Việt Nam mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca
Ngày 1/2, AstraZeneca ký hợp tác cung cấp 30 triệu liều vaccine Covid-19 cho Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Việt Nam, trong nửa đầu năm 2021.
Việt Nam mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca |
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường chính thức ký phê duyệt vaccine AstraZeneca/Oxford, cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC), cho biết hiện chưa rõ thời gian cụ thể vaccine phân phối về Việt Nam, chưa thể định mức giá cụ thể của vaccine song dự kiến giá vaccine sẽ rất ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng. Các thông tin về kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine đang được xây dựng, theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế.
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, với phác đồ tiêm 2 liều tiêu chuẩn cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca phát triển cùng đối tác Đại học Oxford và công ty sản xuất Vaccitech. Vaccine sử dụng công nghệ vector virus làm mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu, chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt nCoV. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công nCoV nếu cơ thể bị nhiễm virus.
Hơn 1,7 triệu học sinh TP.HCM nghỉ học phòng Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, toàn bộ học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày mai 2/2 - sớm hơn một tuần so với kế hoạch.
Trường học tại TP.HCM làm công tác khử khuẩn |
Thông báo khẩn do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức ký gửi đến Sở GD&ĐT, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Thông báo này căn cứ ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình diễn biến thực tế.
Đồng thời, xét đề nghị của Sở GD&ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM chỉ đạo cho phép học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố dừng đến trường từ ngày 2/2/2021, thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức dạy - học trên internet, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 theo quy định.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch năm học của TP.HCM, nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức dạy - học trên internet và đảm bảo lịch trực, đảm bảo thông tin xuyên suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Hiện 19 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ Tết sớm một tuần do ảnh hưởng của Covid-19, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bắc Kạn. Thời gian đi học trở lại là sau kỳ nghỉ Tết hoặc đến khi có thông báo mới.
Hà Nội cưỡng chế cao ốc biến văn phòng thành căn hộ không phép
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng không phép đối với công trình cao ốc văn phòng làm việc và cho thuê số 115 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam.
Hà Nội cưỡng chế cao cốc biến văn phòng thành căn hộ không phép |
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm vừa ký quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Du lịch thương mại Trung Phong (Công ty Trung Phong) liên quan đến việc xây dựng không phép tại công trình cao ốc văn phòng làm việc và cho thuê số 115 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam.
Lý do áp dụng do đã hết thời hạn quy định tại Điểm b, Khoản 12 Điều 15 Nghị định số 139 năm 2017 của Chính phủ nhưng Công ty Trung Phong không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì Công ty phải tháo dỡ phần công trình vi phạm theo quy định.
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng không phép đối với công trình cao ốc văn phòng làm việc và cho thuê số 115 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam.
Theo đó, biện pháp cưỡng chế buộc tháo dỡ toàn bộ phần xây dựng không phép, gồm: Bê tông cốt thép cầu thang bộ (bản thang và chiếu nghỉ); hầm B1, B2 và tường ngăn các phòng bằng gạch chỉ tại tầng 1; tường ngăn các phòng bằng gạch chỉ tầng 3 đến tầng 6 và từ tầng 8 đến tầng 18.
Quyết định này được giao cho Công ty Trung Phong là tổ chức vi phạm để chấp hành và chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế. Thời gian thực hiện 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định này.
Vàng SJC tăng vọt qua 57 triệu đồng/lượng
Đầu giờ chiều ngày 1/2, giá vàng miếng SJC tăng vọt qua mức 57 triệu đồng/lượng, cho thấy đà đi lên của vàng SJC vẫn chưa dừng lại theo thế giới.
Vàng tăng vượt mức 57 triệu đồng/lượng |
Giá vàng miếng SJC chiều ngày 1/2 tăng thêm 300.000 đồng mỗi lượng. Hệ thống cửa hàng vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào lên 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra 57,05 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào lên 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra 57,05 - 57,07 triệu đồng/lượng… Vàng miếng SJC tăng chậm hơn thế giới đã rút ngắn mức chênh lệch xuống còn 4,85 triệu đồng/lượng. Cùng chất lượng vàng 4 số 9, vàng nữ trang có mức giá thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 2,1 triệu đồng/lượng và cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng. Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có giá mua vàng PNJ 54,6 triệu đồng/lượng và bán ra 55,1 triệu đồng/lượng; vàng 24k có giá 54 triệu đồng/lượng và bán ra 54,8 triệu đồng/lượng.
Giao dịch thị trường vàng trong nước không mấy sôi động khi giá neo cao. Một số người thực hiện bán chốt lời khi giá vàng SJC vượt ngưỡng 57 triệu đồng/lượng và "đắt" hơn thế giới ở mức cao.
Hà Nội xử lý “rác viễn thông”, cắt số điện thoại quảng cáo sai quy định
Thuê bao phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác và số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt tại cột điện, trụ điện, cây xanh, cột đèn tín hiệu giao thông sẽ đối mặt với việc bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ.
Phạt 5-10 triệu, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông nếu quảng cáo sai quy định |
Sở TT&TT Hà Nội vừa ban hành “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định” và “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn ngắn nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã xử lý các số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định.
Sở Văn hóa và Thể thao, phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp rà soát, thu thập thống kê số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định. Sau quá trình thống kê, rà soát, chủ thuê bao của các số điện thoại sẽ được mời đến để làm rõ nội dung vi phạm.
Nếu bị xác định là có sai phạm, chủ thuê bao sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo quy định tại Điều 51, Điều 60 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017) của Chính phủ.
Số tiền xử phạt là từ 1 - 2 triệu đồng với người treo, dán, vẽ quảng cáo và từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên cột điện, trụ điện…
Đồng Nai xin ngưng nhận cách ly người từ nước ngoài về
Sợ thiếu phòng và nhân lực phục vụ cách ly, Đồng Nai kiến nghị Quân khu 7 cho ngưng tiếp nhận cách ly công dân từ nước ngoài về.
Công nhân trở về từ Đài Loan được đưa đến cách ly tại huyện Long Thành năm 2020 |
Trong văn bản gửi Quân khu 7 sáng ngày 1/2, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, từ ngày 27/1 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh. Đồng Nai là tỉnh đông dân, nhiều khu công nghiệp với số lượng lao động và người dân quê ở 2 tỉnh trên khá đông nên tình hình dịch phức tạp.
Hiện, Đồng Nai phải tập trung toàn bộ các cơ sở cách ly tập trung và nhân lực để đáp ứng cho việc cách ly người trở về Tỉnh từ các địa phương xuất hiện dịch bệnh. Vì vậy, Tỉnh không còn chỗ để tiếp nhận, cách ly người Việt nhập cảnh.
Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tỉnh này hiện có hơn 1.000 chỗ cách ly dân sự. Số giường này sẽ được ưu tiên cách ly những người liên quan đến các ca Covid-19 trong nước.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai, đến nay Tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức 10 đợt cách ly tập trung tại địa phương cho hơn 3.000 người Việt từ các nước, vùng lãnh thổ gồm: Anh, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Pháp.
TP.HCM giảm gần 56.000 chuyến xe buýt dịp Tết
107 tuyến xe buýt ở TP.HCM bị cắt giảm gần 56.000 chuyến trong dịp Tết Tân Sửu 2021 để phù hợp nhu cầu đi lại.
Xe buýt đón khách tại Bến xe Miền Tây dịp Tết Nguyên đán 2020 |
Theo kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2021 vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) công bố, thời gian điều chỉnh các tuyến xe này từ ngày 2 - 21/2 (tức từ 21/12 - 10/1 âm lịch).
Các tuyến bị giảm chủ yếu đi qua trường học, khu công nghiệp, bến xe... khi nhu cầu đi lại giảm mạnh dịp Tết. Lượng xe giảm nhiều nhất ở ngày 30 và mùng 1 Tết, như tuyến số 150 (Bến xe Chợ Lớn - Ngã ba Tân Vạn) giảm 350 chuyến; số 53 (công viên 23/9 - Hiệp Phước) giảm 200 chuyến; số 3 (Bến Thành - Cộng Hoà - Bến xe An Sương) giảm 156 chuyến... Ngoài ra, 4 tuyến trợ giá 43, 50, 52, 86 và 3 tuyến không trợ giá 60-2, 61-3, 61-8 ngưng hoạt động trong dịp Tết.
Để hạn chế gây xáo trộn trước việc nhiều tuyến bị giảm chuyến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cùng các đơn vị vận tải theo dõi tình hình các đầu bến, lộ trình hoạt động nhằm điều phối, tăng cường xe phù hợp. Trung tâm này cũng tăng cường hơn 380 chuyến ở một số tuyến nhu cầu tăng cao dịp Tết
TP,HCM hiện có hơn 2.200 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến (90 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá).