Bản tin thời sự sáng 22/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị điều tra 3 gói thầu mua kit test Việt Á của CDC Bạc Liêu; Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; Giám đốc CDC Hà Giang bị khai trừ Đảng; chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục tại Dự án 61 Trần Phú; khởi tố vụ án xí nghiệp bóng đèn của Công ty Điện Quang xả thải nguy hại…

Đề nghị điều tra 3 gói thầu mua kit test Việt Á của CDC Bạc Liêu

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phát hiện 3 gói thầu mua sinh phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Bạc Liêu làm chủ đầu tư) có dấu hiệu thiếu minh bạch. Do đó, đơn vị này chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra.

CDC Bạc Liêu

CDC Bạc Liêu

Ngày 21/5, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu vừa có thông báo kết luận thanh tra đột xuất công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện quy trình, định mức, giá dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 đối với Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn.

Qua thanh tra công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm kit test, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phát hiện vi phạm tại hồ sơ thẩm định giá đối với 3 hợp đồng (4 gói thầu) do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Cụ thể, đơn vị thẩm định giá là Công ty TNHH Thẩm định giá Tây Nam không tuân thủ các quy định về thẩm định giá, vi phạm quy trình, tiêu chuẩn thẩm định. Vi phạm này gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng (Sở Y tế), làm tăng giá trị của 8 mặt hàng, gây thiệt hại, thất thoát ngân sách nhà nước hơn 822 triệu đồng.

Thanh tra Bạc Liêu kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra đối với vi phạm tại 4 gói thầu nói trên.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu (CDC Bạc Liêu), Thanh tra tỉnh này phát hiện một số vi phạm trong công tác lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Đặc biệt, 3 gói thầu mua sinh phẩm của Công ty Việt Á sản xuất, công tác lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch; vi phạm các quy định trong khâu lập kế hoạch và thực hiện hợp đồng.

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu kiến nghị chuyển hồ sơ 3 gói thầu mua sinh phẩm, hoá chất, vật tư y tế liên quan Công ty Việt Á (do CDC Bạc Liêu làm chủ đầu tư) sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu để điều tra.

Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Thời gian kiểm soát đặc biệt với Công ty CP Chứng khoán Kenanga Việt Nam diễn ra từ ngày 19/5 đến 18/9, theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5 đến 18/9. Ảnh minh họa

Chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5 đến 18/9. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định về việc đặt Công ty CP Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trong đó, thời hạn kiểm soát đặc biệt diễn ra từ ngày 19/5 đến 18/9.

Theo tìm hiểu, Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Vàng Việt Nam, thành lập từ ngày 3/12/2007 với vốn điều lệ 40 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2008 - 2009, sau khi nhận khoản đầu tư từ đối tác chiến lược - Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư K&N Kenanga Holdings Berhard - công ty chứng khoán này đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên 135 tỷ đồng và đổi tên thành Chứng khoán Kenanga Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khoảng 4 năm nhận đầu tư từ đối tác, đến cuối năm 2013, Chứng khoán Kenanga Việt Nam đã nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt tư cách thành viên giao dịch thị trường niêm yết và thành viên giao dịch thị trường đăng ký tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Tháng 9/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có quyết định ngừng cung cấp hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với Chứng khoán Kenanga Việt Nam do bị Sở Giao dịch chứng khoán chấm dứt tư cách thành viên.

Được biết, cũng trong năm 2015, công ty chứng khoán này từng bị VSD đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký do vi phạm quy định về nộp phí quản lý thành viên.

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào diện kiểm soát đặc biệt được quy định trong Thông tư 91/2020 của Bộ Tài chính, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Giám đốc CDC Hà Giang bị khai trừ Đảng

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang khai trừ khỏi Đảng với ông Nguyễn Trần Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Giang.

Công an tỉnh Hà Giang khởi tố và bắt tạm giam Giám đốc CDC Hà Giang cùng 2 cán bộ của đơn vị này ngày 11/5
Công an tỉnh Hà Giang khởi tố và bắt tạm giam Giám đốc CDC Hà Giang cùng 2 cán bộ của đơn vị này ngày 11/5

Ngày 21/5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đồng thời khai trừ Đảng hai cán bộ thuộc CDC Hà Giang, gồm: bà Phan Thị Nga, Trưởng khoa Xét nghiệm; Tô Minh Huệ, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán.

Theo cơ quan kiểm tra, những người này vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy; buông lỏng lãnh đạo; vi phạm pháp luật trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế, sinh phẩm y tế phục vụ chống Covid-19; vi phạm quy định về chống tham nhũng, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền lớn, hậu quả nghiêm trọng...

Trước đó, bà Phạm Thị Kim Dung, Phó Giám đốc CDC Hà Giang, bị cách hết chức vụ trong Đảng; bà Hoàng Thị Phương, kế toán Phòng Tài chính - Kế toán CDC, bị cảnh cáo. Đảng ủy CDC Hà Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 bị cảnh cáo.

Ngày 11/5, ông Tuấn, bà Nga, Huệ bị Công an tỉnh Hà Giang khởi tố, tạm giam để điều tra về tội Nhận hối lộ, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ba người bị cáo buộc khi thực hiện hợp đồng mua sắm kit test Covid-19 đã nhiều lần nhận phần trăm ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á với số tiền hơn một tỷ đồng. Công an tỉnh Hà Giang đã thu 770 triệu đồng.

Chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục tại Dự án 61 Trần Phú

Dự án tại khu đất 61 Trần Phú triển khai đúng quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt, theo báo cáo vừa được UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Xây dựng.

Phối cảnh Dự án 61 Trần Phú

Phối cảnh Dự án 61 Trần Phú

UBND TP. Hà Nội cho biết, việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef, số 61 Trần Phú (phường Điện Biên, quận Ba Đình) chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục cũng như của tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định và công khai, minh bạch. Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.

Với không gian kiến trúc cảnh quan, Dự án nằm ở cuối trục đường Hùng Vương, đối diện khu đất (về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có công trình nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng cao 9 tầng (44,6 m). Dự án cao 11 tầng (42,9 m, chiều cao tương đồng với công trình nhà làm việc Quốc hội)...

Phần ngầm công trình được chấp thuận 6 tầng hầm với các chức năng văn phòng, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe. Phần ngầm đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tháng 12/2020; Sở Xây dựng cũng đã gửi thông báo nội dung cấp phép xây dựng đến Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Quản lý lăng có văn bản nhất trí với giấy phép xây dựng.

Về việc bảo tồn, phát huy giá trị bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ có dòng chữ "Quân dân thủ đô bắn rơi tại chỗ máy bay hiện đại Mỹ", theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn quận Ba Đình đã được UBND Thành phố phê duyệt năm 2016, địa điểm 61 Trần Phú, nơi có bức phù điêu, không thuộc danh mục kiểm kê di tích.

Từ những đánh giá trên, TP. Hà Nội cho rằng dự án đầu tư có thể tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định pháp luật.

Khởi tố vụ án xí nghiệp bóng đèn của Công ty Điện Quang xả thải nguy hại

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm khi xí nghiệp bóng đèn thuộc công ty Điện Quang xả chất thải nguy hại, gây ô nhiễm môi trường.

Cảnh sát kiểm tra hầm chứa chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên xí nghiệp đèn ống

Cảnh sát kiểm tra hầm chứa chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên xí nghiệp đèn ống

Ngày 21/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Biên Hòa khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại xảy ra tại Xí nghiệp đèn ống thuộc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Khu Công nghiệp Biên Hòa 1).

Động thái này được đưa ra căn cứ vào kết quả lấy mẫu xét nghiệm, tài liệu, chứng cứ - xác định đơn vị trên đã sai phạm trong việc quản lý chất thải nguy hại là bóng đèn huỳnh quang.

Trước đó, Cảnh sát môi trường ập vào Xí nghiệp đèn ống, bắt quả tang ba công nhân đang tiêu hủy bóng đèn không đúng quy định. Hiện trường còn gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các bao tải, sọt nhựa...

Lực lượng chức năng tiếp tục khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước, phát hiện xí nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Có khoảng 6,2 tấn bột huỳnh quang thải trong quá trình hoạt động từ năm 2015, đang được công ty lưu giữ cạnh xưởng sản xuất.

Cảnh sát đã thu giữ, niêm phong hơn 8 tấn bóng đèn hư, 81 tấn thủy tinh đã nghiền, 900 kg thủy tinh lẫn bùn thải, hơn 32 tấn nước phát sinh từ hoạt động tiêu hủy...

Kết quả điều tra ban đầu xác định, nước kèm bùn thải từ quy trình nghiền bóng đèn thải đều được xả vào hệ thống thoát nước mưa. Công nhân sau khi nghiền số bóng đèn đã dùng nước làm ướt bột huỳnh quang trong các bóng đèn, tránh phát tán. Số nước thải này khi lắng xuống bể tạo thành những phần bột lắng. Tiếp đó, công nhân thu gom bột lắng đổ xuống các bể chứa bên trong nhà kho hoặc cho chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa với lưu lượng 0,5m3/ngày.

Vietnam Airlines tốn trăm tỷ sửa chữa máy bay sau các vụ va phải chim

Vietnam Airlines ghi nhận có những chuyến bay bị chim va vào cả 2 động cơ, tiền sửa chữa thay thế máy móc mỗi lần lên tới hàng chục tỷ đồng.

Vietnam Airlines ghi nhận có những chuyến bay bị chim va vào cả 2 động cơ

Vietnam Airlines ghi nhận có những chuyến bay bị chim va vào cả 2 động cơ

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, chuyến bay của hãng từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội ngày 7/4 đã phát hiện dấu vết chim va vào động cơ số 2. Máy bay phải dừng chờ, gửi động cơ đi sửa chữa với chi phí ước tính 58,8 tỷ đồng.

Vận rủi chưa hết, hơn 10 ngày sau, hãng hàng không Quốc gia tiếp tục ghi nhận sự cố với chuyến bay từ Cam Ranh về Hà Nội. Lần này, chim va vào cả 2 động cơ, gây ra thiệt hại ước tính 60,8 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/3, chuyến bay VN1397 từ Phù Cát đi TP.HCM cũng ghi nhận chim va vào động cơ số 2, ước tính thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã ghi nhận 50 sự cố máy bay va chạm với chim kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ riêng 2 tháng từ 1/3 đến 1/5, số sự cố tăng đột biến với 18 lần. Trong đó 9 vụ gây thiệt hại lớn. Chi phí thiệt hại ước tính gần 162 tỷ đồng.

Theo số liệu từ đơn vị Bảo hiểm hàng không, Vietnam Airlines đã tốn 421.470 USD trong năm 2021 để sửa chữa các hư hỏng do chim gây ra, chưa tính đến thiệt hại kinh tế trong thời gian máy bay dừng khai thác. Các sự cố chủ yếu được phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất (7/9 vụ).

Khánh thành cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ

Cầu Vàm Xáng dài gần 500 m, rộng 14 m, nối TP. Cần Thơ với Quốc lộ 61C thông xe vào sáng 21/5, giúp hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ.

Cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ.

Hoàn thành sau hai năm xây dựng, công trình ở huyện Phong Điền, điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ, điểm cuối nối Quốc lộ 61C, đi tỉnh Hậu Giang. Đây là cầu thứ tư bắc qua sông Cần Thơ đã hoàn thành, sau cầu Quang Trung, Cái Răng, Hưng Lợi; hai cầu khác đang xây dựng là Trần Hoàng Na và Tây Đô.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, cầu Vàm Xáng là một trong những công trình giao thông trọng điểm của địa phương. Cầu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phong Điền và TP .Cần Thơ...

TP. Cần Thơ rộng hơn 1.400 km2, gồm 9 quận, huyện với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người hơn 97 triệu đồng.