Bản tin thời sự sáng 22/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bác kiến nghị khoanh nợ hơn 940 tỷ cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; giá xăng tăng mạnh, RON95 vượt 24.000 đồng/lít; công viên nước Hồ Tây thanh lý một loạt thiết bị trò chơi; xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD quý đầu năm…

Bác kiến nghị khoanh nợ hơn 940 tỷ cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình

Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan thuế không có căn cứ để thực hiện khoanh nợ hơn 940 tỷ cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình theo kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ hơn 941 tỷ đồng tiền thuế

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ hơn 941 tỷ đồng tiền thuế

Trong văn bản vừa gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến nợ tiền thuê đất của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp đến ngày 30/11/2023 là 941,7 tỷ đồng.

Trong đó, tiền thuê đất là 475.232 triệu đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 7.228 triệu đồng; tiền phạt vi phạm hành chính 974 triệu đồng; tiền chậm nộp 458.268 triệu đồng.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang trong thời gian bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản theo các quyết định của Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm và Cục Thuế TP. Hà Nội.

Về việc khoanh nợ và không tính tiền chậm nộp, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật Quản lý thuế về các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế thì Khu liên hợp không thuộc trường hợp được khoanh tiền thuế nợ và không tính tiền chậm nộp.

Do đó, cơ quan thuế không có căn cứ để thực hiện khoanh nợ, không tính tiền chậm nộp đối với các khoản tiền thuế, tiền thuê đất còn nợ của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình theo kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Giá xăng tăng mạnh, RON95 vượt 24.000 đồng/lít

Giá xăng dầu trong nước ngày 21/3 được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng tăng mạnh giá xăng. Theo đó, giá xăng RON95 đã tăng vượt 24.000 đồng/lít.

Giá xăng trong nước tăng mạnh

Giá xăng trong nước tăng mạnh

Trên cơ sở điều hành của Liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ ngày 21/3.

Theo đó, giá xăng E5 tăng 720 đồng/lít, giá bán là 23.210 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 740 đồng/lít, giá bán là 24.280 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 470 đồng/lít, giá bán là 21.010 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành ngày 21/3, Liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ trích lập với dầu mazut 300 đồng/lít

Ở kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 14/3), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ giá xăng, tăng giá dầu.

Cụ thể, mỗi lít xăng giảm 10 - 20 đồng. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa và dầu diesel tăng từ 70 - 100 đồng/lít.

Công viên nước Hồ Tây thanh lý một loạt thiết bị trò chơi

Hàng loạt thiết bị trò chơi như đu quay, xe điện đụng, đoàn tàu... tại công viên Mặt trời thuộc công viên nước Hồ Tây đang được rao bán với giá khởi điểm hơn 4 tỷ đồng.

Nhiều thiết bị trò chơi như đu quay, xe điện đụng... đang được thanh lý với giá hàng trăm triệu đồng

Nhiều thiết bị trò chơi như đu quay, xe điện đụng... đang được thanh lý với giá hàng trăm triệu đồng

Công ty CP Dịch vụ giải trí Hà Nội - Haseco (UPCoM: HES) - chủ công viên nước Hồ Tây đang thông báo đấu giá lần 3 cho hàng loạt thiết bị trò chơi trong công viên Mặt trời.

Cụ thể, tài sản đấu giá lần này là thiết bị trò chơi sóng thần (Crazy wave) với giá khởi điểm hơn 855 triệu đồng; đĩa bay (UFO) giá gần 870 triệu đồng; đu quay dây văng giá khởi điểm hơn 121 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty này cũng thanh lý thiết bị trò chơi đu quay hào hoa (ngựa quay) giá khởi điểm hơn 171 triệu đồng; 4 xe điện đụng 2004 giá hơn 204 triệu đồng. Hay 8 xe điện đụng 2020 giá khởi điểm hơn 210 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đu quay bạch tuộc và đoàn tàu leo dốc (rồng thép Thăng Long) cũng được công ty này rao bán với giá lần lượt là 352 triệu đồng và hơn 4 tỷ đồng.

Trước đó hồi đầu tháng 2, Haseco cũng bán đấu giá 2 thiết bị trò chơi là thuyền lắc Viking (hải tặc) giá khởi điểm 360 triệu đồng và đu quay xoắn giá khởi điểm 180 triệu đồng.

Theo HĐQT Haseco, các thiết bị trò chơi đều được tháo gỡ theo quy hoạch của UBND TP. Hà Nội (trừ đu quay khổng lồ). Trước đó, tại Nghị quyết ngày 22/9/2022, HĐQT Công ty đã đồng ý chủ trương thanh lý các thiết bị trò chơi và mái che sân khấu thiên đường tuổi thơ trong công viên Mặt trời mới.

Công ty CP Dịch vụ giải trí Hà Nội thành lập năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng và nay nâng lên 100 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là vui chơi giải trí các trò chơi dưới nước và trên cạn, dịch vụ văn hóa văn nghệ, dịch vụ thể thao rèn luyện thân thể.

Trong năm 2023, Công ty đạt doanh thu thuần 152 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm gần 30%.

Xuất khẩu rau quả đạt gần 1,3 tỷ USD quý đầu năm

Trung Quốc, Thái Lan tăng mua, giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD trong quý I, tăng 27% so với cùng kỳ 2023.

Vườn sầu riêng tại Long An

Vườn sầu riêng tại Long An

Thông tin được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố dựa trên số liệu từ hải quan. Theo đó, tháng 3, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 433 triệu USD, tăng 33% với tháng trước.

Lũy kế quý từ đầu năm, mặt hàng này đạt kim ngạch gần 1,3 tỷ USD. Sầu riêng, thanh long, nhãn tiếp tục là các mặt hàng đóng góp lớn trong xuất khẩu nông sản, trái cây.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập nhiều rau quả Việt, với sản lượng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, Thái Lan, Đức ghi nhận lượng nhập khẩu tăng đột biến, trên 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, người tiêu dùng Thái gần đây chuyển từ ưa thích trái cây vị ngọt đậm sang loại ít ngọt, tốt cho sức khỏe, nên trái cây Việt có lợi thế.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu nông sản khởi sắc từ tháng 3, khi nhu cầu các nước tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ông dự báo, quý II - thời điểm nhiều loại trái cây nhiệt đới vào vụ, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng cao.

Hiện, chi phí, thời gian vận chuyển lâu làm giảm cạnh tranh của trái cây từ Mỹ, EU xuất sang Trung Quốc và ASEAN. Vì thế, nhà nhập khẩu tại đây sẽ ưu tiên mua từ các thị trường gần, như Việt Nam.

Năm nay, xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 6 - 6,5 tỷ USD, khi nhu cầu nhập từ các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Đức, Nhật Bản ở mức cao.

Sóc Trăng thanh tra các dự án điện gió

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong triển khai đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn Tỉnh.

Một dự án điện gió ở Sóc Trăng

Một dự án điện gió ở Sóc Trăng

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã công bố quyết định thanh tra các dự án điện gió trên địa bàn. Đoàn thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về triển khai đầu tư các dự án điện gió và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến các dự án điện gió.

Thời hạn đoàn thanh tra dự kiến trong 45 ngày làm việc, do ông Lâm Hoàng Thanh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng làm trưởng đoàn.

Thời kỳ thanh tra từ giai đoạn lập quy hoạch phát triển dự án điện gió đến ngày 29/2. Khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra để xác minh, làm rõ.

Cũng trong ngày 21/3, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng triển khai quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của các hộ dân liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc triển khai các dự án điện gió; nắm lại những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với các dự án điện gió.

Được biết, thị xã Vĩnh Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 17 dự án điện gió, với tổng công suất 1.234MW. Trong đó, có 16 dự án đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp chủ trương đầu tư, thuộc địa bàn của 10/10 xã, phường.

8 giám đốc doanh nghiệp tại Bình Phước bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh

Lãnh đạo 8 doanh nghiệp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với lý do nợ thuế chưa trả để thi hành quyết định cưỡng chế. Các trường hợp này hoạt động ngành nghề khác nhau.

Cục Thuế tỉnh Bình Phước đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo các doanh nghiệp nợ thuế

Cục Thuế tỉnh Bình Phước đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo các doanh nghiệp nợ thuế

Ngày 21/3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước cho biết đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà N. T.L.P, là Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp - Bất động sản và Xây dựng Song Phương (thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), do Công ty còn nợ tiền thuế với số tiền là hơn 279,4 tỷ đồng.

Người thứ hai bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh là ông N.Q.V, là Giám đốc Công ty TNHH DN99 Việt Nam (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) do Công ty đang nợ thuế với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.

Trường hợp thứ ba bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh là ông T.T.T, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Toàn Thắng (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) do Công ty đang nợ tiền thuế với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Người tiếp theo bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh là bà N.T.T, là Giám đốc Chi nhánh Bình Phước - Công ty CP Lâm nghiệp Hòa Phát (thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) do đơn vị đang có số tiền nợ thuế gần 2 tỷ đồng.

Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông H.X.Đ, là Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng xanh Phú Long (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) do công ty này nợ thuế gần 1,7 tỷ đồng.

Trường hợp kế tiếp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh là ông T.T.Đ, là Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Minh Khang (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Lý do, công ty này nợ thuế gần 44 tỷ đồng.

Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông H.P, là Giám đốc Công ty TNHH Khai thác khoa học nông súc Hạnh Phúc (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Lý do công ty nợ thuế gần 3,9 tỷ đồng.

Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông N.V.C.T, là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Phú Hào (thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Lý do Công ty nợ hơn 681 triệu đồng.

Cục thuế tỉnh Bình Phước cũng nêu rõ, thời hạn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp trên từ nay đến khi đã thực hiện hoàn tất việc cưỡng chế thu hồi số tiền nợ.

Yêu cầu Nam Định rà soát các hồ sơ xử phạt vi phạm môi trường có sai sót

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát các hồ sơ xử phạt có sai sót để thực hiện đính chính, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định.

Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

Theo thông tin từ Bộ TN&MT ngày 21/3, cơ quan này đã ban hành Kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT năm 2022 tại tỉnh Nam Định.

Năm 2022, tỉnh Nam Định có tổng số 240 vụ vi phạm và bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực TN&MT với số tiền trên 2,9 tỷ đồng.

Trong đó, lĩnh vực đất đai có 140 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt gần 900 triệu đồng; lĩnh vực tài nguyên nước có 4 vụ với số tiền phạt 83 triệu đồng; lĩnh vực khoáng sản có 27 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt gần 646 triệu đồng; 70 vụ vi phạm môi trường với tổng số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND tỉnh Nam Định cho thấy, năm 2022 không có vụ việc vi phạm hành chính chuyển cơ quan tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự và không có vụ việc do cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT.

Bộ TN&MT đánh giá, việc triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Nam Định còn một số tồn tại, hạn chế; sự phối hợp giữa các lực lượng trong xử phạt chưa tốt.

Đoàn kiểm tra đã xem xét 15 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở TN&MT (6 hồ sơ), Chủ tịch UBND TP. Nam Định (8 hồ sơ), Chủ tịch UBND huyện Nam Trực (1 hồ sơ).

Qua đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Nam Định có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế.

Về các hồ sơ xử phạt có sai sót, Bộ TN&MT đề nghị tỉnh Nam Định chỉ đạo cơ quan, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát các hồ sơ để thực hiện đính chính, bổ sung hoặc hủy bỏ theo quy định.

Dừng tăng phí cảng tàu khách ra Hạ Long

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng điều chỉnh giá dịch vụ qua Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Hạ Long từ ngày 1/4.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ở Bãi Cháy, TP Hạ Long

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ở Bãi Cháy, TP Hạ Long

Yêu cầu được đưa ra sau cuộc họp do Sở GTVT tổ chức giữa các bên liên quan ở Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đề nghị Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sớm tổ chức họp bàn, thống nhất với Chi hội Tàu du lịch Hạ Long và các đơn vị liên quan, làm cơ sở để xây dựng lại phương án thu phí dịch vụ qua cảng tàu khách.

Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh mức thu phải có nguyên nhân, căn cứ rõ ràng, cụ thể và có lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh tác động tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 29/2, hai cảng tàu quốc tế ở Quảng Ninh ra thông báo từ 1/4, vé hành khách qua cảng sẽ tăng từ 40.000 đồng/người/lượt lên 60.000 đồng/người/lượt. Trong đó, người cao tuổi được giảm 50%, trẻ nhỏ từ 7 - 15 tuổi được giảm 20%.

Với tàu du lịch, phí dịch vụ tăng thêm 50.000 đồng/chuyến; phí an ninh trật tự và chiếu sáng công cộng tăng 100.000 đồng/tàu/tháng; phí neo đậu tàu thuyền từ 6.300 đồng/m2 mặt nước/tháng lên 9.000 đồng/m2/tháng.

Nhiều đơn vị kinh doanh tàu du lịch ở vịnh Hạ Long và Lan Hạ đã lên tiếng phản đối vì cho rằng đây là quyết định đột ngột, ảnh hưởng đến kế hoạch cũng như tài chính của doanh nghiệp, quyền lợi du khách.

Năm 2023, lượng khách tham quan vịnh Hạ Long đạt gần 2,5 triệu lượt - chưa bằng năm 2015 (2,6 triệu lượt) và thua xa năm 2019 (gần 4,5 triệu lượt). Từ năm 2015 - 2019, vịnh Hạ Long đón trên 18,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 12% mỗi năm.