Đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ từ ngày 1/7
Lương tối thiểu giờ được đề xuất từ 15.600 đồng tới 22.500 đồng tương ứng bốn vùng, bên cạnh tăng lương tối thiểu tháng thêm 6% từ ngày 1/7.
Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP.HCM |
Ngày 20/5, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bắt đầu lấy ý kiến 29 bộ ngành, cơ quan, hiệp hội về dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.
Dự thảo đề xuất lương tối thiểu tháng tăng thêm 6% từ ngày 1/7, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với hiện hành. Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Mức hiện hành dao động 3,07 - 4,42 triệu đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh sau một năm thực hiện, song từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch tác động tiêu cực khiến việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn tới hai năm. Lương tối thiểu hiện tại không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, thấp hơn khoảng 1,3% vào năm 2022, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật, Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trên cơ sở này, lương tối thiểu theo giờ được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Lần đầu tiên, dự thảo đưa loại hình lương mới này vào, nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Dự kiến ngày 31/5 công bố số lượng học sinh Hà Nội dự tuyển lớp 10
Dự kiến ngày 31/5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập năm học 2022 - 2023.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 - 19/6. |
Theo kế hoạch, dự kiến ngày 31/5, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập năm học 2022 - 2023.
Từ các số liệu này, đối chiếu với chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố hôm 5/5, phụ huynh và học sinh có thể dự đoán được tỷ lệ chọi vào các trường.
Các đơn vị cũng đang kiểm tra, duyệt danh sách công nhận tốt nghiệp Trung học Cơ sở của các trường trên địa bàn, bảo đảm tất cả học sinh đều được nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời trước ngày 27/5.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 - 19/6 với ba môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong đó, sáng 18/6 thi Ngữ văn (120 phút), chiều 18/6 thi Ngoại ngữ (60 phút) và sáng 19/6 thi Toán (120 phút). Các thí sinh dự thi môn chuyên sẽ dự thi vào ngày 20/6.
Mỗi học sinh thi vào lớp 10 được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, xếp theo thứ tự từ 1 đến 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải cùng khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Đề xuất xây tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ 7 tỷ USD trước năm 2030
Thay vì 10 tỷ USD như kế hoạch ban đầu, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang được khẩn trương xúc tiến với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD và cần triển khai trước năm 2030.
Dự án Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 |
Dự án Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD.
Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Theo báo cáo của đơn vị liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – TP. Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối sáu tỉnh/thành, gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với tổng cộng 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.
Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi 1.435 mm, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Tốc độ thiết kế cho tuyến TP.HCM – Cần Thơ vào khoảng 190 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng.
Hiện, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm.
Theo dự định, khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải.
Thường Tín được định hướng xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội
Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia. Hiện đã định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội.
Sân bay thứ 2 của Hà Nội đã được định hướng quy hoạch tại huyện Thường Tín |
Hà Nội cơ bản đã thống nhất ở khu vực Thường Tín, cụ thể vị trí xây dựng sau này sẽ có quy hoạch chi tiết. Trong đề án có quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội. Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua đề án và hiện đang trình Thủ tướng. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Thời điểm sau năm 2030 mới tính tới việc nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội. Tinh thần Nội Bài vẫn là chủ yếu, vẫn được đầu tư mở rộng, nhưng về dài hạn khi sân bay Nội Bài đạt công suất 100 triệu khách/năm thì đến năm 2050 cũng phải có sân bay thứ 2 để điều chỉnh hoạt động khai thác, khi đó Nội Bài đã mãn tải.
Định hướng quy hoạch vị trí nghiên cứu xây dựng sân bay ở phía Nam là ở huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài.
Đồng Nai chi hàng nghìn tỷ thay đổi diện mạo TP. Biên Hòa
Nhiều dự án đường ven sông, xây bờ kè, công viên... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, sẽ thay đổi diện mạo Biên Hòa nằm dọc sông Đồng Nai.
Mô phỏng tuyến đường ven sông Đồng Nai |
Sông Đồng Nai đi qua TP. Biên Hòa với tên gọi Sông Phố, dài khoảng 7 km từ khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Cửu đến cầu Vàm Cái Sứt nối qua huyện Long Thành. Tuy nhiên, hiện chỉ có một đoạn dài chừng 1,5 km từ cầu Hóa An đến UBND tỉnh Đồng Nai được chỉnh trang với bờ kè, công viên ven sông, còn lại phần lớn là những xóm nhỏ lụp xụp có từ lâu đời.
Cuối năm 2021, Tỉnh khởi công Dự án Tuyến đường ven sông Đồng Nai qua phường Bửu Long dài 5,2 km, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Ngoài xây đường, Dự án còn làm kè sông, công viên và hầm chui kết nối công viên hiện hữu qua cầu Hóa An.
