Bản tin thời sự sáng 2/10

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chuyển hồ sơ sai phạm sân bay Nha Trang cho Cơ quan Điều tra Bộ Quốc Phòng; giá gas tăng lần thứ 3 liên tiếp; Cà Mau hỗ trợ hãng hàng không khai thác đường bay đến tỉnh; Hà Nội lấy nước sông Hồng cải tạo sông Nhuệ…

Chuyển hồ sơ sai phạm sân bay Nha Trang cho Cơ quan Điều tra Bộ Quốc Phòng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan sai phạm trong việc giao đất tại khu vực sân bay Nha Trang đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Việc giao "đất vàng" sân bay Nha Trang vi phạm quy định của Luật Đất đai

Việc giao "đất vàng" sân bay Nha Trang vi phạm quy định của Luật Đất đai

Ông Lương Đức Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ) tỉnh Khánh Hòa cho biết thông tin liên quan đến vụ việc sai phạm trong việc giao đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thanh toán cho các dự án BT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, vào ngày 21/9, BCĐ tỉnh Khánh Hòa đã họp Phiên thứ 4, thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 1 vụ án, 1 vụ việc bao gồm vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa; vụ sai phạm trong việc giao đất tại khu vực sân bay Nha Trang để thanh toán cho các dự án BT, do kết thúc việc giải quyết theo quy định.

Theo ông Lương Đức Hải, vụ việc sai phạm trong việc giao đất vàng tại khu vực sân bay Nha Trang cũ, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và BCĐ Tỉnh theo dõi.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc này đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Vẫn theo ông Lương Đức Hải, sau khi hoàn tất bàn giao hồ sơ, vụ việc sai phạm giao “đất vàng” tại sân bay Nha Trang cũ, không thuộc thẩm quyền của địa phương. Từ cơ sở này, BCĐ tỉnh Khánh Hòa đã quyết định kết thúc theo dõi vụ việc.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng cần cung cấp, phối hợp phía địa phương sẽ hỗ trợ.

“Bộ Quốc phòng đang làm và vụ việc này vẫn còn thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo Trung ương để triển khai thực hiện theo đúng quy định” - ông Lương Đức Hải thông tin thêm.

Giá gas tăng lần thứ 3 liên tiếp

Giá gas bán lẻ trong nước từ ngày 1/10 được điều chỉnh tăng thêm 20.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp của giá gas tại thị trường nội địa.

Giá gas tăng lần thứ 3 liên tiếp

Giá gas tăng lần thứ 3 liên tiếp

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas vừa thông báo điều chỉnh tăng giá mặt hàng này từ ngày 1/10.

Theo đó, so với tháng 9, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng đồng loạt tăng 20.000 đồng/bình 12kg.

Cụ thể, Công ty CP Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/10, giá gas của công ty này tăng 20.000 đồng/bình 12 kg và 83.000 đồng/bình 50 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 464.000 đồng/bình 12 kg và 1.931.500 đồng/bình 50 kg.

Tương tự, Công ty CP Kinh doanh Gas LPG Việt Nam - Chi nhánh miền Nam thông báo, kể từ ngày 1/10, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.667 đồng/kg, tương đương 20.000 đồng/bình 12 kg và 75.000 đồng/bình 45 kg so với tháng 9.

Từ 1/10, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) cũng tăng 20.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng của thương hiệu này là 426.500 đồng/bình 12 kg.

Các thương hiệu gas khác cũng tăng giá, nâng giá bán lẻ lên mức từ 410.000 - 470.000 đồng/bình 12 kg. Nếu có khuyến mãi thì giá gas bán lẻ của các hãng sẽ thấp hơn mức trên từ 20.000 - 50.000 đồng/bình 12 kg.

Theo các công ty gas, nguyên nhân khiến giá gas trong nước tăng là do giá gas thế giới tăng.

Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp của giá gas trong nước. Trước đó, vào tháng 8, giá gas trong nước tăng 26.000 - 26.500 đồng/bình 12 kg. Tháng 9, giá gas cũng tăng 33.000 đồng/bình 12 kg.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 5 lần giảm (vào tháng 1, tháng 3, tháng 4 và tháng 6 và tháng 7) với tổng mức giảm là 158.000 đồng/bình 12 kg và có 5 lần tăng (vào tháng 2, tháng 5, tháng 8, tháng 9 và tháng 10) với tổng mức tăng là 144.000 đồng/bình 12 kg.

Cà Mau hỗ trợ hãng hàng không khai thác đường bay đến Tỉnh

Cà Mau tính hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến Tỉnh bằng tiền vé của 10% tổng lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến.

Tàu bay của hãng Bamboo Airways tại sân bay Cà Mau

Tàu bay của hãng Bamboo Airways tại sân bay Cà Mau

Nội dung được đề cập trong tờ trình của UBND gửi HĐND tỉnh Cà Mau về chính sách hỗ trợ các hàng hàng không khai thác đường bay đến địa phương. Việc hỗ trợ áp dụng cho hãng dùng các loại tàu bay phải giảm tải khi khai thác đường bay đến Cà Mau. Kinh phí do ngân sách tỉnh cân đối, được phân bổ hàng năm.

Các hãng được hỗ trợ là đơn vị khai thác đường bay với tổng số chuyến bay đi, đến sân bay Cà Mau tối thiểu 6 chuyến mỗi tuần, thời gian khai thác tối thiểu là một năm. Chi phí duy trì khai thác đường bay bằng tiền vé của 10% tổng lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến.

Cụ thể, mức giá vé để tính hỗ trợ là 3 triệu đồng mỗi ghế với đường bay trên 1.000 km; 2 triệu đồng mỗi ghế với đường bay 500 - 1.000 km và 1,5 triệu đồng mỗi ghế đối với đường bay dưới 500 km.

Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay Code C như ATR72, Embraer E190 và tương đương trở xuống. Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến mỗi tuần.

Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội và ngược lại được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến mỗi tuần. Qua thời gian khai thác, các chuyến bay luôn có hệ số ghế cao, bước đầu đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đường cất hạ cánh sân bay Cà Mau có kích thước và sức chịu tải hạn chế, các tàu bay khai thác đường bay tầm trung tại cảng phải giảm tải và tần suất.

Hà Nội lấy nước sông Hồng cải tạo sông Nhuệ

Thành phố Hà Nội đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng trạm bơm Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, tạo nguồn cấp nước cho sông Nhuệ và phòng chống ngập úng.

Ô nhiễm ở điểm cuối sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ

Ô nhiễm ở điểm cuối sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý.

Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội.

Sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, cụm công trình sẽ đảm nhiệm việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng cho 9.200 ha của các huyện: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức với lưu lượng 170 m3/s.

Khoảng 140 hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khi triển khai Dự án, trong đó phường Thụy Phương 130 hộ và 10 hộ thuộc phường Liên Mạc. Dự kiến, những hộ dân trên được bố trí nhà tái định cư tại dự án Ecohome 3, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến được triển khai trong hai giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố hồi tháng 8/2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10 - 25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.

Sắt thép nhập từ Anh tăng 12 lần trong tháng 8

Tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.000 tấn sắt thép các loại từ Anh, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh mặt hàng này rẻ kỷ lục.

Tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.000 tấn sắt thép các loại từ Anh. Ảnh minh họa

Tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.000 tấn sắt thép các loại từ Anh. Ảnh minh họa

Anh là thị trường có mức tăng trưởng nhảy vọt về nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong khối EU. Số liệu Hải quan cho thấy tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 1.011 tấn sắt thép các loại từ Anh, trị giá 487.224 USD, tăng 12 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam chi ra hơn 1,3 triệu USD nhập 2.155 tấn sắt thép từ thị trường này, tăng 240% về lượng nhưng giảm 16,3% về giá trị.

Sở dĩ giá trị giảm do giá thép nhập khẩu từ Anh giảm kỷ lục. Bình quân 8 tháng, giá thép đạt 613,6 USD một tấn, giảm hơn 75% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài thị trường Anh, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 57% tỷ trọng. Trong tháng 8, Việt Nam nhập từ nước này hơn 834.000 tấn sắt thép các loại, tương đương hơn 536 triệu USD, lần lượt tăng trên 140% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất sang Việt Nam hơn 4,5 triệu tấn trị giá 3,3 tỷ USD. Theo sau là Nhật Bản chiếm 16,1%, Hàn Quốc 8,9%.

Lũy kế 8 tháng, Việt Nam chi 6,5 tỷ USD để nhập 7,9 triệu tấn sắt thép các loại, giảm 3,3% về lượng và hơn 26% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Doanh nghiệp vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông lỗ 28 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) - đơn vị vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa công bố Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, doanh nghiệp này lỗ sau thuế lũy kế hơn 28 tỷ đồng.

Nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Hanoi Metro, tính tới hết tháng 6 năm nay, Công ty có tổng tài sản hơn 3.077 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ phải trả ngắn hạn lên tới hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 52 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Hiện công ty này đang âm vốn chủ sở hữu hơn 24 tỷ đồng; lỗ sau thuế lũy kế hơn 28 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hanoi Metro đạt hơn 254 tỷ đồng, thu từ hoạt động tài chính hơn 14 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí vận hành và chi phí quản lý, Công ty có lãi 8,5 tỷ đồng.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có hơn 10 nghìn người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32 - 34 nghìn lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28 - 30 nghìn lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 6 - 8 nghìn người.

Năm 2023, Hanoi Metro đặt mục tiêu vận chuyển hơn 10,6 triệu lượt khách, doanh thu gần 74 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2022, doanh nghiệp này cho biết, doanh thu từ vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt trên 66 tỷ đồng.

Lạng Sơn dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hóa vào bãi phi thuế quan

Bãi phi thuế quan thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 6 km và cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 8 km.

Xe không có hàng tại cửa khẩu QT Hữu Nghị (Lạng Sơn) được di chuyển qua đường xuất nhập cảnh để giảm tải lưu lượng phương tiện trong khu vực. Ảnh minh họa

Xe không có hàng tại cửa khẩu QT Hữu Nghị (Lạng Sơn) được di chuyển qua đường xuất nhập cảnh để giảm tải lưu lượng phương tiện trong khu vực. Ảnh minh họa

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các đơn vị chức năng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) thống nhất tạm dừng tiếp nhập phương tiện chở hàng hóa vào bãi phi thuế quan thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Tất cả phương tiện chở hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hiện nay sẽ được điều tiết lên thẳng cửa khẩu để thông quan.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy thông tin, quyết định trên dựa trên cơ sở xem xét tình hình lượng phương tiện chở hàng hóa từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu giảm mạnh. Các bến bãi trong khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đáp ứng đủ dung lượng cho các phương tiện đỗ chờ xuất khẩu. Đơn vị đã thông báo tới các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu được biết.

Bãi phi thuế quan thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 6 km và cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 8 km. Đây là bãi được các lực lượng chức năng cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn dùng để điều tiết, phân luồng các phương tiện chở hàng xuất khẩu vào đỗ chờ, khi lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến để xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có chiều hướng tăng cao.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra ổn định tại 6 cửa khẩu với tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa được thông quan mỗi ngày trên 1.200 xe; trong đó, xuất khẩu trên dưới 400 xe (chủ yếu là xe hoa quả tươi), nhập khẩu trên dưới 800 xe. Số phương tiện chở hàng xuất khẩu lưu tại các bến bãi dao động từ 150 - 200 xe.

Công khai 112 công trình ở Hà Nội chưa nghiệm thu PCCC vẫn hoạt động

UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa công khai danh sách 112 công trình trên địa bàn chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng đã đưa vào hoạt động.

Huyện Đông Anh (Hà Nội) tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Huyện Đông Anh (Hà Nội) tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Sau khi rà soát, kiểm tra, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa công khai danh sách 112 công trình trên địa bàn chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động để người dân biết và giám sát thực hiện.

Cùng với đó, UBND huyện Đông Anh yêu cầu Công an Huyện tiếp tục chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu UBND Huyện triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã vào hoạt động. Từ đó hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các phòng, ban, ngành, UBND xã, thị trấn.

UBND huyện Đông Anh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra công trình vi phạm đang tồn tại, kiên quyết xử lý, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kịp thời nắm bắt và tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC trong quá trình thi công xây dựng mới theo quy định.

UBND Huyện cũng sẽ hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC ngay trong quá trình thi công. Tiếp tục tham mưu, ban hành quyết định tạm đình chỉ chỉ hoạt động đối với những cơ sở, công trình vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC theo quy định.

Theo đó, trong danh sách 112 công trình nói trên có các nhiều nhà xưởng như: Hạng mục công trình nhà xưởng cơ khí 3 - Công ty CP Xích líp Đông Anh, Công ty CP Giấy Hồng Bảo, Công ty CP Chế tạo điện Việt Nam - Hungari (thuộc Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội), Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh, Công ty CP In sách giáo khoa TP. Hà Nội, Công ty CP Khóa Việt Tiệp, Công ty CP Đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh, Nhà máy chế tạo thiết bị điện Đông Anh (nay là Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh)...

Tin cùng chuyên mục