Bản tin thời sự sáng 22/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vận hành thương mại từ 22/12; Việt Nam đề nghị công dân ở Ukraine sẵn sàng phương án sơ tán; sẽ tự động hoàn thuế thu nhập cá nhân từ năm 2025; một khách hàng người Hà Nội trúng đấu giá 6 ô tô cũ của Văn phòng Chính phủ…

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vận hành thương mại từ 22/12

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 100% khối lượng thi công, dự kiến khai thác vận hành chính thức vào 22/12.

Tuyến metro số 1 tại TP.HCM dự kiến khai thác vận hành từ 22/12

Tuyến metro số 1 tại TP.HCM dự kiến khai thác vận hành từ 22/12

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra chiều 21/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã có văn bản trả lời về tiến độ thực hiện Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Theo đó, MAUR cho biết, đơn vị đã tập trung toàn bộ nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết khó khăn, vướng mắc của Dự án. Đến nay, Dự án đã hoàn thành 100% khối lượng thi công.

Hiện MAUR đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành thương mại dự kiến từ 22/12 năm nay.

MAUR và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) đang phối hợp để chuẩn bị cho công tác vận hành và khai thác tuyến đường sắt metro số 1 với các hoạt động như đào tạo nhân sự, nghiệm thu, bàn giao, vận hành thử nghiệm và triển khai kế hoạch khai thác hiệu quả tuyến metro số 1.

Bên cạnh đó, 2 đơn vị cũng đang tham mưu để phê duyệt Đề án thí điểm khai thác một số tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị TP.HCM, đảm bảo Dự án được vận hành hiệu quả và bền vững.

Sáng 21/11, UBND TP.HCM đã chính thức chốt giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng của tuyến metro số 1.

Theo đó, đối với khách dùng tiền mặt, giá vé tàu cho mỗi lượt thấp nhất là 7.000 đồng, cao nhất là 20.000 đồng, tùy quãng đường di chuyển. Riêng khách hàng mua vé không dùng tiền mặt, giá vé thấp nhất là 6.000 đồng/lượt và cao nhất 19.000 đồng mỗi lượt…

Trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM sẽ theo dõi, giám sát doanh thu bán vé, làm cơ sở để đặt hàng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện trên tuyến metro số 1.

Việt Nam đề nghị công dân ở Ukraine sẵn sàng phương án sơ tán

Việt Nam khuyến cáo công dân ở Ukraine thường xuyên cập nhật thông tin, sẵn sàng sơ tán khỏi nơi nguy hiểm khi xung đột có nguy cơ leo thang.

Lực lượng cứu hộ Ukraine dọn dẹp mảnh vỡ tại một tòa nhà bị tập kích UAV ở Kiev ngày 7/11. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Ukraine dọn dẹp mảnh vỡ tại một tòa nhà bị tập kích UAV ở Kiev ngày 7/11. Ảnh: AFP

"Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ukraine cần sẵn sàng phương án tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa khu vực nguy hiểm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong họp báo hôm nay, khi được hỏi về xung đột leo thang ở Ukraine.

Bà Hằng đề nghị người Việt tại Ukraine thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo của chính quyền sở tại hoặc Bộ Ngoại giao hay cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để phản ứng kịp thời, đồng thời giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn, đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Để được hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, công dân có thể liên hệ với đường dây nóng bảo hộ công dân.

Xung đột Nga - Ukraine gần đây leo thang sau khi Mỹ ngày 17/11 gỡ rào, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do nước này chuyển giao để tập kích các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ukraine sau đó được cho là đã phóng khoảng 8 tên lửa ATACMS và ít nhất 10 tên lửa hành trình Storm Shadow vào lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS đã mở ra "giai đoạn mới trong cuộc chiến của phương Tây nhằm vào Nga", đồng thời tuyên bố nước này sẽ đáp trả tương xứng. Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua hàng loạt điều chỉnh về học thuyết vũ khí hạt nhân Nga, cho phép dùng vũ khí nguyên tử nếu Nga bị không kích quy mô lớn.

Đại sứ quán một số nước như Mỹ, Hy Lạp ở Kiev đã thông báo đóng cửa hôm 20/11 để đề phòng nguy cơ Nga tiến hành các cuộc tập kích quy mô lớn.

Rạng sáng 21/11, không quân Ukraine cho biết lực lượng Nga đã tấn công các doanh nghiệp và hạ tầng thiết yếu ở thành phố Dnipro bằng nhiều loại tên lửa, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ tỉnh Astrakhan. Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một ICBM được khai hỏa trong xung đột.

Sẽ tự động hoàn thuế thu nhập cá nhân từ năm 2025

Ứng dụng kê khai thuế điện tử đang được nâng cấp, dự kiến tự động hỗ trợ khâu quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm sau.

Người dân tải ứng dụng eTax của Tổng cục Thuế, để tra cứu thông tin nộp, hoàn thuế

Người dân tải ứng dụng eTax của Tổng cục Thuế, để tra cứu thông tin nộp, hoàn thuế

Thông tin được lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết tại một sự kiện ngày 21/11. Theo đó, cơ quan này đang xây dựng chức năng "tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân gợi ý" trên các ứng dụng (app) eTax Mobile, để hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử.

Tức là, ứng dụng này sẽ hỗ trợ người nộp thuế tạo tờ khai thuế dựa vào dữ liệu từ doanh nghiệp - nơi trả thu nhập cho người nộp thuế, thay vì họ phải tự tổng hợp thông tin kê khai như hiện tại.

Sau đó, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng, tự động hỗ trợ việc quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp. Dự kiến, việc này triển khai đầu năm sau, trước kỳ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm 2024.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, việc hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động sẽ giúp đơn giản các bước thủ công, xử lý hồ sơ, khi lượng người nộp thuế cá nhân hàng năm phải quyết toán, hoàn thuế rất lớn.

Ngoài hoàn thuế, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, nhà chức trách cũng xây dựng cổng thông tin điện tử dành cho cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Cơ quan thuế sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm soát doanh thu, mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Công cụ này sẽ phân tích thông tin hóa đơn điện tử, xác định các rủi ro về lập hóa đơn giả hoặc mua bán chứng từ khi xét hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ứng dụng AI cũng được dùng trong phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhằm xác định các hành vi không kê khai, trốn thuế.

Một khách hàng người Hà Nội trúng đấu giá 6 ô tô cũ của Văn phòng Chính phủ

Sáng 21/11, một người dân ở Hà Nội trúng đấu giá trực tuyến cả lô 6 ô tô Land Cruiser, Camry biển xanh 80B đã qua sử dụng của Cục Hành chính - Quản trị II, Văn phòng Chính phủ.

Một trong 4 xe ô tô Land Cruiser vừa đấu giá thành công

Một trong 4 xe ô tô Land Cruiser vừa đấu giá thành công

Cuộc đấu giá trực tuyến 6 ô tô (4 xe Land Cruiser và 2 xe Toyota Camry) biển xanh 80B thuộc sở hữu của Cục Hành chính - Quản trị II, Văn phòng Chính phủ diễn ra sáng 21/11, do Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt thực hiện.

Từ mức khởi điểm 1,36 tỷ đồng/6 xe (chưa bao gồm các loại thuế, phí sang tên), trải qua nhiều vòng trả giá, một cá nhân ở Hà Nội đã trúng đấu giá với số tiền 1,91 tỷ đồng.

Người trúng đấu giá phải chịu các khoản thuế, phí và lệ phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Biển số 80B của các ô tô trên sẽ được cơ quan chức năng thu hồi lại theo quy định pháp luật khi thay đổi chủ sở hữu.

Theo công ty đấu giá, sáng 22/11 sẽ tiếp tục đấu giá trực tuyến 13 ô tô đã qua sử dụng thuộc sở hữu của Cục Quản trị - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý (đấu giá từng xe).

13 ô tô này mang nhãn hiệu Toyota Altis, Toyota Camry, Ford Mondeo, Ford Escape, Mitsubishi… với giá khởi điểm 42 - 104 triệu đồng/xe.

TP.HCM thực hiện chi trả bồi thường dự án Vành đai 2

Dự án Vành đai 2 ảnh hưởng tới 1.166 hộ dân, với số tiền bồi thường khoảng 7.600 tỷ đồng; khu vực mặt tiền đường Phạm Văn Đồng là nơi có giá bồi thường cao nhất với 111,5 triệu đồng/m2.

Phối cảnh đoạn 2 - Vành đai 2

Phối cảnh đoạn 2 - Vành đai 2

Liên quan đến vấn đề bồi thường Dự án Vành đai 2, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tổ chức chiều 21/11, ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức cho biết UBND thành phố Thủ Đức đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó có đơn giá bồi thường.

Đa số các hộ dân đều thống nhất chủ trương thực hiện dự án và có kiến nghị xem xét lại đơn giá bồi thường của một số vị trí chưa phù hợp.

UBND thành phố Thủ Đức có tiếp thu và đề nghị đơn vị tư vấn khảo sát lại hiện trạng, thu thập thêm thông tin giao dịch chuyển nhượng từ văn phòng đăng ký đất đai, thông tin từ người dân cung cấp, vận dụng tối đa các quy định để rà soát điều chỉnh một số vị vị trí cho phù hợp.

Để đảm bảo tiến độ Dự án và giải ngân vốn đầu tư công, hiện nay, các phòng, ban tham mưu có liên quan đang làm việc khẩn trương nhằm hoàn tất hồ sơ bồi thường. Dự kiến, UBND thành phố Thủ Đức sẽ thực hiện giải ngân vốn để bắt đầu chỉ trả cho các hộ dân trong tháng 12/2024.

Dự án Vành đai 2 ảnh hưởng tới 1.166 hộ dân, với số tiền bồi thường khoảng 7.600 tỷ đồng. Theo đơn giá bồi thường, khu vực mặt tiền đường Phạm Văn Đồng là nơi có giá cao nhất với 111,5 triệu đồng/m2.

Vị trí có giá bồi thường thấp nhất là đất trong hẻm từ 100m2 trở lên trên đường số 4, đường số 8, đường số 11 (phường Trường Thọ) với 28,3 triệu đồng/m2; đường số 22 (phường Phước Long B), đường 79 (phường Phước Long B) có giá hơn 26,4 triệu đồng/m2.

Hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp Bình Thuận

Bình Thuận trao giấy phép cho hai nhà đầu tư gồm Công ty NeoSCM Limited và Công ty TNHH Aurawood Bình Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và Khu công nghiệp Tân Đức.

Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án quy mô 2.300 tỷ đồng (Hình minh họa KCN Tân Đức)

Bình Thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án quy mô 2.300 tỷ đồng (Hình minh họa KCN Tân Đức)

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy công nghiệp Neotek Việt Nam tại KCN Hàm Kiệm II - Bita’s và Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn, các sản phẩm nội thất gỗ tự nhiên tại KCN Tân Đức.

Dự án Nhà máy công nghiệp Neotek Việt Nam của Công ty NeoSCM Limited có vốn đăng ký đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng (tương đương 88 triệu USD), triển khai trên diện tích 13,238 ha tại KCN Hàm Kiệm II thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết, Neotek Việt Nam là nhà máy sản xuất đĩa phanh xe cơ giới các loại với quy mô công suất khoảng 120.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án sẽ được triển khai đầu tư trong quý IV năm 2024 và hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2027.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy sản xuất ván sàn và các sản phẩm nội thất gỗ tự nhiên của Công ty TNHH Aurawood Bình Thuận có vốn đăng ký đầu tư hơn 100 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 1,5 ha tại KCN Tân Đức, huyện Hàm Tân. Nhà máy này có quy mô công suất đạt 50.000 m2 gỗ ván sàn và 6.000 m3 gỗ các loại/năm. Dự án sẽ được triển khai đầu tư từ quý IV năm 2024 và hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh trong năm 2026.

Xuất khẩu rau quả thu kỷ lục hơn 6,6 tỷ USD trong 11 tháng năm nay

Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính trong 11 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả đạt hơn 6,6 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD/năm.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 11 tháng qua

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 6,6 tỷ USD trong 11 tháng qua

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đây là số liệu tính toán dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, trong tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt sơ bộ 445 triệu USD, giảm 14% so với tháng trước nhưng vẫn tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ước tính trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt sơ bộ hơn 6,6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD/năm.

Trung Quốc vẫn là thị trường mua rau quả Việt nhiều nhất, gần 4,1 tỷ USD trong 10 tháng. Mức này tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Với ngành rau quả, đây cũng là con số rất ấn tượng, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vượt 4 tỷ USD. Con số này đã vượt xa kỷ lục xuất khẩu đạt được trong cả năm ngoái là 3,6 tỷ USD riêng tại thị trường Trung Quốc.

Các thị trường lớn khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu rau quả cao như Mỹ tăng 35%, Hàn Quốc tăng 41% và Thái Lan tăng 70%. Trong khi đó, Hà Lan là thị trường duy nhất Việt Nam bị sụt giảm giá trị xuất khẩu rau quả tới 26%.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, sầu riêng vẫn là động lực chính để xuất khẩu rau quả Việt Nam cán mốc kỷ lục. Loại quả này hiện chiếm tới hơn 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng và Trung Quốc là thị trường mua nhiều loại quả này nhất.

Ngoài sầu riêng, nhiều loại rau quả xuất khẩu chủ lực khác như nhãn, dừa, xoài, mít… cũng tăng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (VITIC) dự báo, tháng còn lại của năm nay, chỉ cần duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 500 triệu USD/tháng thì xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ dễ dàng vượt mốc 7 tỷ USD.

TP.HCM cần 63.000 lao động dịp cuối năm

Nhu cầu nhân lực tại TP.HCM trong những tháng cuối năm dự kiến có nhiều chuyển biến tích cực, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 63.000 lao động.

TP.HCM cần 63.000 lao động dịp cuối năm

TP.HCM cần 63.000 lao động dịp cuối năm

Tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM chiều 21/11, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, thị trường lao động tại TP.HCM đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2024.

Dự kiến, các doanh nghiệp sẽ cần khoảng 63.000 lao động, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu chủ yếu tập trung vào các ngành bán lẻ, thương mại, logistics, chế biến thực phẩm… với nhiều vị trí dành cho lao động phổ thông, thời vụ và sinh viên mới ra trường.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử tiếp tục tuyển dụng để hoàn thành đơn hàng cuối năm, dù chịu ảnh hưởng từ việc giảm đơn hàng hoặc trì hoãn từ thị trường quốc tế.

Nhằm giám sát tình hình chi trả lương, thưởng Tết và ổn định quan hệ lao động dịp Tết 2025 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động TP.HCM và các đơn vị có liên quan, kiến nghị doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động trong dịp Tết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tổ chức 2 đoàn khảo sát trực tiếp tại 20 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, ưu tiên các doanh nghiệp khó khăn hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động, đình công trong năm 2024.

Còn 143.000 thuê bao 2G Only đang bị khóa 2 chiều vì chưa chuyển lên 4G

Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến thời điểm này chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G và những thuê bao này đang bị khóa 2 chiều.

Hiện chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G

Hiện chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đến hạn chót là ngày 15/10/2024, các nhà mạng còn 225.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G. Đến ngày 16/10/2024, những thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G đã bị khóa 2 chiều. Nhưng hiện chỉ còn 143.000 thuê bao 2G Only chưa chuyển lên 4G và những thuê bao này đang bị khóa 2 chiều. Nhà mạng có số lượng thuê bao 2G Only chuyển đổi lên 4G nhiều nhất là Viettel, sau đó lần lượt là VNPT và MobiFone.

Theo thống kê của Cục Viễn thông tại thời điểm tháng 1/2024, các nhà mạng còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G Only. Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, số lượng khách hàng chuyển sang 4G đã tăng rất mạnh.

Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện; vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.

Còn đối với Chính phủ, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.

Hiện nay 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào năm 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng vào năm 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G. Điều này cho thấy, việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào năm 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào năm 2026 và dừng 3G vào năm 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới.