Bản tin thời sự sáng 22/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng tăng lên gần 33.000 đồng một lít; UNESCO đề nghị không làm đường qua khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; VEC triển khai thi công, lắp đặt thu phí không dừng các tuyến cao tốc; Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ…

Giá xăng tăng lên gần 33.000 đồng một lít

Từ 15h ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380 - 990 đồng một lít.

Từ 15h ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng

Từ 15h ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng một lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng một lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng một lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hoả là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng một kg, tăng 380 đồng.

Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7 từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Hiện Quỹ bình ổn xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm. Chẳng hạn, PVOil đến 13/6 âm hơn 1.032 tỷ đồng; Petrolimex âm 49 tỷ đồng...

Do Quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành ngày 21/6, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng mỗi lít vào Quỹ với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng một kg vào Quỹ bình ổn.

Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng Quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng một lít.

UNESCO đề nghị không làm đường qua khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

UNESCO tại Việt Nam đề nghị không làm đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới vì lo ngại hệ sinh thái bị chia cắt, ảnh hưởng các loài động vật.

Vị trí, hướng tuyến hai dự án đi qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Vị trí, hướng tuyến hai dự án đi qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Nội dung được nêu trong công văn phản hồi UBND Đồng Nai mới đây của Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, về Dự án xây cầu Mã Đà (nối Đồng Nai - Bình Phước) và quốc lộ xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo cơ quan này, việc làm đường đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển sẽ chia cắt hệ sinh thái, sự liên kết của các hành lang đa dạng sinh học bị phá vỡ, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài động vật quý hiếm và làm chết động vật hoang dã do xe chạy trên đường. Ngoài ra, quá trình xây dựng đường sẽ gây ô nhiễm đất, nước và không khí.

Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, những tác động này sẽ làm mất môi trường sống, đa dạng sinh học và không đáp ứng được các tiêu chí, chức năng của vùng lõi của sinh quyển. Đồng thời, việc xây cầu và quốc lộ không phù hợp với mục tiêu bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của pháp luật Việt Nam.

Trước đó, UBND Đồng Nai gửi văn bản xin ý kiến Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về việc quy hoạch Quốc lộ 13C (nâng cấp từ đường ĐT 753) và xây cầu Mã Đà, nhằm tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai rộng trên 100.000 ha, cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Ramsar Bàu Sấu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, được Ủy ban UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2011.

VEC triển khai thi công, lắp đặt thu phí không dừng các tuyến cao tốc

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc trước ngày 31/7/2022.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai thi công lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên 4 tuyến cao tốc.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai thi công lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên 4 tuyến cao tốc.

Ông Nguyễn Công Hưng, Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đang tổ chức triển khai thi công lắp đặt hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Theo đó, chủ đầu tư - VEC và nhà thầu TASCO thỏa thuận đến 31/7/2022 phải hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, VEC yêu cầu nhà thầu TASCO thực hiện đúng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý khai thác của VEC để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến trong quá trình thi công.

Ngoài ra, VEC cũng chỉ đạo Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VECM) tăng cường nhân lực giám sát tại hiện trường để thực hiện nhiệm vụ giám sát, đôn đốc, kịp thời và báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, các phát sinh trong quá trình thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ theo hợp đồng đã ký.

Từ ngày 10/6, VEC đã tiến hành bàn giao mặt bằng tại hiện trường cho nhà thầu TASCO triển khai thi công lắp đặt hệ thống ETC đồng thời tổ chức các điểm dán thẻ ETC tại tất cả các trạm thu phí trên 4 tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác…

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ trong bối cảnh Fed tăng lãi suất gây áp lực lên thị trường ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ. Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán ngoại tệ. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh thị trường ngoại hối có nhiều diễn biến bất lợi, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, cơ quan này đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn.

Bằng việc bán ngoại tệ, nhà điều hành sẽ tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ của người dân.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - là mức tăng lớn nhất trong 28 năm qua. Đây là lần thứ ba Fed tăng lãi suất trong nửa đầu năm nay và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Động thái này khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến trên tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo ông Quang, tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước.

Đường dưới chân Dự án Nhổn - ga Hà Nội hư hỏng

Hơn hai năm sau khi được hoàn trả, đoạn Quốc lộ 32 dưới chân Dự án Nhổn - ga Hà Nội vẫn còn nhiều điểm gồ ghề, vết hằn sâu ngang dọc.

