Bản tin thời sự sáng 22/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quảng Bình hoãn tổ chức đại hội Đảng bộ tỉnh; Quy trình mới nhập cảnh ngắn ngày, không cách ly tập trung Việt Nam - Nhật Bản; Khánh Hòa loại bốn dự án thủy điện; làm đường tạm trên Quốc lộ 12A bị nứt gãy…

Quảng Bình hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 17 dự kiến tổ chức từ ngày 21 đến 23/10, được hoãn để tập trung ứng phó mưa lũ.

Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chìm trong nước lũ

Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chìm trong nước lũ

Ngày 21/10, ông Phan Thanh Cường, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết, việc tổ chức Đại hội Đảng bộ Tỉnh sẽ được dời vào cuối tháng 10.

Những ngày qua, Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã phân công các cán bộ cốt cán về địa bàn chỉ đạo chống lũ; cử lực lượng vũ trang làm nhiệm cứu hộ, sơ tán người dân.

Hiện 95.000 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị ngập; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua tỉnh này còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh chia cắt.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (dự kiến diễn ra từ 15/10 đến hết ngày 17/10).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế sẽ quyết định thời gian tổ chức lại Đại hội Đảng bộ Tỉnh sau, theo chỉ đạo của Trung ương.

Quy trình mới nhập cảnh ngắn ngày, không cách ly tập trung Việt Nam - Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất về việc áp dụng quy trình đi lại ngắn ngày (còn gọi là quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước), không phải cách ly tập trung từ ngày 1/11/2020.

Công dân Việt Nam chuẩn bị lên một chuyến bay đi Nhật Bản vào tháng 9/2020

Công dân Việt Nam chuẩn bị lên một chuyến bay đi Nhật Bản vào tháng 9/2020

Trên cơ sở có đi có lại, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất về việc áp dụng quy trình đi lại ngắn ngày (còn gọi là Quy chế đi lại ưu tiên cho người từ Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam dưới 14 ngày và Business track cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản) từ ngày 1/11/2020.

Quy trình này cho phép các trường hợp ưu tiên của một bên nhập cảnh bên kia với thời hạn lưu trú ngắn ngày để thực hiện một số hoạt động như đầu tư, thương mại, lao động kỹ thuật cao, ngoại giao, công vụ… mà không phải cách ly tập trung.

Để đảm bảo việc phòng chống dịch, trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2 và tiến hành theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ. Sau khi nhập cảnh, người nhập cảnh sẽ tiếp tục phải xét nghiệm, kiểm tra và theo dõi sức khỏe thường xuyên và chỉ được thực hiện các hoạt động theo chương trình làm việc đã được cơ quan có thẩm quyền của Bên tiếp nhận phê duyệt.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản sẽ hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, nguyên tắc và các bước thực hiện Quy trình đi lại ngắn ngày giữa hai bên.

Khánh Hòa loại 4 dự án thủy điện

UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định loại 4 thủy điện khỏi quy hoạch do các dự án này tác động nhiều diện tích rừng, ảnh hưởng xấu môi trường.

Một góc hồ chứa nước nhà máy thủy điện Ea Krong Rou, thị xã Ninh Hòa

Một góc hồ chứa nước nhà máy thủy điện Ea Krong Rou, thị xã Ninh Hòa

Theo Chủ tịch UBND Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, 4 dự án bị đưa ra khỏi quy hoạch thực hiện thủy điện của Tỉnh gồm: Sông Trang (công suất 5MW, huyện Khánh Vĩnh), Khánh Thượng (18 MW, huyện Khánh Vĩnh), Sông Cái (2 MW, thị xã Ninh Hòa) và Hoa Sơn (4MW, huyện Vạn Ninh).

Quyết định thu hồi thỏa thuận đầu tư 4 dự án nói trên được thực hiện sau khi UBND Tỉnh rà soát, xem xét đề xuất không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn của Sở Công Thương. 4 dự án được cho hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng lớn (trung bình khoảng 200 ha mỗi dự án), chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng ký.

Với việc loại 4 dự án ra khỏi quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa có 3 nhà máy thủy điện đang vận hành gồm: Ea Krong Rou (công suất 28 MW) ở thị xã Ninh Hòa; Sông Giang (37 MW) và Sông Chò 2 (37 MW) đều ở huyện Khánh Vĩnh và dự án Sông Giang 1 (12 MW) ở huyện Khánh Vĩnh đang xây dựng. Các dự án được chính quyền tỉnh xác định đạt các tiêu chí môi trường, không gây ngập khu dân cư, không nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia, khu rừng nguyên sinh...

Phi công liên tục bị chiếu laser khi cất-hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Từ đầu tháng 10 đến nay, có 4 vụ tổ lái bị chiếu đèn laser vào tàu bay trong quá trình cất/hạ cánh, xảy ra tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Phi công liên tục bị chiếu tia laser khi cất-hạ cánh Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Phi công liên tục bị chiếu tia laser khi cất-hạ cánh Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Sự việc xảy ra mới đây nhất với chuyến bay chở hàng mang số hiệu CV6289 của Hãng hàng không Cargolux Airlines (Luxembourg) tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Theo đó, cơ trưởng sau khi điều hành chuyến bay từ Bahrain đến Hà Nội đã báo cáo về việc bị chiếu tia laser vào buồng lái khi đang bay ở độ cao khoảng 2.000m.

Ngay sau khi nhận thông tin, Sở chỉ huy khẩn nguy, Trung tâm điều hành sân bay Nội Bài đã thông báo cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Phòng an ninh đối nội Công an Hà Nội điều tra làm rõ vụ việc.

Ngày 7/10, chuyến bay VJ 168 của Vietjet từ TP.HCM đi Hà Nội cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất gần 3km cũng bị tia laser chiếu thẳng vào buồng lái.

Hôm 9/10, cơ trưởng chuyến bay VN1401 của Vietnam Airlines từ Đồng Hới đi TP.HCM cũng báo cáo bị tia laser từ sân golf chiếu lên buồng lái khi máy bay vào hạ cánh ở đường băng 25L của sân bay Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết hành vi chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất, hạ cánh làm ảnh hưởng tới thao tác của phi công, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay.

Quảng Bình: Làm đường tạm trên Quốc lộ 12A bị nứt gãy

Đơn vị thi công sẽ giảm khối lượng đất sạt lở và làm đường tạm dài 450 m để thay thế đoạn Quốc lộ 12A bị hư hỏng.

Đoạn quốc lộ 12A bị sạt trượt, đứt gãy

Đoạn quốc lộ 12A bị sạt trượt, đứt gãy

Ngày 21/10, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình đã khảo sát đoạn nứt gãy trên Quốc lộ 12A từ Khe Ve đi cửa khẩu Cha Lo và đưa ra phương án xử lý.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho biết, các đơn vị đã thống nhất phương án hạ tải khối đất bị sạt trượt và gia cố nền đường bằng rọ đất để không tiếp tục trượt, sau đó làm đường tạm bên cạnh đường chính tuyến để thông xe. Dự kiến làm đường tạm mất 15 ngày nếu thời tiết, địa chất ổn định, không xảy ra sạt lở thêm trong khu vực.

Tối 19/10, do mưa lớn, một quả đồi với khối lượng gần một triệu m3 đất đã sạt xuống lấp kín mặt Quốc lộ 12A đoạn gần cửa khẩu Cha Lo, khoảng 450 m đường bị trồi sụt, nứt vỡ toàn bộ và 100 m đường bị tụt xuống suối.

Vinasun cắt giảm hơn 1.300 nhân viên

Vinasun tiết kiệm khoảng 44 tỷ đồng chi phí nhân công so với cùng kỳ nhờ cắt giảm 1.300 người trong 9 tháng đầu năm.

Vinasun cắt giảm hơn 1.300 nhân viên trong 9 tháng đầu năm

Vinasun cắt giảm hơn 1.300 nhân viên trong 9 tháng đầu năm

Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết, đến cuối tháng 9 còn hơn 4.480 nhân viên, giảm 1.300 người so với cuối năm ngoái. Số lượng nhân viên giảm mạnh nhất trong hai quý đầu năm, đều trên 500 người mỗi quý.

Trong báo cáo trước đó, ban lãnh đạo Vinasun cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là sắp xếp, tái cấu trúc nhằm tinh giản bộ máy quản lý và kinh doanh theo hướng gọn nhẹ. Công ty cũng tính đến việc thanh lý và bán trả chậm cho tài xế khoảng 1.100 chiếc xe để kinh doanh theo hình thức thương quyền.

Việc cắt giảm giúp Vinasun tiết kiệm bình quân 5 tỷ đồng mỗi tháng. Tổng chi phí nhân công trong 9 tháng đầu năm chỉ xấp xỉ 80 tỷ đồng, giảm hơn 44 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ giúp Vinasun thoát khỏi tình trạng ảm đạm vì dịch bệnh tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh. Riêng quý III, doanh số giảm gần 55% xuống còn 220 tỷ đồng và lỗ sau thuế 57 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp Công ty kinh doanh dưới giá vốn, nâng lỗ luỹ kế 9 tháng lên 185 tỷ đồng.