Bản tin thời sự sáng 22/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận làTP.HCM dự kiến cấm phân lô bán nền ở 5 huyện; 42% lô đất trúng đấu giá tại Hoài Đức (Hà Nội) chưa được nộp tiền; đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng làm đường vành đai nối TPHCM và Đồng Nai; đất Đà Lạt trong bảng giá mới cao nhất 73 triệu đồng một m2…

TP.HCM dự kiến cấm phân lô bán nền ở 5 huyện

TP.HCM đang lấy ý kiến về việc cấm phân lô bán nền tại Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi và Nhà Bè. Theo đó, chủ đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh nhà ở mới được bán.

Tại 5 huyện của TP.HCM, người dân có thể sẽ không được phân lô bán nền nữa.

Tại 5 huyện của TP.HCM, người dân có thể sẽ không được phân lô bán nền nữa.

Sở Xây dựng TP.HCM đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của UBND TP về việc xác định các khu vực cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cá nhân tự xây dựng nhà ở, thường được gọi là đất phân lô bán nền.

Thực tế, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8, chủ đầu tư không được phân lô bán nền trong các khu vực thuộc phường, quận, TP của TP.HCM.

Đối với các khu vực còn lại, tức 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi và Nhà Bè, UBND TP.HCM sẽ căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư được phân lô bán nền.

Hiện tại, Sở Xây dựng cho biết TP đang xây dựng Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030. Từ nay đến năm 2030, các huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc TP.

Do đó, để thống nhất công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư tại các dự án, tránh tình trạng người dân tự xây dựng sai phép, không đảm bảo quy chế quản lý kiến trúc, tránh phân biệt giữa các dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cấm phân lô bán nền ở cả 5 huyện này.

Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản trên toàn thành phố phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhà ở theo quy định, sau đó mới được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân theo quy định.

Chỉ riêng đối với các dự án có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại 5 huyện, chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

42% lô đất trúng đấu giá tại Hoài Đức (Hà Nội) chưa được nộp tiền

Trong 19 lô đất trúng đấu giá tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, còn 8 thửa chưa được nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khu đất đấu giá Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức nằm sát với dự án vành đai 4 nhìn từ trên cao

Khu đất đấu giá Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức nằm sát với dự án vành đai 4 nhìn từ trên cao

Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trong báo cáo tình hình triển khai Luật Đất đai gửi đại biểu Quốc hội.

Báo cáo nêu sau khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, nhiều phiên đấu giá tại một số địa phương gây xôn xao dư luận khi giá trúng chênh lệch rất lớn so với khởi điểm. Sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ cho biết một số phiên có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.

Dẫn chứng tại huyện Hoài Đức, trong 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên trúng đấu giá cuối tháng 8, có 8 thửa chưa được nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế. Tỷ lệ này chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá.

Phiên đấu giá này từng gây xôn xao dư luận vì kéo dài khoảng 18 giờ, trải qua 10 vòng trả giá với mức trúng cao nhất hơn 130 triệu đồng một m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Tương tự tại Thanh Oai, vẫn còn 56 trên 68 thửa đất trúng đấu giá ở xã Thanh Cao chưa được nộp tiền, tương đương tỷ lệ 80%. Chỉ có 13 lô hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.

Đây cũng là một trong những phiên đấu giá vùng ven gây xôn xao thị trường trong tháng 8. Bởi số lượng hồ sơ đăng ký lên đến 4.600 hồ sơ với hơn 1.500 người, tương đương một thửa đất có hơn 22 người quan tâm. 68 lô đất được bán thành công với giá gấp 5-8 lần khởi điểm, cao nhất đạt trăm triệu đồng một m2.

Thời hạn nộp tiền sử dụng đất của hai phiên đấu giá trên được áp dụng theo Nghị định 126/2020. Cụ thể, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo nộp tiền, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Một nửa còn lại phải nộp chậm nhất trong 60 ngày tiếp theo.

Như vậy, người trúng có thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận thông báo nộp tiền để hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ tiền, kết quả trúng đấu giá sẽ bị huỷ, người trúng bị mất khoản tiền đặt cọc, tương đương 20% giá khởi điểm của lô đất.

Đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng làm đường vành đai nối TPHCM và Đồng Nai

Dự án đường vành đai 4 - TPHCM qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng.

Điểm cuối tuyến Vành đai 4 TPHCM qua Đồng Nai tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.

Điểm cuối tuyến Vành đai 4 TPHCM qua Đồng Nai tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu.

Ngày 21/10, theo thông tin UBND tỉnh Đồng Nai, khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường vành đai 4 – TPHCM qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hơn 24.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh hơn 10.000 tỉ đồng, còn chi phí để xây dựng đường vành đai 4 - TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là khoảng 14.000 tỷ đồng.

Dự án Đường vành đai 4 - TPHCM có tổng chiều dài gần 207 km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM.

Trong đó, dự án Đường vành đai 4 - TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài hơn 45km, điểm đầu tại xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ (giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cầu Thủ Biên, huyện Vĩnh Cửu (giáp ranh tỉnh Bình Dương).

Dự án Đường vành đai 4 - TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm có 2 dự án thành phần: Dự án Thành phần 1-2 (giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh) và Dự án Thành phần 2-2 (xây dựng đường vành đai 4 – TPHCM).

Giai đoạn phân kỳ 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25,5m. Dự án được đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hiện nay, Chính phủ đã giao UBND TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Đất Đà Lạt trong bảng giá mới cao nhất 73 triệu đồng một m2

Đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu Hòa Bình có giá đất gần 73 triệu đồng một m2 theo bảng giá mới, cao hơn 30% so với trước đây.

Khu vực hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt.

Khu vực hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành bảng giá điều chỉnh các loại đất giai đoạn 2020-2024, áp dụng từ ngày 17/10 đến hết năm 2025.

Với đất ở TP Đà Lạt, mức cao nhất trong bảng giá thuộc về đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu Hòa Bình (cả khu vực bến xe nội thành) ở phường 1, đạt gần 73 triệu đồng mỗi m2, tăng 30% so với bảng giá cũ.

Một số tuyến đường lân cận như Ba Tháng Hai đạt 68,4 triệu đồng một m2, tăng hơn 40% so với cũ. Tiếp đó là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Phan Đình Phùng đều tăng gấp đôi, lần lượt là 61 triệu đồng và 66 triệu đồng một m2. Hay đường Trần Quốc Toản (bao quanh hồ Xuân Hương) có giá hơn 43 triệu đồng một m2, tăng 30%.

Mức giá thấp nhất là 2,1 triệu đồng mỗi m2, thuộc tuyến đường cuối đèo Tà Nùng, tăng gấp đôi so với bảng giá cũ. Một số đường cũng có giá quanh mức 2-3 triệu đồng một m2 như Tự Tạo, Lương Định Của (đoạn cuối đường Cầu xóm Hố)...

Còn đất nông nghiệp, mức cao nhất tại Đà Lạt đạt 1,2 triệu đồng mỗi m2 với vị trí một, thấp nhất là 125.000 đồng.

Tương tự, tại TP Bảo Lộc, giá đất ở nhiều vị trí cũng tăng mạnh so với bảng giá cũ. Giá đất ở đô thị cao nhất đạt 35 triệu đồng một m2, thuộc đường Lê Hồng Phong (đoạn từ sau Kim Đồng đến Trần Phú), phường 1, tăng 80% so với cũ.

Với những hồ sơ phát sinh trước quyết định trên nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành và địa phương căn cứ theo bảng giá đất điều chỉnh.

Hơn 1.000 căn hộ phục vụ tái định cư tại Quận 8 (TP.HCM) bị bán ra thị trường

1.064 căn hộ tái định cư phục vụ chỉnh trang đô thị, kênh rạch ở Quận 8 bị bán thương mại ra thị trường, vi phạm quy định, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM.

Hai bờ kênh Đôi quận 8 chờ giải tỏa để chỉnh trang đô thị

Hai bờ kênh Đôi quận 8 chờ giải tỏa để chỉnh trang đô thị

Nội dung vừa được Thanh tra TP.HCM kết luận khi thanh tra dự án Khu công viên Văn hóa - Du lịch, thể thao Đồng Diều ở Quận 8 do Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ - xây dựng - kinh doanh nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư.

Dự án nói trên quy mô 15,7 ha, được UBND TP.HCM chấp thuận năm 2011, với mục tiêu chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch... Toàn dự án gồm ba dự án thành phần gồm: Công viên văn hóa, du lịch, thể thao (9,6 ha); trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ để chủ đầu tư thu hồi vốn (4 ha); chung cư tái định cư (2,04 ha).

Đối với dự án tái định cư quy mô 6 toà nhà (1.462 căn hộ, hơn 4.500 người ở), hiện 4 tòa đã hoàn thành. Theo yêu cầu của UBND TP.HCM trước khi dự án triển khai, số căn hộ này bố trí cho người dân bị giải tỏa, ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên từ năm 2014, chủ đầu tư phối hợp với đơn vị nhà đất bán căn hộ ra thị trường. Cụ thể 1.064 căn tại dự án được mua bán không đúng đối tượng, không tuân thủ quy định bán nhà hình thành trong tương lai tại 2/4 tòa chung cư.

Tuy vậy trong các phụ lục kết luận của Thanh tra thành phố cũng nêu một phần lý do Công ty Vạn Thái phân phối căn hộ tái định cư ra thị trường. Trước đó, UBND TP.HCM có công văn yêu cầu sau khi giải quyết hết số lượng tái định cư ở dự án Khu công viên Văn hóa - Du lịch, thể thao Đồng Diều, chủ đầu tư cần chuyển nhượng số căn hộ dôi dư thuộc dự án cho UBND Quận 8 để giải quyết các dự án tái định cư khác tại địa bàn.

Tháng 4/2014 Công ty Vạn Thái có văn bản gửi UBND Quận 8 đề nghị "chốt" số lượng căn hộ tái định cư cần mua (giá dự kiến 15-16 triệu đồng mỗi m2), kế hoạch chi trả để tiến hành xây dựng. Với căn hộ dôi dư, công ty sẽ bán ra thị trường.

Trong văn bản cuối cùng, UBND quận 8 cho biết chưa có nguồn vốn đăng ký mua lại quỹ nhà dôi dư nên đồng ý để Vạn Thái bán ra thị trường. Mục đích để chủ đầu tư thu hồi vốn, bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn dự án...

Thanh tra TP.HCM kết luận UBND Quận 8 chấp thuận cho Công ty Vạn Thái bán kinh doanh căn hộ tái định cư khi không báo cáo, xin ý kiến UBND thành phố là chưa thực hiện đúng chỉ đạo....

Hơn 100 triệu cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch

Chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm nay khiến cổ phiếu LTG chỉ được giao dịch duy nhất vào phiên thứ 6 trên sàn UPCoM.

Hơn 100 triệu cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch. Ảnh minh họa

Hơn 100 triệu cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch. Ảnh minh họa

Theo thông báo mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định hạn chế giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG). Từ ngày 24/10, hơn 100 triệu cổ phiếu này chỉ được mua - bán vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM. Trong 15 ngày sau đó, LTG phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét quá 45 ngày kể từ thời hạn quy định.

Trước đó hồi đầu tháng 8, Lộc Trời xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II với lý do gặp phải các sự kiện bất khả kháng và cần ổn định dòng vốn sản xuất kinh doanh. Công ty cho biết toàn bộ nhân sự đang phải tập trung xử lý các vấn đề tài chính cấp bách.

Việc công bố báo cáo tài chính bị hoãn do những thay đổi về nhân sự cấp cao. Lãnh đạo công ty cho biết đại hội cổ đông diễn ra muộn hơn mọi năm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện báo cáo tài chính quý II. Công ty hy vọng Ủy ban Chứng khoán (SSC) chấp thuận việc tạm hoãn công bố báo cáo này đến ngày 30/8. Tuy nhiên đến nay, Lộc Trời vẫn chưa công bố. Còn ở quý đầu năm, LTG lỗ 96 tỷ đồng sau thuế dù doanh thu tăng 57% so với cùng kỳ 2023.

Doanh nghiệp này cũng vừa trải qua đợt biến động ở thượng tầng. Ông Nguyễn Tấn Hoàng, nguyên kế toán trưởng LTG, vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ tuần trước. Quyết định này diễn ra sau khi ông Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm khỏi chức vụ trên vào tháng 7.

Hà Tĩnh chuyển công an điều tra chủ mỏ đất khai thác lấn thêm 1,6ha

Do khai thác ngoài ranh giới mỏ, vượt quá công suất quy định, sai phạm hơn 6 tỷ đồng, Công ty Hòa Bình ở Hà Tĩnh bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mỏ đất Động Ván

Mỏ đất Động Ván

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính trong khai thác khoáng sản tới Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Xây dựng Hòa Bình, do ông Trần Xuân Thoại, làm giám đốc.

Trước đó, Sở TN&MT tỉnh có báo cáo gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng về việc Công ty Hòa Bình khai thác vượt quá 100% công suất được cấp phép đối với mỏ đất Động Ván (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh).

Công ty Hòa Bình được cấp phép ngày 27/12/2019, để khai thác mỏ đất san lấp núi Động Ván, với diện tích 10ha, trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác 1.658.850m³, công suất khai thác 95.000m³ nguyên khai/năm, thời hạn 18 năm.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng xác định Công ty Hòa Bình đã thực hiện khai thác khoáng sản sai với giấy phép được cấp.

Cụ thể, Công ty Hòa Bình đã khai thác vượt ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) với tổng diện tích hơn 16.000m2, khối lượng đất đào ở khu vực ngoài ranh giới mỏ được cấp khoảng hơn 142.000 m³ ở thể tự nhiên.

Ước tính, số lượng đất khai thác ngoài ranh giới trị giá 6,3 tỷ đồng, có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự.