TP.HCM bố trí nhân viên có thẻ xanh Covid làm việc tại trụ sở
Từ tháng 10, cơ quan nhà nước ở TP.HCM bố trí tối đa 1/2 nhân viên có thẻ xanh Covid làm việc tại trụ sở và tăng dần lên 100% vào tháng 1/2022.
Máy tiếp nhận hồ sơ tự động ở UBND Quận 6 để hạn chế tiếp xúc trực tiếp người làm thủ tục |
Đây là một trong nội dung đề cập ở văn bản thay đổi phương thức làm việc của đơn vị, cơ quan nhà nước nhằm phù hợp các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký.
Trong đó, giai đoạn một (1 - 31/10), các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí tối đa 1/2 tổng số cán bộ, nhân viên tiêm đủ 2 mũi vaccine (hoặc được cấp thẻ xanh Covid) làm việc tại trụ sở; số còn lại làm trực tuyến tại nhà. Đơn vị đặc thù hoặc nhu cầu muốn bố trí hơn 1/2 số nhân viên phải được chính quyền Thành phố chấp thuận.
Thành phố giao Sở Y tế hỗ trợ, cung cấp dụng cụ xét nghiệm kịp thời theo đề nghị các đơn vị để tổ chức xét nghiệm cho người lao động. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích.
Những cơ quan có trụ sở ở địa phương đã công bố kiểm soát được dịch căn cứ vào nhu cầu để bố trí người có thẻ xanh làm việc trực tiếp.
Giai đoạn hai (1/11/2021 - 15/1/2022), các cơ quan, đơn vị chỉ bố trí tối đa 2/3 tổng số người lao động đã được cấp thẻ xanh Covid làm việc tại trụ sở...
Thành phố khuyến khích các tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Giai đoạn ba, sau ngày 15/1/2022, các cơ quan được bố trí toàn bộ lao động có thẻ xanh làm việc trực tiếp tại trụ sở. Thành phố khuyến khích, ưu tiên tổ chức, cá nhân dùng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tiếp nhận, trả kết quả thủ tục.
Bộ GTVT đề xuất chuyển hàng loạt sân bay cho địa phương quản lý
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất phân cấp quản lý các sân bay Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới... nhằm phát huy nguồn lực địa phương.
Đề xuất sân bay Cát Bi thí điểm phân cấp quản lý cho địa phương |
Đại diện Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đang lấy ý kiến vào Đề án định hướng huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; trong đó, đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành 3 nhóm.
Nhóm một, các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng, gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành. Đối với các sân bay này, Chính phủ sẽ thông qua Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục sở hữu, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.
Nhóm hai, các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng, gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa. Tương tự nhóm một, các sân bay này do Nhà nước sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.
Nhóm ba, các cảng hàng không còn lại, gồm Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Theo Bộ GTVT, các sân bay trên được đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh quản lý, thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không...
Hiện việc phân cấp quản lý cho địa phương đối với các cảng hàng không tại nhóm ba chưa được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Do đó, Bộ GTVT đề xuất trước mắt thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP. Hải Phòng; sau này sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định, áp dụng với các sân bay còn lại.
Bộ Y tế cho phép rút ngắn khoảng cách 2 mũi vaccine AstraZeneca
Bộ Y tế đồng ý để các tỉnh, thành phố tự quyết định việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi vaccine AstraZeneca song phải dựa trên khuyến cáo của WHO, nhà sản xuất.
Bộ Y tế cho phép rút ngắn khoảng cách 2 mũi AstraZeneca |
Liên quan đề xuất của tỉnh Long An và TP.HCM về việc rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca, Bộ Y tế đã có công văn gửi tới các sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn bản do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ các sở y tế căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực bảo vệ khi tiêm mũi hai để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca.
Thời gian tối thiểu giữa 2 mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, sau khi tiêm mũi một, từ ngày thứ 22, hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%. Sau khi tiêm mũi hai dưới 6 tuần, hiệu lực đạt 55,1%. Sau 6 - 8 tuần, tỷ lệ này là 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi hai nên được tiêm trong khoảng 4 - 12 tuần sau mũi một. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 - 12 tuần.
Đề nghị dỡ lệnh cấm với máy bay Boeing B737 Max
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị cho máy bay Boeing 737 Max được phép bay đến/đi hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị dỡ lệnh cấm với máy bay Boeing B737 Max |
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam thông tin, theo kết quả đánh giá của các nhà chức trách hàng không trên thế giới và chỉ số an toàn của dòng máy bay Boeing 737 Max, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép triển khai thủ tục để dòng máy bay này được bay đến/đi từ Việt Nam. Đồng thời, cho phép Cục triển khai quy trình cấp công nhận Giấy chứng nhận cho tàu bay B737 Max có thể nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 178 trong tổng số 195 nhà chức trách hàng không trên thế giới đã dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với máy bay B737 Max; cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tiêu chuẩn, cấp phép bay đi, đến và bay quá cảnh. Hơn 360 tàu bay Boeing 737 Max của 35 hãng hàng không thế giới đã khai thác trở lại.
Hiện Bộ Giao thông vận tải mới cho phép dòng máy bay này được bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
Tính đến 15/9, sau khi được phép quay lại hoạt động, các máy bay Boeing 737 Max đã thực hiện được hơn 150.000 chuyến với tổng số hơn 370.000 giờ bay an toàn. Chỉ số tin cậy khởi hành trung bình đạt 99%.
Shipper ở TP.HCM được xét nghiệm tại 800 trạm y tế lưu động từ 6h tới 21h
Thay vì xét nghiệm từ 5 - 6h sáng như trước, từ nay shipper được xét nghiệm từ 6 - 21h hàng ngày và có thể tìm bất cứ trạm y tế nào vắng để đến xét nghiệm.
Sáng sớm 20/9, hàng trăm shipper xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại trạm y tế lưu động lưu động quận Gò Vấp |
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, 2 ngày qua, số lượng shipper đăng ký tăng lên rất lớn, ngày 19/9 lên tới 82.000 người.
Ông Phương cho rằng, chủ trương cho shipper hoạt động trở lại và hoạt động liên quận, huyện là chủ trương rất đúng đắn. Với hơn 24.000 shipper có thể chuyển tải hơn 530.000 đơn hàng đến người dân...
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, việc cho phép hơn 80.000 shipper hoạt động nhằm giúp một bộ phận lao động có việc làm trở lại, thay vì phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Trước việc gia tăng shipper đột biến gây áp lực lên các trạm y tế lưu động, Sở đã làm việc với Sở Y tế, Công an Thành phố và được UBND TP.HCM thông qua chủ trương.
Theo đó, với 312 phường xã thêm hơn 500 trạm y tế lưu động sẽ có hơn 800 đơn vị tiếp nhận công tác xét nghiệm cho shipper. Đặc biệt thay vì xét nghiệm từ 5 - 6h sáng như trước, từ nay shipper được xét nghiệm từ 6 - 21h hàng ngày và có thể tìm bất cứ trạm y tế nào vắng để đến xét nghiệm.
Theo ông Phương, với chủ trương linh động thời gian và điểm xét nghiệm này sẽ không còn tình trạng quá tải xét nghiệm của shipper.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, từ 0h ngày 16/9, shipper được giao hàng liên quận, huyện từ 6 - 21h với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, thực hiện xét nghiệm theo mẫu gộp hai ngày/lần. Thành phố sẽ tiếp tục miễn phí xét nghiệm cho các shipper.
Hơn 3.600 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên
Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên bắt đầu được các nhà thầu triển khai thi công 2 gói thầu ưu tiên.
Một đoạn mặt đường Quốc lộ 19 hiện hữu đã xuống cấp nghiêm trọng |
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Tây Nguyên đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng 114/143km (đạt 80%). Phần mặt bằng còn lại dự kiến bàn giao trong tháng 9/2021.
Dự án có 8 gói thầu xây lắp. Trong đó, 2 gói thầu ưu tiên (XL03, XL4A), các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị và nhân lực đến công trường và tổ chức triển khai thi công từ 15/9/2021.
6 gói thầu xây lắp còn lại đang trong quá trình hoàn thiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự kiến, tháng 11/2021 khởi công 3 gói thầu, tháng 12/2021 khởi công 2 gói thầu, còn lại 1 gói khởi công vào tháng 1/2022.
Giám đốc Điều hành dự án (Ban QLDA 2) Nguyễn Ngọc Tân cho biết, Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 dài khoảng 143km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), sử dụng vốn vay IDA của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc khoảng 2,1 triệu USD cho công tác thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.
Theo ông Tân, tuyến Quốc lộ 19 từ Gia Lai đến Bình Định hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, quy mô 2 làn xe, mặt đường nhỏ hẹp khoảng 7 - 9m, tốc độ di chuyển thấp chỉ 50 - 60km/h và thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.
Sau khi Dự án Quốc lộ 19 hoàn thành đầu tư nâng cấp, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m được thảm bê tông nhựa 2 lớp và hệ thống an toàn giao thông, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 80km/h.
Long An nới lỏng giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 21/9
Từ 0h ngày 21/9, 15 đơn vị thành phố, thị xã và huyện ở Long An sẽ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, người tiêm đủ 2 mũi vaccine được đi lại trong Tỉnh.
Long An nới lỏng giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0h ngày 21/9 |
Quyết định do Phó chủ tịch UBND Long An Phạm Tấn Hòa ban hành tối 20/9. Theo quy định giãn cách mới, cơ sở dịch vụ ăn uống, giải khát được hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang về. Nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của UBND Tỉnh.
Từ ngày 21/9, chợ truyền thống được hoạt động trở lại tại 10 huyện "vùng xanh" gồm thị xã Kiến Tường, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành; riêng TP. Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc từ ngày 1/10.
Những người đáp ứng "thẻ xanh Covid" gồm: người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, F0 điều trị tại nhà được trung tâm y tế huyện cấp giấy chứng nhận không quá 6 tháng... được đi lại trên toàn Tỉnh. Còn "thẻ vàng Covid" là những người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày thì được phép đi lại trong huyện kèm theo giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn 3 ngày.
Long An đã trải qua 64 ngày giãn cách xã hội. Đến nay, Tỉnh đã đạt cả 3 tiêu chí theo quy định kiểm soát được dịch bệnh của Bộ Y tế.