Bản tin thời sự sáng 21/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chính thức đưa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ra Quốc hội; Thủ Đức thu hồi đất 1.151 hộ dân để xây Vành đai 2 TP.HCM; công an tỉnh Khánh Hòa rà soát nhiều cá nhân để điều tra gói thầu công ích ở Nha Trang; Tiền Giang giao dự án khai thác mỏ cát thứ 2 để thực hiện công trình trọng điểm…

Chính thức đưa dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ra Quốc hội

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký Tờ trình Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ Dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Đây là một dự án chiến lược, được kỳ vọng sẽ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam và tạo ra đột phá cho hạ tầng giao thông của Việt Nam.

Theo Tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.545 km, đi qua 20 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Tuyến đường sắt sẽ được xây mới với quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; trên tuyến có 23 ga khách, 5 ga hàng với công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án là 67,34 tỷ USD, triển khai theo hình thức đầu tư công. Nguồn vốn chuẩn bị cho Dự án gồm vốn ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc...

Trong quá trình xây dựng và vận hành, các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Về tiến độ thực hiện, Chính phủ đề xuất lập báo cáo khả thi trong năm 2025 - 2026; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Trước đó, hồ sơ báo cáo tiền khả thi Dự án do Bộ GTVT phụ trách lập đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa. Bộ GTVT đã tiếp thu góp ý của Hội đồng Thẩm định và hứa hẹn nhiều nội dung sẽ được "tính đúng, tính đủ" và làm rõ hơn ở bước lập báo cáo khả thi.

Thủ Đức thu hồi đất 1.151 hộ dân để xây Vành đai 2 TP.HCM

Trong năm nay, TP. Thủ Đức sẽ chi gần 7.600 tỷ đồng để bồi thường, giải tỏa đất của 1.151 hộ dân nhằm phục vụ Dự án Vành đai 2.

Khu vực đoạn Vành đai 2 TPHCM (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) đi qua

Khu vực đoạn Vành đai 2 TPHCM (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) đi qua

Theo báo cáo mới nhất từ UBND TP, Thủ Đức, hai đoạn của Dự án Vành đai 2 cần thu hồi đất với tổng cộng 1.151 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài hơn 3,5 km, có 893 hộ dân bị thu hồi đất. Vốn đầu tư công bố trí năm 2024 để giải phóng mặt bằng đoạn này là 5.825 tỷ đồng.

Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, dài gần 2,5 km, với 258 hộ dân bị ảnh hưởng. Vốn đầu tư công bố trí năm 2024 để giải phóng mặt bằng là 1.742 tỷ đồng.

UBND TP. Thủ Đức đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, các thủ tục như lập bản đồ hiện trạng, định vị cắm mốc, bàn giao ranh đất ngoài thực địa đã được hoàn thành.

Hiện TP. Thủ Đức đang tiếp tục xác nhận pháp lý nhà đất, tiến hành kiểm kê, thẩm định giá đất để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đối với nhu cầu tái định cư, TP. Thủ Đức cần bố trí 555 nền đất và 58 căn hộ chung cư cho các hộ dân thuộc đoạn 1 và 102 nền đất cùng 10 căn hộ chung cư cho đoạn 2.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay, UBND TP. Thủ Đức đã đề xuất UBND TPHCM cho phép thực hiện việc rà soát các quỹ đất công dọc theo tuyến Vành đai 2 để điều chỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Mục tiêu là đảm bảo tái định cư gần nhất với khu vực giải tỏa, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

UBND TP. Thủ Đức cam kết sẽ bố trí tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện bằng nền đất và căn hộ chung cư.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, nếu mặt bằng được TP. Thủ Đức bàn giao đúng tiến độ, hai đoạn Vành đai 2 này sẽ được khởi công vào quý II/2025, hoàn thành vào năm 2027.

Công an tỉnh Khánh Hòa rà soát nhiều cá nhân để điều tra gói thầu công ích ở Nha Trang

Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngành chức năng cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan 14 người để phục vụ xác minh các gói thầu công ích ở TP. Nha Trang.

Công an tỉnh Khánh Hòa rà soát nhiều cá nhân để điều tra gói thầu công ích ở Nha Trang

Công an tỉnh Khánh Hòa rà soát nhiều cá nhân để điều tra gói thầu công ích ở Nha Trang

Đây là nội dung trong văn bản của công an tỉnh Khánh Hòa gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh, yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử. Việc này nhằm điều tra dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác tổ chức các gói thầu, thuộc các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Nha Trang.

Cảnh sát liệt kê 14 cá nhân, trong đó có lãnh đạo, nhân viên các cơ quan thuộc UBND TP. Nha Trang, lãnh đạo doanh nghiệp. "Các trường hợp sau đây có đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nào không? Nếu có, hiện đã thực hiện chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chưa? Đề nghị cung cấp thông tin biến động đất đai có liên quan", văn bản nêu.

Ngoài ra, cơ quan điều tra yêu cầu trong trường hợp phát sinh giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với quyền sử dụng đất các cá nhân này, đề nghị ngành chức năng thông báo cho cơ quan điều tra để phối hợp, giải quyết.

Tháng 5, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, cung cấp hồ sơ theo đề nghị của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Khánh Hòa liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Dũng Lợi trúng nhiều gói thầu công ích tại địa phương.

Công ty này đã tham gia 101 gói thầu, trong đó trúng 66 gói, trượt 31 gói, 4 chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 380 tỷ đồng; tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 268 tỷ đồng.

Một số gói thầu đáng chú ý như Dự án Nâng cấp, cải tạo dải phân cách đường Trần Phú (đoạn từ cầu Trần Phú đến Hoàng Diệu), Chủ đầu tư là Ban Quản lý dịch vụ công ích TP. Nha Trang với giá hơn 11,4 tỷ đồng. Gói thầu này chỉ một mình Công ty TNHH Dũng Lợi tham gia và trúng thầu với giá hơn 11,1 tỷ đồng (giảm 2%)...

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn trúng Gói thầu Nâng cấp, cải tạo đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Yersin) có giá gần 12 tỷ đồng, do Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang làm Chủ đầu tư, ngày ký hợp đồng là 29/2.

Tiền Giang giao dự án khai thác mỏ cát thứ 2 để thực hiện công trình trọng điểm

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 2284 về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác cát sỏi lòng sông tại mỏ cát Vàm Cái Thia (thuộc xã Hòa Khánh, Mỹ Lương, huyện Cái Bè).

Mỏ cát Vàm Cái Thia sẽ hoạt động phục vụ nguồn cát san lấp cho các dự án trọng điểm

Mỏ cát Vàm Cái Thia sẽ hoạt động phục vụ nguồn cát san lấp cho các dự án trọng điểm

Theo đó, Công ty CP Vật liệu Tiền Giang được giao làm chủ dự án này. Khu vực khai thác nằm trong lòng sông Tiền thuộc xã Mỹ Lương và Hòa Khánh (huyện Cái Bè), tổng diện tích đất mặt nước khai thác là 16,6 ha. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm: trữ lượng địa chất cấp 122 là 291.239 m3; trữ lượng đất bóc tầng phủ trong khai thác là 113.771 m3.

Công suất khai thác là 180.000 m3/năm, thời gian thực hiện Dự án là 2,5 năm. Phương án khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia chỉ thực hiện ở độ sâu cote-20 m, sử dụng công nghệ xáng cạp (4 chiếc) kết hợp xà lan; trong đó có 2 xáng cạp dung tích gầu 2,5 m3 để khai thác cát và 2 xáng cạp dung tích gầu 5 m3 để khai thác đất bóc tầng phủ.

Quyết định 2284 của UBND tỉnh Tiền Giang cũng quy định cụ thể về công tác bảo vệ phục hồi môi trường, các hạng mục công trình và hoạt động của Dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường, các phương án xử lý nước thải, chất thải, khí thải phát sinh, tác động bồi lắng, xói lở, giao thông thủy... Đặc biệt, khai thác mỏ cát phải cách bờ sông Tiền tối thiểu là 200 m, có các tổ giám sát, khi xảy ra sạt lở bờ sông phải dừng ngay hoạt động khai thác cát.

Đây là mỏ cát thứ 2 ở tỉnh Tiền Giang khai thác phục vụ các công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó ngày 9/10, mỏ cát Hòa Hưng 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã khởi động theo hình thức chỉ định chủ mỏ (không qua đấu giá). Tuy nhiên qua 10 ngày, mỏ cát này vẫn “án binh bất động”, Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang chờ nguồn cát này.

Aeon sắp xây trung tâm thương mại 35 triệu USD ở Hà Nam

Aeon Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ cùng UBND tỉnh Hà Nam để xây trung tâm thương mại 35 triệu USD (tương đương 875 tỷ đồng).

Aeon sắp xây trung tâm thương mại 35 triệu USD ở Hà Nam

Aeon sắp xây trung tâm thương mại 35 triệu USD ở Hà Nam

UBND tỉnh Hà Nam vừa tổ chức buổi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon.

Tại buổi lễ, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết dự án này có tổng mức mức đầu tư dự kiến khoảng 35 triệu USD (tương đương 875 tỷ đồng). Aeon Việt Nam sẽ hợp tác cùng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Tuấn Kiệt Hà Nam để phát triển dự án này.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Aeon là thương hiệu lớn trên thế giới. Do đó, sự có mặt của Aeon tại Hà Nam sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong công tác thu hút đầu tư vào Tỉnh. Ông Trương Quốc Huy khẳng định, Tỉnh sẽ đồng hành, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để dự án của Aeon sớm đi vào hoạt động.

Hiện tại, Tập đoàn Aeon Việt Nam đã có 7 trung tâm thương mại tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Huế với tổng diện tích sàn cho thuê khoảng 462.000 m2.

Aeon cho biết, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, thị trường Việt Nam mang về gần 8,2 tỷ yen (55 triệu USD) doanh thu cho tập đoàn mẹ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận hoạt động của Aeon tại thị trường Việt Nam cũng đạt hơn 2,4 tỷ yen (16 triệu USD), tăng 21%. Tạm tính theo tỷ giá quy đổi, trung bình mỗi ngày, công ty Nhật Bản thu về hơn 2,2 tỷ đồng lợi nhuận từ thị trường Việt Nam.

Bitexco hoàn tất bán siêu dự án tứ giác Bến Thành

Công ty TNHH Saigon Glory, Chủ đầu tư Dự án The Spirit of Saigon ở khu tứ giác Bến Thành (Quận 1, TP.HCM), đã chính thức về tay chủ mới.

Dự án của Saigon Glory tại khu tứ giác Bến Thành đã "đắp chiếu" nhiều năm

Dự án của Saigon Glory tại khu tứ giác Bến Thành đã "đắp chiếu" nhiều năm

Theo thông tin công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, toàn bộ phần vốn góp của Bitexco tại Công ty TNHH Saigon Glory đã được chuyển sang Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.

Saigon Glory vốn dĩ là công ty con 100% vốn của Bitexco, có trụ sở tại tầng 47 toà nhà Bitexco Financial Tower (Quận 1, TP.HCM). Đây là Chủ đầu tư Dự án The Spirit of Saigon, tọa lạc trên "đất vàng" khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính (Quận 1, TP.HCM).

Trong thông báo mới, Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội ủy quyền cho 3 cá nhân là ông Trần Thanh Tú, bà Trần Thị Minh Hiếu và ông Nguyễn Anh Đức sở hữu phần vốn tại Saigon Glory.

Kể từ ngày 9/10, ông Trần Thanh Tú chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên thay ông Vũ Quang Bảo (em trai Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội). Ông Nguyễn Vũ Hải giữ chức Tổng giám đốc thay ông Trịnh Quang Công. Ông Tú và ông Hải đồng thời là người đại diện pháp luật mới thay thế ông Bảo và ông Công.

Thực tế, từ cuối tháng 9, Bitexco đã thông báo phương án được các bên thống nhất về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Saigon Glory cho Phương Đông Hà Nội.

Trước đây, Bitexco đã thế chấp toàn bộ vốn góp tại Saigon Glory cho Techcombank để làm tài sản đảm bảo của 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng do Saigon Glory phát hành.

Theo thông báo cuối tháng 9, Bitexco cam kết thanh toán gốc và lãi 10 lô trái phiếu từ ngày 1/9 đến ngày 12/6/2025, và tiền lãi của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025.

Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ tiếp tục thanh toán tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/6/2025 và gốc cộng lãi sau thời gian này.

Phía chủ mới của Saigon Glory cho biết, với tư cách là đơn vị tiếp quản dự án sau chuyển nhượng, công ty sẽ đề xuất Techcombank xem xét tài trợ để thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng khẳng định sẽ tiếp nhận và tiếp tục triển khai kinh doanh Dự án The Spirit of Saigon.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công khai nhiều “đại gia” bất động sản nợ thuế

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa công khai danh sách nợ thuế với tổng số tiền hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, nhiều "đại gia" bất động sản nợ thuế hàng chục tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công khai danh sách nhiều “đại gia” bất động sản nợ thuế ở Đồng Nai

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công khai danh sách nhiều “đại gia” bất động sản nợ thuế ở Đồng Nai

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vừa thông báo công khai danh sách người nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đối với 785 người đến thời điểm ngày 30/9/2024. Tổng số tiền thuế nợ này trên 650 tỷ đồng.

Theo danh sách chi tiết người nộp thuế kèm theo, Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội (địa chỉ tại Khu dân cư Long Tân, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) nợ thuế hơn 80 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Long Hưng Phát (địa chỉ tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa) nợ thuế hơn 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng thương mại Bất động sản Hòa Thuận Phát (địa chỉ tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) nợ thuế gần 900 triệu đồng...

3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Thuận Lợi Hưng Thịnh nợ thuế gần 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Tân Hạnh Đồng Nai nợ thuế hơn 7 tỷ đồng và Công ty TNHH Thuận Lợi Hưng Thịnh Phát Đồng Nai nợ thuế hơn 7 tỷ đồng - đều có địa chỉ tại Số 28, Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa.

Ngoài ra, đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Một thành viên Nhà máy sản xuất Cồn Tùng Lâm (địa chỉ tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) nợ thuế số tiền gần 110 tỷ đồng. Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai địa chỉ tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa nợ thuế hơn 50 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Tân Mai (địa chỉ tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường An Bình, TP. Biên Hòa) nợ thuế gần 40 tỷ đồng.

Công ty TNHH Một thành viên Mây Việt (địa chỉ tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) nợ thuế hơn 33 tỷ đồng.

Công ty TNHH Jooco Dona (địa chỉ tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) nợ thuế gần 30 tỷ đồng. Công ty CP Du lịch Giang Điền (địa chỉ tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) nợ thuế hơn 13 tỷ đồng.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (địa chỉ tại TP. Biên Hòa) nợ thuế hơn 3 tỷ đồng.