Bản tin thời sự sáng 22/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thương mại từ tháng 7/2024; kỷ luật Phó Chủ tịch TP. Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ vì vi phạm đất đai, xây dựng; đề xuất phục hồi 4 ha rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn; Quảng Nam chấn chỉnh các khách sạn quảng cáo sai…

Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thương mại từ tháng 7/2024

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến thi công xong cuối năm nay, hoàn tất đào tạo nhân viên vận hành tháng 6/2024, chạy thương mại sau đó một tháng.

Tàu Metro số 1 chạy thử toàn tuyến, đoạn qua trung tâm TP.HCM

Tàu Metro số 1 chạy thử toàn tuyến, đoạn qua trung tâm TP.HCM

Nội dung nêu trong báo cáo tình hình triển khai Dự án được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) gửi Sở Giao thông vận tải ngày 21/9. Các mốc thời gian nêu trên được Chủ đầu tư đưa ra trong bối cảnh Metro số 1 hoàn thành hơn 96% khối lượng, đã chạy thử nghiệm toàn tuyến cả đoạn ngầm và trên cao.

Theo đó, tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM được lên kế hoạch thi công xong cuối năm nay và nghiệm thu các gói thầu xây dựng đầu năm sau. Tháng 3/2024, việc lắp đặt hệ thống cơ điện của Dự án sẽ hoàn thành, đồng thời nhà thầu kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết cũng như hiệu chỉnh từng thiết bị, máy móc, đảm bảo vận hành trơn tru.

MAUR đặt mục tiêu giữa năm 2024 xây dựng xong 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao của tuyến Metro số 1, song song với đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống và đào tạo lái tàu, nhân viên vận hành. Sau khi được các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu hoàn thành Dự án, tuyến tàu điện sẽ bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 7/2024.

Metro Bến Thành - Suối Tiên tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành, Quận 1 đến Depot Long Bình, TP. Thủ Đức. Đây là là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012. Sau tuyến này, Dự án Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương đang được TP.HCM giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính năm 2025, hoàn thành năm 2030.

Kỷ luật Phó Chủ tịch TP. Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ vì vi phạm đất đai, xây dựng

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ
Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ

Ngày 21/9, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hữu Anh Tứ.

Ông Tứ đã vi phạm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và sự phân công của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, UBND TP. Thủ Đức trên các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn TP. Thủ Đức, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Đề xuất phục hồi 4 ha rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn

Ngành nông nghiệp Bình Định đề xuất phục hồi 4 ha rạn san hô và thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn từ nguồn tài trợ của Canada.

Rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn

Rạn san hô ở vịnh Quy Nhơn

Đề xuất trên vừa được nêu trong Dự án Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu Việt Nam do Chính phủ Canada tài trợ cho tỉnh Bình Định với số tiền 1,75 triệu đô la Canada (gần 27 tỷ đồng) qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Bốn ha rạn san hô dự kiến được phục hồi thuộc 4 xã, phường gồm: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, các rạn san hô này trước đây đã được Sở kiểm tra và lên kế hoạch tái tạo nhằm phát triển bền vững môi trường.

Ngoài phục hồi rạn san hô, Dự án sẽ trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán tại các huyện ven biển Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ; lắp đặt và hỗ trợ 6 - 8 trạm cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu…

Với hơn 36.000 ha mặt biển, vịnh Quy Nhơn được đánh giá có điều kiện thuận lợi hình thành hệ sinh thái, tiềm năng đa dạng sinh học, gồm cỏ biển, rạn san hô. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biển Quy Nhơn có 720 loài thuộc hơn 350 giống và trên 160 họ của 7 nhóm sinh vật chính, khoảng 150 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo.

Quảng Nam chấn chỉnh các khách sạn quảng cáo sai

Nhiều cơ sở lưu trú tại thành phố Hội An bị thanh tra do tự giới thiệu là khách sạn 4 hoặc 5 sao khi chưa được cơ quan chức năng công nhận.

Biển đá có hình 4 ngôi sao của khách sạn Le Pavillon Hoi An được gắn trước lối vào (hiện đã được tháo dỡ)

Biển đá có hình 4 ngôi sao của khách sạn Le Pavillon Hoi An được gắn trước lối vào (hiện đã được tháo dỡ)

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Sở đã tiến hành thanh tra các cơ sở lưu trú du lịch tại thành phố Hội An, phát hiện một số khách sạn chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng gắn sao, sử dụng từ ngữ quảng cáo có thể gây hiểu nhầm.

Các khách sạn chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng có "gắn sao" hoặc quảng cáo "4 sao", "5 sao" gồm: Le Pavillon Luxury Hoi An Resort & Spa, Allegro Hoi An Little Luxury Hotel & Spa, Koi Resort & Spa Hội An, Bellerive Hoi An Hotel & Spa. Khách sạn Le Pavillon Luxury Hoi An Resort & Spa chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch nhưng gắn 4 ngôi sao trên biển hiệu bằng đá (hiện đã tháo dỡ) trước cổng và thực hiện quảng cáo (hạng 4 sao) trên website khách sạn và các trang giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều khách sạn tuy chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng giao dịch trên các trang thương mại điện tử chuyên về du lịch, lữ hành như Booking, Agoda, Traveloka được "gắn sao".

Đoàn kiểm tra kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, hoạt động quảng cáo. Các khách sạn không sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn về hạng sao khi chưa được công nhận, không sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất" hoặc mang ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.

Đây không phải lần đầu các khách sạn tại Việt Nam mắc lỗi về quảng cáo với những từ ngữ gây hiểu nhầm. Hồi tháng 3, hai khách sạn ở Khánh Hòa đã bị chính quyền xử phạt 10 triệu đồng vì "tự ý phong hạng 4 sao" để quảng cáo.

Phà chở 15.000 lượt người mỗi ngày ở miền Tây bị dừng hoạt động

Phà An Bình vượt sông Cổ Chiên nối TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) với 4 xã cù lao huyện Long Hồ bị yêu cầu dừng hoạt động vì thuộc vùng nguy hiểm sạt lở.

Phà An Bình nối TP. Vĩnh Long với cù lao An Bình phục vụ mỗi ngày khoảng 15.000 người

Phà An Bình nối TP. Vĩnh Long với cù lao An Bình phục vụ mỗi ngày khoảng 15.000 người

Công văn yêu cầu chấm dứt hoạt động bến phà An Bình được Phó Chủ tịch UBND TP. Vĩnh Long Đặng Minh Quân gửi huyện Long Hồ và các đơn vị liên quan. Việc này được cho nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bởi hoạt động của tuyến phà thuộc phạm vi tình huống sạt lở khẩn cấp do tỉnh Vĩnh Long công bố vào tháng 8.

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết, bến phà An Bình hoạt động hơn 20 năm qua, do địa phương tổ chức đấu thầu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 4 xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú qua lại TP. Vĩnh Long học tập, làm việc... hàng ngày.

Theo ông Sơn, do khu vực hoạt động bến phà nằm phạm vi tình huống sạt lở khẩn cấp, nên yêu cầu dừng của UBND TP. Vĩnh Long được hiểu là có hiệu lực tức thì. Do đó, người dân 4 xã cù lao của địa phương qua lại TP. Vĩnh Long phải đi vòng qua phà Đình Khao, xa hơn 8 - 10 km.

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 15.000 người, gần 300 xe đạp, hơn 9.300 xe máy qua lại bến phà An Bình với TP. Vĩnh Long.

Trước đó, ngày 18/8, UBND tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp. Theo đó, bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ (đoạn từ bến phà An Bình đến giáp tuyến kè sông Long Hồ dài khoảng 5 km) có nguy cơ sụt lún, sạt lở.

Đề xuất tháo dỡ 10 homestay xây trái phép trên núi Cấm

Thị xã Tịnh Biên kiến nghị UBND tỉnh An Giang buộc tháo dỡ các homestay xây trái phép trên đất rừng ở Núi Cấm vì mất an toàn, nguy cơ sạt lở.

Một homestay đang xây dựng trên núi Cấm

Một homestay đang xây dựng trên núi Cấm

Đề xuất buộc tháo dỡ các homestay xây trái phép được chính quyền thị xã Tịnh Biên đưa ra trong bối cảnh tháng trước một số khu vực trên núi Cấm, núi Ba Thê xảy ra sạt lở sau nhiều ngày mưa bão. Cơ quan chức năng xác định, đa số homestay xây cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc lớn, với kết cấu tạm bợ, chịu lực kém.

Tình trạng xây dựng homestay trái phép trên núi Cấm nở rộ từ năm ngoái. Mỗi tháng, các cơ sở này tổ chức lưu trú cho hàng nghìn lượt khách. Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính, song những cơ sở lưu trú này vẫn hoạt động.

Cuối năm 2022, tỉnh An Giang quyết định cho các công trình này tồn tại với điều kiện giữ nguyên hiện trạng và giao thị xã Tịnh Biên quản lý, lập quy hoạch. Do đó, khi bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động và đề xuất buộc tháo dỡ, chủ các homestay đã phản đối vì cho rằng chủ trương của địa phương không nhất quán.

Theo ước tính của Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm, mỗi tháng các homestay phục vụ khoảng 7.000 lượt người, cao điểm du khách phải đặt trước vài tháng mới có chỗ. Giá lưu trú mỗi đêm 300.000 - 500.000 đồng. Ngoài 10 cơ sở đang hoạt động, có hai homestay mới đang hoàn thiện.

Núi Cấm cao hơn 700 m và là ngọn núi cao nhất miền Tây. Năm 2002, tỉnh An Giang có chỉ thị về xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trên núi Cấm. Theo đó, một mặt tận dụng lợi thế thiên nhiên để phát triển du lịch, song yêu cầu rà soát, không để phát sinh dân cư mới và nghiêm cấm xây dựng trái phép trên núi.

Tin cùng chuyên mục