Bộ Công an cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân
Từ 25/2, Bộ Công an sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân để thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.
Từ 25/2, Bộ Công an sẽ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân |
Thông tin được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cho biết vào chiều 22/2.
Đại diện C06 cho hay, năm 2022 sẽ thực hiện các dịch vụ công bằng phương thức điện tử và thay thế các giấy tờ cá nhân bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp. Từ 25/2, C06 cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân trên cả nước thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân.
Tài khoản định danh điện tử gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân) và mật khẩu đã được Bộ Công an cung cấp, xác thực qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tài khoản này được Bộ Công an quản lý và xác thực.
Bộ Công an cho rằng, người dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ tiết kiệm thời gian khai báo lại các thông tin cá nhân mỗi khi đi làm thủ tục hành chính; chia sẻ thông tin cá nhân cho bên thứ ba bằng cách quét mã QR Code; giảm thiểu tối đa các giấy tờ cá nhân cần mang theo; thực hiện các dịch vụ công không phải đến tận nơi. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Công dân có nhu cầu cấp tài khoản định danh điện tử sẽ đăng ký với cán bộ công an cấp huyện (cán bộ tiếp nhận giấy tờ làm căn cước công dân gắn chíp) với thông tin như số điện thoại, email.
Trường hợp muốn đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cần mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Lập đỉnh mới, giá vàng tiến sát 64 triệu đồng
Các nhà vàng liên tục điều chỉnh giá vàng miếng trong ngày 22/2, có lúc lên mức cao nhất lịch sử 63,85 triệu đồng một lượng.
Giá vàng miếng trong ngày 22/2 lập đỉnh mới tiến sát 64 triệu đồng |
Trưa 22/2, giá vàng miếng chạm mức đỉnh 63,7 triệu đồng và tới 15h, giá vàng miếng tiếp tục tăng thêm 250.000 đồng so với buổi sáng lên 63,25 - 63,85 triệu đồng một lượng, xác lập đỉnh lịch sử mới.
Tại DOJI, giá mua bán vàng miếng cũng lên 63 - 63,75 triệu đồng. Giá vàng trong nước tiếp tục đi lên vào buổi chiều kéo mức chênh lệch với giá thế giới lên 11,1 triệu đồng một lượng nếu quy đổi.
Tới 15h30, giá vàng miếng tại SJC quay đầu giảm nhẹ về 63,1 - 63,7 triệu đồng, nhưng vẫn cao hơn 100.000 đồng so với buổi sáng.
Mở cửa đầu phiên sáng, các nhà vàng đã nâng giá bán lên 400.000 đồng một lượng so với cuối ngày hôm 21/2. Còn đối với vàng nhẫn, một trong những mặt hàng được nhiều người quan tâm, mức giá giao dịch thấp hơn gần một triệu đồng và không có biến động mạnh, được niêm yết tại 54,1 - 54,8 triệu đồng một lượng.
Kiến nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư 12 dự án PPP
12 dự án trọng điểm dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở TP.HCM được đề xuất bố trí kinh phí để làm công tác chuẩn bị đầu tư từ năm nay.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tương lai nối cao tốc Gò Dầu - Xa Mát |
Đây là một trong nội dung vừa được lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM, nhằm chuẩn bị trình HĐND Thành phố xem xét tại kỳ họp tháng 3 năm nay. Tổng mức đầu tư 12 dự án ước tính gần 72.800 tỷ đồng.
Trong 12 dự án, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là công trình được đề xuất ưu tiên làm các công việc chuẩn bị đầu tư trong năm nay. Tuyến đường dài hơn 53 km, kết nối Thành phố qua Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng. Công trình dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2025.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối TP. Thủ Đức qua Quận 7, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng) cũng dự tính triển khai theo hình thức BOT, được đề xuất làm công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023.
Các công trình khác được Sở Giao thông vận tải đề xuất bố trí vốn lập kế hoạch đầu tư gồm: đường trục động lực (tuyến song song Quốc lộ 50), đường trên cao số 1 (nút giao Cộng Hòa - Ngô Tất Tố), đường nối tuyến Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương), Dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM.
Kế đến, Dự án xây cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP Thủ Đức); các cảng cạn ở huyện Củ Chi, Tân Kiên (huyện Bình Chánh); hai bến xe hàng ở TP. Thủ Đức và trong khu dân cư phía Nam xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cũng được đề xuất làm các công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023.
Việt Nam nối lại 20 đường bay quốc tế
Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đến 20 trong tổng số 28 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo đại diện Bộ Giao thông vận tải.
Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ |
Các thị trường được mở lại đến 22/2 gồm: Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Lào, Đài Loan, Hongkong (Trung Quốc), Pháp, Đức, Anh, Australia, Nga và Mỹ.
So với thời điểm trước dịch (mùa Đông năm 2019), còn 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa nối lại đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Italy, Thụy Sĩ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tần suất các chuyến bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến mỗi chiều hàng tuần, tương đương 53 chuyến bay mỗi ngày. Trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế thời điểm trước dịch là 4.185 chuyến mỗi chiều hàng tuần, tương đương 598 chuyến mỗi ngày. Như vậy, tần suất các chuyến bay chặng quốc tế mới đạt khoảng 10% so với trước đây.
Hiện các hãng hàng không trong nước đều đã lên kế hoạch phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế, trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách tại các điểm đến và theo nhu cầu thị trường.
Hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế cần có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19…
Từ ngày 15/2, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần hai năm đóng cửa. Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế. Toàn bộ chặng bay trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Abbott thu hồi sữa bột Alimentum nghi nhiễm khuẩn
Công ty Abbott thu hồi lô sữa bột Alimentum nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam sau khi Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo sữa có nguy cơ nhiễm vi khuẩn đường tiêu hóa.
Hình ảnh số lô sữa bột bị cảnh báo nhiễm khuẩn phải thu hồi. |
Cảnh báo được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng công thức (sữa bột) do hãng Abbott Nutrition sản xuất ở Sturgis, Michigan (Mỹ).
Những sữa này đã được nhập khẩu về Việt Nam, bao gồm nhãn hiệu Similac, Alimentum và EleCare, các lô có mã số chữ số đầu tiên từ 22 - 37; mã trên bao bì ký hiệu K8, SH hoặc Z2; hạn sử dụng ngày 4/1/2022 trở về sau. Cục cũng đề nghị người dân thông báo ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm được cảnh báo trên thị trường.
Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, các sản phẩm này do doanh nghiệp thu hồi tự nguyện, do đó hiện chưa rõ số lượng. Cục đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo. Sau khi thu hồi sản phẩm, doanh nghiệp sẽ đề xuất hình thức xử lý.
Chiều cùng ngày, bà Đinh Hồng Ngọc (Giám đốc Truyền thông Đối ngoại Công ty Abbott tại Việt Nam) cho biết, Abbott đang tiến hành thu hồi sữa bột Alimentum, bởi chỉ nhập khẩu và phân phối chính thức sản phẩm này từ nhà máy ở Sturgis. Các lô Similac và EleCare trong diện cảnh báo, Abbott Việt Nam không nhập khẩu. Các sản phẩm khác do Abbott nhập khẩu và phân phối chính thức tại Việt Nam không bị ảnh hưởng từ việc thu hồi này, và người tiêu dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng.
Abbott Việt Nam chưa cho biết chi tiết về số lượng sản phẩm sữa Alimentum cần thu hồi cũng như quy trình thu hồi cụ thể diễn ra như thế nào.
Sắp bán đấu giá hàng trăm triệu lít xăng RON 92 từ kho dự trữ quốc gia
Bộ Công Thương dự kiến đấu giá gần 102 triệu lít xăng RON 92 từ kho dự trữ quốc gia với giá khởi điểm tạm tính 14.058 đồng một lít.
Bộ Công Thương dự kiến đấu giá gần 102 triệu lít xăng RON 92 từ kho dự trữ quốc gia |
Bộ Công Thương vừa xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc sẽ bán đấu giá một lô hàng dự trữ quốc gia tại 12 điểm kho dự trữ của 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp.
Với giá khởi điểm tạm tính 14.058 đồng một lít, số tiền thu được sau bán đấu giá gần 102 triệu lít xăng RON 92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON 92) là trên 1.433 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức trúng đấu giá có thể cao hơn so với mức giá tạm tính này.
Bộ Công Thương cho biết, giá khởi điểm bán đấu giá chính thức sẽ được Bộ quy định, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm tạm tính và được thông báo tới các tổ chức có đủ điều kiện tham gia trước phiên đấu giá.
Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến diễn ra trong tháng 2 này.
Đề xuất Kép là ga đường sắt quốc tế
Kép trở thành là ga liên vận quốc tế sẽ giúp hàng hóa thông quan nhanh, giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới với Trung Quốc, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Tàu hàng liên vận Việt - Trung tại khu kiểm soát hải quan Lào Cai |
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đơn vị này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung ga Kép là ga đường sắt liên vận quốc tế, giúp hàng hóa thuộc khu vực tỉnh Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang, giảm bớt thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa và giảm áp lực cho 2 ga Đồng Đăng, Yên Viên.
Thời gian qua, nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế tăng cao trên cả hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), công ty vận tải dự kiến xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này lên 200.000 tấn hàng hóa mỗi tháng. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên, trong tháng 1 các doanh nghiệp chỉ vận chuyển được hơn 80.000 tấn.
Hiện mỗi ngày có 500 - 600 toa xe ách tắc tại ga Bằng Tường (Trung Quốc) và dọc đường từ ga Nam Ninh đến ga Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam.
Hiện nay, hàng hóa liên vận quốc tế đến Bắc Giang phải khai báo thủ tục xuất nhập tại hải quan ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) hoặc ga Yên Viên (Hà Nội), sau đó dỡ hàng đi bằng đường bộ về nhà máy, một số đi tiếp bằng đường sắt theo vận đơn nội địa về ga Kép dỡ hàng.
Theo VNR, nhu cầu hàng hóa liên vận quốc tế tại ga Kép khoảng 10.000 - 15.000 tấn mỗi tháng. Vì vậy, việc ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giúp hạ thấp chi phí logistics.