Bản tin thời sự sáng 23/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu Viettel, VNPT, Mobifone đi đầu nghiên cứu chip bán dẫn; giá USD tự do vọt tăng; 4 nhà máy tại Việt Nam góp 33% lãi của Samsung; Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe A4, đưa hạng B1, B2 về cùng hạng B…

Thủ tướng yêu cầu Viettel, VNPT, Mobifone đi đầu nghiên cứu chip bán dẫn

Thủ tướng giao các doanh nghiệp nhà nước gồm Viettel, VNPT, Mobifone, GTEL đi đầu trong nghiên cứu ngành công nghiệp mới nổi là chip bán dẫn.

Thủ tướng yêu cầu Viettel, VNPT, Mobifone đi đầu nghiên cứu chip bán dẫn. Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Viettel, VNPT, Mobifone đi đầu nghiên cứu chip bán dẫn. Ảnh minh họa

Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra ngày 22/2. Lãnh đạo Chính phủ giao các doanh nghiệp nhà nước làm lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi kinh tế. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực viễn thông phải thúc đẩy các dự án đầu tư, phổ cập hạ tầng, nền tảng, ứng dụng số, nhằm phát triển nền kinh tế số.

Cụ thể, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), VNPT, Mobifone, Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông toàn cầu (GTEL) giữ vai trò dẫn dắt, đi đầu trong nghiên cứu công nghệ mới nổi, gồm công nghiệp bán dẫn.

Bán dẫn hiện được đánh giá là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 - 50 năm tới. Theo Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử.

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu. Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Qua đó, xác định một trong các nội dung hợp tác quan trọng là đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Custom Market Insights, quy mô thị trường chip bán dẫn toàn cầu ước đạt 634,5 tỷ USD năm 2023. Đến năm 2032, doanh thu toàn thị trường này dự kiến đạt khoảng 1.124 tỷ USD.

Riêng Việt Nam, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip bán dẫn đã tăng từ 321,7 triệu USD vào tháng 2/2022, lên hơn 562 triệu USD vào tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc), theo số liệu từ Bloomberg.

Giá USD tự do vọt tăng

Giá USD trên thị trường tự do tiếp đà tăng mạnh, hiện đã vượt mốc 25.200 đồng tại một số điểm thu đổi ngoại tệ.

Giá bán USD tại nhiều một số điểm thu đổi ngoại tệ đã tăng mạnh trong ngày 22/2

Giá bán USD tại nhiều một số điểm thu đổi ngoại tệ đã tăng mạnh trong ngày 22/2

Ngày 22/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 23.981 đồng/USD, giảm 12 đồng so với ngày 21/2.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 22/2, đồng USD tiếp tục "nóng" trên thị trường tự do. Hiện giá USD tự do tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở Hà Nội được điều chỉnh tăng mạnh 120 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, lên quanh vùng 25.150 - 25.220 đồng/USD (mua - bán).

Còn tại các ngân hàng thương mại, "đồng bạc xanh" có tốc độ tăng chậm hơn. Hiện tỷ giá USD tại kênh ngân hàng chủ yếu giao dịch quanh mức 24.330 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.690 đồng/USD ở chiều bán ra.

Riêng tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở 24.390 - 24.760 đồng/USD (mua - bán). Nhà băng này đã tăng 80 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với phiên liền trước, tương đương mức tăng ròng 0,3%.

Như vậy, giá USD tại các ngân hàng đang thấp hơn trên thị trường tự do gần 500 đồng/USD.

So với hồi đầu năm, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 400 đồng, tương đương mức tăng ròng gần 2%. Giá USD tự do ghi nhận mức tăng mạnh hơn, khoảng 550 đồng, tương đương tăng ròng hơn 2%.

Bốn nhà máy tại Việt Nam góp 33% lãi của Samsung

Bốn doanh nghiệp của Samsung tại Việt Nam đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của hãng trong năm 2023, dù doanh thu giảm.

Bốn doanh nghiệp của Samsung tại Việt Nam đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của hãng năm 2023

Bốn doanh nghiệp của Samsung tại Việt Nam đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của hãng năm 2023

2023 là một năm biến động về kinh doanh của Samsung Electronics. Doanh thu toàn cầu của hãng giảm gần 15%, còn 200 tỷ USD. Lãi ròng chỉ bằng khoảng 1/4 năm trước, ở mức 11,8 tỷ USD, so với lợi nhuận 42,6 tỷ USD của năm 2022.

Tuy nhiên, 4 nhà máy tại Việt Nam vẫn là bộ phận chiếm tỷ trọng cao, đóng góp khoảng 30% doanh thu và 33,5% lợi nhuận cho tập đoàn này.

Samsung Thái Nguyên (SEVT) tiếp tục là nhà máy có đóng góp cao nhất tại Việt Nam của Samsung, với hơn 30.600 tỷ won doanh thu (khoảng 23 tỷ USD) và 2.700 tỷ won lợi nhuận (gần 1,7 tỷ USD). So với 2022, doanh thu của nhà máy này giảm hơn 15%, còn lợi nhuận giảm gần 18%.

Hiện, SEVT cũng là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung. Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào Thái Nguyên từ năm 2013 với vốn ban đầu 2 tỷ USD và đến nay số vốn đăng ký đã tăng lên gần 4 lần, đạt hơn 7,5 tỷ USD.

Tương tự, nhà máy tại Thái Nguyên, doanh thu của 2 cơ sở ở Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV) đều giảm. SEV - tổ hợp đầu tiên Samsung đặt tại Việt Nam đến nay vẫn là một trong những cơ sở sản xuất hàng đầu của tập đoàn này trên toàn cầu.

Năm trước, 2 nhà máy này mang về hơn 15 tỷ USD và 18 tỷ USD, giảm lần lượt 15% và 6% so với 2022. Lợi nhuận SEV đạt 1,1 tỷ USD, còn SDV ghi nhận hơn 800 triệu USD, tương đương hạ 10% mỗi nhà máy.

Cơ sở duy nhất của tập đoàn này tại TP.HCM - Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) thu hơn 6.100 tỷ won năm ngoái (4,6 tỷ USD) và lợi nhuận hơn 300 triệu USD. SEHC là nhà máy duy nhất ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong tổ hợp Samsung Việt Nam, khoảng 4,2% so với năm 2022.

Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe A4, đưa hạng B1, B2 về cùng hạng B

Trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất đưa phân hạng giấy phép lái xe, trong đó sẽ bỏ hạng A4, đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B.

Việc phân hạng lại giấy phép lái xe hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Ảnh minh họa

Việc phân hạng lại giấy phép lái xe hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Ảnh minh họa

Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội vừa qua không phân hạng giấy phép lái xe mà giao cho Chính phủ quy định.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, qua ý kiến góp ý của một số đại biểu đề nghị phân hạng giấy phép lái xe cụ thể tại Dự thảo Luật, thấy rằng việc phân hạng giấy phép lái xe vào Dự thảo Luật là cần thiết.

Việc phân hạng giấy phép lái xe vào Dự thảo Luật để nội luật hóa các quy định về phân hạng giấy phép lái xe quy định tại Công ước Viên năm 1968, bảo đảm cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước.

Việc phân hạng giấy phép lái xe sẽ tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên của Công ước Viên 1968.

Chính phủ giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế việc phân hạng giấy phép lái xe đảm bảo vừa kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời không trái với quy định của Công ước Viên 1968.

Để quy định phân hạng mới không gây nhiều tác động, bảo đảm thực thi trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến nội dung về phân hạng giấy phép lái xe quy định tại Dự án Luật sẽ bao gồm các nội dung:

Việc cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.

Bỏ hạng A4 và không quy định hạng giấy phép lái xe cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng.

Đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng giấy phép lái xe là từ công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi.

HAGL Agrico chốt làm dự án 750 triệu USD ở Lào

HAGL Agrico, công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương, muốn đầu tư dự án trồng cây ăn trái kết hợp nuôi bò tại Lào, với tổng vốn 750 triệu USD.

HAGL Agrico có nhiều dự án lớn đang phát triển tại Lào, Campuchia

HAGL Agrico có nhiều dự án lớn đang phát triển tại Lào, Campuchia

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HoSE: HNG) vừa thông qua Dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.

Dự án có tổng diện tích gần 27.400 ha, với tổng vốn đầu tư gần 18.100 tỷ đồng (750 triệu USD). Trong đó, vốn tự có là 9.650 tỷ đồng (400 triệu USD) và vốn vay là 8.440 tỷ đồng (350 triệu USD).

Công ty nông nghiệp này sẽ góp đủ 100% phần vốn tự có 9.650 tỷ đồng để thực hiện Dự án thông qua hình thức góp vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Nam Lào.

Nguồn vốn vay 8.440 tỷ đồng sẽ được huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Dự án trên sẽ trồng cây ăn trái (chuối, xoài, bưởi, sầu riêng), kết hợp chăn nuôi bò bán chăn thả, bò thịt vỗ béo; chế biến trái cây; sản xuất sợi; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thời gian hoàn thiện đầu tư từ năm 2024 - 2028.

Công ty dự kiến mỗi năm sản lượng trái cây tươi xuất khẩu là 624.000 tấn, sản lượng trái cây chế biến xuất khẩu là 25.000 tấn, số bò giống cung cấp là 12.000 con, sản lượng thịt bò thương phẩm xuất khẩu 17.000 tấn.

Qua đó, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 13.500 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD), đem về khoản lãi 2.450 tỷ đồng.

Phú Quốc liên tiếp đón khách đến trên tàu 5 sao

Gần 200 khách quốc tế sáng 22/2 cập cảng Phú Quốc trên một tàu du lịch 5 sao, tàu quốc tế 5 sao thứ ba tới đảo ngọc từ đầu năm.

Du thuyền 5 sao Le Jacques Cartier trong hành trình đưa khách đến Việt Nam

Du thuyền 5 sao Le Jacques Cartier trong hành trình đưa khách đến Việt Nam

Sau khi cập cảng, đoàn khách quốc tế trên tàu Le Jacques Cartier của Pháp tham gia hai loại tour là trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tâm linh và lặn ngắm san hô. Đảo ngọc là điểm dừng chân đầu tiên của các du khách trong hành trình 7 ngày 6 đêm tại Việt Nam. Các điểm đến tiếp theo gồm Côn Đảo, TP.HCM, Cái Bè, Củ Chi.

Le Jacques Cartier được mệnh danh là "biểu tượng của sự tiện nghi và hoàn hảo đến từng chi tiết của nước Pháp". Du thuyền có 9 thuyền hơi dùng để đưa khách cập cảng, 5 boong khách với 92 phòng hướng biển, dài 130 m, rộng 18 m, vận tốc 23 km/h. Một tour du lịch trên tàu có giá từ 150 - 640 triệu đồng, tùy thuộc vào hành trình, thời gian, điểm đến.

Dịp Tết Nguyên đán, Phú Quốc ước đón 52.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 6 lần về số lượng và gấp 8 lần doanh thu so với cùng kỳ. Đoàn khách ngày 22/2 là đoàn khách quốc tế thứ 3 đến đảo ngọc trên du thuyền 5 sao tính từ đầu năm. Hai tàu từng đến Phú Quốc trong tháng 2 là Aida Bella với gần 2.000 khách và Costa Serena chở hơn 1.000 khách.

Bamboo Airways dừng bay chặng Hà Nội - Côn Đảo từ 1/4

Hành khách không thể đặt vé chặng Hà Nội - Côn Đảo trên website của Bamboo Airways từ ngày 1/4.

Bamboo từng khai trương cùng lúc 3 đường bay thẳng đến Côn Đảo từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh

Bamboo từng khai trương cùng lúc 3 đường bay thẳng đến Côn Đảo từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh

Chủ một đại lý máy bay ở Hà Nội cho biết đã nhận được thông báo của Bamboo Airways về việc dừng đường bay Hà Nội - Côn Đảo từ ngày 1/4.

Hiện trên website của Bamboo Airways, khách hàng cũng chỉ có thể đặt vé bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo trước ngày 1/4. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng đang phục vụ 3 chuyến bay/ngày với giá vé dao động từ 6 triệu đồng đến 11 triệu đồng tuỳ hạng vé phổ thông hay thương gia.

Bamboo Airways xác nhận hãng đã gửi thông tin đến các đại lý về việc tạm ngừng nhận đặt vé chặng Hà Nội - Côn Đảo từ ngày 1/4. Tuy nhiên, việc dừng hẳn đường bay vẫn đang được ban lãnh đạo của hãng cân nhắc.

Bamboo Airways từng là hãng tiên phong mở nhiều đường bay đến Côn Đảo từ Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Thanh Hoá, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

Sân bay Côn Đảo do người Pháp xây dựng thế kỷ 19, có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện nay, Côn Đảo là sân bay dân sự cấp 3C và quân sự cấp 2 - đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương, công suất 300.000 khách mỗi năm.

Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hậu Giang bị bắt

Ông Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hậu Giang, bị cáo buộc tiếp tay cho doanh nghiệp chuyển nhượng 3.500 m2 đất mà UBND tỉnh cho thuê.

Ông Lê Phước Nhàn (áo trắng) khi bị bắt tạm giam

Ông Lê Phước Nhàn (áo trắng) khi bị bắt tạm giam

Ngày 22/2, ông Nhàn bị Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam để điều tra hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ông Nhàn là Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang. Cuối năm 2020, Công ty Hà Liêm ở TP. Cần Thơ trúng đấu giá quyền sử dụng 3.500 m2 đất thương mại dịch vụ (thuộc quỹ đất còn lại tại dự án Khu dân cư hai bên đường Tây Sông Hậu) tại phường V, TP. Vị Thanh, với giá 8,5 tỷ đồng, thời hạn thuê đất 50 năm.

Theo điều tra ban đầu, sau khi được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Công ty Hà Liêm không triển khai xây dựng trụ sở theo cam kết. Tháng 10/2021, đơn vị này chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Phương Nam ở TP.HCM.

Tiếp nhận hồ sơ, tháng 11/2021, ông Lê Phước Nhàn đã ký chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng cho Công ty Phương Nam mà không xin ý kiến UBND tỉnh Hậu Giang. Sau đó, Công ty Phương Nam thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này cho ngân hàng vay 12 tỷ đồng.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sau đó phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Hậu Giang.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang xác định, việc ông Lê Phước Nhàn ký chỉnh lý cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên là trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách.