Bản tin thời sự sáng 21/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không; thêm hai lỗi mới, tuyến cáp APG 8 tháng chưa khôi phục; Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động casino; Đà Nẵng bán đấu giá 20 ô tô công dôi dư, giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng…

Bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không theo đề xuất của tỉnh Kon Tum.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không

Lãnh đạo Chính phủ cho biết khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ngày 20/8. Trước đó, hồi tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đưa Măng Đen vào Quy hoạch cảng hàng không 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Chi phí đầu tư sân bay 4.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư PPP.

Sân bay Măng Đen dự kiến có quy mô cấp 4E, diện tích đất khoảng 350 ha, công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách mỗi năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2027.

Thị trấn Măng Đen cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60 km, ở độ cao 1.200 m. Lãnh đạo Tỉnh đánh giá, Thị trấn có vị trí thuận lợi, quỹ đất sạch rộng, bằng phẳng, gần Quốc lộ 24.

Việc xây dựng cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ công tác quốc phòng an ninh tại địa phương. Đây sẽ là dự án tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Theo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 6, sân bay Măng Đen cùng 11 sân bay khác sẽ được bổ sung khi đủ điều kiện.

Thêm hai lỗi mới, tuyến cáp APG 8 tháng chưa khôi phục

Tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố từ cuối 2022, nhưng đến nay chưa khắc phục xong vì liên tục phát sinh thêm lỗi mới.

Thêm hai lỗi mới, tuyến cáp APG 8 tháng chưa khôi phục. Ảnh minh họa

Thêm hai lỗi mới, tuyến cáp APG 8 tháng chưa khôi phục. Ảnh minh họa

Ngày 20/8, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, tuyến Asia Pacific Gateway - APG kết nối đến Việt Nam phải lùi lịch khôi phục, sau khi hai vấn đề mới được phát hiện trên các nhánh S1.9 và S9.

Trước đó, APG cũng gặp sự cố trên nhánh S1.7 từ tháng 6, khiến chưa thể trở lại hoạt động bình thường. Với ba sự cố chưa được xử lý, tuyến này hiện mất dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore.

Tuy nhiên, theo đại diện nhà mạng, mức độ tác động tới người dùng từ sự cố đợt này không lớn. Trong các đợt đứt cáp trước, đặc biệt là vấn đề với cả năm tuyến cáp hồi đầu năm, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước vốn đã có phương án khắc phục, như san tải, mua thêm dung lượng qua tuyến cáp đất liền.

Trước đó, đơn vị quản lý tuyến cáp này dự định hoàn thành việc sửa chữa trên nhánh S1.7 vào cuối tháng 8, sau đó lùi sang đầu tháng 9. Tuy nhiên với hai sự cố mới, đơn vị này chưa chưa có lịch khắc phục cụ thể.

APG là một trong năm tuyến cáp quang biển của Việt Nam, kết nối từ trạm cập bờ Đà Nẵng đến hai trung tâm Internet của khu vực là Hong Kong và Singapore. Hoạt động của tuyến bắt đầu gặp vấn đề từ cuối 2022, sau đó liên tiếp phát sinh các lỗi vào tháng 4, tháng 6 và tháng 8, khiến dung lượng chưa được khôi phục sau 8 tháng.

Hồi đầu năm, có giai đoạn cả năm tuyến cáp quang biển từ Việt Nam ra quốc tế gồm APG, IA, AAG, AAE-1 và SMW3 cùng đứt, khiến việc truy cập Internet của người dùng trong nước bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, bốn tuyến cáp đã hoạt động trở lại bình thường.

Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động casino

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang... kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh casino trên địa bàn.

Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động casino

Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động casino

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công an, UBND 17 tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường quản lý hoạt động giám sát, kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng.

Bộ này cho biết, qua công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất và thông tin báo chí phản ánh, một số doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng có sai phạm về đối tượng được phép vào chơi; cho thuê mặt bằng, cho thuê máy trò chơi, bàn trò chơi để kinh doanh trái quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an và UBND 17 tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng trên địa bàn theo quy định của pháp luật và gửi kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi, xử lý.

Các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lâm Đồng…

Theo quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 03/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino, Nghị định số 121/2021 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Cả nước có 9 dự án casino đang kinh doanh, gồm 6 dự án quy mô nhỏ Đồ Sơn (Hải Phòng); Lợi Lai, Hoàng Gia, khách sạn Hồng Vân (Quảng Ninh); khách sạn quốc tế (Lào Cai); Silver Shores (Đà Nẵng) và 3 casino quy mô lớn là Nam Hội An (Quảng Nam); Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu); Phú Quốc (Kiên Giang).

Đà Nẵng bán đấu giá 20 ô tô công dôi dư, giá khởi điểm hơn 2,5 tỷ đồng

20 ô tô được đưa ra đấu giá là xe phục vụ công tác chung dôi dư, được thu hồi theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng.

Một ô tô công của Đà Nẵng từng được bán đấu giá trước đó.

Một ô tô công của Đà Nẵng từng được bán đấu giá trước đó.

Ngày 20/8, Sở Tài chính TP. Đà Nẵng cho biết vừa có thông báo lựa chọn Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia (địa chỉ ở 193 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là đơn vị tổ chức bán đấu giá 20 ô tô phục vụ công tác chung dôi dư.

Theo đó, 20 ô tô này là xe phục vụ công tác chung dôi dư, được thu hồi theo quyết định của UBND TP. Đà Nẵng.

Tất cả 20 ô tô công đời cũ này sẽ được bán đấu giá cả lô, không đấu giá lẻ và giá khởi điểm được phê duyệt là hơn 2,5 tỷ đồng.

Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định thu hồi tài sản, trong đó thu hồi 79 ô tô dôi dư và giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiếp nhận, thành lập hội đồng định giá, tổ chức thực hiện bán đấu giá, nộp tiền vào ngân sách Thành phố theo quy định.

Gạo Việt vượt qua Thái Lan, lập kỷ lục giá cao nhất thế giới

Sau nhiều lần giằng co về vị trí giá cao nhất thế giới, gạo Việt Nam vừa lấy lại vị trí số 1 từ gạo Thái khi tiếp tục thiết lập mức giá kỷ lục cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Giá gạo Việt Nam quay trở lại vị trí cao nhất thế giới

Giá gạo Việt Nam quay trở lại vị trí cao nhất thế giới

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood), sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường, giá gạo Việt Nam và Thái Lan đua nhau tăng và thiết lập kỷ lục mới.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19/7 (trước ngày Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 541 USD/tấn. Đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua.

Mức giá này những tưởng đã rất ấn tượng song trong 20 ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng mạnh.

Dữ liệu cập nhật của Vietfood cho thấy, đến ngày 18/8, gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, gạo 25% ở mức 618 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan cùng loại có mức giá lần lượt là 618 USD/tấn và 561 USD/tấn.

Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ thấp hơn năm 2008 - thời điểm thế giới khủng hoảng lương thực trầm trọng, đẩy giá gạo lên cơn sốt với mức hơn 1.000 USD/tấn, mức cao nhất trong lịch sử.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, thu về 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT tính toán còn dư 2,6 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam có thể đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD.

TP.HCM dự kiến thuê thêm phà giảm tải cho bến Bình Khánh

Bến Bình Khánh nối huyện Cần Giờ qua nội đô thành phố đang được tính toán thuê thêm phà nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trước tình trạng ùn tắc thường xuyên.

Phà chở khách ở bến Bình Khánh

Phà chở khách ở bến Bình Khánh

Thông tin vừa được lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, nhằm sớm giải quyết tình trạng quá tải cho bến Bình Khánh, nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè.

Các phương án thuê được cơ quan trên đề nghị nghiên cứu kỹ trước khi báo cáo chính quyền Thành phố, bởi còn một số vấn đề liên quan đến pháp lý, kỹ thuật, tổ chức giao thông.

Việc tăng cường phà cho bến Bình Khánh được xem là giải pháp cấp bách giúp giải quyết nhu cầu đi lại cho khu vực trước tình trạng thiếu phương tiện chuyên chở, gây ùn tắc ở hai đầu bến. Dịp cuối tuần, xe thường xuyên phải nối dài, xếp hàng chờ để lên phà.

Hiện, bến Bình Khánh có 6 phà, gồm hai chiếc loại 200 tấn, ba phà 100 tấn hoạt động thường trực. Phà còn lại loại 60 tấn để dự phòng. Nhu cầu đi lại của khách du lịch, người lao động ở khu vực này ngày càng tăng cao nên số phương tiện trên không đáp ứng đủ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý) cho biết, những ngày cuối tuần, bến Bình Khánh bình quân đón khoảng 35.000 lượt khách; dịp lễ, tết có thể tăng lên 50.000, vượt gấp hơn hai lần so với năng lực khai thác.

Trước tình trạng quá tải ở khu bến này, đơn vị thanh niên xung phong trước đó kiến nghị thành phố cho đóng mới hai phà 200 tấn để tăng công suất chở khách, nhưng chưa được chấp thuận. Năm ngoái, đơn vị này cũng đề xuất sửa chữa, hoán cải ba phà ở bến Bình Khánh từ 100 tấn lên 150 tấn nhưng vướng quy định về đăng kiểm nên không được thông qua.

Thanh tra tỉnh Bến Tre kiến nghị xử lý vụ 144 khu phân lô bán nền tự phát

Từ 206 thửa đất ban đầu trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã phát sinh 144 khu phân lô bán nền tự phát. Chánh Thanh tra tỉnh Bến Tre kiến nghị UBND huyện Châu Thành xây dựng phương án trình UBND Tỉnh đối với 144 khu vực phân lô bán nền.

Người dân đã cất nhà để ở trong khu dân cư tự phát Hưng Phát (trên địa bàn xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre)

Người dân đã cất nhà để ở trong khu dân cư tự phát Hưng Phát (trên địa bàn xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre)

Liên quan đến xử lý vi phạm về việc tách thửa, phân lô, bán nền; việc quản lý, sử dụng nhà, đất công trên địa bàn huyện Châu Thành, theo Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bến Tre, Chánh Thanh tra tỉnh Bến Tre kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND Tỉnh kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành; tập thể UBND huyện Châu Thành có sai phạm theo Kết luận thanh tra số 412 của Thanh tra tỉnh Bến Tre.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND huyện Châu Thành rà soát, đề xuất UBND Tỉnh điều chỉnh Công văn số 4056/UBND-KT ngày 16/8/2019 của UBND tỉnh Bến Tre về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Châu Thành. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Châu Thành thực hiện nghiêm kết luận thanh tra.

Bên cạnh đó, căn cứ Công văn số 132/UBND-TCĐT; Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bến Tre và các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản; tùy tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng đất tại địa phương, UBND huyện Châu Thành xây dựng phương án trình UBND Tỉnh đối với 144 khu vực phân lô bán nền.

.

Tin cùng chuyên mục