Bản tin thời sự sáng 23/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ ngày 23/11; đề xuất khai trừ Đảng Bí thư huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn; 2 cánh quạt điện gió ở Sóc Trăng bị gãy; dự kiến tháng 12, Hà Nội cho học sinh THPT đến trường; xét xử 36 bị cáo trong đại án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ ngày 23/11…

Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ ngày 23/11

Theo Sở Y tế Hà Nội, sáng 23/11, Thành phố bắt đầu tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 15 - 17 tuổi, kéo dài trong 3 ngày.

Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 15 - 17 tuổi từ ngày 23/11

Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 15 - 17 tuổi từ ngày 23/11

Ngành y tế sử dụng 304.140 liều trong số 502.980 liều vaccine Pfizer vừa được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp chiều 22/11, để tiêm mũi một cho trẻ. Số vaccine này được Hà Nội phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã để tiêm cho trẻ 15 - 17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn.

Chiến dịch tiêm sẽ thực hiện theo lộ trình hạ dần độ tuổi (có thể sử dụng để tiêm trả mũi hai cho trẻ 15 - 17 tuổi sau khi đã hết nhóm tiêm mũi một trên địa bàn), đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần. Thời gian hoàn thành đợt tiêm chủng này trước ngày 25/11.

Quận Đống Đa được nhận 19.188 liều; huyện Đông Anh 15.894 liều; quận Cầu Giấy 15.665 liều; huyện Ba Vì 12.414 liều; quận Nam Từ Liêm 12.312 liều; quận Hà Đông 11.478 liều; các quận, huyện, thị xã còn lại tiếp nhận từ hơn 5.000 - 11.000 liều.

Địa điểm tiêm chủng là tại các trường học đối với trẻ đang đi học; tại trạm y tế đối với trẻ không đi học. Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu..., tiêm tại bệnh viện. Kế hoạch là tiêm cuốn chiếu theo từng trường.

Theo kế hoạch, trong quý IV/2021 và quý I/2022, Hà Nội sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ trẻ 12 - 17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Dự kiến, 791.921 trẻ được tiêm, trong đó 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Đề xuất khai trừ Đảng Bí thư huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn

Ông Lê Hùng Sơn, Bí thư huyện uỷ Cô Tô (Quảng Ninh) bị đề nghị khai trừ khỏi Đảng sau khi bị tố hiếp dâm nữ cán bộ thuộc huyện này.

Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô đề xuất khai trừ Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô

Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô đề xuất khai trừ Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô

Ban Thường vụ Huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị khai trừ khỏi Đảng đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

Trước đó, ngày 12/11, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy Cô Tô vì liên quan đến đơn tố cáo có hành vi xâm hại một nữ nhân viên hợp đồng tại một cơ quan thuộc UBND huyện Cô Tô.

Ngay sau khi ông Sơn bị đình chỉ công tác, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phân công tạm thời cán bộ điều hành tạm thời Huyện ủy và UBND huyện Cô Tô.

Mấy ngày nay, sự việc ông Lê Hùng Sơn bị tố cáo hiếp dâm nữ nhân viên bị đình chỉ công tác đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với nhiều hình ảnh, bình luận chia sẻ trên mạng xã hội.

2 cánh quạt điện gió ở Sóc Trăng bị gãy

Trong một tuần, 2 cánh quạt dài hơn 70 m, rộng 2 - 3 m của hai dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu bị gãy khi đang vận hành, chưa rõ nguyên nhân.

Cánh quạt tại một trụ điện gió ở xã Hoà Đông, thị xã Vĩnh Châu bị gãy

Cánh quạt tại một trụ điện gió ở xã Hoà Đông, thị xã Vĩnh Châu bị gãy

Thông tin ban đầu của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, vụ gãy cánh quạt điện gió gần nhất xảy ra hôm 22/11 tại dự án ở xã Vĩnh Hải. Trước đó một tuần, một cánh quạt tại dự án điện gió ở xã Hoà Đông cũng bị gãy. Hai sự cố không gây thương vong về người.

Mỗi cánh quạt bị gãy nặng hơn 20 tấn, nhập khẩu từ châu Âu, do doanh nghiệp nằm trong top 10 thế giới sản xuất, còn thời gian bảo hành. Khi xuất xưởng, các cánh quạt đều được kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, đây là sự cố hy hữu, có thể trong quá trình vận chuyển hoặc lắp ráp thi công đã xảy ra va chạm mà mắt thường không nhìn thấy. Đơn vị đang cùng sở ngành ở Tỉnh và các bên liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Dự án điện gió (giai đoạn 1) tại xã Vĩnh Hải công suất hơn 30 MW (6 tua bin), vốn đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng, trên diện tích đất liền 7,5 ha. Còn dự án điện gió tại xã Hoà Đông cũng công suất 30 MW, tổng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng trên diện tích 5,6 ha. Hai dự án đã được đóng điện, vận hành hồi tháng 10.

Sóc Trăng hiện có 21 dự án điện gió đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nằm dọc bờ biển dài hơn 70 km.

Dự kiến tháng 12, Hà Nội cho học sinh THPT đến trường

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, dự kiến đầu tháng 12, Hà Nội sẽ cho học sinh THPT trở lại trường học, tiếp theo sẽ là các khối lớp khác của bậc THCS.

Ngay sau khi tiêm vắc xin xong, dự kiến đầu tháng 12 Hà Nội sẽ cho học sinh THPT trở lại trường

Ngay sau khi tiêm vắc xin xong, dự kiến đầu tháng 12 Hà Nội sẽ cho học sinh THPT trở lại trường

Theo ông Tiến, ngày 22/11, học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã ngoại thành mà trên địa bàn trải qua 14 ngày không có ca mắc Covid-19 được tới trường học trực tiếp.

Từ sáng sớm, học sinh, giáo viên vào trường đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Phòng Y tế học đường trang bị đầy đủ thiết bị, thuốc men dự phòng.

Về kế hoạch cho học sinh các bậc học khác trở lại trường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong giai đoạn tới Hà Nội sẽ chủ động, tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh với tinh thần tiêm xong đến đâu cho học sinh đi học đến đó.

Trong tuần này, từ 22 - 28/11, toàn bộ học sinh THPT trên địa bàn Thành phố sẽ tiêm phòng vaccine, sau đó sẽ tiếp tục tiêm cho học sinh khối THCS. Kế hoạch tiêm chủng đảm bảo học sinh từ 12 - 17 tuổi được tiêm nhanh nhất để có thể được tới trường học trực tiếp.

Theo tiến độ, ngay sau khi tiêm vaccine xong, dự kiến đầu tháng 12 Hà Nội sẽ cho học sinh THPT trở lại trường; tiếp theo là các khối lớp khác của bậc THCS.

Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương bị kỷ luật khiển trách

Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, ông Lê Thanh Chiến đã vi phạm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đơn vị.

Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM.

Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế TP.HCM mới đây đã có quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM bằng hình thức khiển trách.

Theo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế TP.HCM, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, ông Lê Thanh Chiến đã vi phạm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đơn vị; vi phạm về thu, chi tài chính tại khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Thanh tra TP.HCM đã kết luận tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương xảy ra nhiều sai phạm trong hành nghề và thu chi tài chính.

Theo kết luận này, từ năm 2012 - 2018, có 11 bác sĩ ở Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương thực hiện 3.010 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, tại thời điểm phẫu thuật, các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Khoa cũng không xây dựng quy trình khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú; không lập kế hoạch phẫu thuật trong tuần trình ban giám đốc để tổ chức cuộc phẫu thuật...

Trong các sai phạm, nghiêm trọng nhất là sai phạm trong thực hiện thu chi tài chính. Cụ thể, khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ thu từ hoạt động thẩm mỹ và các hoạt động khám chữa bệnh bỏng là hơn 71 tỷ đồng. Lợi dụng các trường hợp bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ có sử dụng vật liệu nhân tạo, các bác sĩ mua vật liệu nhân tạo trực tiếp từ các công ty và ăn tiền chênh lệch giá. Kết luận thanh tra chỉ ra, trong 12/14 bác sĩ tham gia thủ thuật, phẫu thuật, có 6 bác sĩ đã thu lợi trái pháp luật với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Cần Thơ bắt đầu tiêm ngừa vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

Sáng ngày 22/11, Cần Thơ bắt đầu triển khai tiêm vaccine Pfizer lần lượt cho gần 113.000 trẻ em độ tuổi từ 12 - 17 trên địa bàn.

Ngày 22/11, Cần Thơ chính thức triển khai tiêm vaccine Pfizer cho gần 113.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi

Ngày 22/11, Cần Thơ chính thức triển khai tiêm vaccine Pfizer cho gần 113.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi

Quận Ninh Kiều là 1 trong 9 quận/huyện của TP. Cần Thơ triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi đầu tiên. Quận thành lập 4 điểm tiêm, trong đó có 3 điểm tiêm cho học sinh khối trung học (Trường THCS An Khánh, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Trường THCS Lương Thế Vinh) và 1 điểm cho trẻ ngoài trường học (Trường Mầm non 1/6). Mọi công tác chuẩn bị, tổ chức tại các điểm tiêm đảm bảo theo đúng tiến độ thời gian và công tác phòng, chống dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Ngọc Ánh, dự kiến, Quận có khoảng 20.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi, trong 2 ngày đầu (22 - 23/11) sẽ ưu tiên tiêm cho trẻ 16 - 17 tuổi trước, sau đó tiêm cho các trẻ theo độ tuổi giảm dần. Vì các em dưới 18 tuổi nên ngành y tế Quận chuẩn bị kỹ lưỡng, Quận đã liên hệ và mời các bác sĩ chuyên khoa từ các bệnh viện trên địa bàn, sẵn sàng các loại thuốc chống sốc để đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời.

Lịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi ở các quận/huyện trên địa bàn Cần Thơ sẽ khác nhau, Thành phố phấn đấu tiêm nhanh trong 1 tuần nhằm phủ 100% vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, riêng đối với trẻ từ 3 - 12 tuổi thì sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế vào thời gian tới.

Xét xử 36 bị cáo trong đại án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ ngày 23/11

Theo kế hoạch, ngày 23/11, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tháng...

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị "rút ruột", bị hư hỏng nặng.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị "rút ruột", bị hư hỏng nặng.

Trong vụ án này, 36 bị cáo đều bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả 7 gói thầu thi công đường thuộc giai đoạn 1 của Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế Dự án. Hành vi của Nguyễn Mạnh Hùng và đồng phạm gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 422 tỷ đồng.

36 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào cùng là Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC; Hoàng Việt Hưng (Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)…

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng.

Dự án gồm 2 đoạn tuyến: đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (Km0 - Km65), sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) và đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi (Km65 - Km139+204), sử dụng vốn vay thương mại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Giai đoạn 1 của Dự án dài 65 km, từ TP. Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam gồm có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu chủ yếu thi công cầu.

Mặc dù mới được đưa vào khai thác nhưng đoạn đường 65 km đã có rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục