Bản tin thời sự sáng 22/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chính thức điều chỉnh cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; hơn 2.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng; hút thành công 2.000 lít dầu tàu chìm ở biển Mũi Né; dùng 28 công ty “ma” mua bán trái phép hơn 1.555 tỷ đồng hóa đơn…

Chính thức điều chỉnh cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Thi công dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Cụ thể, Bộ GTVT tiến hành cập nhật, điều chỉnh một số giải pháp thiết kế và thiết kế cơ sở của Dự án cho phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện; điều chỉnh hình thức đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng và thiết bị 3.193,2 tỷ đồng; chi phí GPMB, tái định cư 1.494 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 328,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng (không bao gồm GPMB) 518,3 tỷ đồng. Thời gian xây dựng Dự án khoảng 2 năm, hoàn thành năm 2023.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 2 xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các công việc của Dự án và tổ chức quản lý đáp ứng kế hoạch tiến độ; quản lý chặt chẽ việc thực hiện và chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Ban Quản lý dự án 2 tiến hành rà soát, xác định nhu cầu kế hoạch vốn cần bố trí năm 2021 và dự kiến, đề xuất kế hoạch vốn các năm tiếp theo để báo cáo Bộ GTVT nghiên cứu bố trí vốn cho phù hợp.

Hơn 2.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng, tỉnh Bến Tre có tổng mức đầu tư hơn 2.120 tỷ đồng.

Hiện trạng một đoạn tuyến QL57 qua địa bàn tỉnh Bến Tre

Hiện trạng một đoạn tuyến QL57 qua địa bàn tỉnh Bến Tre

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng, tỉnh Bến Tre.

Theo đó, Dự án đi qua địa phận huyện Mỏ Cày Nam và huyện Thạnh Phú. Với chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 55 km. Điểm đầu huyện Mỏ Cày Nam tại Km48+955 - vị trí Quốc lộ 57 giao với tuyến tránh thị trấn Mỏ Cày, Quốc lộ 60. Điểm cuối tại Km104+340,70 - Đồn biên phòng Khâu Băng. Bên cạnh đó, Dự án cũng bổ sung 2 cầu của Dự án Quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày gồm cầu Cầu Mương (Km6+529) và Kinh Ngang (Km47+176).

Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng, tỉnh Bến Tre đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng 2 làn xe theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/2013, thảm tăng cường mặt đường.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.120 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng, chi phí GPMB hơn 500 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 500 tỷ đồng, phần còn lại là các chi phí quản lý dự án và chi phí khác.

Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ được triển khai thực hiện đầu tư từ năm 2021 đến năm 2024.

Hút thành công 2.000 lít dầu tàu chìm ở biển Mũi Né

Thợ lặn cùng tàu chuyên dụng đã hút xong khoảng 2.000 lít dầu trong tàu hàng chở tro nhiệt điện bị chìm ở Mũi Né, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), vào trưa ngày 21/3.

Các tàu tiếp cận hiện trường hút dầu tàu bị chìm ở bãi sau Mũi Né

Các tàu tiếp cận hiện trường hút dầu tàu bị chìm ở bãi sau Mũi Né

Hoạt động hút dầu được cơ quan chức năng triển khai lúc 8h khi thời tiết biển thuận lợi, gió êm. Hai tàu chuyên dụng và một ca nô tiếp cận hiện trường. Tàu gỗ thả phao quây dài 200 m, cao hơn một mét, để ca nô biên phòng kéo theo hình chữ U đón dòng nước chảy, phòng xảy ra sự cố dầu tràn khi được bơm từ tàu chìm qua tàu bồn.

Đội ứng cứu gồm 5 người mang ống hút lặn xuống đặt vào các van dầu, đồng thời đặt ống thông hơi của két dầu bên trên tàu chìm. Đến 12h, công tác hút dầu hoàn tất, các phương tiện và thợ lặn rút khỏi hiện trường.

Chiều 21/3, ông Lê Văn Chơn, Phó chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết, từ ngày 22/3 chủ tàu Bạch Đằng và đơn vị được thuê xử lý sự cố sẽ tiến hành các bước tiếp theo: lấy tro bụi than trong các thùng đang còn chìm, di dời tàu ra ngoài để trục vớt...

Theo phương án trình cơ quan chức năng, hoạt động trục vớt tàu chìm sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày. Đội thợ lặn 6 - 8 người cùng nhiều phương tiện chuyên dụng (cần cẩu nổi, tàu kéo, máy lặn, máy hàn, thiết bị thổi bùn...) được huy động tham gia trục vớt.

Tàu Bạch Đằng có trọng tải 2.560 tấn đã bị chìm cách bờ bãi sau Mũi Né 0,5 hải lý khi đang hành trình chở chở tro bay nhà máy nhiệt điện từ cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) về cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai) hôm 14/3.

Khi bị chìm, trên tàu có 1.500 tấn tro bay và khoảng 2.000 lít dầu DO. Vị trí tàu đang nằm hiện cách bờ 300 m, nơi có các khu du lịch đang hoạt động.

Dùng 28 công ty “ma” mua bán trái phép hơn 1.555 tỷ đồng hóa đơn

Hạnh cùng ổ nhóm đã sử dụng 28 công ty "ma" để thực hiện mua bán trái phép hơn 48.000 hóa đơn giá trị gia tăng với trị giá 1.553 tỷ đồng hàng hóa, dịch vụ.

Lê Thị Hạnh cùng tang vật vụ án

Lê Thị Hạnh cùng tang vật vụ án

Theo Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Ngô Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Nam Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội), Trần Quang Hiếu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Đình Vũ (quận Hai Bà Trưng) để làm rõ hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).

Trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội phát hiện nhiều trang mạng xã hội, Facebook, Zalo có đăng tải thông tin quảng cáo, giới thiệu về dịch vụ mua bán hoá đơn GTGT cho các doanh nghiệp để thực hiện kê khai thuế khấu trừ hàng hoá dịch vụ đầu vào.

Vào cuộc điều tra, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với công an một số địa phương bắt giữ Hạnh và đồng bọn để phục vụ điều tra.

Bước đầu, Công an TP.Hà Nội đã làm rõ Hạnh là đối tượng cầm đầu, cùng ổ nhóm sử dụng 28 công ty “ma” để thực hiện mua bán trái phép hoá đơn GTGT, trong đó có cả hoá đơn giấy và hoá đơn điện tử.

Sơ bộ xác định đường dây của Hạnh đã thực hiện mua bán trái phép 48.629 tờ hoá đơn điện tử và nhiều loại hoá đơn giấy khác nhau. Tổng doanh thu số hàng hoá dịch vụ ghi trên hoá đơn bước đầu xác định là trên 1.553,8 tỷ đồng, thuế VAT là trên 155,3 tỷ đồng.

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ kháng cáo vụ án cao tốc Trung Lương

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ kháng cáo bản án sơ thẩm về các sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trong phiên tòa sơ thẩm

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trong phiên tòa sơ thẩm

Từ ngày 22 - 25/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo xin giảm hình phạt của ông Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") và 4 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Vụ án có 16 bị cáo không kháng cáo, trong đó có cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - bị tuyên phạt 10 năm tù; cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường - bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, cùng về tội Vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo bản án sơ thẩm, Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là Bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng.

Tháng 2/2012, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long) tạo điều kiện cho Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ mua được quyền thu phí.

Hệ đã lợi dụng mối quan hệ với ông Thăng, nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Ông này dùng thủ đoạn đăng ký hai công ty của mình là Yên Khánh và Khánh An tham gia đấu giá, làm giả hồ sơ năng lực. Đến khi diễn ra đấu giá, bị cáo chỉ cho một công ty tham gia để chắc chắn mua được quyền thu phí cao tốc.

Ngoài vụ án này, Đinh Ngọc Hệ đang phải thi hành 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) cho hai bản án của Tòa án quân sự Trung ương và Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quảng Ninh tạm dừng các chốt kiểm soát Covid-19 từ 0h ngày 22/3

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Quảng Ninh chỉ đạo tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn từ 0h ngày 22/3.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hải Phòng - Hạ Long

Căn cứ diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh và các tỉnh, thành phố giáp ranh đã được kiểm soát, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho việc thực hiện "mục tiêu kép" năm 2021, ngày 21/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh đã có công văn chỉ đạo các địa phương tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát Covid-19 kể từ 0h ngày 22/3.

Theo đó, các địa phương gồm: Thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí, TP. Hạ Long và huyện Tiên Yên từ 0h ngày 22/3/2021 tạm dừng hoạt động cùa các chốt kiểm soát Covid-19 đối với phương tiện, người ra, vào tỉnh Quảng Ninh và được mở lại các hoạt động kinh doanh có điều kiện trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Các chốt kiểm soát phòng, chống dịch được tỉnh Quảng Ninh kích hoạt trở lại ngay từ ngày đầu tiên trên địa bàn xuất hiện ca nhiễm Covid-19 số 1553 và được duy trì hiệu quả từ ngày 28/2/2021 đến nay.