Bản tin thời sự sáng 21/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM bắn pháo hoa mừng lễ 30/4; đề nghị Chính phủ báo cáo nợ xấu trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản; yêu cầu sớm 'chốt' phương án xử lý đối với máy bơm công suất lớn chống ngập; đầu tư 1.500 tỷ đồng xây mới cầu Trà Khúc 1; TP.HCM kỷ luật 9 đảng viên tại Fosco tham ô tài sản…

TP.HCM bắn pháo hoa mừng lễ 30/4

Sau một năm dừng để chống dịch, dịp lễ 30/4 năm nay, TP.HCM sẽ bắn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước.

Pháo hoa được bắn ở toà nhà Landmark 81 mừng thống nhất đất nước 30/4

Pháo hoa được bắn ở toà nhà Landmark 81 mừng thống nhất đất nước 30/4

Thông tin được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết. Theo đó, Thành phố dự kiến bắn pháo hoa tại 2 điểm thay vì 5 điểm như mọi năm, gồm khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11).

Việc bắn pháo hoa thực hiện theo Nghị định 36/2009 của Chính phủ. Theo đó, vào dịp giao thừa Tết Nguyên đán, lễ 2/9, các thành phố trực thuộc Trung ương và Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp; các tỉnh còn lại bắn pháo tầm thấp; thời lượng không quá 15 phút. Riêng Hà Nội và TP.HCM được bắn pháo hoa cả dịp 30/4.

Đề nghị Chính phủ báo cáo nợ xấu trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo nợ xấu trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo nợ xấu trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Tổng thư ký Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 42 so với các mục tiêu, yêu cầu khi trình Quốc hội thông qua nghị quyết. Cùng với đó, phân tích, làm rõ về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, phải bổ sung số liệu nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 gồm: tổng nợ xấu tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực và đã được xử lý; tổng nợ xấu phát sinh sau thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thuộc phạm vi của Nghị quyết và đã được xử lý; tổng nợ xấu còn lại chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021.

Chính phủ còn được đề nghị phân tích thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 31/12/2021 và kết quả xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng rủi ro, mua bán nợ của các tổ chức tín dụng; kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); báo cáo rõ về nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo…

Yêu cầu sớm 'chốt' phương án xử lý đối với máy bơm công suất lớn chống ngập

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất phương án xử lý đối với máy bơm công suất lớn chống ngập, sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp.

Máy bơm được vận hành chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Máy bơm được vận hành chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Thông tin được đề cập trong công văn do Văn phòng UBND Thành phố gửi Sở Xây dựng, nhằm đảm bảo không lãng phí ngân sách nhà nước. Phương án cụ thể phải được trình lãnh đạo Thành phố ngay trong tháng 4 này.

Trước đó, báo cáo UBND Thành phố, Sở Xây dựng cho biết đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp và thông xe tháng 4 năm ngoái, đến tháng 3 năm nay không còn ngập dù đã trải qua mùa mưa năm 2021. Song, cơ quan này không tham mưu có thuê tiếp máy bơm hay không mà chỉ kiến nghị giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và các bên liên quan theo dõi.

Máy bơm được TP.HCM thuê của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) năm 2019 để chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh với giá 14,2 tỷ đồng mỗi năm. Máy có công suất 97.000 m3/h, được đơn vị trên vận hành trong khoảng 2 năm trước khi Thành phố chốt giá thuê chính thức.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, tháng 6 năm ngoái, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các bên liên quan đánh giá tình trạng ngập, hiệu quả và tính cần thiết của máy bơm sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp. Tuy nhiên, thời gian này cao điểm dịch bệnh, Thành phố giãn cách theo nhiều cấp độ nên các bên chưa thực hiện được.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 3,2 km đi qua Quận 1, Bình Thạnh - là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM. Sau khi đưa vào sử dụng năm 2002, con đường bị lún và ngập nặng, bị xem là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ" suốt nhiều năm. Tuyến đường hiện đã được Thành phố sửa chữa, nâng cao từ 50 cm đến 1,2 m; tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng từ ngân sách.

Đầu tư 1.500 tỷ đồng xây mới cầu Trà Khúc 1

Sau gần 60 năm, bị hư hỏng móng cọc, mặt cầu bong tróc, dự kiến cầu Trà Khúc 1 sẽ bị phá bỏ để xây cầu mới với kinh phí 1.500 tỷ đồng.

Cầu Trà Khúc 1

Cầu Trà Khúc 1

Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, Tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tỉnh rà soát, cập nhật nội dung thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trà Khúc 1 mới. Trong tổng chi phí đầu tư, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới hơn 1.050 tỷ đồng, còn lại ngân sách Tỉnh.

Cầu mới dự kiến dài 800 m, rộng 27 m với 6 làn xe cùng lề bộ hành, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng.

Được xây năm 1964, Trà Khúc 1 là cầu đầu tiên bắc qua sông cùng tên ở TP. Quảng Ngãi. Cầu dài 643 m, rộng 7,5 m, nối đô thị trung tâm tỉnh với các phường Trương Quang Trọng (phía Bắc thành phố), dẫn đến Khu đô thị VSIP và biển Mỹ Khê.

Trước đây, cầu thuộc tuyến Quốc lộ 1A, do Tổng cục Đường bộ quản lý. Đến năm 2002, cầu Trà Khúc 2 được khánh thành trên đường tránh Quốc lộ 1A, cách cầu Trà Khúc 1 khoảng một km về phía Đông, chuyển hướng lưu thông các xe trọng tải lớn, các xe đường dài Bắc - Nam. Cầu Trà Khúc 1 sau đó được bàn giao cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý.

Sau gần 60 năm, nhiều hạng mục của cầu Trà Khúc 1 xuống cấp, nhất là móng cọc ở trụ cầu từng nhiều lần bị nước xói lở.

TP.HCM kỷ luật 9 đảng viên tại Fosco tham ô tài sản

9 người tại Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài (Fosco) bị kỷ luật vì tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo thông báo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, chiều 20/4.

TP.HCM kỷ luật 9 đảng viên tại Fosco

TP.HCM kỷ luật 9 đảng viên tại Fosco

Trong đó, 7 người bị khai trừ đảng, gồm: Trần Hoàng Nguyệt, nguyên Phó phòng Tài chính Kế toán; Lương Thanh Điền, nguyên Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, nguyên Kiểm soát viên; Trần Công Thanh, nguyên Phó tổng giám đốc; Phan Tiến Công, nguyên Phó tổng giám đốc; Nguyễn Đình Mười, nguyên nhân viên Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Cung ứng lao động; Nguyễn Văn Quyết, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Cung ứng lao động.

Riêng bà Phan Thị Thanh Xuân, nguyên Phó tổng giám đốc, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Ủy ban Kiểm tra cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy kỷ luật theo thẩm quyền đối với bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty này.

Động thái của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đưa ra sau khi hồi tháng 2/2021, hàng loạt cán bộ bị TAND TP.HCM tuyên án với tội danh Tham ô tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, Trần Hoàng Nguyệt bị phạt tù chung thân.

Theo cáo trạng, năm 2012, Tổng giám đốc Fosco cùng một số lãnh đạo công ty lập khống nhiều bảng lương để rút tiền từ tài khoản Fosco làm phí bôi trơn các dự án, sử dụng vào những hoạt động khác của Công ty, tiêu dùng cá nhân.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2016, các bị cáo đã lập khống 314 bộ chứng từ lương của 9 đơn vị khách hàng (các văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại TP.HCM), chiếm đoạt của Fosco hơn 44 tỷ đồng. Số tiền này nhóm bị cáo sử dụng mua căn hộ cao cấp, ôtô Mercedes...

Khai tử xe hết niên hạn sử dụng trực tuyến từ ngày 21/5

Xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe không sử dụng được có thể lựa chọn làm thủ tục “khai tử” qua mạng từ ngày 21/5.

Nhiều xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông trên các tuyến phố Hà Nội.

Nhiều xe hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông trên các tuyến phố Hà Nội.

Theo Thông tư số 15/2022 của Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung một số thông tư, trong đó có Thông tư số 58/2020 về quy trình cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; có hiệu lực từ 21/5/2022), quy trình giải quyết thủ tục thu hồi, nộp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe ô tô hết niên hạn sử dụng được bổ sung hình thức trực tuyến.

Theo thông tư này, cá nhân, tổ chức chủ xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe không sử dụng được có thể lựa chọn làm thủ tục “khai tử” qua mạng, kết hợp gửi nộp giấy đăng ký, biển số xe qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại công an cấp xã.

Chủ phương tiện đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia để kê khai thông tin của xe, chủ xe vào Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe, biển số xe điện tử; nộp trực tiếp hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển phát giấy đăng ký, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe hoặc Công an cấp xã nơi chủ xe có trụ sở hoặc thường trú để nhận kết quả và xác thực việc thu hồi.

Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương, sau khi thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông triển khai thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe hết niên hạn, xe không sử dụng được theo phương thức trên trước ngày 31/12/2022.

TP.HCM sắp có thêm 1.300 nhà ở xã hội

Ba dự án nhà ở xã hội tại TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh (TP.HCM), quy mô hơn 1.300 căn hộ sẽ khởi công cuối tháng 4.

Dãy trọ của công nhân trên đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức

Dãy trọ của công nhân trên đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, TP Thủ Đức

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, việc triển khai các dự án là một phần kế hoạch xây nhà giá thấp để công nhân, lao động, người thu nhập thấp có thể mua được, nhằm thay thế chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ... trên địa bàn.

Theo kế hoạch, hai dự án tại TP. Thủ Đức gồm nhà lưu trú cho công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Linh Trung) và công trình nhà ở xã hội thuộc khu dân cư ở phường Long Trường, sẽ khởi công ngày 25 và 27/4. Tổng diện tích đất làm hai dự án này khoảng 19.400 m2, với quy mô 1.086 căn hộ giá rẻ.

Tại huyện Bình Chánh, dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở Nguyên Sơn (xã Bình Hưng) khởi công vào ngày 26/4 với 242 căn hộ, tổng diện tích xây dựng gần 3.700 m2.

Thống kê giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phát triển được hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở hơn 66.000 người. Trong đó, 19 dự án với gần 15.000 căn hộ, giá trị đầu tư xây dựng được thẩm định cao nhất là 15,5 triệu mỗi m2. Tuy nhiên trong giai đoạn này, chỉ một dự án nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng với 756 phòng, đáp ứng 4.600 chỗ ở (đạt 13% kế hoạch).

Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP.HCM, khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này chỉ gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp. Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình mỗi phòng 14 m2, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Công nhân dành 10 - 15% thu nhập để chi trả chỗ ở.