Đường Hồ Tùng Mậu, đoạn qua Nghĩa trang Mai Dịch, có nhiều chỗ nứt vỡ

Đường Hồ Tùng Mậu, đoạn qua Nghĩa trang Mai Dịch, có nhiều chỗ nứt vỡ

Là tuyến đường cửa ngõ phía Tây dẫn vào trung tâm Hà Nội, hàng ngày Quốc lộ 32, đoạn từ Nhổn tới Cầu Giấy có lưu lượng phương tiện lớn. Sau thời gian dài rào chắn lòng đường để thi công tuyến đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, hơn hai năm trước, đơn vị thi công đã dỡ bỏ rào, đoạn đường khoảng 10 km trở lại thông thoáng, nhưng lại phải đối diện với vấn đề khác.

Ngoại trừ 4 km từ Nhổn tới cầu bắc sông Nhuệ đường tương đối êm, càng vào sâu trung tâm đường càng xấu. Đoạn Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy qua các nhà ga đường sắt trên cao như Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, mặt đường gồ ghề, hố ga lõm xuống, các vết hằn sâu chạy ngang dọc.

Nhiều đoạn đường chỉ được sửa chữa chắp vá, phần vá chênh so với mặt đường cũ khoảng 5 cm, tạo thành những vết lằn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mặt đường hiện cũng không có vạch kẻ phân làn khiến xe máy, ô tô chạy lộn xộn. Những ngày mưa lớn, các vết lõm đọng nước tạo thành bẫy chìm.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau khi dỡ rào chắn, hoàn trả mặt đường, Ban đã bàn giao mặt bằng cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Vì thế việc sửa chữa, quản lý đường thuộc về sở này.

Theo đại diện Công ty CP Công trình giao thông số 2 Hà Nội, đơn vị trực tiếp sửa chữa đường, trong khi chờ Dự án cải tạo, thời gian qua đơn vị chủ yếu vá tạm thời, việc hư hỏng trở lại chỉ là vấn đề thời gian.

Ba giám đốc nhận có vốn 100 tỷ USD để lừa đảo

Trần Quang Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn tài chính HSBC và hai người khác khoe sở hữu vốn 100 tỷ USD, lừa các doanh nghiệp hợp tác.

Sơn tại cơ quan điều tra

Sơn tại cơ quan điều tra

Ngày 21/6, Sơn bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ án, trước đó, Nguyễn Tấn Sự (Tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Núi Chúa) và Nguyễn Thụy Long Phượng (Giám đốc Tài chính) đã bị bắt về cùng hành vi.

Theo điều tra, cuối năm 2018, Nguyễn Tấn Sự và Nguyễn Thụy Long Phượng tự nhận quan hệ thân thiết với các ngân hàng, có khả năng bảo lãnh thanh toán, còn Công ty Núi Chúa (trụ sở quận Tân Bình) có nguồn ngoại tệ 100 tỷ USD từ tổ chức đầu tư tài chính HSBC Vietnam Finance Group.

Ông Khởi, Chủ tịch HĐQT một công ty đang cần vốn làm Nhà máy xử lý rác thải được người quen giới thiệu đến gặp Sự. Doanh nhân này được lãnh đạo Công ty Núi Chúa cho xem tài liệu, hình ảnh... chứng minh đang nắm số ngoại tệ khổng lồ, có thể giải ngân nếu hợp tác đầu tư.

Ông Khởi đồng ý hợp tác đầu tư dự án với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Phía Công ty Núi Chúa góp vốn bằng việc phát hành thư bảo lãnh thanh toán, sở hữu 70% tổng vốn đầu tư. Để làm hồ sơ thẩm định vay vốn theo lời Phượng, ông đóng 25.000 USD...

Tháng 4/2019, Phượng và Sự tiếp tục đưa cho ông Khởi xem Thư tín dụng và tài trợ nguồn vốn đầu tư không hoàn lại của Công ty HSBC Việt Nam (do Trần Quang Sơn làm Tổng Giám đốc) với nội dung đã sẵn sàng một khoản quỹ tín dụng và tiền mặt có giá trị 250 triệu USD đến 500 triệu USD... Đến tháng 9/2019, do bị hối thúc về dự án, ông Khởi đã đến công ty Núi Chúa nộp 1 tỷ đồng…

Cuối năm 2019, Sự gửi ông Khởi ảnh chụp Thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Chợ Lớn về việc chấp thuận bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán. Do nhiều lần phải đóng phí, ông Khởi nghi ngờ nên đã liên hệ với Sacombank tìm kiếm, được xác định các loại giấy tờ trên là giả mạo.

Cơ quan điều tra xác định, Sự và Phượng đã chiếm đoạt của ông Khởi gần 1,6 tỷ đồng. Còn Trần Quang Sơn thành lập Công ty Tài chính HSBC Việt Nam và ký các văn bản theo chỉ đạo của hai người này.