Bản tin thời sự sáng 23/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là người dân về quê ăn Tết không phải cách ly y tế; Bệnh viện công đầu tiên tại Hà Nội mở phòng khám hậu Covid-19; đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên; từ ngày 23 Tết, ô tô được phép lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Người dân về quê ăn Tết không phải cách ly y tế

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết nguyên đán thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch và không phải cách ly y tế.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết nguyên đán không phải cách ly y tế

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết nguyên đán không phải cách ly y tế

Trong công văn ngày 22/1, Bộ Y tế nêu rõ nếu người dân có biểu hiện mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì phải hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử lý theo quy định. Các trường hợp khác thực hiện 5K và tự theo dõi sức khỏe.

Địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp không phù hợp.

Theo Bộ Y tế, việc tạo điều kiện cho người dân trong nước về quê ăn Tết và không phải cách ly y tế được thực hiện trên cơ sở việc tiêm chủng vaccine đạt tỷ lệ cao.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trái với quy định của Chính phủ, Bộ Y tế; không gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã đưa ra các biện pháp về cách ly, xét nghiệm khác nhau với người về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế nêu rõ, các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ cần chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Bệnh viện công đầu tiên tại Hà Nội mở phòng khám hậu Covid-19

Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội, mở phòng khám hậu Covid-19, dự kiến hoạt động trong tuần tới.

Bác sĩ viện Đức Giang khám cho F0 hậu Covid-19

Bác sĩ viện Đức Giang khám cho F0 hậu Covid-19

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang), nhiều người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, đặc biệt là người từng mắc bệnh nặng, phải điều trị tích cực. Họ có thể gặp các di chứng như khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mệt mỏi và mồ hôi, đau đầu, ho kéo dài, chóng mặt, ù tai, thay đổi vị giác, khứu giác... Những người này nên điều trị kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Vì vậy, từ một tháng trước, Bệnh viện đã chuẩn bị nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám điều trị hậu Covid tại Hà Nội. Phòng khám cung cấp dịch vụ tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của Covid-19, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng...

Đây là bệnh viện công đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội thành lập phòng khám hậu Covid-19. Bệnh viện cũng đảm nhận điều trị F0 trung bình, nặng của Hà Nội.

Tại miền Bắc, đây là cơ sở thứ hai có đơn vị khám hậu Covid-19. Đơn vị đầu tiên là Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), mở khoa hồi phục chức năng cho F0 khỏi bệnh từ đầu tháng 1.

Di chứng sau Covid-19 là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm hiện nay, gọi là "hội chứng hậu Covid" hoặc "hội chứng Covid kéo dài". Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về di chứng hậu Covid-19.

Đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng mở rộng sân bay Điện Biên

Sân bay Điện Biên được đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng để mở rộng đường băng, sân đỗ, đón các máy bay lớn như A320 và tương đương.

Phối cảnh sân bay Điện Biên mở rộng

Phối cảnh sân bay Điện Biên mở rộng

UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa khởi công Dự án Xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.

Dự án gồm mở rộng đường băng 35-17 kích thước 2.400x45 m trên nền đường băng hiện tại, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.

Nhà ga hành khách được thiết kế hai tầng, tầng 1 là khu vực hành khách đi và đến; tầng 2 là phòng chờ, phòng khách thương gia, dịch vụ thương mại và phụ trợ. Nhà ga được nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 hành khách mỗi năm.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.

Tỉnh Điện Biên đã giải phóng mặt bằng 149 ha đất trong 8 tháng để bàn giao toàn bộ cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc phục vụ mở rộng sân bay.

Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, giữ vị trí xung yếu đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc, phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Sân bay vốn được người Pháp xây dựng, sau năm 1954 phục vụ cả dân sự và quân sự.

Từ ngày 23 Tết, ô tô được phép lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Từ ngày 25/1 đến ngày 10/2/2022, đơn vị quản lý cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức được chấp thuận và cho phép ô tô được lưu thông hai chiều trên tuyến chính cao tốc với tốc độ tối đa là 80km/h.

Ô tô được lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ 25/1- 10/2/2022.

Ô tô được lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ 25/1- 10/2/2022.

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa phát đi thông tin cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất phương án lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp Tết Nguyên đán Nhân Dần năm 2022 theo đề xuất của Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, từ ngày 25/1 đến ngày 10/2/2022, ô tô được lưu thông hai chiều trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với tốc độ tối đa là 80km/h.

Các loại phương tiện không được lưu thông gồm: xe quá khổ - quá tải, xe container từ 20 feet trở lên, xe đầu kéo kéo theo sơ my - rơ mooc, xe chở vật liệu dễ cháy nổ (xăng dầu, gas, nhựa đường…), người đi bộ, xe mô tô, xe thô sơ, xe gắn máy…

Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km (tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng). Điểm đầu Dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

TP.HCM dừng hoạt động 17 tuyến xe buýt trong dịp Tết

17 tuyến xe buýt có trợ giá nhưng hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản lượng hành khách thấp.

Có 17 tuyến xe buýt trợ giá ở TP.HCM dừng hoạt động trong dịp Tết.

Có 17 tuyến xe buýt trợ giá ở TP.HCM dừng hoạt động trong dịp Tết.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa công bố lịch trình hoạt động xe buýt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.

Cụ thể, thời gian phục vụ Tết Nhâm Dần từ ngày 22.1 đến ngày 10.2 (tức từ 20 tháng Chạp âm lịch đến mùng 10 tháng Giêng).

Trong thời gian này, ngoài việc tổ chức hoạt động xe buýt nội tỉnh gắn với đặc thù hoạt động của các bến xe liên tỉnh trong dịp Tết, Trung tâm và các doanh nghiệp vận tải cũng chuẩn bị phương tiện để hỗ trợ các bến xe tăng cường giải tỏa hành khách.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng hành khách thấp, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho dừng hoạt động 17 tuyến xe buýt có trợ giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, trong hai ngày 1 và 2/2 ngưng hoạt động 5 tuyến, gồm: 6, 8, 10, 53, 56. Từ ngày 31/1 đến hết ngày 3/2 ngưng hoạt động 12 tuyến gồm: 14, 57, 59, 68, 69, 72, 73, 76, 89, 101, 102 và 104.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng thông báo, trong ngày 29 tháng Chạp, các tuyến xe buýt có trợ giá kết thúc hoạt động lúc 12h. Ngày mùng 1 Tết, các tuyến xe buýt có trợ giá bắt đầu hoạt động từ 8h đến 17h.

TP.HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá.

Sớm xác định hướng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc qua Đồng Nai

Nhiều phương án hướng tuyến được đưa ra để giảm tối đa diện tích rừng bị mất khi làm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến được khởi công trong tháng 10/2022. Ảnh minh họa

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến được khởi công trong tháng 10/2022. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Đồng Nai vừa làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư Dự án) về xác định phương án hướng tuyến cao tốc. Bàn phương án giảm diện tích rừng bị ảnh hưởng khi làm cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Theo phương án hướng tuyến do chủ đầu tư đang đề xuất, hiện có 49,8 ha rừng bị ảnh hưởng, trong đó cần chuyển đổi hơn 41,4 ha đất rừng sang mục đích sử dụng khác.

Phương án đầu tư được lựa chọn có đi cắt ngang phần diện tích đất rừng phòng hộ cũng như đất rừng sản xuất. Phương án này theo chủ đầu tư là sẽ tối ưu vì giảm được chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, đi qua địa phận huyện Tân Phú (Đồng Nai) 11 km và các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) 55km.

Đây là dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương kết nối các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ

Tin cùng chuyên mục