng sang năm 2024 |
HĐQT Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE: HQC) vừa thông qua việc gia hạn thời gian chào bán và triển khai phân phối cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Theo đó, doanh nghiệp gia hạn thời gian dự kiến chào bán, giải ngân và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán sang năm 2024. Từ ngày 2/1/2024 đến ngày 11/3/2024, nhà đầu tư sẽ đăng ký mua và nộp tiền.
Doanh nghiệp địa ốc dự kiến năm 2024 sẽ chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Số tiền huy động dự kiến là 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/5, Địa ốc Hoàng Quân đã thông qua phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2023.
Với số tiền huy động được, Công ty dự kiến chi 600 tỷ đồng mua cổ phần Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng để bổ sung vốn cho Dự án Chung cư nhà ở xã hội thành phố Vàng. Còn 400 tỷ đồng dùng để nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu của Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng.
Về Dự án Chung cư nhà ở xã hội thành phố Vàng (Golden City), đây là dự án có quy mô 3,35 ha, vốn đầu tư 1.776,6 tỷ đồng. Golden City còn là dự án nhà ở xã hội quy mô lớn nhất tại TP. Tây Ninh; đồng thời là 1 trong 7 dự án của Hoàng Quân nằm trong gói hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng.
VIB ước tính lãi hơn 8.600 tỷ năm 2023, sẽ chia cổ tức tiền mặt
Theo biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc tạm ứng cổ tức 6% bằng tiền mặt, VIB đưa dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 sẽ đạt 8.640 tỷ đồng.
VIB ước tính lãi hơn 8.600 tỷ năm 2023, sẽ chia cổ tức tiền mặt |
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB (HoSE: VIB) vừa có văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc tạm ứng cổ tức 6% bằng tiền mặt.
Đáng chú ý, tại thông báo này, VIB cho biết theo mô hình tài chính và dự báo khả thi thì nhà băng sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 là 8.640 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 dự kiến đạt 9.159 tỷ đồng.
Theo quy chế tài chính, VIB sẽ trích lập các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu số tiền là 1.296 tỷ đồng. Như vậy, nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau thực hiện trích lập sẽ là 7.863 tỷ đồng, tăng thêm 1.722 tỷ đồng so với số liệu vào cuối quý III/2023.
Do đó, ngân hàng này khẳng định có thể chủ động tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 6% cho cổ đông dựa trên lợi nhuận chưa phân phối và vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn vốn chủ sở hữu, bảo đảm tốt cả tỷ lệ an toàn, nguyên tắc kế toán.
Ngân hàng này thông báo cổ đông đã thông qua việc tạm ứng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tán thành là 84,241%. Khoảng gần 84% phiếu biểu quyết của cổ đông cũng đã ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định các nội dung để thực hiện tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt.
Với vốn điều lệ hơn 25.000 tỷ đồng, ước tính VIB sẽ cần chi hơn 1.500 tỷ đồng để chia cổ tức lần này.
Trước đó, trong hai quý đầu năm 2023, VIB cũng đã chi hơn 2.100 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 15%, chia thành 2 đợt với tháng 3/2023 là 10% và tháng 5/2023 là 5%. Ngoài trả cổ tức bằng tiền mặt, VIB cũng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%.
TP.HCM bắt đầu cho người dân đăng ký thuê vỉa hè để kinh doanh, giữ xe
Từ ngày 1/1/2024, TPHCM chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2. Một số quận đã bắt đầu kẻ vạch vỉa hè, cho người dân đăng ký sử dụng và đóng phí.
Nhiều vỉa hè ở Quận 1 đã được kẻ vạch để người dân giữ xe tự quản |
Tại Quận 1, có khoảng 155 tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện được lên danh mục cho sử dụng tạm một phần, tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 84 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản; 54 khu vực cho kinh doanh, buôn bán. Còn lại 16 tuyến được làm nơi giữ xe có thu tiền.
Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND Quận 1, nhiều tuyến có vỉa hè đủ điều kiện đã được kẻ vạch. Sau khi Sở GTVT TP.HCM có hướng dẫn dẫn về phương án thu, cách đóng phí, ông Vinh cho biết, Quận 1 đã bắt đầu cho người dân đăng ký sử dụng vỉa hè và đóng phí.
Trong khi đó, đại diện UBND Quận 3 cho biết đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, như: Bà Huyện Thanh Quan, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám... Sắp tới, Quận sẽ kẻ vạch nhằm phân biệt khu vực vỉa hè cho sử dụng tạm và phần cho người đi bộ. Khi muốn sử dụng vỉa hè, người dân làm giấy xin cấp phép, đóng phí theo quy định.
Quận Bình Thạnh cũng lên danh mục 18 đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình... Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh - cho biết, Quận đang rà soát thêm các tuyến khác, sau đó công bố danh mục các tuyến đường được phép cho thuê để người dân đăng ký sử dụng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, Thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường các loại (bề rộng từ 5m trở lên) với chiều dài 4.986 km. Trong đó có khoảng 710 km đường đô thị có hè phố rộng từ 3 m trở lên có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.