Bản tin thời sự sáng 21/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng công suất đăng kiểm ở TP.HCM thêm 180 xe ô tô mỗi ngày; công an An Giang đồng loạt kiểm tra 20 cơ sở của Công ty F88; giám sát người nhập cảnh từ châu Phi ngăn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng nhiều tuyến đường cho Đà Lạt; Quảng Ninh sẽ khai thác 2 tuyến du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long…

Tăng công suất đăng kiểm ở TP.HCM thêm 180 xe ô tô mỗi ngày

10 nhân sự thuộc lực lượng quân đội sẽ hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM trong tuần này, giúp tăng công suất kiểm định thêm 180 ô tô (13%) mỗi ngày.

Dòng xe chờ đăng kiểm ở trung tâm tại Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức.

Dòng xe chờ đăng kiểm ở trung tâm tại Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức.

Thông tin được Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hoà An cho biết, ngày 20/3, sau khi làm việc với Cục Đăng kiểm và các bên liên quan.

10 nhân sự thuộc lực lượng quân đội đã có nghiệp vụ đăng kiểm, được tăng cường vào làm việc tại các trung tâm đang đóng cửa ở Thành phố, giúp mở lại ít nhất ba dây chuyền kiểm định, đáp ứng 180 xe ô tô mỗi ngày, tăng khoảng 13% so với hiện nay.

Theo ông An, việc có thêm lực lượng quân sự sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống đăng kiểm ở Thành phố, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao. Hiện, TP.HCM còn 10/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 23 dây chuyền, công suất kiểm định 1.380 xe mỗi ngày (bằng 43% so với trước).

Ngoài 7 trung tâm ngưng làm việc để phục vụ điều tra, hai cơ sở khác cũng phải dừng do bị thu hồi mặt bằng và không đủ nhân sự duy trì. Tính đến ngày 20/3, tổng số đăng kiểm viên làm việc tại các trung tâm trên địa bàn Thành phố còn 93/197 người.

Công an An Giang đồng loạt kiểm tra 20 cơ sở của Công ty F88

Ngày 20/3, Công an An Giang đã đồng loạt kiểm tra 20 cơ sở của Công ty F88 ở các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh.

Công an tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh của Công ty F88

Công an tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh của Công ty F88

Ngày 20/3, các Tổ công tác thuộc các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang hỗ trợ Công an các địa phương đồng loạt kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuộc Công ty CP kinh doanh F88 (Công ty F88).

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 20 cơ sở kinh doanh của Công ty F88 mở tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 2 cơ sở là trụ sở chính của Công ty F88 tại số 447A/23, đường Trần Hưng Đạo (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) và số 414, Quốc lộ 91 (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú).

Công an các địa phương thực hiện kiểm tra hành chính như: việc chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hoạt động thực tế của cơ sở; việc lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh theo quy định của Bộ Công an; kê khai các nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; việc chấp hành các quy định pháp luật khi thực hiện hợp đồng cho vay, cầm cố tài sản, ký gửi tài sản; lãi suất…

Giám sát người nhập cảnh từ châu Phi ngăn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Ngày 20/3, Bộ Y tế yêu cầu giám sát 21 ngày với người nhập cảnh từ các nước châu Phi đang có dịch Marburg, do bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao.

Kiểm dịch y tế để kiểm soát Covid tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa

Kiểm dịch y tế để kiểm soát Covid tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa

Yêu cầu được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh virus Marburg khiến 9 người ở Guinea Xích đạo tử vong và nguy cơ lây lan bệnh tại khu vực châu Phi.

Bộ Y tế cảnh báo, đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong 50 - 88%, bệnh có nguy cơ xâm nhập Việt Nam.

Marburg được xếp vào nhóm A trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cần chủ động phòng chống dịch bệnh không để lan truyền vào Việt Nam. Bệnh nhóm A được định nghĩa là những bệnh cực kỳ nguy hiểm. Covid-19 từ khi xuất hiện đến nay vẫn được xếp vào bệnh nhóm A.

Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể như nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch... Môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người bệnh Marburg, cũng có thể làm trung gian lây virus cho người tiếp xúc.

Thời gian ủ bệnh 2 - 21 ngày, khởi phát với triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu, cộng đồng và cơ sở y tế, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm ca nghi bệnh để cách ly điều trị, điều tra dịch tễ. Riêng người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi, giám sát trong vòng 21 ngày.

Tuần trước, Bộ Y tế công bố Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, nhận định dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng nhiều tuyến đường cho Đà Lạt

Trong năm 2023, TP. Đà Lạt sẽ khởi công 7 dự án mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trong trung tâm Thành phố và cố gắng tháo gỡ vướng mắc tại 2 dự án đang triển khai.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP. Đà Lạt khá nhỏ nên thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông.

Nhiều tuyến đường trung tâm TP. Đà Lạt khá nhỏ nên thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông.

Thông tin từ UBND TP Đà Lạt, trong năm 2023, có 6 dự án đầu tư quy mô lớn đủ điều kiện khởi công, thời gian hoàn thành dự kiến chậm nhất vào năm 2026 với tổng vốn đầu tư hơn 1.033 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án Nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương (phường 8) có tổng mức đầu tư gần 278,5 tỷ đồng, chiều dài 2.450 m từ nút giao thông ngã 5 Đại học đến ngã 3 đường Thánh Mẫu. Thời gian thực hiện từ 2023 - 2026.

Tuyến đường tiếp theo được nâng cấp, mở rộng là Hoàng Văn Thụ đoạn từ nút giao đường Trần Phú - 3Tháng 2 - Trần Lê đến giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Quân (phường 4 và phường 5). Chiều dài nâng cấp mở rộng khoảng 1.343 m với vốn đầu tư gần 139,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 2023 - 2025.

Dự án Mở rộng, nâng cấp đường Trần Lê dự kiến cũng sẽ được triển khai trong năm 2023 với chiều dài 680 m, bao gồm tuyến chính đường Trần Lê dài 300 m và tuyến nhánh dài 380 m với số vốn 22,5 tỷ đồng, thời gian thi công từ 2023 - 2025.

Cũng trong năm, đường Bùi Thị Xuân (Phường 2 và 8) cũng sẽ được nâng cấp mở rộng với chiều dài 1.551 m từ đường Trần Quốc Toản - hồ Xuân Hương đến ngã 5 Đại Học với số vốn 110 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình UBND Tỉnh xem xét trình HĐND Tỉnh quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư An Tôn (phường 5) với tổng kinh phí hơn 201,2 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2026.

Ngoài dự án đường giao thông, UBND TP. Đà Lạt cũng nhận định dự án đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu, nâng cấp cải tạo 10 nút giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng có thể triển khai trong năm nay.

Quảng Ninh sẽ khai thác 2 tuyến du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long

Sở Du lịch Quảng Ninh đề xuất với UBND Tỉnh ra mắt 24 sản phẩm du lịch, trong đó có 2 sản phẩm du lịch biển tham quan vịnh Bái Tử Long, xuất phát từ cảng quốc tế chuyên dụng Ao Tiên, huyện Vân Đồn.

Bến cảng chuyên dụng Ao Tiên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mới được đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện đảo.

Bến cảng chuyên dụng Ao Tiên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mới được đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện đảo.

Hai tuyến du lịch biển xuất phát từ cảng du lịch chuyên dụng có thể đưa vào khai thác ngay là Tuyến 1: Cảng Ao Tiên - hang Phất Cờ - nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) - hòn Quạ - cống Lão Vọng - hòn Đũa - đảo Minh Châu - cảng Ao Tiên với tổng hành trình 53 km. Tuyến 2: Cảng Ao Tiên - đảo Tây Hoi - hòn Mèo Lười - bản Sen - hang Nhà Trò - cảng Ao Tiên có hành trình 30 km.

Việc đưa 2 tuyến du lịch biển mới trên vịnh Bái Tử Long vào khai thác không chỉ phát huy hiệu quả các bến cảng, hạ tầng vận tải mới trên địa bàn huyện Vân Đồn mà còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch biển, giảm áp lực cho các tuyến du lịch trên vịnh Hạ Long và khu vực trung tâm thành phố Hạ Long.

Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cho biết, một số tàu đang hoạt động trên vịnh Hạ Long sẽ tạm thời được đưa sang vịnh Bái Tử Long, xuất phát từ cảng Ao Tiên để đưa khách đi tham quan.

Phan Thiết sẽ có tuyến đường ven biển 80 km

TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) được quy hoạch tuyến đường ven biển dài 80 km kết nối từ Kê Gà ra Mũi Né - Hòa Thắng và hoàn thành xây dựng trước năm 2030.

Dòng sông Cà Ty chảy qua trung tâm thành phố Phan Thiết

Dòng sông Cà Ty chảy qua trung tâm thành phố Phan Thiết

Ngày 20/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận thống nhất cho TP. Phan Thiết quy hoạch tuyến đường ven biển bắc nam từ xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình đến xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Hiện, trục ven biển Phan Thiết đang bị chia cắt bởi các cửa sông, khu dân cư hiện hữu và các dự án du lịch nên chưa thông suốt. Trên tuyến ven biển sẽ xây dựng các đường kết nối và cầu vượt cửa sông qua các phường Phú Hài, Thanh Hải, Phú Thủy, Hưng Long, Đức Thắng, Lạc Đạo, Đức Long và xã Tiến Thành.

Định hướng trên được đưa ra sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận xem xét tờ trình của Thành ủy Phan Thiết.

Sắp tới, Bình Thuận sẽ không cấp phép xây dựng mới các công trình phía biển tại Phan Thiết nhằm hình thành các bãi biển thông thoáng, giúp người dân địa phương, du khách dễ tiếp cận biển. Hai bên bờ sông Cà Ty chảy qua trung tâm TP. Phan Thiết cũng sẽ được chỉnh trang và đầu tư đường ven sông ở cả hai bờ kết nối từ thượng nguồn (hai xã Hàm Hiệp và Hàm Mỹ) đến cầu Dục Thanh.

Tháo dỡ thêm 7 bungalow xây trái phép ở Phú Quốc

Cơ quan chức năng tháo dỡ 7 bungalow nằm trong số 40 công trình xâm phạm trái phép khu bảo tồn biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), sáng ngày 20/3.

Tháo dỡ dãy 7 bungalow xây trái phép.

Tháo dỡ dãy 7 bungalow xây trái phép.

Các công trình nằm trên diện tích rộng hơn 1.200 m2 lấn chiếm trái phép tại xã Hàm Ninh, do ông Nguyễn Long Vĩ xây cách đây ba năm. Các căn bungalow đối diện nhau, ở giữa là cầu gỗ dài gần 100 m dẫn ra biển. Chủ đầu tư khu du lịch này bị lập biên bản vi phạm hồi tháng 10/2022.

Trong sáng ngày 20/3, chính quyền cũng cưỡng chế công trình của ông Phạm Trung Hiền đổ cát lấn 5.000 m2 đất bãi bồi ven biển xã Hàm Ninh, thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Hồi tháng 5/2022, ông Hiền bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 25 triệu đồng.

Động thái tháo dỡ các công trình du lịch xâm phạm khu bảo tồn biển rộng hơn 40.000 ha được chính quyền tiếp tục triển khai sau ba tháng tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ, song một số chủ không chấp hành. Hồi tháng 10/2022, 8 bungalow xây trái phép trên 500 m2 ở đây cũng bị tháo dỡ.

Ông Huỳnh Văn Định - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phú Quốc cho biết, cuối tháng này, chính quyền sẽ tháo dỡ 9 bungalow cuối cùng, cơ bản hoàn thành việc xử lý các bungalow xâm phạm khu bảo tồn biển.

Tình trạng xây trái phép ở Phú Quốc nở rộ thời gian gần đây. Hồi tháng 8/2022, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, khoảng 40 công trình du lịch xâm phạm trái phép Khu bảo tồn biển Phú Quốc.