Địa phương mong muốn công trình khi đưa vào sử dụng giúp các xóm nhỏ ven sông ở phường Bửu Long vốn nhếch nhác trở nên quy củ, hiện đại; kết nối các xã Bình Hoà, Tân Bình... huyện Vĩnh Cửu gần hơn với trung tâm Tỉnh.
Cùng với dự án ven sông nói trên, Đồng Nai chuẩn bị khởi công đường ven sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai ôm Cù lao Phố) với mục tiêu giảm tải áp lực giao thông, tạo cảnh quan cho đô thị ven sông qua trung tâm Biên Hòa ở phường Quyết Thắng, Thống Nhất và Tam Hiệp. Đường ven sông Cái dài hơn 4,5 km, rộng 32 m, tổng mức đầu tư hơn 574 tỷ đồng.
Cũng thời gian khởi công dự án đường ven sông Cái, Đồng Nai cũng đẩy nhanh hoàn tất thủ tục để sớm thực hiện trục đường trung tâm TP. Biên Hòa với kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng của TP. Biên Hòa chưa xứng tầm với đô thị loại I. Do đó, thời gian tới Thành phố sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, tập trung vào khu vực dọc sông Đồng Nai, nhằm xây dựng, phát triển thành phố Biên Hòa.
Hà Nội chốt gói ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng làm Vành đai 4
HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết bố trí hơn 23.000 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô, ngày 20/5.
Hướng tuyến đường vành đai 4 qua địa bàn 3 địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). |
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km, qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Điểm đầu tại Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối Km40+500 trên cao tốc Nội Bài - Hạ Long (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần, bao gồm: Nhóm 1 với 3 dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 có 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành triển khai ở 3 địa phương trên. Nhóm 3 với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 85.800 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách TP Hà Nội là hơn 23.000 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2025 giải ngân trên 19.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 hơn 4.000 tỷ đồng. Tiến độ và thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến 2027.
Sau khi nghị quyết được thông qua, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND Thành phố khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ Dự án theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3 (từ ngày 23/5 đến 17/6).
Bốn địa phương góp gần 4.300 tỷ đồng làm cao tốc hơn 188 km miền Tây
Ba tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ dành gần 4.300 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây tuyến cao tốc hơn 188 km đi ngang miền Tây.
Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Ngày 20/5, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Nghị quyết bố trí 1.000 tỷ đồng (tương đương 50%) để giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn Tỉnh. Nguồn vốn này từ ngân sách địa phương, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng ngày, HĐND tỉnh An Giang họp, thống nhất bố trí 1.380 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc, đoạn qua địa bàn Tỉnh.
Trước đó, HĐND tỉnh Hậu Giang cũng thông qua nghị quyết bố trí hơn 823 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn).
Trong khi đó, UBND TP. Cần Thơ cho biết tại kỳ họp cuối tháng 5 sẽ trình HĐND Thành phố việc bố trí gần 1.100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc trục ngang qua địa bàn.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư 44.700 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Công trình có điểm đầu giao đường tránh quốc lộ 91, TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang); điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Trong đó, 57 km đi qua An Giang, hơn 37 km qua TP. Cần Thơ, gần 37 km qua Hậu Giang và 58 km qua Sóc Trăng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn một tuyến cao tốc thiết kế 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng. Công trình sẽ khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2026. Tuyến đường được hoàn thiện trong giai đoạn 2026 - 2030 với 6 làn xe, rộng hơn 32 m.
Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Đà Lạt - Mũi Né
Đèo Đại Ninh trên Quốc lộ 28B, nối tỉnh Bình Thuận với tỉnh Lâm Đồng xảy ra sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Xe cơ giới đang dọn dẹp hiện trường trên đèo Đại Ninh |
Khoảng 0h ngày 20/5, sau trận mưa lớn, đất đá trên cao ập xuống đường đèo Đại Ninh thuộc xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình) cách ranh giới huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) chừng hai km.
Sạt lở xảy ra giữa đêm, ít phương tiện qua lại, nên không gây thiệt hại. Tuy nhiên, xe từ hai hướng lên Lâm Đồng và xuống Bình Thuận bị ách tắc, không thể đi qua. Người dân địa phương đem máy múc thu gom tạm lượng đất đá trên đường. Đến 5h, tuyến tạm thời được thông xe, nhưng bùn đất trên đường vẫn còn khá lớn.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết, đã cử lực lượng đến hiện trường cùng địa phương san gạt số đất, đá trên đoạn đường, đảm bảo tuyến đường thông suốt.
Đèo Đại Ninh dài 12 km nằm trên Quốc lộ 28B - tuyến đường quan trọng nối hai điểm du lịch nổi tiếng Đà Lạt - Mũi Né. Cung đường này có một số đoạn uốn lượn quanh co nguy hiểm, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, hay sụt lún và sạt lở sau mưa lớn.