Dòng tiền vào chứng khoán chững lại
Thị trường giữ nhịp giằng co, nhưng giao dịch không có biểu hiện nghẽn khi thanh khoản không còn quá đột biến.
Dòng tiền vào chứng khoán chững lại |
Ngày 22/1 là thời điểm lượng hàng bắt đáy trong phiên giảm lịch sử 19/1 về tài khoản, vì thế, ngay từ đầu phiên, giới phân tích đã đưa ra đánh giá thận trọng. Diễn biến trong phiên cũng phần nào ủng hộ quan điểm này.
VN-Index giằng co sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), bật nhanh lên 1.174 điểm rồi lại điều chỉnh ngay sau đó. Từ giữa phiên sáng tới trước khi nghỉ trưa, thị trường tiếp tục diễn biến giằng co với những nhịp tăng - giảm trên tham chiếu. Sang phiên chiều, diễn biến không có nhiều khác biệt, chỉ có biên độ dao động thu hẹp hơn. Khác với những phiên đầu tháng, phiên ngày 22/1 không xảy ra tình trạng nghẽn giao dịch do dòng tiền vào chậm và thận trọng hơn.
Chốt phiên, VN-Index tăng 0,22% lên 1.166,78 điểm. VN30-Index tăng 0,46% lên 1.156,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ dưới tham chiếu, trong khi UPCOM-Index vẫn giữ sắc xanh.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó riêng HoSE giao dịch hơn 16.000 tỷ, gồm 1.300 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.
Huyện Phong Điền từ chối bắn pháo hoa dịp Tết Tân Sửu 2021
Đến lượt được bắn pháo hoa mừng xuân Tân Sửu 2021, UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã từ chối bởi năm qua sạt lở đất làm 30 người chết, mất tích.
Pháo hoa trên sông Hương mừng xuân Canh Tý |
Hàng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức bắn pháo hoa chào đón năm mới ở thành phố Huế và một huyện. Các huyện sẽ luân phiên nhau. Thành phố Huế bắn 1.000 quả pháo, huyện bắn 500 quả, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa.
Theo luân phiên, năm nay đến lượt huyện Phong Điền được bắn pháo hoa. Ngày 22/1, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết đã từ chối bởi năm qua địa bàn xảy ra sự cố sạt lở ở Trạm Kiểm lâm 67 làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu hộ 17 công nhân thủy điện Rào Trăng. Trong số nạn nhân có ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch huyện Phong Điền. Sự việc đã trải qua gần bốn tháng, song đến nay 11 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa được tìm thấy.
Tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chạy thử
Sáng 22/1, ba tháng sau khi về tới Depot, đoàn tàu đầu tiên chạy thử 5 km tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Trong quá trình chạy thử, lái tàu do nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm |
Đoàn tàu chạy từ Depot Nhổn đến ga S5 (khu vực Nhà hát Quân đội), sau đó quay về đỗ ở ga S1 (trước cổng Đại học Công nghiệp Hà Nội).
Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu chạy thử khoảng một tiếng, tốc độ trung bình dưới 10 km/h. Hiện lái tàu chạy thử vẫn do đối tác nước ngoài đảm nhiệm.
Ngày 22 - 23/1, MRB tổ chức cho người dân lên tham quan đoàn tàu và nhà ga S1. Do công trường đang thi công, để đảm bảo an toàn, việc tham quan sẽ giới hạn số người. Trước đó từ ngày 15/1, MRB đã ra thông báo để người dân đăng ký tham quan tàu bằng hình thức trực tuyến.
Ba tháng trước, đoàn tàu đầu tiên được vận chuyển từ cảng Hải Phòng về Depot Nhổn sau 1,5 tháng rời cảng Dunkirk (Pháp). Theo kế hoạch, cuối tháng 1/2021, đoàn tàu thứ hai sẽ cập cảng Hải Phòng.
MRB thông tin, trong đợt sản xuất đầu tiên tại Pháp có bốn đoàn tàu thuộc Gói thầu 10 đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. Tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm theo tiêu chuẩn châu Âu, mỗi đoàn tàu của tuyến metro số 3 Nhổn - ga Hà Nội có 4 khoang, tổng chiều dài 78,27 m, có thể chở gần 950 khách mỗi chuyến, khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h.
Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021, đoạn ga ngầm vào cuối năm 2022.
Tiếp tục giảm 30% thuế môi trường với nhiên liệu bay
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết 2021.
Tiếp tục giảm 30% thuế môi trường với nhiên liệu bay |
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 được giảm 900 đồng, xuống còn 2.100 đồng mỗi lít. Sau thời gian này, mức thuế trở lại là 3.000 đồng mỗi lít.
Theo tờ trình của Chính phủ trước đó, mức giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không. Nhờ vậy, phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp này duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, phục hồi sau khủng hoảng do Covid-19.
Tháng 7 năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 1/8 đến hết 31/12/2020 để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc này đã làm giảm số thu thuế với nhiên liệu bay khoảng 360 - 400 tỷ đồng.
Năm 2020 được xem là một năm khốn khó với ngành hàng không. Vietnam Airlines báo lỗ hơn 12.000 tỷ đồng, hiện đã được Quốc hội đồng ý giải cứu. Các hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airways cũng đã kiến nghị vay ưu đãi, có các gói hỗ trợ, tái cấp vốn để khắc phục khó khăn do Covid-19 gây ra. Vietjet Air dự kiến hoà vốn còn Bamboo Airways vẫn chưa hoà được vốn sau 2 năm cất cánh vì dịch bệnh
Cần 4.500 tỷ đồng mở rộng đường Hậu Giang đi Cần Thơ
Tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng đường nối TP. Vị Thanh với Cần Thơ từ 2 lên 4 làn xe để tăng kết nối, phát triển.
Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang |
UBND tỉnh Hậu Giang ngày 22/1 có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép đầu tư giai đoạn 2 quốc lộ 61C từ Vị Thanh đi Cần Thơ. Tuyến đường dài 47 km, rộng 11 m được kiến nghị mở rộng lên 23 m. Kinh phí đầu tư dự kiến 4.528 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh mong muốn sẽ là cơ quan chủ trì, đầu tư dự án.
Quốc lộ 61C giai đoạn 1 vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2012, rút ngắn gần 15 km từ TP. Vị Thanh đến TP. Cần Thơ so với Quốc lộ 61. Công trình có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 1A với đường dẫn cầu Cần Thơ, điểm cuối giao Quốc lộ 61 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Thép dùng cho gối cầu Metro Số 1 TP.HCM không đúng yêu cầu quy định trong hợp đồng
Vật liệu thép dùng cho gối cầu tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị cho là không đúng hợp đồng, ảnh hưởng chất lượng, tuổi thọ và an toàn dự án.
Kỹ sư kiểm tra gối dầm cầu tại khu vực cầu khu vực giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức) |
Thép sử dụng cho tất cả gối cầu, bao gồm gối cao su bản thép khu vực cầu cạn, nhà ga và gối chậu ở các cầu đặc biệt của Metro Số 1 đều không đúng yêu cầu quy định trong hợp đồng ký năm 2012.
Các hạng mục này thuộc Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) Dự án Metro Số 1, do Liên danh SCC (Sumitomo - Cicenco 6) là tổng thầu. Theo hợp đồng nói trên, nhà thầu chịu trách nhiệm các yêu cầu kỹ thuật gồm vật liệu, chất lượng thi công Dự án. Tổng thầu bị cho là đã dùng thép có tiêu chuẩn khác hợp đồng, chưa đạt chất lượng như yêu cầu.
Cuối tháng 10/2020, phần gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 (đoạn gần dốc Coca-Cola trên xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức) thuộc Gói thầu CP2 bị phát hiện rơi ra ngoài. Quá trình xác minh, MAUR phát hiện 2 gối cầu lắp trên công trình nhẹ hơn 9 kg so với hồ sơ thiết kế. Gần đây, một gối cầu khác bị phát hiện lệch khỏi vị trí ở đoạn cầu cạn nằm giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (TP. Thủ Đức).
Đánh giá hai sự cố trên, một thành viên thuộc tổ công tác độc lập của TP.HCM tham gia điều tra nguyên nhân nhận định nhiều khả năng sự cố không đơn lẻ như giải trình của tổng thầu. Gói thầu CP2 sử dụng hơn 1.100 gối cao su gồm hai loại Mageba của Hàn Quốc (chiếm gần 50%) và Kawakin (Nhật Bản). Hai gối bị phát hiện rơi và xê dịch nói trên thuộc loại Mageba, sản xuất tại Malaysia.