Bản tin thời sự sáng 22/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 22/8 khó giảm mạnh; HOSE 3 lần yêu cầu Tân Tạo giải trình vụ ghi nhầm 1.300 tỷ đồng tạm ứng cho chủ tịch; 4 phương án xử lý trạm BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên; kiến nghị giảm thuế với ô tô “lai” điện và xăng…

Giá xăng ngày 22/8 khó giảm mạnh

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng giá xăng dầu chỉ có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang bởi giá thành phẩm bình quân của thế giới không biến động nhiều.

Giá xăng kỳ điều chỉnh ngày 22/8 khó giảm mạnh

Giá xăng kỳ điều chỉnh ngày 22/8 khó giảm mạnh

Ngày 21/8 đến kỳ điều chỉnh giá mới, song do rơi vào Chủ nhật, việc điều chỉnh được dời sang ngày 22/8.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 17/8 với RON 92 quanh mức 107 USD một thùng, RON 95 là 110,7 USD. Mức giá này không nhiều biến động so với đợt điều chỉnh trước đó.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết, tuần qua giá xăng dầu tiếp tục đi xuống nhưng sau đó tăng trở lại. Tính bình quân, giá nhập vào không biến động nhiều. Nếu cơ quan điều hành không trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm lần thứ 6 liên tiếp ở mức 100 - 200 đồng một lít. Ngược lại, trường hợp nhà điều hành trích Quỹ thì giá xăng sẽ đứng yên.

Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng cho rằng, tuần qua mức giảm giá xăng của thế giới khá khiêm tốn, tính thêm các khoản thuế phí sau nhập khẩu thì giá trong nước khó giảm theo. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó, giá có thể giữ nguyên trong kỳ điều hành này.

Ngày 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng, dầu cũng hạ 1.000 - 1.210 đồng (trừ dầu mazut). Sau điều chỉnh, RON 95-III giảm về mức 24.660 đồng; E5 RON 92 là 23.720 đồng; dầu diesel về mức giá 22.900 đồng...

HOSE 3 lần yêu cầu Tân Tạo giải trình vụ ghi nhầm 1.300 tỷ đồng tạm ứng cho chủ tịch

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa gửi công văn lần thứ 3 yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) giải trình việc công bố tạm ứng 1.940 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch HĐQT) đầu tư dự án ở Mỹ, nhưng sau đó đính chính lại là chỉ chi 633 tỷ đồng.

HoSE vừa gửi công văn lần thứ 3 yêu cầu Tân Tạo giải trình việc công bố tạm ứng 1.940 tỷ cho Chủ tịch HĐQT đầu tư dự án ở Mỹ

HoSE vừa gửi công văn lần thứ 3 yêu cầu Tân Tạo giải trình việc công bố tạm ứng 1.940 tỷ cho Chủ tịch HĐQT đầu tư dự án ở Mỹ

HoSE cho biết, ngày 10/8 (lần 1) đã gửi công văn yêu cầu Tân Tạo giải trình việc điều chỉnh Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 và làm rõ các nội dung liên quan. Văn bản giải trình cần được công bố trong 24 giờ kể từ khi Tân Tạo nhận được công văn của HOSE.

Ngày 16/8 (lần 2), HoSE tiếp tục gửi công văn đề nghị Tân Tạo thực hiện giải trình theo yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay HoSE vẫn chưa nhận được văn bản giải trình của Tân Tạo. Công ty đã chậm công bố thông tin theo quy định hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đến ngày 19/8, HoSE cho biết vẫn chưa nhận được văn bản giải trình của Công ty. Căn cứ theo quy định hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Công ty đã chậm công bố thông tin theo yêu của của HoSE.

Do đó, HoSE nhắc nhở và tiếp tục đề nghị Tân Tạo thực hiện công bố thông tin theo yêu cầu để cung cấp đầy đủ thông tin đến cổ đông và đảm bảo thông tin minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến tạm ứng 1.940 tỷ đồng cho việc tham gia dự án tại Mỹ. Thông tin về số tiền lớn được chuyển ra nước ngoài từng gây xôn xao thị trường.

Tuy nhiên, ngày 5/8/2022, Tân Tạo đã đính chính số liệu này trên báo cáo tài chính với lý do "hạch toán sai".

Sau đính chính, Tân Tạo chỉ còn ghi nhận khoản thu khác từ Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến với số tiền trên 633 tỷ đồng. Số tiền hơn 633 tỷ đồng này được thực hiện với mục đích "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua vào ngày 29/4/2022.

4 phương án xử lý trạm BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên

Bộ Giao thông vận tải vừa xây dựng 4 phương án để giải quyết tình trạng thua lỗ của dự án BOT cải tạo Quốc lộ 3 qua tỉnh Thái Nguyên.

Trạm BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên

Trạm BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT đã hoàn thành năm 2017, song đến nay nhà đầu tư mới được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, chưa thu trên Quốc lộ 3 do người dân phản đối.

Theo Bộ Giao thông vận tải, phương án 1 sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng dự án, nhà đầu tư thu phí tại 2 trạm (Quốc lộ 3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới) để hoàn vốn. Trong đó, trạm Quốc lộ 3 triển khai theo phương án miễn, giảm phí với người dân địa phương.

Thời gian thu phí dự án này tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng; lùi thu phí trên Quốc lộ 3 từ tháng 7/2019 sang dự kiến cuối năm 2022. Để bảo đảm thời gian hoàn vốn, nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng.

Phương án 2 chỉ thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu trên Quốc lộ 3, Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư khoảng 3.050 tỷ đồng.

Phương án 3 là di dời trạm thu phí Quốc lộ 3 từ Km77+922 về đặt trên đoạn km 93-km100 (trong phạm vi đầu tư nâng cấp, cải tạo), Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.

Phương án 4 là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án theo quy định. Dự kiến, Nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án để xóa trạm thu phí.

Bộ Giao thông vận tải đánh giá, phương án 1 cơ bản phù hợp với hợp đồng đã ký kết, hạn chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Các phương án 2, 3, 4 giải quyết triệt để bất cập tại trạm Quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước.

Kiến nghị giảm thuế với ô tô “lai” điện và xăng

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe HEV, PHEV - ô tô "lai" điện và xăng.

VAMA kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe “lai” điện và xăng

VAMA kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ với dòng xe “lai” điện và xăng

Theo giới phân tích, thực trạng hạ tầng giao thông hiện tại của Việt Nam mới khả thi cho phát triển dòng xe lai giữa xăng và điện. Đây là các dòng xe có thể di chuyển quãng đường dài như ô tô chạy xăng, trong khi ít gây ô nhiễm môi trường do mức phát thải thấp, không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc...

Vì thế, để khuyến khích người tiêu dùng, VAMA đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với dòng xe Hybird như HEV, PHEV (xe lai giữa xăng và điện, có thể sạc được điện từ bên ngoài cho pin) để có sự chuyển đổi hài hoà sang xe điện thuần.

Đầu năm nay, Quốc hội đã quyết nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi từ 15% xuống còn 3%. Mức thuế mới áp dụng từ tháng 3 năm nay, trong vòng 5 năm. Sau tháng 3/2027, thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện chạy pin là 11%.

Trong khi đó, các dòng xe điện "lai" như HEV, PHEV... không được hưởng chính sách ưu đãi này, tức vẫn bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 15% và lệ phí trước bạ 100%.

Theo VAMA, sau khi các dòng xe trên được giảm thuế để kích cầu, thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tiến tới đầu tư lớn, đồng bộ để phát triển hệ thống trạm sạc; tích hợp với giao thông tĩnh để có thể sạc trong lúc đỗ xe; hệ thống nguồn phát điện bảo đảm đủ nguồn điện sạch...

Các ưu đãi với xe điện, xe lai điện sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo, và từ sau năm 2050 sẽ không cần chính sách hỗ trợ riêng khi dòng xe này đã có thị phần nhất định trên thị trường.

Đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng làm hai cầu kết nối miền Tây

Cầu Tân Châu - Hồng Ngự bắc qua sông Tiền, nối An Giang với Đồng Tháp và cầu Vàm Nao kết nối Quốc lộ N1 giúp liên kết các tỉnh miền Tây.

Phối cảnh cầu Vàm Nao

Phối cảnh cầu Vàm Nao

Theo đề xuất mới đây của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) với chính quyền An Giang, cầu Tân Châu - Hồng Ngự dài 890 m, 4 làn xe, vận tốc 80 km/h, tổng chiều dài dự án hơn 17 km, kinh phí 6.200 tỷ đồng.

Còn cầu Vàm Nao bắc qua sông cùng tên, thay thế phà Thuận Giang, nối huyện Chợ Mới và Phú Tân đều của tỉnh An Giang, tổng chiều dài dự án hơn 10 km, cầu chính dài 400 m, 4 làn xe, kinh phí dự kiến hơn 2.950 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Cầu Vàm Nao sau khi hoàn thành kết hợp với Quốc lộ N1 (dài 235 km) tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối ba tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp.. Công trình cũng rút ngắn quãng đường đến cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đi Campuchia; thay thế phà Thuận Giang, thông suốt tuyến Quốc lộ 80B.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, hai phà (Tân Châu - Hồng Ngự và Thuận Giang) hiện quá tải, nhất là vào dịp lễ, Tết. Do đó, hai dự án xây cầu rất được người mong đợi. Tỉnh kiến nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sớm có quy hoạch chi tiết về các dự án để cập nhật vào quy hoạch địa phương. Trong trường hợp khó khăn về vốn nên ưu tiên cầu Tân Châu - Hồng Ngự.

Huế đầu tư gần 100 tỷ đồng làm thêm phố đi bộ

Đường Hai Bà Trưng dự kiến thành tuyến phố đi bộ mới bên cạnh Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão.

Tuyến phố đi bộ sẽ có nhiều tiện ích giải trí cho du khách

Tuyến phố đi bộ sẽ có nhiều tiện ích giải trí cho du khách

UBND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình "Chỉnh trang đường Hai Bà Trưng" thành tuyến phố đi bộ hiện đại, với nhiều tiện ích giải trí.

Mục tiêu của dự án nhằm hình thành phố đi bộ kết hợp với các khu vực thương mại sẵn có và khai thác dịch vụ thương mại của người dân để hình thành khu phố sầm uất về đêm, vui chơi giải trí về đêm cho người dân và du khách. Đây là tuyến phố đi bộ mới bên cạnh Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão.

Tuyến đường Hai Bà Trưng là nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim. Đây là địa điểm được người dân, du khách tìm đến giải trí về đêm ở Huế.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 100 tỷ đồng, chiều dài tuyến phố đi bộ dài 850 m, dự kiến khởi công trong tháng 9/2022.

TP.HCM giao quyền cho quận, huyện cải tạo, xây lại chung cư cũ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định ủy quyền, phân công cho UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức quyền tự quyết việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Nhiều chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại hàng trăm chung cư xuống cấp trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định ủy quyền, phân công cho UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức quyền tự quyết việc cải tạo các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Theo đó, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức được ủy quyền để thực hiện các thủ tục về ban hành kết quả kiểm định nhà chung cư; quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp, cưỡng chế di dời...

UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức cũng được ủy quyền để thực hiện quyết định phá dỡ công trình, quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc cưỡng chế di chuyển để bàn giao nhà trong trường hợp chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện trách nhiệm trong việc phá dỡ công trình; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải xây dựng và ban hành các tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; công khai tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư để các chủ sở hữu nhà chung cư biết và thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức được ủy quyền để phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo cũng như chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng...

UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức không được ủy quyền các công việc nói trên cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện. Thời gian ủy quyền từ ngày 17/8/2022 đến ngày 31/12/2025.

Theo số liệu thống kê tính đến năm 2021, trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm); 116 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B; 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Tin cùng chuyên mục