Bản tin thời sự sáng 22/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ chối cấp phép tòa nhà sân golf đồi Cù Đà Lạt; nhiều công ty chứng khoán lãi đậm; nhiều đường ở Hà Nội có mật độ giao thông vượt 6 - 8 lần thiết kế; khuyến cáo ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết; Bộ Công Thương rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu…

Từ chối cấp phép tòa nhà sân golf đồi Cù Đà Lạt

Sở Xây dựng Lâm Đồng từ chối cấp phép tòa nhà câu lạc bộ golf ở đồi Cù đã xây vượt quy định hơn 17.000 m2 do UBND Tỉnh yêu cầu tháo dỡ.

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Hai công trình xây ở đồi Cù, trong đó toà nhà 4 tầng bên trái hình bị xác định xây không phép, toà mái vòm nằm phía sau xây vượt phép

Nội dung được nêu trong văn bản của Sở Xây dựng vừa trả lời Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Chủ đầu tư Dự án).

Trước đó, sau khi bị phát hiện sai phạm Công ty CP Hoàng Gia ĐL gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tòa nhà câu lạc bộ golf ở đồi Cù. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục vi phạm nên Sở Xây dựng chưa có cơ sở để cấp phép theo thẩm quyền.

Công ty CP Hoàng Gia ĐL là chủ nhiều công trình du lịch ở Đà Lạt bao gồm dự án ở đồi Cù. Hồi tháng 3/2023, chính quyền TP. Đà Lạt phát hiện nhiều vi phạm tại dự án này. Theo đó, một công trình mới được cấp phép tầng hầm, song nhà đầu tư xây thêm 4 tầng nổi, tổng diện tích hơn 17.000 m2. Gần đó còn có cụm công trình nhà vòm xây vượt hơn 3.000 m2 so với quy định.

UBND TP. Đà Lạt đã phạt chủ đầu tư 130 triệu đồng vì hành vi xây không phép, 110 triệu đồng do xây sai phép. Chủ đầu tư phải dừng thi công tại Dự án, hoàn thành thủ tục cấp phép. Chính quyền đưa ra thời hạn 90 ngày để doanh nghiệp khắc phục hậu quả.

Sau đó UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu TP. Đà Lạt xử lý nghiêm các sai phạm ở Dự án, làm rõ trách nhiệm đã buông lỏng quản lý. Chủ đầu tư phải tháo dỡ các công trình sai và không phép trước ngày 25/1, nếu không sẽ bị cưỡng chế trước 25/2.

Nhiều công ty chứng khoán lãi đậm

TCBS, VNDirect, SSI, VPBankS lãi nghìn tỷ đồng, các công ty vốn hóa nhỏ hơn như ACBS, VIX, SHS, BCS… có lợi nhuận tăng vài lần trong năm 2023.

TCBS, VNDirect, SSI, VPBankS lãi nghìn tỷ đồng

TCBS, VNDirect, SSI, VPBankS lãi nghìn tỷ đồng

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty Chứng khoán TCBS dẫn đầu về lợi nhuận với gần 2.400 tỷ đồng sau thuế. Riêng quý cuối năm 2023, doanh nghiệp này lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, số lãi cả năm giảm nhẹ khoảng 1% so với năm 2022. TCBS là đơn vị duy nhất đi lùi trong nhóm lãi nghìn tỷ đồng.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) lần đầu ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng khoảng 2,3 lần so với năm 2022. Mảng tự doanh và cho vay ký quỹ (margin) chiếm phần lớn trong kết quả kinh doanh. VPBankS đang có hơn 12.800 tỷ đồng danh mục tự doanh với 3/4 là các khoản trái phiếu.

Hai công ty chứng khoán SSI và VNDirect nối dài mạch lãi nghìn tỷ đồng ở năm thứ ba liên tiếp. Với mức tăng lần lượt 35% và 48%, lợi nhuận sau thuế của cả hai chỉ đứng sau năm 2021 - thời điểm thị trường chứng khoán đạt đỉnh với nhiều diễn biến thuận lợi. Hoạt động tự doanh và margin có sự cải thiện, chi phí hoạt động được tiết giảm là nhân tố đóng góp chính cho kết quả trên.

Với nhóm các công ty chứng khoán vốn hóa nhỏ hơn, tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 càng mạnh. Chứng khoán Kafi có lãi sau thuế tăng 540% (hơn 6 lần) so với năm 2022, theo sau là Chứng khoán ACBS với mức tăng 408% (tức trên 5 lần). Các công ty như BSC, DSC, SHS, KIS và VIX cùng tăng trên 200%. Nhóm còn lại tăng trên 100% gồm DNSE, CTS và VCBS.

Mẫu số chung cho sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận là hoạt động tự doanh và margin với cán cân nghiêng về những tháng cuối năm. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều rủi ro, bất động sản vẫn "đóng băng", giá vàng biến động mạnh, lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp kỷ lục, chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn hơn hẳn.

Nhiều đường ở Hà Nội có mật độ giao thông vượt 6 - 8 lần thiết kế

Đếm phương tiện trên một số cầu, nút giao thông, tuyến đường quan trọng của Thủ đô bằng phương tiện chuyên dụng cho thấy hàng loạt đường quá tải 6 - 8 lần so với thiết kế.

Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm

Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, đường vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì có lưu lượng giao thông vượt 8 lần thiết kế; phương tiện qua cầu Chuơng Dương vượt 8 lần; đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vượt từ 1,1 - 1,7 lần...

Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Trãi với chiều dài khoảng 3,4 km (điểm đầu tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở - điểm cuối nối với đường Trần Phú, Hà Đông) - một trong những trục giao thông chính của Thủ đô có mật đô giao thông vượt 3,3 - 5,6 lần vào giờ cao điểm.

Đây là tuyến đường huyết mạch phía Tây Nam Thủ đô, kết nối với Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, nhưng hiện có một số điểm quây tôn để thi công hạng mục của Dự án nhà máy nước thải Yên Xá khiến giao thông càng khó khăn.

Sở GTVT cho biết, số điểm ùn tắc của Hà Nội năm 2023 đã giảm 4, từ 37 còn 33. Sở đã xử lý được 15 điểm ùn tắc trong năm, nhưng lại phát sinh thêm 11 điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân là số phương tiện giao thông cá nhân tăng, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chậm, nguồn lực hạn chế, quá tải lưu lượng phương tiện lên hạ tầng giao thông.

Theo thống kê của Sở GTVT, Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện đăng ký, gồm 1,1 triệu ôtô, hơn 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố chỉ đạt 12 - 13% (theo quy hoạch, ít nhất phải đạt 20 - 26%); giao thông tĩnh chưa đạt 1% (theo quy hoạch, phải đạt 3 - 4%).

Khuyến cáo ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết

Ga nội địa Tân Sơn Nhất có thể bị ùn tắc dịp Tết, hành khách phải chờ kiểm tra an ninh và nhận hành lý chậm hơn bình thường, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Dịp Tết năm nay, Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác 17.670 chuyến

Dịp Tết năm nay, Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác 17.670 chuyến

Ngày 20/1, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dịp Tết năm nay, số lượng chuyến bay và hành khách qua các cảng hàng không tăng cao hơn so với năm ngoái, đặc biệt đối với sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay này dự kiến khai thác 17.670 chuyến, bình quân mỗi ngày 570 chuyến, 75.000 hành khách, ngày cao nhất 695 chuyến, 105.000 hành khách.

Sân bay Nội Bài dự kiến khai thác 13.500 chuyến, bình quân mỗi ngày 435 chuyến, 52.000 hành khách, ngày cao nhất 520 chuyến, 70.000 hành khách.

Ngoài ra, các sân bay khác cũng có lượng khách tăng đột biến là Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cát Bi (Hải Phòng), Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khuyến cáo, để tránh quá tải, ùn tắc khu vực sảnh công cộng tại các sân bay lớn, hành khách hạn chế người nhà đưa đón và không đến quá sớm so với giờ khởi hành.

Hành khách làm thủ tục trước thời điểm khởi hành 120 phút với chuyến bay quốc nội và 180 phút với chuyến bay quốc tế…

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 28 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2019, lượng hành khách qua cảng hơn 41,2 triệu. Năm 2022, lượng hành khách đạt 34 triệu, gây quá tải hạ tầng nhà ga, khu bay và không lưu.

Bộ Công Thương rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu

Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải báo cáo về hiện trạng kho, cảng, cửa hàng, đại lý, theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương rà soát điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu

Đề nghị này được Bộ Công Thương gửi tới các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý, điều hành xăng dầu. Việc báo cáo này, theo cơ quan quản lý, nhằm giúp họ nắm thực trạng thực tế việc tuân thủ của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu, các đơn vị kinh doanh xăng dầu báo cáo hiện trạng, việc duy trì và đáp ứng điều kiện về giấy phép kinh doanh xăng dầu, theo các nghị định kinh doanh mặt hàng này (Nghị định 83/2024, Nghị định 95/2022 và Nghị định 80 vào tháng 11/2023).

Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối phải kê khai về điều kiện cầu cảng thuộc sở hữu hoặc thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu; kho tiếp nhận xăng dầu và phương tiện vận chuyển. Các đầu mối cũng phải báo cáo hệ thống phân phối, như số lượng cửa hàng thuộc sở hữu, thuê (từ 5 năm trở lên); đại lý, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền trực thuộc hệ thống của mình.

Ngoài ra, các thương nhân phân phối thì báo cáo về cửa hàng (sở hữu, thuê), đại lý bán lẻ, cửa hàng trực thuộc đơn vị nhận nhượng quyền. Các báo cáo này gửi về Bộ Công Thương trước 30/1.

Trước đó, theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương được nêu ra. Trong hơn 5 năm, Bộ này đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các doanh nghiệp đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch…

Sau khi một số đơn vị bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép do sai phạm, hiện thị trường còn 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu (không gồm đơn vị kinh doanh nhiên liệu hàng không) và khoảng 300 thương nhân phân phối. Bộ Tài chính hôm 19/1 cho biết, gần 1/3 đầu mối xăng dầu đang nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng, khó thu hồi.

Thêm cựu Phó giám đốc Sở Tài chính liên quan Dự án Hạc Thành Tower

Ông Ngô Đình Chén, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính và Trần Công Tỏ, cựu Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp Sở Tài chính, bị khởi tố do liên quan sai phạm tại Dự án Hạc Thành Tower.

Dự án Hạc Thành Tower nằm ở vị trí ngã tư, hiện là tổ hợp thương mại, văn phòng

Dự án Hạc Thành Tower nằm ở vị trí ngã tư, hiện là tổ hợp thương mại, văn phòng

Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của hai bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã được thực hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, ngày 21/1.

Ông Tỏ và ông Chén bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là cựu cán bộ thứ 10 và 11 bị xử lý hình sự tại vụ án này.

Cơ quan điều tra xác định, ông Chén và ông Tỏ giữ vai trò tham mưu song không chỉ đạo Tổ công tác thuộc Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cho UBND tỉnh Thanh Hoá trong quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Sông Mã, năm 2013. Và thực tế, Công ty không xác định giá trị quyền sử dụng đất với khu đất ở số 3 Phan Chu Trinh (địa điểm của Hạc Thành Tower) theo đơn giá sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Gần đây nhất, liên quan vụ án, 29/12/2023, Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trước đó, ngày 21/10/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa…

Khởi tố Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ở Bắc Kạn

Ông Hoàng Quang Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vừa bị cơ quan chức năng bắt giữ về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Hoàng Quang Phú bị cơ quan công an bắt giữ

Ông Hoàng Quang Phú bị cơ quan công an bắt giữ

Ngày 21/1, Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Phú, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Mạc Văn Cầu (SN 1986, trú tại thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể) là Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể vì sai phạm trong xây dựng tuyến đường giao thông Bản Pục (xã Thượng Giáo) – Pác Nghè 1 (xã Địa Linh) huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Mở rộng điều tra, Cơ quan công an đã làm rõ vai trò, hành vi vi phạm của ông Hoàng Quang Phú (SN 1986, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể) là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể trong sai phạm của cán bộ dưới quyền.