Dừng tổ chức diễu binh kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam để tập trung khắc phục hậu quả bão số 3.
Khối chiến sĩ Đặc nhiệm Quân đội nhân dân Việt Nam |
Trong thông báo gửi đi vào ngày 21/9, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sẽ dừng huấn luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội.
Theo Bộ Tổng tham mưu, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền Bắc. Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả bão lũ đang được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Do đó, Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (dự kiến diễn ra vào dịp 22/12).
Các hoạt động khác của Lễ kỷ niệm thực hiện theo Quyết định 307 đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Bộ Tổng tham mưu yêu cầu các đơn vị tổng hợp kinh phí đã ứng chi cho hoạt động huấn luyện diễu binh, diễu hành, báo cáo về Cục Tài chính để xem xét giải quyết.
Theo dự kiến, Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được tổ chức ở cấp quốc gia vào ngày 22/12 tại Hà Nội. Chương trình gồm diễu binh, diễu hành, lực lượng pháo lễ; không quân bay chào mừng; lực lượng xếp hình, xếp chữ… Ngoài ra có hoạt động dâng hương, dâng hoa, truyền hình trực tiếp, giao lưu với các nhân chứng lịch sử...
Đến nay, hơn 10 ngày sau đợt bão lũ khắc nghiệt tại miền Bắc, nhiều đơn vị quân đội vẫn đang túc trực tại các điểm nóng về thiệt hại như Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai), cầu Phong Châu (Phú Thọ)... để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã huy động 425.000 chiến sĩ ứng phó với bão số 3.
Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị hằn lún, gồ ghề như sống lưng trâu, vết lún kéo dài từ 30 m đến hơn 100 m gây nguy hiểm cho tài xế.
Mặt đường bị hằn lún, sống trâu |
Đoạn hư hỏng dài khoảng 70 km từ TP. Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đơn cử từ Bắc vào Nam, đoạn ngã tư Túy Loan giao Quốc lộ 14B, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, mặt đường bị lún chênh nhau gần 10 cm, kéo dài hơn 100 m. Hay tại km17+300, hơn 100 m bị sống trâu, cao gần 10 cm. Mặt đường dồn lên cao, nhựa đường nứt vỡ, tạo vệt lồi lõm giáp với làn khẩn cấp.
Tương tự, đoạn km57+300 bị bong tróc một mảng lớn, đã được vá nhưng vẫn không bằng phẳng. Ở chiều ngược lại, từ TP. Tam Kỳ đi TP. Đà Nẵng xuất hiện nhiều vệt sống trâu. Còn từ TP. Tam Kỳ đi Quảng Ngãi, tình trạng mặt đường xuống cấp ít hơn.
Lý giải nguyên nhân mặt đường hư hỏng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, lưu lượng phương tiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trung bình đạt khoảng 6.000 xe/ngày đêm. Trong đó, xe tải chiếm hơn 51%, lớn hơn nhiều so với các cao tốc khác do VEC quản lý 10 - 20%. "Xe tải nặng lưu thông thường xuyên, có thể có xe quá tải, làm ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, gây hằn lún vệt bánh xe", đại diện VEC giải thích.
Về việc chậm sửa chữa, VEC cho rằng, do một số nhà thầu xây lắp vướng lao lý. Sau khi có phán quyết cuối cùng của tòa hồi cuối tháng 6, VEC và các nhà thầu đã xác định được trách nhiệm để khắc phục hư hỏng mặt đường.
Trong kế hoạch bảo trì năm 2024, VEC đã bố trí cho công tác sửa chữa đột xuất cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 31 tỷ đồng. Với một số vị trí bong bật, hằn lún ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, VEC đã chỉ đạo huy động thiết bị, nhân lực khắc phục xong trước ngày 30/9.
Các vị trí còn lại, VEC đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát và khắc phục sau. Trước mắt, VEC đang đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà thầu sửa chữa mặt đường với giá trị 15 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 và quý I/2025 bố trí hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tại các điểm vào cao tốc.
Ngoại thành Hà Nội vẫn ngập đến 1 mét
Nước sông Tích, sông Bùi vẫn quanh ngưỡng báo động 3, nhiều xã ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa còn ngập 0,6 - 1 m, người dân phải sơ tán.
