Bản tin thời sự sáng 21/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thí điểm 5.000 m3 cát biển làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Bộ Công an yêu cầu Khánh Hòa cung cấp hồ sơ 9 dự án điện mặt trời; Đồng Nai đề xuất làm 2 tuyến metro kết nối TP.HCM; thông xe cầu giúp giảm ùn tắc cho trung tâm Nha Trang…

Thí điểm 5.000 m3 cát biển làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Khoảng 5.000 m3 cát biển từ Trà Vinh được thử nghiệm làm đường thuộc Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chưa ghi nhận bất thường.

Đường ĐT978 hoàn thành, đưa vào sử dụng

Đường ĐT978 hoàn thành, đưa vào sử dụng

Tuyến đường dùng cát biển đắp nền là ĐT 978 dài gần 1 km tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Việc thí điểm do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải thực hiện, với kinh phí 20 tỷ đồng.

Khoảng 5.000 m3 cát lấy ở biển xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, Trà Vinh, sau đó sà lan chở quãng đường hơn 170 km đưa đến công trường. Đoạn sử dụng cát biển dài 300 m, gồm 60 m đắp nền đường sâu 0,5 m và 240 m mái dốc taluy nền đường. Gần 700 m nền đường còn lại dùng cát sông để đối chiếu, so sánh.

Công trình được thi công từ cuối tháng 3, đến nay hoàn tất đắp nền, láng nhựa mặt đường, cho ôtô chạy phục vụ, chở vật liệu cho cao tốc. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đoạn đường đắp bằng cát biển có chất lượng tương tự cát sông, chưa phát hiện lún bất thường khi quan trắc.

Kết quả quan trắc môi trường cũng cho thấy, dùng cát biển đắp nền đường chưa phát hiện tăng độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công. Các vuông tôm hai bên đường phát triển bình thường.

"Đến nay, các kết quả thu được từ thí điểm cát biển rất khả quan", ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nói. Đơn vị này sẽ phối hợp quan trắc độ lún, quan trắc để đánh giá, so sánh giữa đoạn có đắp cát biển và cát sông. Việc chọn cát ở biển Trà Vinh vì mỏ đã được cấp phép có thể khai thác ngay giúp đảm bảo tiến độ. Hiện, theo quy định một mỏ cát được phép khai thác phải qua 25 thủ tục, mất gần 2 năm.

Tình trạng thiếu cát đắp nền ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình trọng điểm tại miền Tây. Hiện vùng này triển khai 4 dự án cao tốc tổng chiều dài 355 km, cần trên 53,6 triệu m3 cát đắp nền, song trữ lượng cát sông ở khu vực không thể đáp ứng.

Bộ Công an yêu cầu Khánh Hòa cung cấp hồ sơ 9 dự án điện mặt trời

Các sở, ngành đang triển khai thực hiện đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an liên quan đến 9 dự án điện mặt trời tại Khánh Hòa.

Dự án Điện mặt trời Trung Sơn nằm trong danh sách bị “tuýt còi“.

Dự án Điện mặt trời Trung Sơn nằm trong danh sách bị “tuýt còi“.

Ngày 20/9, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đang triển khai thực hiện đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an liên quan đến nhiều dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn chỉ đạo cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công An.

Từ cơ sở này, Sở Công Thương đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... các địa phương Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Ranh cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời nối lưới tại tỉnh Khánh Hòa vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

Sở Công Thương yêu cầu các sở ngành, địa phương cung cấp văn bản, tài liệu… có liên quan về 9 dự án điện mặt trời để Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tính đến ngày 31/12/2021, Khánh Hòa có 9 dự án điện mặt trời có trong quy hoạch hoặc được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực đã đi vào vận hành, trong đó có 2 dự án thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất là 100 MW và 170 MWp, 7 dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng công suất là 60 MW và 235 MWp.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 được lập, Bộ Công Thương phê duyệt, theo đó giai đoạn quy hoạch dài hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh là không đúng quy định.

Riêng đối với Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn 30 MW, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện, tỉnh Khánh Hòa thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư tại dự án này chưa đúng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014...

Đồng Nai đề xuất làm 2 tuyến metro kết nối TP.HCM

Ngành Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Nai đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt đô thị kết nối các sân bay, đô thị trên địa bàn tỉnh với TP.HCM tạo nên hệ thống giao thông đường sắt liên kết vùng.

Theo quy hoạch, hệ thống metro đô thị của Đồng Nai sẽ kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM

Theo quy hoạch, hệ thống metro đô thị của Đồng Nai sẽ kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM

Theo thông tin từ Sở GTVT Đồng Nai, cơ quan này đã đề xuất đơn vị tư vấn nghiên cứu đưa hệ thống đường sắt đô thị (metro) kết nối các đô thị lớn, các cảng hàng không trên địa bàn Đồng Nai vào Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, để tăng cường mạng lưới giao thông kết nối vùng, Sở GTVT các địa phương TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã đề xuất phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai và Bình Dương.

Trong đó, đoạn về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18,3 km đi trên cao, được chia làm 3 đoạn gồm: đoạn từ ga S0 đến ngã ba Vũng Tàu (khoảng 3,8 km); đoạn từ ngã ba Vũng Tàu đến chợ Sặt (khoảng 8,9 km) và đoạn từ ngã ba Chợ Sặt về khu vực xã Hố Nai 3 (khoảng 5,6 km).

Trên cơ sở phương án kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai, Sở GTVT Đồng Nai đã có ý kiến với đơn vị tư vấn về việc nghiên cứu đưa vào quy hoạch mạng lưới metro trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, sẽ quy hoạch xây dựng một nhà ga tại khu vực Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 với mô hình quảng trường nhà ga. Đây sẽ là mô hình nhà ga kết nối các hình thức vận tải. Từ nhà ga KCN Biên Hòa 1 sẽ có tuyến metro đến sân bay Long Thành. Từ đây, tuyến metro này sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, đảm bảo kết nối giao thông về đường sắt giữa TP.HCM và Đồng Nai.

Một tuyến metro khác cũng xuất phát từ nhà ga KCN Biên Hòa 1 đi qua khu vực cù lao Hiệp Hòa, đi xuyên trục vào trung tâm TP. Biên Hòa để kết nối với sân bay Biên Hòa hiện đã được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng.

Ngoài ra, 2 tuyến metro nói trên sẽ kết nối đến đô thị các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom.

Thông xe cầu giúp giảm ùn tắc cho trung tâm Nha Trang

Cầu Xóm Bóng dài 330 m, bắc qua sông Cái, thông xe chiều 20/9 giúp giảm ùn tắc cho tuyến đường biển Trần Phú và khu vực trung tâm TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Cầu Xóm Bóng (góc phải), song song với cầu Trần Phú

Cầu Xóm Bóng (góc phải), song song với cầu Trần Phú

Cầu có vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2022, hoàn thành sau 18 tháng xây dựng. Công trình thay thế cầu cũ nằm trên Đường 2/4, rộng 19 m với 4 làn xe, nối cù lao (cồn Nhất Trí) với phía Bắc TP. Nha Trang.

Theo Sở Giao thông vận tải, Dự án cầu Xóm Bóng hoàn thành sẽ giải tỏa lớn lượng xe cho cầu Trần Phú (nằm cách 300 m) thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm và dịp lễ. Cầu còn tạo thuận lợi cho người dân đi từ trung tâm TP. Nha Trang về phía Bắc và ngược lại; trở thành điểm nhấn du lịch thành phố biển.

Cầu Xóm Bóng cũ được người Pháp xây từ năm 1925, ở gần di tích tháp bà Ponagar, thu hút du khách khi đến Nha Trang. Năm 1968, cầu được xây dựng lại với 15 nhịp, tổng chiều dài 309 m. Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, cầu xuống cấp, không đảm bảo an toàn nên bị tháo dỡ tháng 1/2022.

3 công ty thủy điện bị xử phạt 720 triệu đồng

Ngày 20/9, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện đối với 3 công ty thủy điện trên địa bàn.

3 công ty thủy điện bị xử phạt 720 triệu đồng do vận hành công trình thủy điện khi chưa được nghiệm thu

3 công ty thủy điện bị xử phạt 720 triệu đồng do vận hành công trình thủy điện khi chưa được nghiệm thu

Cả ba đơn vị này đều có hành vi vi phạm là vận hành công trình thủy điện khi chưa được nghiệm thu.

Các công ty bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt hành chính gồm: Công ty CP Năng lượng Lâm Hà (trụ sở tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà); Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị điện và cơ khí Nhật Anh (trụ sở tại TP Đà Lạt) và Công ty CP Thủy điện Trung Nam Krông Nô (trụ sở chính tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông).

Trong đó, Công ty CP Thủy điện Trung Nam Krông Nô bị xử phạt tổng cộng 360 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3. Hành vi này đã vi phạm quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Với hành vi vi phạm tương tự, Công ty CP Năng lượng Lâm Hà (Nhà máy Thủy điện Sar Deung 2) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại thiết bị điện và cơ khí Nhật Anh (Thủy điện Đa Trou Kea) cũng bị xử phạt 180 triệu đồng/đơn vị.

Tàu du lịch sông Nho Quế hoạt động lại từ 21/9

Tàu du lịch trên sông Nho Quế, đưa khách tham quan hẻm Tu Sản nổi tiếng, sẽ hoạt động trở lại từ 7h ngày 21/9 sau 5 ngày dừng.

Bến tàu du lịch sông Nho Quế

Bến tàu du lịch sông Nho Quế

Đại diện UBND huyện Mèo Vạc cho biết thông tin trên, sau buổi làm việc giữa UBND tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc, Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản chiều 20/9.

Việc cung cấp dịch vụ cho du khách sẽ không thay đổi cho tới 31/12. Sau thời điểm này, UBND tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc và các đơn vị liên quan sẽ xem lại tính hiệu quả để có kế hoạch tốt hơn trong năm mới.

Trước đó, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Du lịch Tu Sản thông báo ngừng vận chuyển du khách trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 từ 0h ngày 16/9, khiến hoạt động tham quan hẻm Tu Sản bằng tàu bị ngừng. Đại diện UBND huyện Mèo Vạc cho hay, lý do thực sự của việc ngừng vận chuyển khách là do HTX và Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1 không thống nhất được vấn đề "phân chia lợi ích".

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản là đơn vị duy nhất khai thác tàu du lịch ở đây.

Hẻm vực Tu Sản có chiều cao vách đá 700 - 900 m, dài 1,7 km, thuộc kiểu di sản kiến tạo địa mạo, di sản cổ sinh - địa tầng - cổ môi trường, tại khu vực 3 xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Hẻm nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng, có dòng sông Nho Quế uốn quanh. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam. Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

TP.HCM dành 3.400 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp

TP.HCM sẽ chi 3.400 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án công nghệ cao, công nghiệp trọng yếu, giáo dục, y tế… với mức vay tối đa 200 tỷ đồng.

TP.HCM dành 3.400 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp

TP.HCM dành 3.400 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp

Nội dung được HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp chuyên đề. Các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành mà Thành phố khuyến khích, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ cao, bốn ngành công nghiệp trọng yếu, hỗ trợ tập trung vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên, giáo dục - đào tạo, y tế... sẽ được hỗ trợ vốn. Việc cho vay được thực hiện qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM.

Tùy vào lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp sẽ được vay từ 70 - 100% tổng vốn đầu tư dự án. Mức vay tối đa mỗi dự án là 200 tỷ đồng, thời gian vay không quá 7 năm. Dự kiến đến năm 2025 giải ngân khoảng 3.400 tỷ đồng.

Mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) và cộng thêm phí quản lý mỗi năm 2%.

Lãi suất này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM thông báo hàng tháng theo quy định.

Trước đó, năm 2015, TP.HCM có chương trình kích cầu thông qua đầu tư theo Quyết định 50. Sau 5 năm triển khai, đã có 296 dự án tham gia với tổng mức đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là gần 12.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư bình quân của một dự án trong giai đoạn này là trên 88 tỷ đồng.

Trong chương trình này, ngân sách Thành phố đã chi hỗ trợ lãi vay cho các dự án là hơn 2.330 tỷ đồng.

Hơn 320 trại chăn nuôi ở Đồng Nai chưa có giấy phép môi trường

Tổng rà soát, cơ quan chức năng phát hiện hơn 320 trang trại tại Đồng Nai - "thủ phủ" nuôi lợn và gà lớn nhất nước, chưa được cấp phép môi trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống xử lý môi trường một trại chăn nuôi gia công ở huyện Thống Nhất

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống xử lý môi trường một trại chăn nuôi gia công ở huyện Thống Nhất

Thông tin được Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho biết ngày 20/9, sau 4 tháng tổng kiểm tra gần 10.000 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Đồng Nai được xem là "thủ phủ" chăn nuôi lợn và gà lớn nhất nước. Tổng đàn lợn tại đây khoảng 2,5 triệu con, đàn gà khoảng 26 triệu con. Hiện, địa phương này có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà.

Theo ghi nhận các trại chăn nuôi chưa được cấp giấy phép môi trường chủ yếu hợp đồng gia công nuôi lợn và gà với các công ty: CP Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Argi - Chi nhánh Đồng Nai, Sunjin Vina.

Thời gian qua, nhiều hộ dân sống gần các trang trại thường xuyên phản ánh tình trạng xả thải ra gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đời sống khu dân cư.

Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai yêu cầu UBND các huyện và thành phố Long Khánh kiểm tra, sớm có giải pháp xử lý các cơ sở chăn nuôi gia công lớn nhưng chưa được cấp giấy phép.

Tin cùng chuyên mục