Bản tin thời sự sáng 23/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 14.600 tỷ đồng làm hai đoạn Vành đai 2 TP.HCM; đề xuất tiếp tục giảm thuế môi trường nhiên liệu bay đến hết 2021; Dinh I Đà Lạt bị cho thuê không qua đấu giá; Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong; Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm vụ để ngập ngụa rác gây ô nhiễm…

14.600 tỷ đồng làm hai đoạn Vành đai 2 TP.HCM

Hai đoạn dài 6 km thuộc dự án Vành đai 2 TP.HCM, tổng vốn 14.600 tỷ đồng dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào tháng 12/2020.

Phối cảnh nút giao Phạm Văn Đồng - Linh Đông, thuộc đoạn 2 dự án Vành đai 2. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Phối cảnh nút giao Phạm Văn Đồng - Linh Đông, thuộc đoạn 2 dự án Vành đai 2. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Theo Sở Giao Giao thông vận tải TP.HCM, 2 đoạn này nằm ở khu Đông Thành phố, thuộc 14 km còn lại để khép kín Vành đai 2.

Đoạn 1, từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (Quận 9 và Thủ Đức), dài 3,5 km, rộng 67 m, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 6.200 tỷ đồng.

Giai đoạn một, Dự án làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m cho 3 làn xe. Trên đường song hành cũng xây 2 nhánh cầu Đường Xuồng (Quận 9), mỗi nhánh rộng 13 m. Ngoài ra sẽ hoàn chỉnh vỉa hè và kết nối với đường nội bộ tại khu vực bằng các nút giao đồng mức.

Đoạn 2, từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng tại ngã ba Linh Đông (quận Thủ Đức), dài 2,5 km. Đoạn này tổng mức đầu tư hơn 5.569 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 2.490 tỷ đồng.

Giai đoạn một, dự án làm hai nhánh đường song hành, mỗi nhánh rộng 10,5 m cho 3 làn xe và xây hoàn chỉnh vỉa hè. Tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Linh Đông, nút giao được thiết kế ba tầng. Trong đó, cầu vượt Số 1 gồm hai nhánh đi thẳng trên đường Vành đai 2, mỗi nhánh 3 - 5 làn xe. Cầu băng qua các tuyến Linh Đông, Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, rạch Ngang và có các nhánh rẽ.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế môi trường nhiên liệu bay đến hết 2021

Bộ Tài chính đề nghị áp mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021.

Bộ Tài chính đề nghị áp mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021

Bộ Tài chính đề nghị áp mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, giữ nguyên mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 là 2.100 đồng/lít, từ ngày 1/1/2022 mới tăng trở lại mức 3.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính dự tính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860 - 960 tỷ đồng/năm.

Theo cơ quan này, đây chính là mức hỗ trợ trực tiếp để góp phần giảm giá nhiên liệu bay, chi phí nhiên liệu đầu vào cho doanh nghiệp vận tải hàng không. Mức giảm chi phí này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự báo trong năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn.

Lâm Đồng: Dinh I Đà Lạt bị cho thuê không qua đấu giá

Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê nhà đất Dinh I, các biệt thự trên khuôn viên đất 1,86 ha tại Phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhưng không qua đấu giá.

Dự án King Palace của Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê lại Dinh I, nhưng không qua đấu giá

Dự án King Palace của Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê lại Dinh I, nhưng không qua đấu giá

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát tình hình đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính và đề xuất phương án xử lý vốn đầu tư liên quan đến Dự án Khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) của Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt.

Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và kế hoạch của UBND Tỉnh thì Dự án King Palace do Công ty Hoàn Cầu làm chủ đầu tư thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư.

Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Dự án vi phạm một số quy định tại Khoản 1, Điều 52, Luật Đất đai và việc cho thuê nhà đất Dinh I, các biệt thự trên khuôn viên đất 1,86 ha không qua đấu giá là vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 43, Nghị định 52 của Chính phủ.

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất chọn 4 địa điểm quy hoạch điện khí tại khu vực nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa nhằm thu hút các dự án điện khí có công suất lớn vào khu vực này.

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

Khánh Hòa chọn 4 địa điểm để quy hoạch điện khí tại Nam Vân Phong

Với lợi thế đường bờ biển dài, kín gió, có cảng nước sâu nên rất nhiều doanh nghiệp xin đầu tư kho chứa khí và điện khí vào khu vực nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi nghiên cứu, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất chọn 4 địa điểm thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích khoảng 1.050 héc ta để triển khai các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí.

Các địa điểm này có diện tích từ 40 - 600 ha, đều nằm sát biển, thuận lợi cho việc hình thành các nhà máy điện khí, cảng khí, kho khí. Những địa điểm mà UBND Tỉnh lựa chọn để quy hoạch điện khí đều đã có 6 doanh nghiệp tìm hiểu, đăng ký đầu tư với tổng công suất khoảng 30.000 MW.

Ngoài các nhà đầu tư trong nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… còn có các Tập đoàn kinh tế của Mỹ, Nhật Bản với các dự án trị giá hàng tỷ USD.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư ở các nước phát triển, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nhà máy điện trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

Hà Nội yêu cầu xử lý trách nhiệm vụ để ngập ngụa rác gây ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) và phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).

Người dân khốn khổ khi nhiều ngày sống chung với các đống rác thải hôi thối

Người dân khốn khổ khi nhiều ngày sống chung với các đống rác thải hôi thối

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc liên quan đến ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm tra thực tế việc gây ô nhiễm môi trường do rác thải tồn đọng, xác định rõ nguyên nhân, không để xảy ra tình trạng trên.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị thầu cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng nêu trên.

Lãnh đạo Thành phố cũng giao UBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; yêu cầu nhà thầu cần khẩn trương thu gom toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, vận chuyển đến khu xử lý tập trung theo quy định.

Giao Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) phối hợp với Công ty CP Công nghệ cao Minh Quân thu gom, vận chuyển rác theo quy định. Các đơn vị báo cáo kết quả về UBND Thành phố trước ngày 25/11.

Hà Nội rào chắn thi công hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 trị giá 700 tỷ đồng

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, việc rào chắn thi công hầm chui 700 tỷ đồng dự kiến diễn ra trong 7 tháng; để di chuyển, bảo vệ đối với 6 lộ cáp điện ngầm 220kV, 6 lộ cáp điện ngầm 110kV và 7 lộ cáp điện ngầm 22kV.

Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương.

Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương.

Giai đoạn 1 của Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 trị giá gần 700 tỷ đồng đã được triển khai, công trình ngầm nổi trong phạm vi Dự án hiện đang được thi công gấp rút.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố, dải phân cách giữa đoạn tuyến sẽ được xén bỏ, thay thế bằng bó vỉa cứng, vẫn đảm bảo phân tách hai hướng lưu thông và làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Khu vực cắt xén dải phân cách sẽ phục vụ đào ngầm, di chuyển các lộ cáp điện lực; thời gian thi công giai đoạn rào chắn di động kéo dài 30 ngày. Sau đó sẽ chuyển sang rào chắn cứng bằng tôn, mỗi bên dài 630 m từ mép bó vỉa cứng kéo rộng ra 3 m.

Trước đó, ngày 2/10, TP. Hà Nội chính thức khởi công hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, dự kiến hoàn thành sau 2 năm.

Đã có doanh nghiệp vay được lãi suất 0% từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng

40 doanh nghiệp vừa được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân cho vay trả lương ngừng việc theo gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng.

Đã có doanh nghiệp vay được lãi suất 0% từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng

Đã có doanh nghiệp vay được lãi suất 0% từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng

Ngày 22/11, thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết, đến nay đã có 16 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đầu tiên được phân bổ vốn theo Quyết định số 32/2020 để tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho người sử dụng lao động.

Theo đó, đã có 40 doanh nghiệp với 1.195 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã được giải ngân số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Theo NHCSXH, hiện chi nhánh các tỉnh, thành phố khác trong hệ thống ngân hàng này vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và lên kế hoạch giải ngân. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/1/2021.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rất khó đáp ứng các điều kiện, thủ tục để được vay ưu đãi lãi suất 0% nhằm trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 và Quyết định 32 nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ tiếp cận gói vay ưu đãi 16.000 tỷ đồng.

Những quy định mới được đánh giá là dễ dàng hơn, điều kiện bớt khắt khe hơn giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận gói vay ưu đãi này.

Các phương tiện thuộc Bộ Giao thông vận tải phải dán thẻ thu phí không dừng

Bộ Giao thông vận tải vừa phát đi yêu cầu các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ đẩy nhanh việc dán thẻ dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Phương tiện dán thẻ thu phí tự động đi vào làn đường của trạm thu phí được lắp đặt thu phí tự động

Phương tiện dán thẻ thu phí tự động đi vào làn đường của trạm thu phí được lắp đặt thu phí tự động

Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai áp dụng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng trên địa bàn cả nước nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, Bộ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạo việc dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với toàn bộ các phương tiện thuộc diện thu phí do cơ quan, đơn vị quản lý.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong số 44 trạm thu phí giai đoạn 1 (BOO1), đã lắp đặt vận hành thu phí tự động không dừng 25 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác bổ sung vào dự án cũng được lắp đặt vận hành thu phí tự động không dừng.

Đối với 33 trạm giai đoạn 2 (BOO2) của dự án, hiện nay có 30 trạm đã được 20 nhà đầu tư quản lý ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng.

Liên quan đến tiến độ dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 15/11, mới có gần 1 triệu xe ô tô trong tổng số hơn 4 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí tự động không dừng.

Tin cùng chuyên mục