Bản tin thời sự sáng 23/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD tự do vượt 25.000 đồng; Đắk Lắk thu hồi hơn 13 ha đất cho dự án điện mặt trời thuê vượt quy định; kiểm tra đột xuất, xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết; Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát lãi 6.800 tỷ đồng; đề xuất xây thêm 6 công viên quy mô lớn ở TP.HCM…

Giá USD tự do vượt 25.000 đồng

Giá USD trên thị trường tự do ngày 22/1 tăng vọt và lần đầu vượt 25.000 đồng kể từ tháng 10/2022.

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại ngân hàng thương mại

Các điểm thu mua ngoại tệ trên thị trường nâng mạnh giá mua bán USD thêm gần 200 đồng so với cuối tuần, lên 24.980 - 25.080 đồng một USD.

Nếu so với đầu tháng, mỗi USD chợ đen tăng 260 đồng chiều mua vào và 300 đồng chiều bán ra, tương đương mức tăng 1 - 1,2%. Nhưng so với vùng giá kỷ lục thiết lập tháng 10/2022, hiện giá USD trên thị trường chợ đen vẫn kém hơn khoảng 250 đồng một USD.

Giá USD tự do tăng mạnh thời gian gần đây và đang tạo cách biệt so với tỷ giá ngân hàng. Ở chiều mua vào, giá USD tự do cao hơn khoảng 600 đồng và chiều bán ra vênh khoảng 400 đồng một USD.

Các chủ cửa hàng giải thích giá USD tăng do nhu cầu cao hơn. Chủ hiệu vàng lớn trên đường Lê Lợi, Quận 1 cho biết, mấy ngày qua, ngoài thị trường lan truyền thông tin về các doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn trả nợ vay ngoại tệ, nên nhiều người tranh thủ mua USD vào vì sợ nguồn USD khan hiếm.

Diễn biến trên đang ngược chiều với giá USD chính thức. Sáng 22/1, tỷ giá trung tâm giảm 6 đồng so với cuối tuần trước, ở mức 24.031 đồng. Các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá mua bán USD với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, tức trong vùng 22.829 - 25.232 đồng.

Giá USD mua bán tại các ngân hàng đầu ngày cũng giảm nhẹ so với cuối tuần. Vietcombank yết tỷ giá tại 24.335 - 24.705 đồng; tỷ giá tại Eximbank là 24.300 - 24.690 đồng.

Đắk Lắk thu hồi hơn 13 ha đất cho dự án điện mặt trời thuê vượt quy định

Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc tỉnh Đắk Lắk cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện thuê vượt hơn 13 ha đất, Tỉnh đã có quyết định thu hồi phần diện tích cho thuê vượt quy định này.

Một dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp tại tỉnh Đắk Lắk

Một dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp tại tỉnh Đắk Lắk

Ngày 22/1, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận, Tỉnh vừa có quyết định thu hồi trên 13,2 ha đất tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) trước đó đã cho Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk thuê làm Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp 4 có công suất 150MW.

Đây là phần diện tích phía Công ty thuê để thực hiện Dự án, thuê vượt quy định Thông tư số 18 năm 2020 của Bộ Công Thương mà Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận cuối tháng 12/2023 vừa qua.

Diện tích đất thu hồi được Tỉnh giao cho UBND huyện Ea Súp quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh giảm diện tích đất cho Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk thuê từ hơn 136,9 ha xuống còn 123,7 ha. Vị trí, diện tích, ranh giới được xác định theo trích lục bản đồ địa chính do Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh lập.

Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thu hồi và bàn giao đất trên thực địa. Đồng thời, ký phụ lục hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk do điều chỉnh diện tích thuê đất theo quy định.

Với việc tiếp quản diện tích đất thu hồi từ dự án điện mặt trời, UBND huyện Ea Súp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm tình trạng lấn, chiếm đất đai đối với diện tích nêu trên theo quy định.

Kiểm tra đột xuất, xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xử lý nghiêm trường hợp phòng giao dịch, chi nhánh để ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng trong dịp Tết.

Kiểm tra đột xuất và sẽ xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết

Kiểm tra đột xuất và sẽ xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ký ban hành công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, tập trung tốt nhất nguồn lực để tổ chức vận hành hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, hệ thống chuyển mạch giao dịch tài chính quốc gia và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác điều hòa, lưu thông và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ và công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai tốt việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối, thu, đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Theo chỉ đạo của Thống đốc, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc cung ứng tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn, bảo đảm lưu thông tiền mặt thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khất, hoãn chi.

Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị trên tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình về kiểm đếm, giao nhận, bảo quản tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá và cung ứng tiền mặt trên địa bàn; chủ động nắm bắt tình hình thu, chi tiền mặt trên địa bàn, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố còn phải tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm trường hợp phòng giao dịch, chi nhánh để ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng dịp Tết…

Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát lãi 6.800 tỷ đồng

Dù báo lãi ròng 6.800 tỷ đồng trong năm ngoái, nhưng so với năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát vẫn ghi nhận mức giảm 19% và chỉ hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận.

Tập đoàn Hòa Phát lãi 6.800 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát lãi 6.800 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu hợp nhất tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 34.925 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Hòa Phát thu về trong quý cuối năm ngoái đạt 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn 48% so với quý trước liền trước.

Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp được mệnh danh là "vua thép" đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%.

Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022. Bên cạnh các dòng sản phẩm thép truyền thống, Hòa Phát đã đầu tư chế biến sâu, đẩy mạnh sản xuất các loại thép chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685.000 tấn ra thị trường, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329.000 tấn.

Trong tháng 8/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất - Quảng Ngãi đi vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất và các vùng lân cận.

Hiện tại, Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 của Hòa Phát đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Dự án có quy mô hơn 280 ha, nằm kề bên Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1. Công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn thép HRC/năm và được tập đoàn khởi công trong năm 2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Lãnh đạo Hòa Phát cho rằng, đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khi Dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động có thể giúp doanh thu của Tập đoàn tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng.

Đề xuất xây thêm 6 công viên quy mô lớn ở TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống, gồm Công viên Sài Gòn Safari, Khu lâm viên sinh thái ở TP. Thủ Đức, Công viên Gò Cát...

Công viên cây xanh ven bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là điểm dừng chân, nghỉ mát của người đi đường

Công viên cây xanh ven bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là điểm dừng chân, nghỉ mát của người đi đường

Theo báo cáo của Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM, năm 2023, TP.HCM đã trồng mới và cải tạo gần 12.500 cây xanh (chỉ tiêu là 6.000 cây); thực hiện phát triển 8,2 ha công viên công cộng (chỉ tiêu 5 ha); phát triển hơn 32 ha mảng xanh công cộng (chỉ tiêu 2 ha). Năm 2024, các chỉ tiêu trên vẫn được giữ nguyên.

Theo Sở Xây dựng, theo quyết định của UBND TP.HCM năm 2021 về kế hoạch chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 - 2025, Thành phố đặt chỉ tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng, tương đương 0,65m2/người (tính trên quy mô 10 triệu dân).

"Để hoàn thành chỉ tiêu này, Thành phố cần thực hiện tối thiểu 54 dự án với kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Trong số 8 dự án này, Thành phố đã chấp thuận 4 dự án với kinh phí 1.590 tỷ đồng", báo cáo nêu.

Về mục tiêu xa hơn, giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM phấn đấu tăng 10 ha mảng xanh công cộng, đất công viên đạt 1 m2/người (tính trên quy mô 11 triệu dân), trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống là: Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) rộng 485 ha, Khu lâm viên sinh thái ở TP. Thủ Đức rộng 128 ha, Công viên quảng trường Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) rộng 20 ha, Công viên Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 13 ha, Công viên cây xanh ở khu tái định cư Phường 12, quận Bình Thạnh rộng 3,8 ha, Công viên Thạnh Xuân (Quận 12) 150 ha.

Đắk Nông kêu gọi đầu tư 44 dự án tiềm năng, tổng vốn đầu tư 290.000 tỷ đồng

Tỉnh Đắk Nông ban hành danh mục các dự án có tiềm năng đầu tư với tổng số vốn hơn 290.000 tỷ đồng để mời gọi doanh nghiệp, tập đoàn vào tỉnh này đầu tư.

Tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư nhiều dự án nghìn tỷ

Tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư nhiều dự án nghìn tỷ

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các dự án thu hút đầu tư năm 2024 và các dự án có tiềm năng đầu tư ở tỉnh này.

Theo đó, các dự án có tiềm năng đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm 44 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 290.279 tỷ đồng.

Trong đó, ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp có 19 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 212.265 tỷ đồng. Lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại dịch vụ có 19 dự án, dự kiến mức đầu tư khoảng 77.444 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục, môi trường và hạ tầng kỹ thuật là 6 dự án, mức đầu tư khoảng 570 tỷ đồng.

Một vài dự án có tiềm năng ở tỉnh này được kể ra như: Dự án tổ hợp công nghiệp khai thác bauxit và chế biến alumin - Nhôm (thuộc Dự án khai thác Cụm Đắk Nông 2), vốn đầu tư dự kiến khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng.

Hay Dự án tổ hợp công nghiệp khai thác bauxit và chế biến alumin - Nhôm (thuộc Dự án khai thác Cụm Đắk Nông 5), vốn đầu tư cũng từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Thêm nữa là Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao, trên diện tích 970 ha, với tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh này cũng ban hành danh mục 17 dự án thu hút đầu tư năm 2024 với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Có thể kể đến là Dự án Khu đô thị trung tâm thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút), có tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng. Hay Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc (huyện Cư Jút) với tổng vốn đầu tư từ 250 - 300 tỷ đồng; Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly (huyện Đắk Song) vốn đầu tư từ 100 - 300 tỷ đồng…

Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Capel bị bắt

Lã Quốc Trưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Capel, bị cáo buộc kêu gọi hàng trăm người đầu tư góp vốn, hứa trả lãi rất cao, rồi chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng.

Lã Quốc Trưởng (trái) tại cơ quan điều tra

Lã Quốc Trưởng (trái) tại cơ quan điều tra

Ngày 22/1, Lã Quốc Trưởng bị Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.HCM, bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, cảnh sát phát hiện Công ty CP Tập đoàn Capel (Công ty Capel) do Trưởng làm Chủ tịch HĐQT có nhiều dấu hiệu lừa đảo, liên tục tổ chức hội thảo, kêu gọi đầu tư với mức lãi rất cao.

Cơ quan điều tra cáo buộc, Trưởng muốn có tiền mua nhà, ôtô và tiêu xài cá nhân nên đã lên kế hoạch lừa tiền người dân. Bị can dùng pháp nhân Công ty Capel tuyển dụng nhiều người và phong các chức vụ cao như: Hà Thị Nga - Tổng giám đốc; Nguyễn Hà Như Thụy - Kế toán, thủ quỹ; Phạm Hoàng Nam - Trợ lý của Chủ tịch HĐQT; hàng trăm Tổng và Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng nhóm... Tiếp đó, Công ty Capel thành lập thêm 5 chi nhánh tại TP. Hà Nội, các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Cần Thơ, Nghệ An.

Sau khi có các ban bệ và chi nhánh, Trưởng cho quảng bá rầm rộ về các buổi hội thảo do mình thuyết trình, giới thiệu về Tập đoàn Capel và tình hình kinh doanh, đầu tư của công ty. Những người dự hội thảo được mời tham gia các gói đầu tư với mức lãi cực cao kèm theo ưu đãi, phần trăm hoa hồng...

Để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, thời gian đầu, Trưởng chỉ đạo các nhân viên dùng tiền người nộp sau trả lãi cho người trước. Tiếp đó, Công ty Capel tiếp tục kêu gọi nhân viên, cộng tác viên, nhà đầu tư tìm kiếm thêm người tham gia để nhận tiền hoa hồng.

Cơ quan điều tra xác định, từ 4/2021 - 4/2022, Trưởng đã ký kết gần 8.000 "Hợp đồng hợp tác kinh doanh", kêu gọi góp vốn, của các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 700 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Đến nay, khoảng 300 khách hàng (chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) đã gửi đơn tố giác bị Trưởng lừa tiền.

Tin cùng chuyên mục