Người dân ngoại thành Hà Nội đi lại bằng xuồng sáng 21/9 |
Ngày 21/9, tròn 2 tuần sau khi bão Yagi vào miền Bắc và gây mưa lớn, con đường chính dẫn vào xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ qua các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ vẫn ngập. Người dân phải sử dụng thuyền cá nhân và xuồng do chính quyền bố trí.
Trẻ mầm non vùng lũ được nghỉ học, học sinh cấp 1 - 3 chuyển sang học online, hoặc chuyển qua điểm trường không bị ngập để học trực tiếp. Điện bị cắt để đảm bảo an toàn nên các hộ dân ngập sâu vẫn phải sơ tán. Những người sống trên các tầng cao phải trông chờ cứu trợ từ bên ngoài.
Nước sông Bùi những ngày qua rút rất chậm. Chiều 20/9, mực nước tại Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ trên báo động ba 0,29 m, đến 6h30 ngày 21/9 chỉ giảm 0,04 m. Các hồ chứa như Đồng Sương, Vân Sơn, Miễu nước vẫn đang trên ngưỡng tràn nên không thể tiêu nước ở vùng trũng thấp, ven sông.
UBND huyện Chương Mỹ cho biết, toàn Huyện còn 58 thôn bị ngập với gần 5.100 hộ dân, gần 23.000 người bị ảnh hưởng, tập trung ở các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Văn Võ, thị trấn Xuân Mai. Huyện đã sơ tán gần 2.100 hộ với gần 8.800 người đến nơi an toàn và hiện duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến.
Trong điều kiện khó khăn, huyện Chương Mỹ đã cấp hơn 2,3 tỷ đồng, 35 tấn gạo, 16.000 bánh mì, 15.000 thùng sữa cùng nhiều dụng cụ y tế đến người dân.
Tình trạng ngập cũng duy trì hơn 10 ngày tại huyện Quốc Oai khi mực nước sông Tích 13 giờ qua chỉ giảm 0,01 m và vẫn đang trên báo động ba 0,29 m. Toàn huyện còn 8 xã ngập với gần 1.300 hộ, 5.500 người dân. Hơn 940 người phải sơ tán, trong đó 160 người sống tạm cư tại điểm tập trung.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, 2 tuần sau bão Yagi, hơn 64.000 người đã trở về nhà trên tổng số 78.000 người sơ tán. Số còn phải lưu trú tạm tập trung ở vùng trũng thấp các huyện Chương Mỹ (8.800 người), Mỹ Đức (3.490), Quốc Oai (940), Ứng Hòa (280).
Nhiều chung cư cũ nứt, nghiêng không còn đảm bảo an toàn sau bão số 3
Đánh giá nhiều chung cư cũ không còn đảm bảo an toàn sau bão số 3, Bộ Xây dựng đề nghị nhanh chóng di dời người dân để cải tạo, xây dựng lại.
Một số toà chung cư cũ đã hoạt động hơn 40 năm tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng sau bão số 3 |
Trong thông báo triển khai Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98 mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhiều tỉnh, thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Thứ trưởng ghi nhận phản ánh của một số tỉnh, thành, nhiều nhà chung cư cũ đã có hiện tượng nứt, nghiêng, không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng.
Thực tế, nhiều địa phương đã phải di dời người dân khỏi các tòa chung cư cũ để tránh ảnh hưởng của bão số 3. Tại Hải Phòng, hơn 1.000 hộ với 3.000 người dân sinh sống ở 10 chung cư cũ phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền đã được di dời đến trụ sở UBND, trường học lân cận để tránh bão. 10 chung cư này được xây dựng từ năm 1975 đến 1980, trong đó 9 tòa trong tình trạng cấp độ D (nguy hiểm, cần di chuyển cư dân), một tòa hạng C (cấp độ nguy hiểm, hư hỏng nặng).
Tại Hà Nội, tối 6/9, quận Hoàng Mai cũng di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ra khỏi khu tập thể cũ A7, phường Tân Mai nhằm đảm bảo an toàn tính mạng khi bão đổ bộ. Khu tập thể này được xây dựng từ năm 1984. Đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời, nhưng nguy cơ đổ sập rất lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, nhiều tòa theo kết quả kiểm định đã thuộc diện cải tạo, xây dựng lại.
Riêng tại Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1992. Hàng chục chung cư trong số đó đang đối mặt tình trạng nguy hiểm ở mức độ D nhưng vẫn có người ở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành có giải pháp di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp và bố trí chỗ ở tạm thời cho họ, đồng thời kiểm định, đánh giá chất lượng các tòa nhà cũ. Những nhà chung cư đã hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng, nếu thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, cần phải đưa vào kế hoạch làm cơ sở triển khai dự án…
TP.HCM sẽ tính thuế theo bảng giá đất hiện hành
UBND TP.HCM vừa cho phép tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành để tính thuế cho các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8, trong khi chờ ban hành bảng giá đất mới.
Nhiều hồ sơ đất đai bị "treo" 1,5 tháng qua tại TP.HCM sẽ sớm được giải quyết |
Quyết định trên được đưa ra chiều 21/9, sau khi Cục thuế TP.HCM đề xuất, UBND TP.HCM xin ý kiến Ban Cán sự đảng về chủ trương.
Theo đó, cho tới khi Thành phố ban hành bảng giá đất mới (theo Luật Đất đai 2024), các hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai phát sinh từ ngày 1/8 sẽ được giải quyết với cách tính giá đất hiện hành.
Cục Thuế TP.HCM được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tính mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu từ đất cho người dân.
Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Nguyễn Nam Bình cho biết đã chỉ đạo các đơn vị làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật (bắt đầu luôn từ ngày 22/9) để giải quyết nhanh các hồ sơ tồn đọng. Đồng thời, ông yêu cầu các chi cục trưởng chịu trách nhiệm tổ chức xử lý hồ sơ đất đai, không để phát sinh phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Như vậy, các hồ sơ đất đai bị "treo" 1,5 tháng qua tại TP.HCM sẽ sớm được giải quyết.
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, thời gian qua đơn vị này đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ nhà đất. Trong đó, có 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (ví dụ các trường hợp cho, tặng bất động sản).
Tình trạng này phát sinh do Cục Thuế gặp vướng mắc khi giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ thuế trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại Luật Đất đai 2024. Cơ quan này đã 3 lần gửi kiến nghị đến UBND TP.HCM xin phương án giải quyết dứt điểm để tính nghĩa vụ tài chính cho dân.
Khánh thành Cung thiếu nhi Hà Nội
Cung thiếu nhi hiện đại nhất cả nước với nhà hát, rạp phim và các câu lạc bộ nghệ thuật được khánh thành, đi vào hoạt động từ ngày 21/9.
Cung thiếu nhi vào buổi tối khi lên đèn |
Cung thiếu nhi Hà Nội tọa lạc trên khu đất gần 40.000 m2 tại công viên hồ điều hòa CV1, trong Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm.
Khởi công từ tháng 11/2021, sau hơn 2 năm, công trình đã hoàn tất với với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng. Cung gồm 2 khối nhà, trong đó khối nhà A (trước) có nhà hát, rạp phim, câu lạc bộ nghệ thuật. Khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi...
Ngay cổng chính là khu vực nhạc nước để người dân thưởng thức. Cung thiếu nhi Hà Nội là một trong các công trình lớn khánh thành chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô.
Dự án được thiết kế theo chủ đề "Ươm mầm và phát triển" với 2 tòa nhà lớn hình tròn làm trung tâm, tạo nên hình dáng tổng thể mềm mại, liền khối với nhiều ý tưởng thiết kế mới lạ, độc đáo, gần gũi với thiên nhiên để vừa phù hợp với thiếu nhi, vừa mang tính giáo dục cao.
Tại lối cổng vào đường Phạm Hùng có tháp thiên văn cao 68 m, bên trong lắp hai ống nhòm và kính thiên văn. Từ đây, các em nhỏ có thể ngắm toàn cảnh Thành phố và tìm hiểu về thiên văn học. Buổi tối, tháp được thắp sáng, tạo hình ngọn đuốc lớn.
Đây là dự án lớn và hiện đại nhất Việt Nam dành cho trẻ em, được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao cho trẻ em Thủ đô và cả nước.
Nhà hát 800 chỗ ngồi cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại trong tòa nhà A. Tòa này còn có rạp chiếu phim 3D với 100 chỗ ngồi cùng màn hình lớn và 2 nhà chiếu phim 3D và 4D công suất nhỏ hơn.
Toàn bộ phần ghế trong nhà hát có thể tự động thu gọn chỉ bằng một lần bấm nút. Đại diện đơn vị thi công cho biết, công trình hiện chỉ còn nghiệm thu phần phòng cháy chữa cháy.
Cổ phiếu Tân Tạo bị buộc dừng mua bán
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo vì liên tiếp chậm công bố các loại báo cáo định kỳ.
Nhà đầu tư theo dõi thị giá cổ phiếu ITA |
Từ ngày 26/9, cổ phiếu ITA sẽ bị đình chỉ giao dịch trên sàn HoSE. Điều này nghĩa là chứng khoán này sẽ bị buộc dừng mua và bán trên thị trường.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 16/7, Tân Tạo tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, thường niên 2023 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Thời gian qua, HoSE đã nhiều lần nhắc nhở và đưa ra hình thức xử phạt.
Trong văn bản xin tạm hoãn công bố thông tin hồi cuối tháng 8, Tân Tạo cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là vì lý do bất khả kháng kéo dài suốt nhiều tháng qua. Công ty đã "nỗ lực hết sức" trong việc liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được cấp phép trên thị trường, nhưng đều bị từ chối. Theo họ là do từ năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023.
"Điều này khiến tất cả các công ty đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo, họ cũng bị đình chỉ tư cách với kiểm toán viên một cách tương tự", văn bản giải trình của ITA nêu.
Doanh nghiệp này cho biết thêm, vẫn đang tìm kiếm và thuyết phục các công ty thực hiện kiểm toán 3 báo cáo kể trên. Tuy nhiên, việc có tìm được đơn vị kiểm toán hay không phụ thuộc vào "những hành động thể hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư của SSC và HoSE". Đồng thời, họ cũng đề nghị HoSE hủy bỏ quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch đã ban hành trước đó.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA giảm mạnh trong hai năm qua, quanh 5.000 - 6.000 đồng, dưới mệnh giá. Sau khi bị HoSE đình chỉ giao dịch, thị giá mã này giảm tiếp về dưới 4.000 đồng một đơn vị. Khoảng 1 tháng qua, ITA tiếp tục giảm mạnh, hiện chốt phiên cuối tuần ở mức 2.770 đồng.
Đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị sạt lở
Mưa lớn kéo dài khiến đất đá tràn xuống mặt đường đèo Bảo Lộc trên Quốc lộ 20, gây ách tắc giao thông, tối 21/9.
Cảnh sát giao thông đặt biển cảnh báo, phân luồng hai đầu vị trí sạt lở để đảm bảo an toàn |
Khoảng 19h ngày 21/9, đèo Bảo Lộc, đoạn qua xã Đại Lào xảy ra sạt lở. Lượng lớn đất đá, gốc cây từ phía taluy tràn xuống chiếm khoảng hơn 1,5 m mặt đường, hướng từ Đà Lạt về TP.HCM. Sự cố không gây thương vong.
Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi bố trí lực lượng phối hợp Khu quản lý đường bộ IV.1 đặt biển cảnh báo từ xa, phân luồng cho xe lưu thông qua lại một nửa mặt đường.
Khu vực xảy ra sự cố nằm cách vị trí sạt lở hồi tháng 7/2023 - làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân tử vong - hơn 2 km.
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, gồm 2 làn xe, nằm trên Quốc lộ 20 - một trong những tuyến chính từ TP.HCM, Đồng Nai tới TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vào mùa mưa hàng năm, trên đèo thường xảy ra nhiều vụ sạt lở.
Cuối tháng 8/2024, trên đèo Bảo Lộc, đoạn qua thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, đất đá cũng tràn xuống mương thoát nước, mặt đường và xuất hiện các vết xói mòn đất. Cơ quan chức năng xác định, đèo Bảo Lộc có 12 điểm sạt lở và đang tiến hành khoan khảo sát địa chất để lên phương án xử lý.